VN88 VN88

Vỡ hết cả mật

Sống và tiếp xúc với anh Hải mới vài ngày nhưng chúng tôi ai cũng thương và mến anh hết sức. Ảnh giỏi nhưng không khoe khoang, làm phách. Chúng tôi không bao giờ nghe ảnh nói về công việc và chức vụ cao của anh trong công ty. Ngoài ra ảnh còn rất điềm đạm, chững chạc, và nhiệt tình với chúng tôi dù là gia đình bà con của vợ. Ảnh đưa chúng tôi đi đây đó giới thiệu thành phố, thắng cảnh và tận tình giải thích những thắc mắc của chúng tôi. Đi nhà hàng ăn uống thì ảnh cũng dành trả tiền. Bích Giang còn nói:
– Anh Hải là con bò sữa của Giang đó. Mình cứ vắt đi đừng ngại.
Anh Hải cứ cười và tiếp tục dành làm khổ chủ. Đúng là một tuyệt phẩm còn sót lại trên thế gian này!!!
Vài ngày sau, anh Hải bị cảm. Chắc là đuối sức vì phải phục vụ khách. Ảnh từ công ty gọi về nhờ vợ sẵn đưa đón đứa nhỏ ghé qua tiệm thuốc mua sẵn cho ảnh đi làm về uống. Vậy mà cô nàng lại quên mất. Đến khi anh Hải về nhà hỏi thì Bích Giang mới nhớ ra:
– Em quên mất chớ. Thôi để mai em mua cho.
Mặt anh Hải buồn thiu. Chắc ảnh tủi thân thấy vợ không quan tâm gì đến mình. Tụi tôi nói nhỏ giục Bích Giang:
– Giang đi mua cho ảnh đi. Người ta bịnh muốn được quan tâm đó mà.
– Thôi mất công thay đồ lái xe đi mua có tí thuốc. Ảnh chịu đến ngày mai được mà. Cảm chút xíu có chết ai đâu. Ảnh nhõng nhẽo đó.
Ông xã tôi nói:
– Thôi để anh lái xe đi mua cho. Anh sẵn mặc đồ đi tiện hơn.

Vấn đề là ai mua không nói, nhưng thái độ hững hờ với chồng như vậy tôi chắc là anh Hải sẽ buồn lắm. Con người mà, ai cũng có những lúc yếu đuối và cần đến sự săn sóc, để ý và quan tâm của người xung quanh, nhất là giữa hai vợ chồng. Bây giờ ảnh bịnh nhờ vợ mua thuốc chỉ là một cách ảnh muốn vợ yêu thương lo lắng cho mình mà thôi, vậy mà Bích Giang lại hững hờ với ảnh như thế. Khi thuốc được mua về tôi nói với cô nàng:
– Hồi chiều thấy anh Hải mệt và buồn hiu. Giang lấy nước và thuốc lên phòng cho ảnh uống đi. An ủi săn sóc cho ảnh một tí tội nghiệp.
Cô nàng nghe lời mang thuốc và nước lên phòng cho ảnh. Không biết cô nàng tỉ tê dỗ dành thế nào mà đến tối thấy anh chàng xuống nhà mặt mày tươi tắn và có nét vui vui. Chúng tôi cũng vui theo.
Một bữa cả nhà ngồi ăn cơm với nhau. Tôi khen món dưa chua ngon. Anh Hải hỏi:
– Ủa, dưa em muối hở Giang? Sao anh không biết? (Dĩa dưa để hơi xa anh nên anh không thấy)
– Không. Chị Liên hàng xóm cho một hủ luôn.

Dĩa dưa trên bàn hết sạch nên tôi đứng lên và nói:
– Để Thanh lấy thêm cho anh ăn nghe.
Giang gắt:
– Chị Thanh ngồi xuống ăn cơm đi. Ảnh muốn ăn thì để ảnh đi lấy. Ngồi đó mà chờ người ta hầu à? Muốn ăn thì lăn vào bếp.
Cô nàng này sao không nghĩ gì đến tự ái và mặt mũi của chồng mình cả. Săn sóc phục vụ nhau một tí có hại gì đâu. Anh Hải đã lo và phục vụ cho mọi người chứ bộ ảnh làm biếng nằm ì ra chờ hầu à?
Cô nàng còn nói thêm:
– Hầu ảnh quen thói rồi bữa nào mấy anh chị về bắt Giang phải hầu à?
Bích Giang giờ thay đổi nhiều quá. Càng ngày càng hung dữ, ngang ngạnh không những với chồng mà còn với đứa nhỏ. Một bữa đi ăn nhà hàng, bé Jessica đau bụng đòi đi phòng vệ sinh. Thế mà Bích Giang không cho con bé dùng phòng vệ sinh của nhà hàng vì sợ dơ và bắt con bé phải nhịn chờ cả nhà ăn xong để về nhà. Nhìn con nhỏ mặt mày xanh dờn vì đau bụng, ai cũng thương hết sức, lo ăn vội vội để con bé được sớm về nhà giải quyết bầu tâm sự.
Chúng tôi ở chơi được vài ngày thì anh Hải phải đi Anh công tác một tuần. Tôi nhắc Bích Giang:
– Giang thu xếp hành lý cho ảnh chưa?

Tôi hỏi vậy vì thói quen mỗi lần gia đình tôi đi đâu đều một tay tôi lo sắp xếp hành lý từ A tới Z. Nhưng Bích Giang nói:
– Ồ, chuyện đó ảnh tự lo. Giang không bao giờ lo mấy chuyện đó đâu. Cả nhà đi đâu ảnh còn lo hành lý cho hai mẹ con nữa là. Tí nữa ảnh sẽ ủi bộ đồ nào ảnh cần.
Mấy chị em gái xúm lại góp ý:
– Thấy ảnh dễ thương ghê đi. Giang phải lo và chìu ảnh một chút chứ để ảnh tự lo đủ thứ thấy tội quá.
Cô nàng chống chế:
– Tính ảnh kỹ lắm, làm dùm mà ảnh không vừa lòng mắc công cãi nhau.
– Cứ nghĩ như vậy không được! Lần đầu không vừa ý thì cải thiện lần sau. Tụi chị thấy chuyện gì Giang cũng sai và đì ảnh làm cả.
– Làm một chút mà, ảnh đâu có than. Hồi đó Giang mang thai và sinh con Jessica cực khổ hết sức thì việc khác ảnh lo là vừa. Đâu có thấm gì!
– Sao nói ảnh không than? Ảnh vừa mới nói là Giang đã cười vào mặt người ta rồi! Thấy người ta hiền ăn hiếp có ngày người ta bỏ cho mà khóc.
– Còn khuya mà ảnh hiền. Ảnh cao tay lắm đó, mấy người không biết đâu.
Không biết anh Hải cao tay ở chỗ nào mà gặp cao thủ Bích Giang thấy ảnh xếp re thật là tội. Thấy ảnh đi làm về là bắt tay vô dọn dẹp nhà cửa ngay. Tôi và cô em gái nghĩ hay anh này tính đàn bà? Và thích bị vợ đì? Trên công ty bây giờ ảnh là xếp lớn, vậy thì xếp có bị lính đì không đây? Công việc của ảnh ở công ty chắc nhiều áp lực lắm, vậy mà về nhà lại nghe vợ chí cha chí choét la con ồn ào, rồi nhà cửa bề bộn, lại bị vợ hành làm việc nhà nữa, không biết ảnh có cảm giác như thế nào? Có khi bị vợ hành từ từ từng chút một lâu ngày chày tháng rồi quen dần?

Nghe nói ảnh đi công tác ở Anh có quen một cô chủ nhà hàng Việt Nam chưa có chồng, tụi tôi bảo Bích Giang:
– Không chìu ảnh coi chừng qua Anh bị bắt cóc đó nghe.
– Đố ảnh dám. Giang dữ như thế này ảnh không dám léng phéng đâu.
Tụi tôi cùng ồ lên:
– Cũng biết mình dữ hở? Chính vì vợ hung dữ ăn hiếp nên mấy ông chồng hay tìm bạn hiền để tâm sự và an ủi đó.
– Ảnh không dám để mất Giang và con bé đâu!
– Vì tình yêu người ta dám đổi cả giang sơn huống hồ chỉ có con sư tử Hà đông và con mèo con. Giang lo cưng và giữ chồng đi là vừa.
– Giang biết giá trị của Giang! Mấy chị đừng lo.
Bích Giang đâu biết rằng giá trị của mình không còn bao nhiêu nữa. Nhan sắc thì còn có chút xíu. Sự quyến rũ, dịu dàng ngày nào cũng đi đâu mất. Đôi mắt long lanh ngày xưa như nước hồ thu thì nay làm đứa con nhỏ muốn tè trong quần mỗi khi mẹ nó long lên sòng sọc. Đôi môi mộng đỏ buông những lời ngọt dịu ngày nào thì giờ quát tháo nhiều hơn là nói…Và dáng người cao gầy dong dỏng thì giờ lại như biến thành hai…Không biết những điều thay đổi này anh Hải có nhận ra không hay ảnh cũng quen dần rồi?
Chúng tôi cứ lo một ngày nào đó, ảnh thức tỉnh và nhìn thấy sự thay đổi đó. Hoặc là sức chịu đựng và nhẫn nhục của con người cũng có giới hạn, ảnh sẽ vùng lên và đạp đổ những áp bức quá lố hoặc sẽ dũ bỏ?

Tôi hỏi Giang:
– Giang có tính đi làm lại không?
– Đi làm tù túng bực lắm. Ở nhà trăm việc để lo. Con Jessica còn nhỏ mà.
– Nghe nói công ty cũ của Giang đang cần kỹ sư, sao không nhờ anh Hải đưa vô lại? Ảnh là xếp mà, chắc dễ thôi. Con Jessica đi học lớp một rồi, cũng đâu phải lo cho nó như ngày xưa.
– Ngoài giờ học ở trường còn phải đưa đón nó đi học thêm đủ thứ nữa. Với lại tụi Giang cũng đủ tiêu rồi, đâu cần kiếm thêm tiền.
Tôi nghĩ thầm trong bụng mặc dù anh Hải lương cao nhưng nếu một mình phải cáng đáng cho kinh tế gia đình thì cũng nhiều áp lực lắm. Ảnh không muốn đích thân bảo vợ đi làm nhưng nếu ảnh đem chuyện công ty cần người về nhà kể có thể là một cách nói khéo chăng. Nhưng chuyện kinh tế này không phải là vấn đề chính mà là Giang phải trở ra xã hội làm việc lại để tu tâm dưỡng tánh một chút. Tôi nói:
– Giang à, chị biết là Giang không phải là con người lụy vì tiền. Nhưng Giang đi làm chỉ là một cách tiếp xúc với xã hội để làm mình hoàn chỉnh hơn thôi. Ở nhà hoài tính tình mình dần thay đổi mà mình không biết đó.
Giang vẫn cương quyết:
– Để sau này hẵn hay. Con Jessica vừa mới lớn lớn, Giang vừa khỏe ra một tí ngu gì phải tự đì cái thân.
Thôi tôi cũng không muốn khuyên Giang nữa. Chuyện gì phải xảy ra thì sẽ xảy ra thôi. Mình lo xa quá thật dư hơi.

Năm sau, Bích Giang gọi phôn cho tôi. Cô nàng chào hỏi xã giao xong than vãn:
– Giang bực mình hết sức vậy đó. Anh Hải đi công tác xa hoài hà, cứ bỏ hai mẹ con ở nhà một mình.
– Vậy chứ ảnh đi đâu?
– Đi Anh nữa! Hồi trước hai tháng mới đi một lần. Giờ thì đi liên tục.
Tôi an ủi:
– Chắc giờ công ty đang lên nên ảnh phải đi thường xuyên hơn.
Tôi đâu dám nhắc cô nàng chuyện cô chủ nhà hàng Việt nam để đổ thêm dầu vào lửa lúc này, nhưng chắc Bích Giang có nghĩ đến mà vì tự ái không dám nói lên thôi.
Giang than qua đứa con:
– Còn con Jessica càng ngày càng lì, mẹ nói mà tỉnh bơ không chịu nghe lời gì cả.
– Chị thấy nó ngoan lắm mà.
– Chị không biết đâu, nó thay đổi rồi. Hôm bữa nhà trường còn khuyên Giang phải đưa nó đi gặp chuyên viên cố vấn tâm lý nữa đó.
– Có phải là Giang cho nó học thêm đủ thứ nên nó mệt chăng? Coi chừng bị thần kinh thì khổ. Gì mà mới có mấy tuổi đã bắt học võ, vũ ba lê, piano, bơi, Spanish tùm lum. Làm sao nó kham nỗi?
-Nó thích học mà. Có phải là Giang ép đâu.
– Giang không ép nhưng cái kiểu của Giang thì nó đâu dám kêu ca. Rồi Giang còn quát tháo nó suốt ngày nên nó sinh ra phản ứng tâm lý ù lì chống lại mẹ đó. Chị thấy không những đứa nhỏ mà ngay cả mẹ nó cũng phải gặp cố vấn tâm lý.
Giang bực mình chồng con, xổ ra cho tôi nghe suốt cả tiếng đồng hồ. Tôi nhủ thầm:
– Bích Giang ơi! Đừng hành chồng quá sức mà có ngày ông chồng dù hiền như Tam Tạng cũng phải bỏ đi tìm một nơi khác an bình hơn. Lúc đó có hối hận cách mấy thì đã muộn.

Nhiều khi cứ thu gọn sinh hoạt trong phạm vi gia đình, con người đổi tánh lần hồi không hay. Nếu ta cứ coi người thân mình như vật sở hữu, không nghĩ đến những cảm xúc hoặc tự ái của họ, thì lần hồi ta sẽ trở thành một con người đanh đá, tàn nhẫn, mất tế nhị chính với những người mà ta yêu thương nhất. Tôi thật buồn, điều tôi lo lâu nay hình như đã bắt đầu thành sự thật. Sự chịu đựng cũng có giới hạn, ly nước chắc là đã tràn. Anh Hải chắc đã chán cái không khí gia đình nên mới đi Anh liên tục thế kia. Có phải tình yêu đẹp ngày nào của đôi trai tài gái sắc sau giai đoạn Bí mật, Thân mật, Trăng mật rồi sẽ đến giai đoạn cuối cùng là VỠ MẬT chăng?

(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)

VN88

Viết một bình luận