Con người còn làm bao nhiêu cái kỳ quặc, vô bổ, vô cớ khác nữa.
Ðánh cờ, đá bóng, thả diều, thổi kèn, làm thơ…. cũng đều không nhằm củng cố, vun bồi, phát huy cái sống. Ðều là những hoạt động “chơi”, không phải hoạt động hữu ích. Hoạt động linh tinh ấy không phải là hoạt động hoạ hoằn: nó nhiều lắm. Nhiều một cách khiêu khích. Con người càng văn minh càng lắm sáng kiến kỳ quặc, và càng đưa những hoạt động ấy lên địa vị cao, địa vị tiêu biểu của mức độ văn minh. Giọt nước mắt cô Kiều khóc cho số phận Ðạm Tiên, La Joconde với nụ cười không đâu, hạt lệ rơi lặng lẽ vì một khúc nhạc tình phụ mà ngẫu nhiên tai bắt được trong đêm khuya, niềm khoái thích về một câu pha trò thông minh, những tra vấn khúc mắc mà đau đớn, những ám ảnh suy tưởng miệt mài, vật vã, đời này sang đời khác về ý nghĩa của cuộc sống… Những cái đó đánh dấu từng trình độ văn minh mà không đóng góp vào sự duy trì cuộc sinh tồn.
Các nghệ sĩ và trí thức sẽ phản đối: Vẽ nụ cười cũng là phát huy sự sống (tinh thần), sao không? Thổi điệu sáo buồn cũng có thể như thế. Ðã đành là vậy. Nhưng ở đây, khi nói về vấn đề sống chúng ta chỉ giới hạn vào cái nghĩa hạn hẹp, thích hợp với cái sống của cả muôn loài: cầm thú, cỏ cây. Tức sự sống còn của thể xác vật lý mà thôi.
Nhìn chung, cứ như thể muôn loài đều hết mình vào cái sống, còn con người – loài muôn-lẻ-một – thì muốn vươn cả ra ngoài sự sống.
Trong số những thứ hoạt động “vươn ra” ấy, nên kể một thứ đặc biệt: là tự tử. Trương Quỳnh Như tự treo cổ trong ngày cưới, đó chắc chắn không phải là một phát biểu[1] để vun bồi cái sống. Nếu là phát biểu, chẳng qua cô ta vùng vằng ngúng nguẩy phát biểu về một nồng độ yêu đương thôi. Hoạt động ấy là một can thiệp táo tợn của con người vào định luật thiên nhiên. Là quá xá.
Lại kể thêm một hoạt động “vươn ra” thật ồ ạt. Là giết nhau. Loài người giết nhau liên miên không ngừng. Lịch sử loài người là lịch sử chiến tranh. Gì còn chừa bỏ được; giết đồng loại không chừa được, không bỏ được. Có khi không cần một khung cảnh chiến trường, người ta có thể xây lò lên đốt luôn sáu triệu dân Do Thái chẳng hạn.
Muôn loài khác, có khi con này cắn con kia, bầy này đánh nhau với bầy nọ, đàn này cắn nhau với đàn khác, nhưng không dữ dằn, qui mô bằng loài muôn-lẻ-một. Thú vật quá bận vì cái ăn, không thể lao vào những cuộc chiến đấu qui mô với đồng loại. Trong muôn loài thú, được tạo hoá trang bị cho nanh vuốt dữ nhất là những loài ăn thịt. Nhưng con thú ăn thịt, hễ cứ sau mấy giờ đồng hồ, tiêu hoá ngót bụng thịt là phải vội vàng đi tìm ngay con mồi khác để săn để giết; nếu không, chính nó kiệt sức bỏ mạng cấp kỳ. Con người trồng trọt được, có vựa có kho để tích trữ thực phẩm, không bị cái đói đuổi theo sát sạt, nên có thì giờ tổ chức những cuộc giết nhau dài ngày.
Ðánh nhau riết, loài người trau dồi kỹ thuật và trang cụ chiến tranh đến chỗ tuyệt vời. Ðã lâu, loài người có thừa phương tiện khí giới để giết trọn loài người, giết đi giết lại nhiều lần.
– Giết làm chi vậy?
– Tất nhiên không phải vì sự sinh tồn của nhân loại. Có thể cũng không vì lợi ích thiết thực của một bên nào.
– Vậy giết nhau làm chi?
– Vì một thứ gì đó, vượt ra ngoài cái cần thiết cho sự sinh tồn.
– Một thứ gì?
– Thí dụ một quan niệm, một chủ thuyết, một tín ngưỡng…
– Trời đất!
– Là những thứ không thể khoan nhượng.
– Trời đất!
– Muôn loài sinh vật giành nhau miếng ăn, giành nhau khu vực săn mồi, là những thứ liên quan trực tiếp đến sự sống còn. Tranh giành như thế có thể tương nhượng thoả hiệp để cứu lấy mạng sống. Phía yếu xin nhường vài miếng mồi. Chưa được? Thêm một miếng nữa nhé. Vẫn chưa? Thế thì nửa miếng nữa vậy, được chứ gì? Tranh giành rừng núi, để nới rộng khu vực săn mồi? Thì bên yếu có thể thuận cắt đất mảnh này, mảnh nữa, nhượng bộ lần lần. Miếng ăn bớt được, đất đai bớt được; chứ quan niệm, chủ nghĩa, tín ngưỡng thì cắt giảm từng miếng để mặc cả thế nào được? Kẹt cứng thôi. Giết nhau vì cạnh tranh sinh tồn còn có cách giải quyết; giết nhau bên ngoài chuyện sinh tồn thì vô phương can thiệp.
Muôn loài răm rắp theo định luật tạo hoá. Luôn luôn bám dính vào sự sống, để rồi cuối cùng lăn ra chết cả. Loài muôn-lẻ-một thì trong khi chờ chết lại lắm trò linh tinh. Chút cá tính của nó gây nhiều rắc rối, mệnh số của nó đầy bất trắc.
Trong nghìn năm tới đây, nó thêm khả năng, thử xem còn linh tinh tới đâu.
Tháng 4.2000
[1]Xem “Cái chết như một phát biểu” của cùng tác giả.
(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)