Truyện ngắn xôn xao cánh đồng nước do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn xôn xao cánh đồng nước.
Xem truyện ngắn: Xôn xao cánh đồng nước
Tác giả: Anh Đức
Luồn qua khỏi cụm tràm xơ xác vì bom đạn, đoàn khách chúng tôi dừng lại trên một bờ trâm bầu rậm lá. Sau kẽ hở của những thân cây trâm bầu nhú gai sắc, cánh đồng ngập nước lấp loáng như một tấm gương lớn. Anh giao liên nhấc cái nón sắt Mỹ trên đầu xuống nói:
– Tới chỗ đổi trực rồi, mình nghỉ đợi bên kia qua, mấy anh lo bẻ lá ngụy trang đi. Cánh đồng mấy anh sắp qua đây rộng tới ba bốn cây số, mà trống lắm!
Nói rồi anh vặt một nhánh trâm bầu trước mặt, giơ tay chỉ:
– Đó, mênh mông vậy đó!
Tôi để nguyên ba lô ngồi bệt xuống, dòm ra đồng. Hồi mùa khô năm ngoái tôi có đi qua đây. Vậy mà bây giờ cách đồng ngó coi khác quá. Ông trời đổ mưa chưa đầy một tháng mà nước đã ngập mênh mông như biển. Tôi đặt balô đứng lên đưa mắt trầm ngâm nhìn quãng đồng lát nữa đây mình sẽ phải vượt qua. Giữa trời trưa không hé một tia nắng, đồng nước nhấp nhô những làn sóng nhỏ, mải miết như trẩy về một bến bờ xa xăm nào. Trên cánh đồng nước đìu hiu đó không có gì ngoài những chòm gáo thưa với những khóm điên điển trổ đầy những bông vàng rực giống như sắc lông chim hoàng yến. Bên trên, bầu trời âm âm một màu tro. Đấy chính là bầu trời
Tháp Mười tháng Bảy, trông như thấp hẳn xuống và trĩu nặng những nước. Tôi vừa bẻ vội mấy nhánh trâm bầu để ngụy trang vừa nói với anh giao liên:
– Nè, sao không cho tụi tôi đi đêm, có phải tiện hơn không hở ông bạn trẻ?
Anh giao liên bảo:
– Ôi, bây giờ ban đêm thì có khác chi ban ngày. Ban đêm tụi “cá nhái” đi soi còn dữ nữa đa anh!
Tôi lo lắng ngó nhìn đoàn người chúng tôi. Mười ba người. Súng ngắn thời nhiều mà súng dài thời ít, đâu chỉ có hai cây cạcbin của hai anh chiến sĩ cận vệ trẻ. Ngồi xuống bên cạnh một anh cán bộ đeo khẩu “Braonin Canađa” loại bắn mười lăm phát, tôi nói:
– Anh à, mình đi công tác đeo súng ngắn có gọn, nhưng tác dụng đánh trả kém lắm!
Anh gật đầu:
– ờ, tôi cũng tính kỳ này về đơn vị tôi cũng sẽ rán kiếm một cây cạcbin, hễ đi đường đụng biệt kích là mình có thể té xuống quật lại liền. Hay là gặp trực thăng, mình “chiếu” lên, nó cũng phải kiêng!
Anh giao liên đang ngồi vấn điếu thuốc, chợt nói chen:
– Trời đất, người ta kiếm súng ngắn không ra mà mấy anh chê. Mấy anh không nghe phụ nữ họ hát à?
– Hát sao?
– Súng dài súng lớn em cũng chớ có màng.
Dây dù “côn nớp” mới chính là chàng em yêu!
Anh giao liên đọc luôn câu đó rồi nhoẻn cười một cách rất là hóm. Anh xin tôi lửa đốt thuốc và bật đứng lên, ngó qua ven đồng phía bên kia. Anh nói:
– Bữa nay tới phiên chị Ba trưởng trạm đi chuyển qua, bộ mắc còn lo dỗ con hay sao mà tới trễ quá!
Tôi ngẩng lên:
– ủa, lần trước tôi có qua trạm đó thấy trưởng trạm là anh gì đó mà?
– ờ, anh Ba. Nhưng ảnh đã hy sinh. Cũng trên cánh đồng này, hồi tháng nắng. Bữa đó ảnh bắn cây bá đỏ, tả xông hữu đột với mấy con trực thăng cá nhái, giải thoát cho đoàn khách. ảnh là chồng của chị Ba. ảnh chết rồi, chị Ba mới lên thay. Hoàn cảnh gia đình chị có hơi bê bối, có một đứa con còn nhỏ… Tụi tôi vẫn gọi chị là chị Ba Tương Lai.
Anh cán bộ mang khẩu “Braonin” bảo:
– Chị đó có cái tên nghe hay quá. Thời buổi cách mạng này, anh chị em mình ai cũng đặt tên tốt.
Anh giao liên vội thanh minh:
– Không, cái tên đó không phải do chị Ba tự đặt cho mình đâu. Mấy anh cán bộ, bộ đội qua đường đặt đó chớ. Chẳng là cái trạm của chị hấp dẫn, không “hẻo” như trạm của tụi tôi. ở đó thường có nhiều chất tươi, lươn cá dễ kiếm, nhiều khi có cả dừa xiêm, chuối chín, còn trà thuốc kể như dự trữ thừa sức. Cho nên mấy anh khách thường qua lại đây kêu chỉ là chị Ba Tương Lai, nghĩa là tới trạm của chị thì có tương lai lắm. Tôi nói thiệt, chiều nay mấy anh tới đó rồi biết, đám nữ giao liên em út của chị Ba cũng đông, chớ không phải đều là dân đực rựa như bên trạm tụi tôi đâu!
Dứt câu, anh giao liên lại nhoẻn cười cái nữa, nụ cười này cũng không kém phần ranh mãnh. Những điều mà anh giao liên vừa nói dĩ nhiên là khiến cho cả đoàn khách chúng tôi phấn chấn hẳn lên. Nhưng riêng tôi, cái khiến tôi lưu ý suốt tự nãy giờ chính là chuyện về cái chết của người chồng và sự thay thế của người vợ. Tôi định gợi hỏi thêm, nhưng anh giao liên đã buông chuyện, rướn người đặt ngón tay cái và ngón trỏ vòng quanh mắt ngó qua ven đồng bên kia. Lần này, anh hớn hở reo lên:
– Mấy anh ơi, tôi bỏ ống dòm ngó thấy chị Ba qua rồi. Đó, đó, mấy anh thấy chưa?
Tôi nhỏm dậy, nhìn theo hướng tay của anh giao liên. Quả là thấy có dạng người mặc quần áo đen nhô ra khỏi ven vườn thật. Lát sau, đã thấy nước tóc trắng dưới chân họ. Rõ ràng là họ đã bắt đầu băng đồng. Hình như có hai người. Họ băng ngay về hướng chúng tôi. Lúc ấy chợt có mưa. Mưa rơi nhẹ nhàng, lâm râm khắp mặt đồng nước. Tháng Bảy bao giờ mà chẳng thế. Bầu trời âm âm sũng nước của Tháp Mười rất sẵn sàng mưa. Khi ta nghe hơi gió trở lạnh là sắp mưa đấy thôi. Những cơn mưa nhỏ, những trận mưa to. Trong mưa, cánh cò vẫn bay lả chập chờn từ mặt ruộng nước này tới mặt ruộng nước khác. Và những con le le, bói cá vẫn te rẹt ngoi lặn. Đâu đây nghe vẳng tới tiếng kêu ré của những con trích sống nơi lùm bụi nửa ngập nửa nổi. Cảnh Tháp Mười mưa là cái cảnh quê hương dầm tắm sau suốt sáu tháng ròng chang chang nắng lửa, là cái cảnh lặn lội kiếm ăn miệt mài của con chim ruộng, con cá đồng. Đối với tôi thì cảnh Tháp Mười mưa dễ khơi dậy bao kỷ niệm thấm lòng về những năm tháng gian lao, về những nỗi đắng cay căm uất, về cái thời chúng ta chỉ có trái tim sôi sục mà trong tay chưa có sắt.
Mưa vẫn rơi nhẹ nhàng trên đồng nước. Hai bóng người bên kia mỗi lúc một gần lại. Nếu anh giao liên không nói trước, bây giờ tôi cũng có thể nhận ra họ là phụ nữ. Cả hai đều vén quần lên tới vế, do đó mà tôi biết được nước đồng chỉ lên quá gối một chút. Chốc sau, cơn mưa ngơi ngớt dần, và cánh đồng lại trở nên quang tạnh. Người phụ nữ đi đầu có vẻ cao lớn, còn người đi sau thì thấp bé hơn. Anh giao liên nói:
– Người đi đầu là chị Ba đó.
Dần dà hai người đã hiện rõ trước mặt. Vậy là tôi đã hình dung không đúng cho lắm. Cái chị Ba Tương Lai này cao lớn chớ không nhỏ nhắn như tôi tưởng. Chị ta coi vạm vỡ, tướng đi xốc xáo, và có một cái búi tóc rất to. Còn cách bờ trâm bầu chỗ chúng tôi ngồi nghỉ chừng vài công đất, chị ta đã nói vọng vào nghe oang oang:
– ừ, tới rồi đó hả, mấy ông nhỏ?
Anh giao liên đáp:
– Tới lâu rồi, bộ còn lo dỗ con sao mà tới trễ vậy chị Ba?
– Trễ gì?
Chị Ba Tương Lai bác luôn. Chị hỏi anh giao liên:
– Giấy tờ của mấy ảnh đâu?