VN88 VN88

Vết thương trong không gian đó

Như nhiều ca sĩ Sài Gòn cũ, Ngọc bị ảnh hưởng nặng lối hát thảm thiết cố định dành cho mọi bài hát có giai điệu buồn. Cũng giống lối diễn xuất quá tự nhiên thành thạo của các diễn viên cải lương nhà nghề.

– Em đừng hát theo cách buồn bã đơn điệu như thế. – Tôi nói với Ngọc. – Hãy hình dung ra những người Di gan mệt mỏi bơ phờ, khép chặt vạt áo choàng, cúi rạp mình ngược gió, lê những bước chân lưu đầy trên thảo nguyên trơ trụi, vô tận. Hãy tưởng tượng rằng em ở trong đám người đó. Em đau đớn và kiêu hãnh vì được ở trong số những người bị Chúa trừng phạt suốt đời lang thang, nhưng lại được Chúa ban cho những khả năng kỳ diệu… vì chính nỗi khổ đau cay cực đã nuôi dưỡng những tài năng. Đó là sự an ủi của đấng tối cao đối với những số phận bất hạnh. Em hãy hát như những người Di gan hát bài ca dành cho họ.

Ngọc lặng nghe, nét mặt cô bỗng trở nên u uất hoang dại và kiêu hãnh. Rồi cô hát, cặp mắt ướt, tiếng hát từ trong ức phát ra, tự nhiên như lối hát của những ca sĩ đồng quê phương Tây:

– Dạt trôi khắp nơi… Đời gió cuốn theo cát bụi và tôi…

Khi Ngọc hát xong, tôi lặng người đi một lúc, sau mới xúc động khẽ nói với Ngọc rằng ngay cả I ma xu mắc, nữ ca sĩ da đỏ nổi tiếng của Mỹ cũng không thể hát hay hơn em. Ngọc sung sướng bảo tôi: “Giải phóng quân mà cũng biết nịnh đầm!”.

– Anh đã bị mất hồn từ lúc em tặng hoa cho anh. – Tôi nói. – Bắt đầu từ một rung động nghệ sĩ tức thời, sau đấy là những đồng điệu về tâm hồn.

Ngọc không nói gì. Mà cần gì phải nói khi đôi mắt đã biểu hiện tất cả. Chúng tôi hôn nhau, không phải cái hôn trên sân khấu hôm nọ.

Nhưng có một rào ngăn vô hình giữa chúng tôi.

Trước khi chuyển sang Đoàn ca nhạc Quân giải phóng, tôi ở một đơn vị pháo phòng không và đã tham dự trận Khe Sanh nổi tiếng. Khẩu đội của tôi đã hạ tại chỗ một trực thăng HU – 1A và bắn trọng thương một phản lực cơ F4H. Chiếc máy bay ấy, sau cũng rơi ở khu rừng gần đó. Thằng em tôi ở bộ phận quân giải phóng đã chết vì rốc két bắn từ máy bay đối phương. Có thể chính quả đạn rốc két ở máy bay của ba Ngọc đã giết chết em trai tôi? Có thể chiếc máy bay ba Ngọc lái đã tan tành vì đạn pháo của tôi? Những chuyện dù thuộc về quá khứ ấy sẽ như quả bom nằm sâu trong quên lãng, có dịp vẫn có thể phát nổ.

Rồi có một chuyện đã đến thật bất ngờ.

Một tối, Hùng rủ tôi ra quán cà phê. Cuối cùng thì cũng có sự thay đổi đáng mừng cho tình huynh đệ của chúng tôi. Tôi nghĩ thế và thân mật bảo thằng em: “Lẽ ra anh em mình phải đi nhậu tay đôi một bữa, nếu như mày nói sớm với anh. Tao đủ tiền bao mày tới bến”. Nó im lặng một cách khó hiểu cho đến khi chúng tôi ngồi ở một góc vườn ít ánh điện. Tôi bảo Hùng:

– Không biết nói thế này có vô chính trị không, chứ tao với mày “Cộng sản, Quốc gia” gì thì cũng là anh em. Đúng không? Như vậy ông già sẽ không còn buồn về chuyện thế sự nữa.

– Vứt mẹ nó chuyện chính trị đi! Tôi muốn nói với anh về một chuyện khác. – Hùng bỗng dưng nổi đoá, dằn mạnh tách cà phê, khiến tôi sửng sốt. Nó thở hắt ra. – Chuyện Ngọc!

Tôi lờ mờ hiểu. Và thằng em tôi đã nói với giọng cay độc:

– Anh cứ làm những gì mà kẻ thắng trận muốn làm, thậm chí anh có thể chiếm cả cái nhà mà ông già tôi có ý định chia đôi cho tôi và anh. Nhưng… Ngọc là của tôi!… Anh đừng có giở trò đấu hót. Tôi nói để anh biết, tôi và Ngọc sẽ vượt biên. Còn lại tất cả là của anh. Chúng tôi sẽ vượt biên, vượt biên…

Hùng nói to như quát, làm tôi hốt hoảng:

– Câm mồm đi, thằng khùng! Chuyện vượt biên mà mày sủa ầm lên như chó ấy! – Nhà tôi gồm những người dễ nổi nóng. Nhưng thực ra tôi đâu có nổi nóng. Tôi choáng váng như bị nện một gậy vào đầu.

Chúng tôi ngồi im lặng một lúc lâu. Hùng rít đến sáng rực đầu điếu thuốc lá, soi rõ khuôn mặt khổ sở đanh lại như sắt. Rồi nó nói, giọng khác hẳn:

– Anh Hai ơi, em xin anh. Em thương Ngọc từ khi em đi học tập cải tạo. Ngọc đến thăm nuôi, săn sóc em như má, như chị, như vợ. Lúc đó em mới thấy mình chẳng còn gì cả, chỉ có Ngọc. Ngọc là tất cả đối với em. Bây giờ anh để yên cho chúng em đi.

– Tao đâu có biết chuyện đó. Được rồi. Mày khỏi lo về Ngọc. Cả chuyện nhà cửa nữa. Ngay ngày mai tao về đoàn ở. Tháng sau đoàn ra ngoài Bắc, rồi đi nước ngoài. Mày và Ngọc việc gì phải bỏ hai ông bà già đi đâu cho cực? – Tôi nói ra vẻ một ông anh độ lượng, cao thượng. Nhưng tim tôi lại gào lên câu hỏi: “Mày nói là mày thương Ngọc. Thế còn Ngọc? Hay là cô ta chỉ coi đó là tình anh em? Hai đứa ở một nhà từ bé, như ruột thịt, với những chuyện thông tục thường nhật, dễ gì đổi thành tình yêu!”.

– Anh cứ để mặc chúng em. Chỉ cần thỉnh thoảng anh thăm nom hai ông bà già cho chúng em. Em cầu xin anh Hai đấy. Em không bao giờ nghĩ rằng anh Hai lại phá em, nên mới có cuộc nói chuyện này.

Tôi còn có thể nói gì được nữa?

Hôm sau, tôi nói với mọi người rằng đoàn chúng tôi được lệnh chiều nay đi công tác miền Trung rồi ra Bắc. Hùng hớn hở như một đứa trẻ được chiều theo ý muốn.

Ông chú đang uống rượu, đã lơ mơ, gật gù bảo tôi:

– Con cứ đi. Đời trai giang hồ, chí lớn bình thiên hạ. Cứ đi đi!… ờ, mà chí lớn chí bé gì chúng mày! – Cái thuyết vô vi của ông lại trỗi dậy. – Kỳ này xong ba cái vụ hát xướng rồi chuyển vào đây. Tao với thím về Sóc Trăng. Nhà này một nửa của mày. Chú cưới vợ cho, rồi mở cửa hàng băng đĩa nhạc. Tao đã hứa với vong hồn ba mày là tao sẽ lo mấy cái chuyện vặt đó cho mày.

Ngọc lặng lẽ giúp tôi thu dọn hành lý.

– Anh Hai! Sự thật là thế nào? – Ngọc hỏi tôi. Linh tính của một người đang yêu đã mách cô biết có điều gì không bình thường. Tôi nhìn vào mắt Ngọc và hiểu được cô sẵn sàng đi cùng tôi với cuộc sống lang thang ca hát. Nhưng Hùng là em trai tôi, nó đang vô vọng.- Không có gì đặc biệt cả! – Tôi cười, đeo cái túi du lịch lên vai rồi cung tay chào Ngọc theo kiểu “chưởng”. Hiền muội, hãy bảo trọng! Hẹn tái ngộ.

Tôi đã rời khỏi nhà ông chú như chạy trốn một sự phiền toái.

Ra Bắc ít lâu, tôi được ông chú báo tin Hùng và Ngọc đã vượt biên.

Tôi thấy có điều gì đó giống như sự thanh thản. Nhưng cũng từ đó tôi chọn hát những bài về lửa, về những cơn giông bão và về vùng cao nguyên cằn khô khắc nghiệt.

VN88

Viết một bình luận