Truyện ngắn vùng đất may rủi do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn vùng đất may rủi.
Xem truyện ngắn: Vùng đất may rủi
Tác giả: Lê Đạt
Đêm đường hầm ngày xúc xắc chưa gieo
Hai người rời sòng bạc Monte Carlo. Gió thổi hơi nước vào đất liền mát như quạt. Lẫn với mùi nồng và tanh của biển là mùi hoa… phảng phất lan đêm.
Jean rút khăn tay lau mồ hôi trán, càu nhàu:
– Làm sao lại không trúng?… Làm sao lại không trúng?
Theo những con tính rất công phu của ông thì không thể sai được. Hòn bi ngà chắc chắn là phải rơi vào ô số năm.
Đây không phải là lần đầu tiên may rủi không tuân theo những phép tính của ông và Michel.
Jean vẫn nói như độc thọai. Hai người ở với nhau quá lâu đến mức không cần phân biệt độc thọai với đối thọai. Thường khi họ nói với nhau bằng im lặng.
Vẫn giọng nói càu nhàu của Jean:
– Mình tưởng đã ăn chắc… Thế mà vẫn trật một số.
Ở Monte Carlo ít người để ý đến hai nhân vật bình thường và kỳ lạ này.
Họ là bạn đồng nghiệp với bề dày ba mươi năm trường. Một người dạy toán, một người dạy vật lý trung học trên đảo. Họ cùng trọ một khách sạn nhỏ, vừa với đồng lương ít ỏi của mình. Khi về hưu, ai cũng tưởng họ sẽ hồi hương. Có phải cuộc đời thường đơn côi đã tạo nên một thèm muốn da diết đến mức vào lúc xế chiều, khi ở chặng chót một con đường dốc nhiều gió xóay, người ta không thể không ao ước tìm về một chốn có thể rất là tẻ nhạt nhưng đã được kỷ niệm và nhiều nghìn năm văn sách khóac cho một định danh quyến rũ là quê hương? Ba năm quay đầu về núi hỡi ơi!
Ai chẳng có quê hương riêng cũng như ai chẳng có một tuổi nhỏ, một tình yêu… dù bất túc. Nhưng họ không về quê. Họ ở lại nơi đồng đất xứ người, chẳng phải vì đất lành chim đậu, cũng chẳng phải vì giận thân, giận đời mà vì một giấc mộng lớn đã bành trướng trọn diện tích trái tim họ một đam mê, cái đam mê cuối đời nó còn phát triển vô chính phủ và khốc liệt hơn cả những tế bào ung thư giai đoạn cực phát.
Chẳng ai để ý đến họ ngòai một người thứ ba tên Jacques, một sinh viên toán trẻ tuổi làm “mùa” tại khách sạn vào mỗi dịp hè đông khách đến đón mát, để kiếm tiền đèn sách.
Giấc mộng hai ông già hẳn phải lớn lắm và cuộc hành trình hẳn phải vạn trùng lắm vì người ta có cảm giác thân hình họ ngày một bị kéo dài thêm bởi sức hút của vô tận, hệt như những pho tượng mộng du vũ trụ dài nghêu của Giacometti.
Giữa bữa ăn đạm bạc thỉnh thoảng hai người bỗng ngừng nghỉ vì một ý nghĩ chợt đến. Hay cả hai sau một lời đề xuất quái quỷ của người kia (?), bỗng rút túi lấy ra một cuốn sổ hí hóay hằng hà những con số, những ký hiệu, những sơ đồ kỳ lạ… quên cả miếng bíptếch thơm phức nguội dần trên đĩa.
Họ không bao giờ nói to. Cứ thầm thầm thì thì như đám hội kín hội hở gì… Rồi lại ghi ghi chép chép… Và đút ngay sổ vào túi.
Họ sống lầm lũi, thầm lặng vắng mặt trong những cuộc điểm danh ồn ào đời thường. Hình như họ lựa chọn sự khuyết diện làm cách hiện diện tối ưu để ngọai phạm mọi bận tâm, mọi bon chen dung tục, khuất tất của mưu sinh.
Nhưng dù đãng trí kinh niên, họ chưa vô tâm đến dửng dưng những biểu hiện tình cảm nhỏ của Jacques. Một bó hoa mới cắm trong lọ cánh còn tươi rói, một chiếc khăn ăn sạch sẽ, thơm tho, một con dao ăn không đến nỗi phải lên gân mới cắt được miếng thịt bò. Nhất là khi họ biết Jacques là sinh viên toán.
Họ sẵn lòng phá thói quen độc thọai, ưu tiên Jacques dăm ba câu chuyện đầu ngô mình sở rất mực khoa học, rất mực truyền kỳ…
– Anh có biết thuyết bất ổn theo số mũ không? Một cánh bướm đập khẽ giữa trung tâm rừng nguyên sinh Amazones một trăm năm sau khả lực quật gẫy cột tháp Eiffel tại Paris hay ngục tháp London kiên cố, nơi giam hãm hai anh em ấu vương Edward đệ ngũ…
– Anh có biết câu nói kỳ quặc của Pascal không? “Nếu mũi nữ hoàng Cléopatre ngắn hơn một chút, bộ mặt địa cầu sẽ đổi khác!”
… Thượng đế là một cao thủ hàng đầu trong trò xóc cái. Tôi nghĩ rằng ông ta thế nào cũng giữ tủ một quy luật chi phối được may rủi… và nắm vững được vận mệnh của những con súc sắc.
Mắt Michel lấp lánh sau cặp kính cận dày cộp như chiếc kính viễn vọng tự tạo được ông bố trí nơi kho chứa gác thượng.
Muốn tìm quy luật của may rủi không thể không theo dõi vận hành các sao trong hệ Mặt trời vì vận hành của chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống Trái đất.
Jean, nhà toán học, trầm ngâm vẽ những hình bát quái trên mặt bàn. Đã gần ba năm nay ông miệt mài Kinh Dịch và khoa học cổ Ai Cập.
Những lời của hai ông già bảo là sâu xa cũng được, điên loạn cũng được nhưng lần nào chúng cũng khiến Jacques bâng khuâng như lúc bước chân xuống phà qua một con sông.
Và khi ánh đèn Monte Carlo lấp lánh trên những tầng nhà bậc thang như lời mời du khách bước lên thăm tầng thượng tinh cầu, Jean và Michel lại mặc bộ lễ phục màu đen được bảo tàng rất chi là cẩn thận hành hương tới sòng bạc. Đã bao đêm hai nhà khoa học điên rồ này săn đuổi con số độc đắc mà giới rulét gọi là số đầy (numéro plein) một ăn ba mươi lăm như săn đuổi con kỳ lân một sừng trong thần thọai. Và lại ghi lại chép. Trong một tập thống kê đầy đủ và tỉ mỉ không thua kém bất cứ một tổng cục thống kê nào trên thế giới.
Tuy đêm nào cũng chỉ đánh một lần nhưng họ có đủ cái đam mê của một tay chơi cay cú sẵn sàng đem toàn bộ sinh mệnh đặt cược trong một tiếng bạc.
Định mệnh soi mình lúc ẩn lúc hiện trên viên bi ngà quay ngược chiều với chiếc cần quay kim lọai lanh canh nơi đáy đĩa thăm thẳm…. Hạnh phúc… hạnh phúc sẽ rơi vào con số nào? Dăm tháng nửa năm, một phát súng lại nổ ngay cửa sòng bài chấm dứt một cuộc lần tìm may rủi bất tận. Có phải may rủi nằm trong thân phận con người?
Cũng có thể… Nhưng đối với hai ông già kia thì đó là một cuộc thách đố gay gắt mà một con người tự trọng không thể tháo găng đầu hàng. Không ít lần hai người tưởng đã súyt nắm được vạt áo hạnh phúc… Nhưng viên bi ngà óai oăm tưởng dừng bước, lại lăn sang một địa chỉ bên cạnh.
Jean vẫn lẩm bẩm:
– Anh có thấy viên bi đã nấn ná mãi ở ô số năm không?
Michel im lặng nhìn lên trời. Bỗng bâng quơ:
– Hình như hôm nay là trăng tròn.
Cái mặt trăng tròn thì có ăn nhập gì đến câu chuyện… Hai người lại im lặng đi…
Michel thủng thẳng:
– Anh có nhớ hai câu thơ nổi tiếng của một nhà thơ Trung Hoa không?
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương (1)
Mặc dù đã quen thuộc với tính kỳ cục của bạn, Jean vẫn không khỏi ngạc nhiên:
– Tôi không hiểu anh muốn nói gì… Nhà thơ Tàu thì có quan hệ gì đến ta?
Michel mỉm cười:
– Nhà thơ Tàu thì không nhưng Mặt trăng thì có… Anh có để ý đến sự kiện mặt trăng vào kỳ viên mãn thường ảnh hưởng đáng kể đến những người mắc bệnh thần kinh?
– Anh muốn nói…
– Tôi để ý thấy ánh mắt của người giữ cái đêm nay thỉnh thoảng có những tia khác lạ và tay anh ta hơi run…
Jean thở dài như trút được một gánh nặng:
– Anh muốn nói là người cái có thể mắc bệnh tâm thần?
Michel im lặng một lát:
– Tôi hơi ngờ…
Một buổi trưa, thấy Jean chạy xộc vào buồng, mặt xúc động chẳng kém gì Archimède đang ngâm mình trong bồn tắm bỗng phát hiện ra định luật trọng lượng tồng ngồng chạy khắp phố, vừa chạy vừa la: “Tôi tìm thấy… tìm thấy…rồi.”
Jean hổn hển:
– Đúng rồi… Anh chàng cách đây ba năm đã có thời gian điều trị tại bệnh viện tâm thần… Có thế chứ… Phương trình của mình thiếu đứt một dữ kiện… bất cập là phải.
Jean rút túi ra một tờ giấy nhàu nát:
– Tôi còn lên được một lá số tử vi của anh ta…
Michel cầm lá số chăm chú đọc:
– Mệnh vô chính diệu…
Và giở sổ ghi mấy ký hiệu loằng ngoằng như bùa phù thủy.
Jacques không phải là người thứ ba duy nhất (?!) chú ý đến hai vị giáo già. Chú ý đến hai ông còn có một người thứ ba bí mật nữa mà Jacques tình cờ bắt gặp… Tối hôm ấy… vào giờ sinh họat Casino của hai ông già, không biết có việc gì Jacques qua chỗ phòng hai người. Anh bỗng thấy có ánh đèn… Anh đẩy cửa bước vào… Thì ra có kẻ ăn trộm. Jacques vừa định vác chiếc ghế đẩu phang cho hắn một cái, chủ yếu không phải vì tội ăn trộm mà vì tội ngu xuẩn. Hai ông già xương xẩu ấy còn thứ gì nạc để mà gặm. Người lạ mặt ngẩng đầu lên đàng hoàng như chính Jacques mới là kẻ trộm. Hắn chậm chạp tiến ra phía cửa cài chốt.
– Hay nó định thủ tiêu mình?… Không có lý.
Không có lý thật. Người khách lạ ra hiệu cho Jacques ngồi xuống và dí vào mũi anh một tấm các an ninh, giọng nghiêm trang:
– Chúng tôi nhận được mật báo sở Gestapo đầu tư cho một số nhà khoa học nghiên cứu lọai động cơ đặc biệt có sức đẩy một trái bom bay xa trong không gian…
Jacques phải nghiến chặt răng lại để khỏi bật cười. Hai ông già dở dở ương ương kia là hai nhà vũ khí học lợi hại thật sao? Nhưng kinh nghiệm của một người dân thường dạy chàng trẻ tuổi không nên đùa với cơ quan bí hiểm này. Jacques làm vẻ ngạc nhiên:
– Hai ông già dở người này là nhà khoa học làm việc cho Gestapo?… Ông đa nghi quá.
Người lạ mặt cười nửa khinh bỉ nửa thương hại cho cái tuổi trẻ nông nổi và nói tiếp:
– Nghề của chúng tôi là đa nghi… đến mức tay phải cũng không tin tay trái của mình. Nhưng cuộc đời phức tạp lắm, người trẻ tuổi ạ… Anh có biết Michel là một nhà vật lý có cỡ không? Tên ông là Michel Varhop, người Alsace gốc Đức. Gốc Đức, anh nghe rõ chưa? Michel từng có một số bài về lý thuyết vận tốc đường đạn đăng trong tạp chí Nature, tạp chí khoa học hàng đầu thế giới. Anh lạ lắm hả… Tôi có nhiệm vụ chụp tất cả những tài liệu này gửi lên trên. Là một công dân nước Pháp, anh có nhiệm vụ giúp đỡ chúng tôi theo dõi họat động bất minh của họ… Tôi ngờ rằng việc nghiên cứu lý thuyết cò quay chỉ là một vỏ bọc cho một công trình nghiên cứu vũ khí nguy hiểm…
Giọng người lạ mặt nghiêm hẳn lại:
– Chắc anh cũng hiểu ông chủ khách sạn đây là một cộng tác viên của chúng tôi?
Và coi như một điều hiển nhiên, người lạ mặt sau khi sắp xếp lại các thứ tài liệu vào hồ sơ hệt như cũ, xé sổ tay ghi mấy con số đưa cho Jacques.
– Nếu có tình hình gì đặc biệt, anh gọi cho chúng tôi theo số điện thoại này.
Jacques đứng sững nhìn cho đến khi người lạ mặt khuất hẳn. Anh bỗng bật cười… cười rũ rượi như điên rồ… nước mắt rơi xuống miệng mặn chát…
Jacques nhớ đến một buổi chiếu phim gần đây, nhớ đến cảnh đám đông mặc quần áo đen bọ hung, cánh tay đeo băng in hình chữ thập ngoặc như một lũ quái vật lũ lượt diễu hành trên quảng trường Berlin lầm lì… dọa nạt… Bước chân ngỗng rầm rập, những tiếng Heil Hitler động trời phía sau là những đống sách cháy ngùn ngụt một ngọn lửa địa ngục.
Anh bỗng ngửi thấy mùi khét của thuốc súng và của chiến tranh. Trong canh bạc bão loạn sắp tới, hai ông già kia sẽ rụng về đâu… bản thân anh sẽ rụng về đâu… cuộc đời bình thường sẽ rụng về đâu… Anh khóc thật sự.