Tâm nấc lên và muốn bật khóc. Anh cảm thấy hối tiếc như đã tính sai một bài toán quan trọng nhất đời mình. Anh hối tiếc tràn ngập tuy biết rằng nếu ở lại Đà Lạt nằm xuống lần này là anh sẽ nằm luôn, sẽ hối tiếc nhiều hơn trăm lần.
Khi tàu ra khỏi khu vực nhà ga, nhân viên thừa hành công vụ làm quen với Tâm:
“Ông thật may mắn vì đáng lẽ chuyến tàu này khởi hành từ mười lăm phút trước.”
Tâm không biết trả lời sao. Vì anh chưa chắc đó là may hay rủi. Phải về Sài Gòn cắm đầu làm việc. Anh tự nhủ như thế. Còn may hay rủi thì chưa chắc. Tâm đáp lễ:
“Chưa chắc may hay rủi ông ạ!”
“Ông nói sao?” Nhân viên ngạc nhiên nhìn Tâm.
“Tôi nói chưa chắc may hay rủi khi tôi được đi chuyến tàu đặc biệt này.”
“Sao thế?”
Tâm lại bối rối. Thật ra may hay rủi? “Nga ơi.” Tâm kêu vọng lên, nhỏ vừa đủ nghe. Hay đúng ra tiếng kêu chỉ ở trong hồn anh. Anh không rõ nữa. anh thấy như đã thực sự phản bội và lừa dối Nga. “Nga ơi, có thể, rất có thể lắm Nga ạ, là ngày nào kia anh sẽ thống hối khi anh không bao giờ được về ngôi biệt thự của em nữa vì nhiều lý do. Xa mái tóc em, đôi mắt em, hồ nước trong như gương, những đám rong rêu ven hồ và nhất là những chiều tà êm ả vạn niên mà chỉ có khung cảnh nhà em mới tạo nên một cách kỳ ảo, anh sẽ tiếc suốt đời. Nhưng anh không muốn phản bội lý tưởng và con đường của anh, con đường chỉ thỉnh thoảng mới rợp bóng chiều tà, còn hầu hết nó sẽ chạy qua sa mạc rát bỏng nhảy dựng chân, qua đấu trường để chứng kiến giờ khắc uy nghi nhất đời mình, qua dại dương để đón nhận cuồng phong bão táp, qua những đêm trăng hàn lạnh và cô tịch trên một bờ biển hoang vu nào đó để tiếp nhận sự mong manh, vô nghĩa của kiếp người.”
“Sao thế, thưa ông?” Nhân viên lập lại, thái độ săn đón.
“Thưa ông thật sự tôi không biết trả lời sao.”
Vâng, Tâm không chắc chuyến tàu này may hay rủi cho anh. Anh chỉ biết rằng suốt đời chắc không bao giờ Nga biết đến chuyến tàu kỳ cục này. Cũng như Nga làm sao biết được rằng Tâm đã nhìn thấy rất rõ trái đất này nó quay, nó quay, nó quay.
Xóm chuồng ngựa
Hai tay uể oải vịn hàng rào, bà cụ Tường nhìn lên giàn bầu của bà Bảy. Bà khoái lắm. Thấy tôi đứng lơ ngơ gần đó, bà nói :
“Cũng được hơn hai trăm bạc đó cậu ạ!”
“Thưa cụ cái gì hai trăm ạ?” Tôi vờ vĩnh hỏi lại.
“Thì cái lứa bàu của bà Bảy đó mà.”
“Thưa cụ, sao cụ không thả mấy dây để ăn có đỡ không? Tôi thật tình hỏi vậy.”
“Ối giời! Giồng mẹ cái gì cho mệt cậu!”
Bây giờ tôi mới sực nhớ là xung quanh ngôi nhà gỗ ván một nửa lợp ngói âm dương và một nửa lợp tranh của cụ Tường không có lấy một cái cây cỏ gì để ăn được. Đó là một điều trái hẳn với cái tính đáng khen của người miền Bắc, nhất là những người di cư, và nhất hơn nữa là đối với những người không được dư dả gì nhiều như cụ.
Nhà cụ có đất có sân. Đó là lý do vì sao tôi chịu thuê tạm một gian trong căn nhà gỗ của cụ (mà nền đất của nó trước kia vốn là nền của một cái chuồng ngựa) để sống những ngày tháng thất thế.
Cụ đi ra đi vô. Khi thấy tôi cầm một trái bầu non, mắt cụ sáng lên:
“Ối dào! Mình cậu ăn một trái à, sao hết hở cậu?”
“Dạ thưa bầu non cháu mua về, cháu mua về bằm thịt nạc dồi vào cả trái để ăn cả ngày.”
Tôi run run nên ấp úng rào trước như vậy. Và tôi đã nhấn mạnh mấy tiếng “bầm thịt nạc dồi vào cả trái” và “để ăn cả ngày” để cụ khỏi đòi chia một cách hết sức thiệt thòi cho tôi bằng cách vờ quên không bao giờ chịu trả tiền. Thế nhưng cụ cứ gián tiếp đòi chia và tôi đành chịu thua. Không phải tôi chịu thua thật sự đâu. Bởi tôi cũng đã tính toán trước. Đã “khôn đáo để” hay “khôn bỏ mẹ” như khi cụ nói lén về tôi cho từng người ở trong cái xóm này, cái xóm mà thật sự tôi đang tìm cách bỏ đi và rất ngại nói chuyện với nhiều ản mặt gặp gỡ hàng ngày. Như khi nói với ông Năm Khùng gánh nước thuê (người mà cụ biết có cảm tình với tôi) hay khi nói với bà Bảy (người mà cụ biết rất quý mến tôi) cụ Tường luôn luôn dùng cái phẩm từ tử tế “khôn đáo để”. Còn khi nói với tất cả những người khác trong xóm (những kẻ mà mới liếc sơ qua nửa cái tôi đã biết không có cách chi “chơi” được rồi), cụ Tường không ngần ngại dùng cái phẩm từ “khôn bỏ mẹ”. Tôi biết hết. Tôi đã tình cờ nghe tận tai hết chứ không cần phải nghe lại qua ông Năm Khùng và bà Bảy đâu. Nhưng tôi đã bỏ qua. Tôi đã bỏ qua thật sự vì tôi đã coi cụ Tường (một người đàn bà đáng tuổi mụ nội hay mụ ngoại tôi) là một phần tử trong cái đám đông ngọ ngọe lúc nhác kia. Nhớ làm cái đ… gì cho mệt cái thân tứ đại này. Vâng, tôi đã bằng lòng chịu chia một phần ba trái bầu cho cụ theo kiểu ma ní đó.
“Mà này, cậu đã mua bao nhiêu? Bà Bảy đã để cho cậu b… a… o nh… i… ê… u?”
“Thưa cụ, bả để cho người khác 5 đồng.”
Tôi chưa nói hết câu thì cụ đã nhanh mồm chận ngang:
“À, à ra thế. Bà Bảy để cho người ngoài mỗi trái bầu lớn hẳn hoi thì 5 đồng, riêng cho cậu và vì còn đang non nên chắc bà ấy lấy chừng 3 đồng, phải không n…à…o?”
Tôi chưa biết trả lời sao thì bà Bảy bồng thằng Cu – cháu mồ côi của bà – từ túp lều tranh bước ra nói thay:
“Tội nghiệp cụ Tường ạ! Cậu ấy đã đưa cho tôi 10 đồng. Tôi trả lại 5 đồng cho phải lẽ nhưng cậu không nhận, nói để mua quà cho thằng Cu.”
“Vậy cậu tính sao?” cụ Tường nhanh nhẩu quay sang hỏi tôi.
“Thôi cụ ạ, chia với sớt gì. Cháu ăn… không hết đâu. Cụ cứ lấy một phần trái mà ăn.”
Tôi biết cụ già trên bảy mươi tuổi người Bắc di cư đó khoái bỏ mẹ và sướng hết mình. Bởi tuy ở sát giàn bầu bà Bảy, cụ chưa bao giờ dám mua bất cứ trái bầu nào chứ đừng nói đến bầu non mà ăn. Và tôi đã bằng lòng chia theo cái kiểu quái gở đó cho cụ. Tôi cần nói lại là tôi không dại đâu, không thiệt đâu. Tôi biết tôi sẽ nhờ ở cụ một việc mà chắc chắn cụ thấy rõ chỉ có mình cụ mới giúp tôi được. Đó là việc nhờ cụ để một con mắt (hay nửa con cũng được – mà thực tế chắc một phần tư là cùng) ngó nhà cửa cho tôi trong những lúc tôi đi vắng. Tôi không có đồ đạc nhiều. Trừ một kệ sách, tôi chỉ còn làm chủ được mấy thứ lặt vặt nhưng thật cần thiết và thân yêu trong đời sống hàng ngày của tôi cho đến hết một đời này. Đó là một cái khạp đựng gạo lứt, một cái chum đựng đậu xanh, một hũ đựng tương đậu nành đặc, một cái việm đựng bột sắn, một cái thẩu đựng đường cát vàng, một cái thẩu khác đựng bơ Bretel tôi đã sang qua từ một cái lon thiếc, một chai đựng nước cơm rượu, một chai đựng mắm nêm cá cơm biển, một chai nước mắm nhĩ, một chai lít đựng dầu Olive, một chai ma ri, mấy cái chai nhỏ đựng tiêu, muối, mè, vị tinh, ngũ vị hương, v.v. và một cái rổ đựng tạp nhạp nào là trứng gà, khoai tây, cà rốt, củ dền đỏ, tỏi, hành tây, hành ta, boa rô, đậu săn, hà thủ ô… để gần bên một cái bếp lầm bằng ba cục gạch đơn sơ. (Tôi rất thù tất cả các loại bếp nấu dầu hôi hay đến cả bếp hơi hay điện). Đó, tất cả chỉ là những thứ vụn vặt nhưng vô cùng hữu ích đối với tôi. Vậy mà những cái thứ đó cứ đua nhau biến mất hoài.