Đêm nơi thâm sơn lạnh đến buốt thịt da. Cái bếp chất đầy củi đầu hôm đã tàn rồi. Tro bay lên đã phủ kín đầy giường, đầy sạp. Tôi và Điều nằm chung. Đêm nó không ngủ được, vì cái phên nứa cứ sột soạt nên tôi biết. Nó rên hùi hụi. Người nóng ran như cái lò than. Nó sốt vào ban đêm, còn tôi ban ngày. Hơn chục ngày rồi nó vẫn không cắt sốt, đang có chiều hướng nặng hơn. Tôi đã đỡ hơn nên có điều kiện chăm sóc nó. Sáng ấy, trời tạnh ráo. Tôi dìu Điều ra sân hong nắng. Nó vẹo xiêu không lê nổi bước qua cái bậc xuống sân. Ngày thường nó nói luôn mồm, ấy mà cả tuần nay cộng lại chưa đủ mươi câu. Nắng mùa đông nơi rừng sâu chẳng đủ xua đi cái lạnh. Không ổn. Tôi lại dìu nó vào, đỡ nó nằm xuống sạp, tủ hết chăm màn của hai đứa, rồi cẩn thận dém lại cho kín người. Nó thều thào:
– Mày… nằm xuống cùng tao, lạnh quá tao chịu không nổi.
Vừa nói nó vừa lần tìm trong túi áo cái gì đó, rồi cái môi thâm sì lại mấp máy:
– Tao nhờ mày việc này. Mày cầm lấy cái bút, cất giùm tao. Nếu còn sống, hãy về quê trao lại cho đứa em gái. Ngày tao nhập ngũ, con bé cứ đòi xin cái bút, tao không cho. Bây giờ thương nó quá mày ơi. Ngày mai tao đi rồi…
– Bậy nào! Ít ngày nữa cắt sốt thôi mà. Cố lên Điều!
Nó lại thều thào:
– Không qua nổi mày ơi. Đã có đứa nào sốt rét chuyển qua ác tính mà qua được đâu. Sáng qua, bác sĩ định chuyển tao đi tiếp. Tao mài nỉ ông ấy xin được ở lại, ít nhất ở đây còn có mày.
Hai ngày sau đó, lúc thì Điều sốt miên man trong mê sảng, lúc quật quả trong điên loạn. Tôi nghĩ, chắc là nó đoán được số mệnh của mình, nên đã trao chiếc bút và trăng trối. Bác sĩ đã tiêm thuốc đặc trị sốt rét liều cao cho Điều. Hắn thiếp đi dễ hơn nửa ngày rồi tỉnh. Hắn kêu đói. Tôi mừng quá, chạy vội xuống nhà ăn kiếm cho nó tô cháo. Nó húp sột soạt được mấy miếng rồi nhăn mặt đẩy tô cháo ra. Vậy là qua cơn hiểm nghèo rồi. Mặt đã thấy tươi lại, nhưng miệng nó vẫn lải nhải cái điệp khúc “Ngày mai tao đi…”. Nó nói trong tỉnh táo nhưng nhiều lần quá nên tôi cứ tưởng như nó đang mê sảng. Cái bút tôi vẫn găm trên túi áo, chưa trả lại nó. Thì cũng chả vội, của đâu còn có đó. Mà thật ra đã có lần tôi trao lại, nó gạt đi:
– Mày tin tao đi. Linh tính đang mách bảo tao!
– Ôi dào, linh với chả tính. Nghe người ta nói sốt rét ác tính sẽ chết, nhưng tao và mày đã thấy thằng nào chết đâu nào.
Năm ngày tỉnh lại là năm ngày nó kể tôi nghe chuyện về bố mẹ nó, về em nó. Lâu nay có bao giờ nó đem chuyện gia đình ra kể với tôi đâu. Những đêm không sốt, nó nằm ôm choàng lấy tôi mà kể. Cái mùi ngai ngái của thuốc kí ninh từ người nó, từ người tôi toát ra khắm khét, hôi còn hơn cả khỉ đột. Người tôi mồ hôi túa ra những khi sốt, cứ nhờn nhợt. Người nó cũng vậy, đã bao nhiêu lần mồ hôi ướt rồi lại khô. Những cơn sốt đến với tôi cứ thưa dần, rồi cắt hẳn. Dần dà, tôi bình phục lại. Còn hắn…
Những đợt gió mùa đông bắc vẫn không ngớt tràn về. Cây rừng sũng nước, đứng lặng ngắt trong cái rét tái tê. Thỉnh thoảng một cơn gió ào qua, cả rừng cây rùng mình rũ nước. Dưới kia, mấy cái thác vẫn ào ạt đổ xuống, tung bọt mù cả một khúc dài con suối. Trên này, lính sốt rét, đứa xo ro bên những bếp lửa. Những đứa khoẻ hơn, tụm năm tụm bảy trên sạp chơi tú lơ khơ. Đứa thua nhiều, mang đầy mình nào ba lô, thắt lưng, dày dép. Đứa hể hả là đứa thắng đậm nhưng mặt cũng đầy vết nhọ than râu ria. Xa xăm về phía đông, bom đạn vẫn rền rĩ. Chớp giật đỏ lựng một góc trời. Ít ngày nữa thôi, những thằng ngồi trên sạp kia lại khoác ba lô về dưới ấy. Rồi dưới ấy lại bổ sung tiếp lên đây những thằng sốt rét, những thằng đã dính vài ba mảnh bom pháo. Thằng cụt chân, gãy tay, mất mắt… không bao giờ ở lại lâu nơi bệnh viện tiền phương này. Chúng vĩnh viễn rời xa chiến trường. Và những thằng vĩnh viễn nằm lại ngoài mặt trận thì không bao giờ về đây.
Thằng Điều sốt ngày một dữ hơn. Khi lên đỉnh điểm cơn sốt, nó vật vã, lồng lộn như đứa tâm thần bị trói buộc. Chúng tôi gì chặt cái thân ốm o nó xuống giường để bác sĩ tiêm thuốc vào cái mông đã thâm sì vì những mũi kim. Nó kêu thét lên rồi ngất lịm đi. Không biết Điều đã kiệt sức, hay vì đã ngấm thuốc. Trong mê sảng, Điều lại gọi tên bố, tên mẹ và tên em gái. Chỉ có tôi nghe rõ câu cuối cùng nó nói với tôi, cứ nhỏ dần, nhỏ dần…”Ng…ày ma…mai… tao đi…”!
….Hết sức rồi Điều mằn lặng đi trên chiếc giường cấp cứu sơ sài của bệnh viện, đôi mắt vàng ệch mở trân trân nhìn tôi. Không nói được nữa, nhưng bàn tay lạnh ngắt của Điều vẫn bíu chặt tay tôi. Khi ông bác sĩ rút cây kim tiêm ra, cởi cái ống nghe xuống, cũng là lúc bàn tay Điều buông ra. Tôi vuốt mắt cho Điều, khi mắt mình nhoè đi vì đau đớn.
Điều ơi! Trên chốt, bom đạn là vậy mà mày vẫn trụ được. Về đây rồi, sao mày nỡ bỏ tao mà đi. Cái bút tao vẫn cất đấy, rồi liệu em gái mày có nhận lại được không. Cái bút còn đấy mà vĩnh viễn bố mẹ mày, em mày không bao giờ đọc được những dòng thư của mày gửi về. Thôi đừng nhắc nữa cái câu “Mày mai tao đi…”.
Tôi nghẹn ngào tiễn Điều đi. Ở mặt trận, không có đám tang, không trống kèn, hương khói. Tôi lầm lũi, nặng nề bước theo bốn anh lính trẻ đưa Điều ra mảnh đất bằng phẳng bên bờ con suối cạn. Quạnh quẽ cái nghĩa trang nhỏ nơi thâm sơn, với mươi lăm nấm mồ nhỏ nhoi, Điều đã nằm đấy. Xong nắm đất cuối cùng phủ lên mộ Điều, tôi lại lầm lũi, nặng nề trở về cái sạp nứa hai đứa đã nằm. Ngậm ngùi tôi gói chiếc bút, cất sâu xuống đáy gùi, như chôn cất kỉ niệm đớn đau về một người bạn. Đêm mùa đông vẫn hưu hắt, lặng lẽ chuồi đi giữa dòng đời nghiệt ngã.
(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)