VN88 VN88

Đường vào vườn yêu

Tôi quay mình nhìn theo chân cô. Cô bước xuống lòng mương cạn mọc lùn phùn một lớp cỏ, cách chỗ tôi đứng khoảng mươi bước. ở đó có lố nhố đến bốn năm người đàn ông đang đứng ngồi ra vẻ sốt ruột trên tấm vải mưa trải rộng. Tôi trông rõ họ vồ lấy cô và nói: “Muộn quá! Cô em! Để các anh chờ mỏi cả mắt!”.
Tôi hốt hoảng níu lấy anh, quên cả giận: “Kìa anh! Cứu cô ấy với! Cô ta bị lừa đấy! Cứu mau”. Nhưng anh chỉ cười hiểu biết và đứng yên. Tôi cũng kịp buông tay ra, và không la lối nữa khi thấy cô gái đang thong thả cởi quần áo. Bộ quần áo bằng giấy lấp lánh. Bộ quần áo ấy vừa rời khỏi người cô liền chảy nhũn ra và dúm lại thành một đống ướt sũng.
Trong ánh trăng đặc quánh, thân hình trắng dịu như sương của cô gái từ từ thấp xuống tấm vải mưa.
Tôi khóc và bỏ chạy. Chạy khỏi Vườn Yêu và hộc tốc trở về nương náu trong vườn nhà. Tôi lặng lẽ quèo tay mở cổng. Đó là lần đi khuya đầu tiên trong đời tôi.
Tôi ngồi tựa lưng vào gốc cây duối cổ thụ trong vườn. Đây là gốc cây dại duy nhất không bị đốn. Bởi vì lá của nó quá nhiều vặn vẹo, trông hệt như một thân người gầy guộc đang quằn quại chống lại những cơn đau. Nhưng bên trái, có một cành mọc với lên cao rồi xòe ra. Trên đám lá đó bỗng phủ rực rỡ một vầng dây tơ hồng vàng tha thướt. Tôi không cho người làm vườn đốn cây ấy. Vì tôi nghĩ rằng trong đau đớn, cái cánh tay kia vẫn vươn cao để với lấy vầng mây vàng rực kia. Tôi đã đặt cho cây duối ấy cái tên rất văn chương: “Khát vọng sống”. Tôi ngồi dưới gốc cây, duỗi thẳng chân trước khi cẩn thận gỡ đôi giày giấy và để ra một bên.
“Chỉ tại mình không biết cách tiết kiệm mơ ước nên mới ra nông nỗi này” – tôi nghĩ và duyệt lại trong óc cách tiết kiệm mơ ước của gia tộc tôi. Để chắc ăn, không ai thích sinh ra những đứa con ưa mạo hiểm. Tôi là một đứa lạc loài. Tuy nhiên nghe đồn thầm đồn vụng rằng, dù các cụ đã cố hết sức vuông vắn, song đời nào cũng vẫn để lọt một vài đứa đầu nhọn như vậy.

Có tiếng bước chân. Tôi ngước lên. Một người đàn bà da trắng, răng đen nhánh và mắt sáng đang tiến đến. Cặp đùi thon nở nang được quấn chặt trong một lần váy thâm ướt. Dưới ánh trăng, tôi nhìn rõ màu thâm của váy hình như có pha sắc đỏ. Trông chị ta thật quyến rũ, mặc dù đang hết sức nhợt nhạt:
– Con không nhận ra ta sao? Ta là dì Bản của con đây mà! à phải, con không nhận ra ta, bởi vì ta chết trẻ. Ta chết vì băng huyết. Không có chân dung ta trong nhà thờ đằng kia…
Tôi “á” lên một tiếng. Tôi đã được vụng nghe chuyện dì. Đó là người đàn bà đẹp nhất vùng tôi cách đây năm mươi ba năm. Người đàn bà ấy không biết chờ đợi được giá, đã chạy theo một chàng buôn tơ có cái cân tiểu ly đeo tòn ten đầu tay vải. Và chàng ta đã có vợ. Dì chết vì băng huyết, trong một túp lều lá bố thí ngoài đồng. Mắt dì có đuôi.
– Con ạ. Ta đành phận. Nhưng ta muốn làm được một chút gì đó cho các con – Dì mỉm cười và tay giơ ra một ống tiêm to, cỡ kim tiêm lợn. ống tiêm đựng đầy một thứ nước mầu xanh cỏ úa.
– Ta muốn cho các con không biết đến nỗi đau khổ. Và nhất là, không bao giờ phải khổ vì tình. Muốn khỏi khổ, hãy tiêm vào người một liều máu lạnh này. Và sẽ không một kẻ nào làm cho các con đau khổ được.
Tôi nhìn ống tiêm, ngần ngại đo đắn mầu xanh lạnh lẽo đang phát sáng lên trong ống. Nhìn ra chung quanh, thấy bốn chị gái tôi đang đi xa bỗng dưng cũng từ lúc nào, về đây đông đủ cả.
Với một chút khôn lỏi, tôi giục chị Cả:
– Chị tiêm đi. Tiêm trước đi!

Chị Cả tôi buồn bã lắc đầu:
– Chị không còn tuổi để tiêm, em ạ. Chị đã kịp nếm trải đủ điều và đã kịp gặp một hậu duệ của Sở Khanh.
Tôi ngước nhìn chị Hai.
Chị Hai tôi cười. Mặt chị không một vết nhăn nào, mặc dù năm nay chị đã ngoài bốn mươi tuổi. Chân tay chị vẫn quá mảnh mai và ngực lép như ngực một đứa trẻ.
– Chị tiêm rồi! Em ạ. Hơi quá liều. Chị đã đợi chờ một người lính. Chờ mãi rồi người đó trở về. Nhưng anh ấy lấy một người khác. Người đó xin việc cho anh ấy và mua nhà cho ở. Chị đã tiêm một liều khá mạnh ngay sau đó. Hiệu nghiệm lắm em! Bây giờ, chị không ước được làm vợ và làm mẹ nữa. Tôi ngước nhìn chị Ba. Chị Ba tôi hỏi dì Bản:
– Đằng nào con cũng đã có chồng con. Chưa biết từ giờ về sau sẽ ra sao. Nhưng con đã sinh một cháu gái. Dì cho con để dành chỗ thuốc đó phòng về sau cho con gái con, được không?
Chỉ có chị Tư tôi vén tay chìa sẵn. Nhưng dì gạt đi:
– Cháu Tư không cần tiêm. Sự đau khổ không bén được gót nó. Vì khi có mang nó, mẹ của chúng mày đã tiêm một liều. Thuốc đến giờ vẫn còn tác dụng. Và dì nhìn tôi, mời mọc:
– Nào con Năm đâu! Cháu cưng của dì! Ngoan nào! Chìa tay ra đây. Sẽ chấm dứt mọi phiền não. Dì Cơ trước đây không nghe ta nên mới lặp lại cái chết của ta như vậy…

Tôi ngoan ngoãn chìa tay. Tôi cắn môi chịu đựng chút đau nhói khi kim xuyên vào da thịt. Rồi tiếp theo là cảm giác lạnh buốt. Tôi nhắm mắt chờ đợi.
Nhưng dì tôi bỗng kêu ầm lên:
– Cái gì thế? Thuốc tràn ra khỏi ống. Máu con bé không chịu hòa huyết này! Vô phương cứu chữa!
Dì tôi khóc, rút kim ra rồi yểu điệu quay đi: “Ta sẽ tìm chế cho con thuốc uống. Tuy nhiên, thuốc uống thì tác dụng không chắc chắn lắm. Con vẫn còn một chỗ để nhờ cậy. Đó là ta. Nhớ gọi ta khi cần!”.
Dì đi khuất. Các chị tôi cũng đi tự lúc nào, bỏ lại mình tôi ngồi trơ dưới gốc cây duối dại.
Tôi đứng dậy, buồn nản đi tìm một chiếc hộp. Hộp sơn son thếp vàng rõ đẹp để đựng đôi giày giấy thiếu nữ. Tôi giấu vào một chỗ trong hốc cây duối. Còn bộ quần áo thiếu nữ cũng bằng giấy của tôi. Nó đã chảy nhũn và dúm lại thành một nắm dưới cái nhìn của một chàng trai khác trong lần yêu thứ hai. Tôi đã kết bằng tơ hồng và thả nó trôi trên sông.
Tay đẩy bè, tôi hát:
…. Ơ bè! …. Ơ bè!…
Sao không dạy ta cách đừng mong đợi mùa thu…

(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)

VN88

Viết một bình luận