VN88 VN88

Xuân tàn hoa mới nở

Năm ấy, mùa xuân đến sớm. Mưa bụi giăng một lớp mỏng như sương sa, chỉ vừa đủ để làm con đường đất trở nên mịn màng hơn. Cây cối bắt đầu cựa mình sau giấc ngủ đông dài đằng đẵng; Đó đây, trên lớp vỏ xám xịt xù xì của chúng đã bắt đầu nứt rạn, nhú ra những lộc là lộc. Màu xanh tươi mới của những thửa ruộng lúa cấy mới bén rễ, của những mầm cây xanh non nõn nuột; Những búp hoa gạo nở sớm đỏ rực bên những cánh sáo đồng đang sao xác tìm đôi; Đám khói đặc quánh cuộn lên từ mấy đống lửa đốt chơi ngoài đồng của đám trẻ trâu đưa lên mùi ngái nồng của cỏ khô lẫn với rạ ẩm … hương xuân thoảng ngọt phảng phất từ những chùm hoa xoan li ti tím nhạt khiến Sinh vô cớ thẫn thờ và cảm thấy trong lòng có một cái gì đấy, cũng giống như lớp vỏ xám xịt xù xì của những cây cối kia, đang cựa mình ngơ ngác … Theo con đường phủ đầy hoa xoan, sinh bước đi, như người mộng du.
Con đường ấy là con đường lên Niềm. ở Niềm hôm ấy đang có hội hát. Nam thanh nữ tú của các quan họ trẩy về từng đám, từng đám như nước chảy mùa xuân. Những nếp áo dài the đen, những vành khăn xếp gọn gàng lịch lãm; Những tà áo tứ thân, những mớ ba mớ bảy, những giải yếm đào tươi thắm, những nụ cười nghịch ngợm tươi khoẻ, những cặp môi đỏ thắm sắc cốt trầu, những cặp mắt lúng la lúng liếng như sao trên trời … thấp thoáng sau những vành nón thúng còn thơm mùi lá mới.

Đứng trong đám hội, Sinh chợt nhận ra mình đang lạc lõng trong bộ áo quần ngày thường. Sinh lùi dần, lùi dần ra phía ngoài lúc nào không hay. Rồi, thấp thoáng trong một đám quan họ nữ, chàng nhận ra Thắm, cũng trong bộ trang phục ngày thường như chàng. Thắm không hát. Thắm là người ứng lời cho đám quan họ ấy. Trông cô vẫn như ngày nào, vẫn thắm nhưng đằm và thong thả hơn nhiều. Cô nhận ra Sinh và cúi xuống, má chợt ửng sáng. Sinh cảm thấy chơi vơi, đất dưới chân như chao nhẹ. Chàng muốn hát điệu Con nhện giăng mùng, nhưng đã lâu không hát, sợ lỗi giọng nên lại thôi. Nhưng kìa, Thắm đã bước lên phía trước. Ăn mặc thế mà hát ư ? Mà Thắm hát thật. Cô hát, giọng thì buồn mà tình lại đượm: Người (ư) người đi đâu (ấy mấy) người (ư) đi đâu (ờ ớ ơ là) đâu, bỏ vắng (ôi a) tình tang. (Luông ơ lính tang tình linh tình cái tang tang tình ừ hư hừ) nói có (a) đèn dầu (ừ hư hừ). Cái đèn, cái đèn dầu, rằng cũng có (ôi à) ai khêu. Cái đèn, cái đèn dầu, rằng cũng có (ôi à) em khêu. Hát xong, trông cô lại càng buồn và trong ngực Sinh chợt dâng lên một cái gì đấy, nao nao, khắc khoải, buồn bã và vô vọng. Tối hôm ấy, về nhà, Sinh thẫn thờ, bỏ bữa và đi nằm sớm, nhưng cứ trằn trọc mãi, không sao chợp được mắt.

Hôm sau, vẫn theo con đường đó, như kẻ lạc lối nhận ra đường cũ, Sinh lại trôi đến hội, lòng những muốn hát điệu Ngồi tựa mạn thuyền cho vợi bớt niềm khắc khoải dịu ngọt đang đầy dần trong lòng. Nhưng để mắt tìm cả buổi mà không thấy bóng dáng Thắm đâu. Chàng hỏi thăm một cô gái trong đám quan họ đó, cô bảo chị Thắm xin lỗi quan họ chúng em hôm nay mệt không đi được. Sinh thẫn thờ, rồi, như người nhập đồng, đôi chân cứ tự nhiên đưa chàng về nơi Thắm ở.

Ở gian giữa, Sinh thấy chỉ có Thắm. Cô đang cho thuốc vào các ô kéo. Thắm quay lại, nhận ra Sinh … Cái mẹt thuốc buột khỏi tay cô, rơi xuống nền nhà. Thắm khuỵu xuống, bàn tay run bắn, luống cuống nhặt những lát thuốc vàng thẫm rơi tung toé trên nền nhà. Sinh, như có giời khiến, cũng ngồi xuống nhặt giúp. Chưa bao giờ chàng gần Thắm đến thế. Đôi mắt đen láy, cái hương hoi nồng, ấm sực toả ra từ làn da, từ mái tóc trần, từ bên trong lần vải yếm của Thắm khiến Sinh cảm thấy choáng váng. Tay chàng díu lại, không thật nữa. “Anh làm sao thế?” – Thắm nhìn Sinh, thương cảm – “Nước da anh dạo này xấu lắm, khổ !”. Rồi cô đứng dậy đi vào buồng. Lát sau, ông chú đi ra, bắt mạch cho Sinh. “Nhà anh can nhược lắm. Tôi cắt mấy thang dưỡng can, chịu khó mà uống, không rồi để quá đi thì khổ”.

Uống hết thuốc, Sinh lại đến cắt thêm. Nhưng những lần sau đó chàng không gặp được Thắm. Một lần, từ xa, thoáng thấy bóng Thắm ngoài vườn, trong lòng đã thấy rộn ràng, nhưng khi vào thì chỉ gặp ông chú. Chàng vờ hỏi thăm, nhưng ông cụ bảo Thắm có việc phải đi xa lâu ngày. Sinh biết ý, trong lòng càng thấy buồn bã và từ đấy không đến cắt thêm thuốc nữa. Nỗi buồn bám lấy Sinh như cái bóng, chẳng những không buông tha mà còn lớn dần, nặng trĩu, não nề. Những lúc không có việc, Sinh chẳng thiết đi đâu. Những thang thuốc đem về vứt chỏng trơ, đã lên mốc xanh mốc vàng. Nhìn chồng ngày càng rộc đi, Nhài lạnh lùng:
– “Bệnh của mình không ai chữa được đâu. Phải bỏ cái thói đứng núi nọ dòm núi kia đi thì mới mong khỏi được !”. Chàng không nói gì, nhìn Nhài mà cứ như nhìn đi đâu, xa lắm.

Đến cuối thu, Sinh đổ bệnh thật. Anh cu Mùi sang nhà, thấy bạn nằm còng queo, da mặt xám ngoét, võ vàng thì giật mình hốt hoảng. Nhìn Sinh chằm chằm, Mùi lùi dần lùi dần ra cửa, quay lưng, bỏ chạy ra ngoài sân, chật chưỡng lốc thốc như có ma đuổi. Đến quá trưa, Mùi trở về cùng với ông chú và cô em gái. Sinh vẫn nằm im, thiếp đi mê mụ. Bắt mạch xong, ông cụ lật đi lật lại bàn tay Sinh ngắm kỹ rồi quay sang Thắm – khuôn mặt trắng bệch, vẫn đứng như hoá đá từ lúc vào nhà – nói gì đấy. Thắm lập cập đi ra ngoài. Lát sau quay vào với một chén nước màu hồng nhạt trên tay. Ông cụ thận trọng trích đầu ngón tay người ốm, nặn ra một giọt máu, rỏ vào chén nước. Màu hồng nhạt trong chén, thoắt cái, biến thành màu xám chì. Ông cụ ngẩng mặt nhìn Thắm, nhìn anh cu Mùi rồi nhìn Nhài:
– Trong người có độc ! – Ông nói sau một thoáng đắn đo – Đây là loại độc chỉ thấy dùng trong giới quan trường và trên giang hồ chứ không phải là thứ độc thường do ẩm thực bất cẩn. Trong người lại bị suy nhược lâu ngày nên càng nguy lắm.
Ông cụ quay sang Nhài:
– Gần đây thường thấy người bệnh giao du với những ai ?
– Dạ, nhà cháu cũng không biết ạ. – Nhài lễ phép trả lời.
– Nhưng thôi, sự ấy bây giờ không phải là hệ trọng.
– Chú ơi – Thắm níu riết lấy áo ông cụ – có cách nào giải được không ? – Có đấy, nhưng trong bài thuốc có một vị chủ mà ta lại không có.
– Thưa, vị gì, chú mau nói đi ! – Thắm bồn chồn.
– Huyết của một người nữ …
– Thế thì không thiếu … – Thắm hấp tấp ngắt lời ông cụ.
– Ta nói đã hết đâu – Ông quay sang Thắm, nghiêm khắc – Làm nghề này nhất định không được hấp tấp. Ta nói là huyết của một người nữ, nhưng đó là một người nữ thực lòng yêu thương người bệnh kia.
– Thưa cụ, cháu là vợ của chàng, cụ không lấy huyết của cháu thì lấy ở đâu nữa ?
– Tốt ! Uống thuốc rồi, sau hai canh giờ tất thấy hiệu nghiệm.
Rồi ông cụ hài lòng, cầm bút kê vị cho Thắm làm thuốc.
Nhưng hơn ba canh giờ đã trôi qua, Sinh vẫn nằm mê mệt, trì lịm, khí sắc tịnh vẫn không có gì biến chuyển. Ông cụ lắc đầu thở dài, đứng dậy bỏ về bên nhà anh cu Mùi. Thắm cũng đứng dậy, hai bàn tay cứ bện vào nhau, chậm rãi bước theo ông chú.
– Chú ơi – Thắm run run, thì thào – Thử lấy huyết của cháu xem có được không ?
Ông cụ dừng chân, mỉm cười:
– Chú cũng đoán ra và vẫn chờ câu này của cháu. Nhưng cháu không sợ người làng dị nghị sao ? Đời cháu còn dài, phải lấy chồng nữa chứ ?!
– Thì cứ cứu người cho được đã, còn họ muốn nói gì thì nói … cháu mặc kệ !
– Ôi, cái nhà cậu Sinh này mới thật là người tốt phúc !

Rồi, quả nhiên, mọi cái diễn ra thật tốt đẹp. Sinh bình phục nhanh chóng đến kinh ngạc. Nhài vẫn thế, không vui, cũng chẳng buồn. Người làng ai cũng đến mừng cho Sinh. Ai cũng khen cô Thắm là người nết na, phúc đức; Ai cũng bảo cái nhà cô Thắm ấy sao mà kín đáo lạ !
Sau đó không lâu, các bô lão trong làng kéo đến nhà Sinh nói với hai vợ chồng rằng làng sẽ đứng ra làm đám cưới cho Sinh. Cô dâu mới là Thắm. Nhài choáng người, đầu óc sa xẩm. Nhưng làng đã nói vậy, không nghe không được. Không nghe làng thì ở với ai ?! Vậy là Nhài cũng buộc phải thuận lòng.

Đám cưới diễn ra suôn sẻ. Trẻ con trong làng đứa nào cũng nhảy chân sáo. Người lớn trong làng ai cũng bận rộn và nói cười râm ran.
Sau đám cưới, Nhài vẫn như cái bóng trong nhà mặc dù Sinh và Thắm, không ai bảo ai, luôn để ý để không làm điều gì khiến Nhài phải nghĩ ngợi.

Năm sau, trong nhà đã có tiếng trẻ con khóc. Mùi nước đái tè dầm của thằng cu như liều thuốc thần diệu, khiến Sinh trở lại hoạt bát, cái tay lúc nào cũng muốn làm, cái miệng lúc nào cũng muốn cười.
Người đời vẫn bảo “Phúc bất trùng lai”. Nhưng, giờ đây, đối với Sinh, điều đó hình như không phải. Nhài tò mò đến bên thằng bé, cô cầm lấy bàn chân hồng nõn của nó, cô sờ cặp má lấm tấm mụn sữa của nó … cô ẵm nó lên; rồi cô thơm tho hít hà, rồi cô “níu nô” cưng nựng … rồi cô đâm ra nghiện thằng bé, quý nó như thóc như gạo; lắm lúc còn tức giận mắng Thắm vì cái tội lơ đễnh, xuýt làm thằng bé ngã, khiến Thắm nhiều khi không khỏi ngạc nhiên, sững sờ đến ấm lòng. Tiếng khóc, mùi nước đái trẻ, mùi thơm hoi ngọt nồng từ thằng bé toả ra, truyền hơi ấm cho cả nhà, khiến Nhài dần dần biến đổi lúc nào không hay. Cái lạnh lẽo cô quả dần nhường chỗ cho những nụ cười, cho hơi ấm, cho sinh khí của tình mẫu tử đang ngỡ ngàng nảy nở tràn ngập trong cô. Và năm kế sau đó, thật không thể tưởng tượng nổi: Nhài cũng lại có mang !

Rồi, đúng như lời anh cu Mùi nói, vườn ruộng tự dưng cứ tốt bời bời, cây cối quanh nhà thì sum xuê mướt mát … Vải vóc do hai bà vợ dệt ra nhiều thế, cũng chẳng đẹp hơn như thứ vải Nhài đã từng dệt trước đây, mà chưa bao giờ đủ bán; còn lũ trẻ thì cứ thế mà thi nhau chào đời, choành choẹ, trêu chọc, khóc mếu, cười đùa, chạy nhảy, vòi vĩnh, kiện cáo … đến muốn vỡ nhà. Chỉ có một điều anh cu Mùi đã nói không đúng: Sinh chưa bao giờ thấy giức đầu vì lũ trẻ mắt đen láy, lốc nhốc, nhem nhuốc nhà mình cả.

(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)

VN88

Viết một bình luận