Truyện ngắn vị thánh và đứa con yêu do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn vị thánh và đứa con yêu.
Xem truyện ngắn: Vị thánh và đứa con yêu
Tác giả: Saki
Dịch giả: Nguyễn Thị Chân Quỳnh
SAKI (1870-1916),
Saki tên thật là Hector Hugh Munro, người gốc Tô cách lan (Scottland), sinh tại Miến điện (Burma) nhưng được nuôi dậy ở Anh quốc.
Trước khi bước chân vào nghiệp văn, Saki cộng tác với tờ báo bảo thủ The Morning Post và chỉ bắt đầu viết truyện châm biếm từ 1896. Trừ cuốn sách đầu tay là một cuốn sử liệu, và hai tập tiểu thuyết, tác phẩm của Saki gồm toàn truyện ngắn :
1990 The Rise of the Russian Empire.
? The Westminster Alice.
1902 Not so stories.
1904 Reginald.
1910 Reginald in Russia.
1911 The Chronicles of Clovis.
1912 The Unbearable (tiểu thuyết).
1913 When William came (tiểu thuyết, Noel Coward đã mượn ý viết thành kịch Peace in our time).
1914 Beasts and Super Beasts.
Khi Thế chiến I bùng nổ, mặc dầu không còn ở lứa tuổi thanh niên, Saki đã là người đầu tiên xung phong nhập ngũ. Năm 1916, ông từ trần ở Pháp.
Hai cuốn sau đây được xuất bản sau khi Saki đã mất :
1919 The Toys of Peace.
1919 The Square Egg.
Saki nổi tiếng về truyện ngắn, đôi khi rất ngắn chỉ độ vài trang, cười cợt, châm biếm pha chút quái dị, kết cấu thường đột ngột.
Cái xã hội mà ông mô tả là xã hội Anh hồi đầu thế kỷ XX, khi ảnh hưởng Thanh giáo (Puritanism) chỉ còn cái vỏ với những nghi thức, ước lệ bên ngoài. Saki ưa vạch ra những tập tục giả dối, những “khuôn vàng, thước ngọc” của xã hội văn minh, chỉ đè nén chứ không tận diệt được những khát vọng thầm kín, bản năng ích kỷ của con người.
Trong truyện “Con mèo Tobermory”, nữ sĩ Scraven có một đời sống “băng thanh ngọc khiết” lại ưa sáng tác những vần thơ rất mực nồng nàn, lơi lả. Và con mèo Tobermory, sở dĩ đáng tội chết chỉ vì nó thường lẩn quất dưới gậm giường nên đã thông tỏ tất cả những bí ẩn của mọi người.
Trong “Vị Thánh và con Yêu”, khi vừa bắt được đồng tiền, vị Thánh sốt sắng nghĩ ngay đến mua thóc cho chuột ăn, nhưng khi sự bồng bột ban đầu lắng xuống, thì ông đổi ý muốn mua nến thắp bàn thờ cho mình. Mặc dầu vị Thánh khả kính viện ra nhiều lý lẽ rất cứng, con Yêu tai quái biết ông ngụy biện, song vì có giáo dục, nó không biểu lộ điều nó phát giác ra ngoài mặt dù chỉ
bằng một cái chớp mắt “vả lại vốn là một con yêu bằng đá dù có muốn chớp mắt cũng không chớp được”.
Bút pháp của Saki cô đọng, ẩn hiện một nụ cười kín đáo, dí dỏm, duyên dáng, rất… “Ăng lê”.
Một ông thánh nhỏ bằng đá chiếm cứ cả cái khám thờ khuất-khúc đục ở bên sườn một ngôi giáo-đường cổ kính. Chẳng ai còn nhớ rõ ông thánh ấy là thánh gì, song đấy cũng chính là một cách bảo-đảm vị thánh ấy đáng sùng bái. Ít ra thì con yêu cũng đã tuyên-bố như thế. Con yêu này là một pho tượng kỳ lạ bằng đá tạc rất tinh xảo. Nó sống ở một khúc tường xây nhô ra, đối diện với
khám thờ ông thánh. Nó có liên hệ với một số dân cư hạng nhất của ngôi nhà thờ này, tỉ như những hình kỳ quái chạm trổ trên mấy cái ghế của ban hợp ca, hay trên tấm bình phong ngăn che thánh điện, hay ngay cả những miệng máng xối hình đầu người ở cao tít trên nóc nhà. Tất cả những con thú kỳ-dị, người bò lổm-ngổm hay uốn-éo, bằng gỗ, bằng đá, bằng chì ở trên vòm bán nguyệt hay dưới hầm mộ của nhà thờ đều là họ hàng xa gần với nó, thành thử con yêu là một nhân vật có tầm quan-trọng hiển nhiên trong cái thế-giới của giáo-đường.
Giao tình giữa ông thánh nhỏ bằng đá và con yêu cũng khá thâm hậu mặc dầu mỗi người nhìn sự vật từ một khía cạnh khác nhau. Ông thánh là một người có lòng nhân từ thuộc loại cổ xưa. Ông nghĩ rằng cái thế-giới mà ông hằng thấy cũng tốt lành nhưng còn có thể cải thiện. Ông đặc biệt thương hại những con chuột quá nghèo khổ của nhà thờ. Mặt khác, con yêu lại nghĩ rằng cái
thế-giới mà nó biết khá tồi bại, nhưng tốt hơn hết nên để y nguyên như thế. Phận sự của loài chuột nhà thờ vốn dĩ là phải nghèo.
Ông thánh nói: “Đã đành rằng thế, nhưng tôi vẫn thấy thương bọn chúng.”