Tôi lập lại vì thất thế lắm tôi mới về ở đây sống tạm, rất tạm. Trong cái xóm mệnh danh là xóm Chuồng Ngựa thuộc Ấp Tây III Phú Nhuận này, chưa có cái gì gọi là mới, là văn minh dù nó ở kè ngang hông Sài Gòn. Đó là một khu đất lồi lõm có chút đỉnh gò đống, mồ mả và kinh lạch trông cũng được lắm. Nó nằm sau đường Chi Lăng và không xa Lăng Ông Bà Chiểu lắm. Đa số gồm nhà lá. Có một ít nhà ngói thô lợ quê mùa còn hơn nhà lá và bán khai còn hơn chòi tranh. Đó là nhà của những tay có máu mặt bằng nửa con tép riu mới nở, như chủ một nhà dệt chẳng hạn. Đời sống của họ còn quá tối tăm mặc dầu họ cũng tậu được xe hơi và dĩ nhiên những chiếc xe hơi này đã hơn một lần chạy qua trung tâm Sài Gòn, thành phố đông dân cư nhất và thật sự náo loạn nhất của thế giới hôm nay, thành phố duy nhất trên thế giới này đang làm một cuộc tổng hợp đầy máu xương bao nhiêu nền văn hóa Đông Tây lớn nhất từ ngàn xưa. Như đã nói, xóm này mang cái tục danh là xóm Chuồng Ngựa. Chắc trước kia, không xa lắm đâu, ở đây phải có nuôi nhiều ngựa lớn nhỏ đủ cỡ trong những chuồng ngựa to nhỏ nằm rải rác đâu đây và phần lớn trai tráng đều là những tay nài tài tử hay đánh xe thổ mộ truyền tử lưu tôn. Nhiều buổi trưa thanh vắng tôi cảm thấy rợn người khi nghe đâu đây trong hơi gió những bầy ngựa thiên cổ lũ lượt kéo nhau trở về hí lộng vang lừng. Xóm này ngày xưa có nuôi nhiều ngựa thật mà. Bằng chứng là hiện nay vẫn còn có ba bốn ông già đánh xe thổ mộ sau khi đi qua những con đường gập ghềnh, khúc khuỷu vẫn thường về đậu nghỉ đêm ở đây như quyến luyến cái mùi cố hương còn lẩn quất đâu đây trong những đêm trăng tà. Bằng chứng chắc chắn nhất là cái mùi đất, cái mùi nhà cửa ở đây vẫn còn phảng phất chút đỉnh cái mùi ngựa thời xưa hay cái mùi của những cục gì đó của những con ngựa, của những thế hệ ngựa đã đi qua, và cái thời phồn thịnh của nó chấm dứt ở đây không xa như đã nói. Bằng chứng hùng hồn nữa là tất cả những đàn ông cố cựu trong xóm vẫn còn mang dáng dấp gì xa xôi nhưng chắc chắn thuộc về nghề cắt cỏ nuôi ngựa và đánh xe thổ mộ. Đó là cái bộ điệu, cái dáng đi, cái cách ăn nói, cái tiếng cười bất ngờ ngẩng cổ lên và nhăn răng sít rịt (như ngựa hí khi động cỡn hoặc khi tự nhiên thấy khoái chí). Tôi đã có dịp quan sát họ trong những quán cơm nước bình dân (mà phẩm tính đồ ăn thật ra vẫn còn ở dưới mức bình dân xa lắm). Tôi cũng thường quan sát họ ở một vài nơi công cộng như cái chợ nhỏ họp buổi sáng và nơi bán công cộng như cái cầu cá tra thường được dân xóm chiếu cố gọi tắt là cầu cá.
Gọi là cầu cá, cái cầu tiêu vĩ đại nhất trong xóm do một người không tốt cũng không xấu lập ra. Ông đó có một cái ao nuôi cá tra khá lớn. Và trên ao ông cho làm một cái chuồng hẹp và dài phân cách nhau bằng một tấm phên cà tăng. Một bên cho đàn ông và một bên cho đàn bà. Mỗi bên lại được chia ra nhiều ngăn so le sút lít bằng một miếng ván gỗ thùng thấp chụt (cao tay lắm cũng lên đến bốn tấc là cùng), nhưng cùng một giống với nhau, thấy qua thấy lại cũng đâu có sao, mặc dù thật kinh tởm. Và ở mỗi dãy thuộc giống đực và giống cái đều có lối đi riêng. Đó là hai tấm ván mảnh, hẹp bắt từ dưới đất lên. Khi cần, nghĩa là khi thấy cá đã khá no, ông chủ cầu tự động rút bớt mỗi lần một hay cả hai tấm ván bắt lên cầu tiêu sợ nồng độ của phân và nước tiểu của bên âm và bên dương kia có thể giết chết bầy cá sản nghiệp của ông. Gặp trường hợp này tôi chỉ còn biết chửi thề trong bụng, xách quần về nhà tìm kế giải quyết khác. (Tôi thường lấy báo cũ che khắp tứ bề như hát bội và lót nhiều lớp dưới đất đường hoàng để khỏi thấm nước… Xong, gói dụt). Vâng, ông chủ cầu cá cần người ta nên ông mới bỏ chút công của ra làm cầu. Và già trẻ bé lớn cũng rất cần cái cầu của ông ta nên mới ra đó… chơi. Đến khi ông chủ thấy sự có mặt của họ không cần nữa thì ông có quyền rút đi, dĩ nhiên, vì phương hại nặng nề cho ông. Ông không xấu cũng không tốt, ông không tốt cũng không xấu. Ông công bình và đáng yêu. Ông đúng là một trung bình… nhân, ông xử lý rất ư là… trung dung chi đạo!
Ở xóm này tôi muốn tránh gặp bất cứ ai. Nên hễ mỗi lần thấy có một tên nào rề rà muốn làm quen (chẳng hạn như một chú giáo viên, một chú học trò lớn tuổi – trí thức của xóm làng, một chú thư ký xã ấp gì đó, v.v.), tôi liền khôn khéo lẩn tránh.
Thế nhưng đối với gia đình cụ Tường chủ nhà, đối với mấy gia đình lao động cùng thuê san sẻ ngôi nhà ọp ẹp với tôi, đối với mụ liên gia trưởng phách lối xuẩn động ở trước mặt, và đối với bà Bảy khổ cực ở gần đó nuôi một đứa cháu (mà cha nó đã mất xác oan uổng và rất có lỗi với đạo đức một trong hàng vạn chiến trận vô danh nào đó ở Miền Nam để lại một người vợ khổ lụy không bao giờ nhận được chút tiền tử tuất của chồng mang trọng bệnh chết theo luôn), tôi không thể làm ngơ như thế được. Tôi học được một trong những bài học khốn nạn và chó đẻ năm còn đầu tiên trong đời tôi: ngoại giao. Bởi họ nói chuyện liên tu bất tận bên tai tôi kia mà. Và câu chuyện của họ thường thường rất giản dị và rất cù nhầy. Họ bàn chuyện làm ăn cho khá hơn. Xong, họ nói chuyện tục tĩu. Xong, họ lại bàn chuyện làm ăn. Xong, đến chiều tối họ nghe vọng cổ, tân nhạc ba xu thì nhạc giao du. Và đến sáng họ ra cầu cá.
Về ở cái xóm Chuồng Ngựa này, tôi chỉ mang theo những đồ vật nào xét ra nếu bất thình lình mất trộm vì lý do nào, tôi cũng sẽ không tiếc lắm. Giả dụ như một đêm khuya âm thầm nào mò về nhà biết quân bất lương đã “tịch biên” trọn cái gia tài lục cục lòn hòn yêu dấu của tôi, tôi cũng chỉ thở phào ra một cái, mượn đỡ một tấm chăn, tấm màn (hay tấm quần cũng được – và càng tốt) của hai cô cháu thợ dệt trải xuống nền đất, nằm ngủ đại một đêm chờ sáng mai, không dại gì đi khai báo rầy rà mệt xác , bình tĩnh vác cái thân chưa đời nào chịu lên quá 40 ký của tôi chuồn ra khỏi xóm. Như một mai tôi cũng sẽ không cần thu xếp chi cả bình thản chuồn khỏi cuộc đời này. Hay một buổi trưa nào đó trở về thấy khu xóm đã tiêu ra ma trong một trận hỏa hoạn vì rủi ro hay do một âm mưu cực kỳ bất nhân được cả bàn tay pháp luật che chở nào, tôi cũng đứng đó u hoài nhìn ngắm cảnh vật dâu biển một tí rồi lại cũng tà tà bỏ đi không một lời ta thán. Không luyến tiếc, hay cố gắng như thế, bởi coi đó chỉ là một biến thiên tất hữu như tản mây tan tan tụ tụ trên biển trời vậy.
Cụ Tường đã mang trả lại cho tôi hai phần ba trái bầu non. Cụ đã nhân nhượng cắt mất đi cái phần nhỏ nhất nhưng ngon nhất rồi. Tôi thản nhiên coi như đó là một sự tất hữu trong cõi đời kỳ cục, đau thương và lạ lùng này.