Tôi chợt ngừng bặt đoạn độc thoại ngẫu hứng khi cô gái mà tôi coi là Di- gan ấy cất tiếng hát lanh lảnh:
“Dạt trôi khắp nơi… Đời gió cuốn theo cát bụi và tôi…”
Trời ơi, cô gái hát tiếng Việt bài “Khúc hát giang hồ”, bài hát mà ngày xưa tôi chép cho em! Đó là Ngọc. Tại sao lại như thế này? Tôi muốn kêu to lên gọi tên em. Nhưng tôi chợt nhớ ra rằng tôi có thể bị cảnh sát bắt về tội uống say, gây rối, nếu như tôi gạt đám đông đang bùng bùng bia rượu vỗ tay theo nhịp hát kia; để nhào đến bên Ngọc, xiết chặt tay em.
Ngọc hai tay chống nạnh, lắc hông, đung đưa đôi vai, nện đế giày sầm sập trên sàn gỗ; khuỷu tay, ngón tay gõ liên hồi một cách tài tình vào những mặt bàn, lưng ghế dọc đường nhảy.
Những đồ trang sức trên mình em lóng lánh. Mắt em rực sáng, cổ vươn cao, nét mặt đượm buồn nhưng kiêu hãnh thách thức. Bài hát với giai điệu trầm huyền hoặc, gợi ra hình ảnh những bóng người bơ phờ mệt mỏi, khép chặt vạt áo choàng, cúi rạp mình ngược gió, lê bước như những kẻ lưu đày trên thảo nguyên trơ trụi vô tận, như tôi đã từng miêu tả để gợi cảm hứng cho em tập hát bài này.
Ngọc hát và nhảy múa mạnh mẽ như giận dữ điều gì đó, lại như đang bị săn đuổi, cuống cuồng chạy trốn đến tuyệt vọng. Mỗi kiểu nhảy lạ kỳ, giống điệu cla- két nhưng náo động hơn, khiến cho đến đoạn cuối bài hát, cả quán rượu ào lên những tiếng dậm chân, vỗ tay. Tiếng hát chợt dừng bặt. Cơn lốc cát bụi mù mịt thảo nguyên đã ngừng đột ngột, và một khóm hoa rực lửa bỗng nhiên hiện ra. Ngọc với bộ váy áo đỏ, đứng lặng giữa chừng một tư thế múa, tay giơ cao chiếc khăn mỏng màu lửa. Động tác của tôi ngày xưa, của chàng Đan- cô vừa móc trái tim bốc cháy trong lồng ngực của mình ra làm ngọn đuốc.
Tôi như trong cơn mơ, xô đến bên Ngọc, nắm lấy tay em: “Ngọc! Sao em lại ở đây?”. Ngọc đứng chết lặng, vẻ mặt diễn cảm cho bài hát và điệu nhảy vụt biến nhanh chóng. Ngọc trở lại là em như ngày xưa, buồn và kiêu kỳ.
Giữa năm bảy sáu, đoàn ca nhạc quân đội chúng tôi biểu diễn ở Sài Gòn. Thành phố mới giải phóng được một năm. Từ những thùng loa bày la liệt trên các hè phố vang những lời ca buồn lê thê như là các ca sĩ vừa hát vừa khóc. Cả những bài lính chiến cộng hòa hùng hổ kiểu phường tuồng nữa. Mới nghe thấy lạ tai hay hay, sau nhàm, phát bực mình, sốt ruột. Ấy là tự nhiên thế, chứ chẳng phải do được giáo dục tư tưởng gì. Đoàn chúng tôi đã hát những bài ca cách mạng và những bài hát ngoại quốc với giai điệu sảng khoái. Cũng là cách đem lại sinh khí cho một môi trường ca nhạc tù hãm, u ám.
Một đêm, chúng tôi hát ngoài trời. Đêm phương Nam như huyền bí, không khí nồng hăng, ngai ngái như chất men gây hứng khởi. Đến lượt mình, tôi hát và tự đệm ghi ta. Một cậu phụ họa bằng bộ trống của Mỹ mới sắm có cường độ âm rất mạnh, ở những đoạn cao trào nghe dữ dội như chớp giật, núi lửa.
Khán giả thoạt đầu tỏ thái độ thăm dò, nghĩ rằng chúng tôi chỉ hát những bài “tiến lên”, “xốc tới”… sau họ ngạc nhiên khi thấy chúng tôi hát tình ca và những bài hát quốc tế kinh điển. Đến bài “Khúc hát giang hồ”, bài hát như dành riêng cho chất giọng của tôi, lần đầu tiên trong đời ca sĩ, tôi được biết tới sự hâm mộ cuồng nhiệt đúng nghĩa. Một cô gái mặc áo dài đỏ rực rỡ len qua đám đông dày đặc chạy lên sân khấu, dúi vào tay tôi bó hoa nát tươm vì chen lấn. Và cô gái mắt ướt đẫm đã vít cổ tôi, hôn tới tấp khắp mặt tôi. Tôi kịp nhận ra cô có nước da bánh mật, đôi môi mọng, sống mũi cao và cặp mắt buồn nhưng có vẻ kiêu hãnh, thách thức. Tôi đã tuyên bố với các đồng nghiệp rằng sẽ suốt đời không rửa mặt, để mãi mãi lưu giữ những vệt nước mắt và những vết môi son của cô gái ái mộ tôi hết mình.
Khi tìm được nhà ông chú ruột, tôi gặp lại chính cô gái. Đó là Ngọc con riêng người vợ sau của chú tôi. Ngọc cũng là ca sĩ. Một nữ ca sĩ của những phòng trà, đang chờ nổi tiếng như Khánh Ly. Tôi hãnh diện thông báo điều đó với các đồng nghiệp và vênh vang:
– Được một ca sĩ xúc động khóc khi nghe ta hát là một thành công lớn nhất đời. Các người hãy cố gắng để gần được như tôi.
– Trái lại, ca sĩ đó khóc thương cho một bài ca hay đã bị một tên thợ hát hạng bét tàn phá! – Thằng cha chơi trống muốn là tôi cụt hứng.
Nhưng rồi sau đó tôi thực sự hoang mang, nghĩ rằng hình như tay đánh trống đã nói đúng. Ngọc không hề tỏ ra có cảm tình với tôi, thậm chí còn như căm ghét khi nhìn thấy tôi. Có lẽ sự ái mộ nồng nhiệt đêm ấy là phấn hứng bất thường, một dạng stress ở những cô gái mới lớn? Có điều khốn khổ cho tôi là chính sự nồng nhiệt ngẫu hứng của Ngọc đêm ấy đã lấy mất hồn tôi.
Thằng Hùng, con người vợ trước của chú tôi cũng gườm gườm nhìn tôi thù ghét. Nó là một gã cảnh sát dã chiến mới đi học tập cải tạo về. Thằng trẻ con ấy nghĩ rằng mình là kẻ bất đắc chí, một kiểu Hăm- lét nội. Tôi điên tiết vì cái thói bắt chước những nhân vật bi kịch trong những cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội, đã mấy lần muốn cho nó một trận nhưng rồi tôi phải cố nhịn.
Ông chú nhạc sĩ chuyên sáng tác tình khúc mô- đen tiền chiến và là người theo thuyết vô vi, coi nhẹ mọi chuyện trên đời, đã nói với tôi:
– Con đừng chấp. Chúng nó bị nhồi sọ từ bé những điều nhảm nhí về Việt Cộng. Thằng Hùng tuy thuộc bộ máy công lực bảo vệ đô thành Sài Gòn, nhưng chỉ là thằng nhãi cầm súng nhựa chạy theo một gánh hát, chứ bắn giết gì được ai, lý tưởng lý tung gì đâu! Còn con Ngọc có ba đẻ là thiếu tá không quân tử trận ở Khe Sanh, một tai nạn binh nghiệp, như mọi tai nạn nghề nghiệp khác. Nhưng hai đứa dị ứng với bộ đồ Quân giải phóng của mày. Thì cũng như bệnh sởi của trẻ con ấy, sẽ khỏi thôi. Chúng nó vẫn là “em út” của mày.
Tôi thấy yên tâm. Tuy nhiên tôi cũng tìm cách nói chuyện với Ngọc:
– Em nhìn kỹ anh xem có hung ác như áp – phích của bọn tâm lý chiến không? Nếu em muốn nghe, có thể hát bằng tâm hồn bài ruột của Envis Pep- blây, hay những bài gạo của ABBA… Em trai của anh cũng hi sinh ở Khe Sanh. Cô ruột anh chết vì bom Mỹ khi đang cấy lúa trên đồng, để lại những đứa em anh bơ vơ. Bố anh là liệt sĩ hồi “chín năm”. Anh không bao giờ quên. Nhưng những chuyện ấy đã qua rồi. Còn nhiều việc phải làm hơn là thù hận.
– Còn mày. – Tôi nói với Hùng cũng đứng đó. – Những người chết mà tao vừa nói ấy cũng là ruột thịt của mày. Bây giờ, anh em không phải tiếp tục nhằm bắn vào nhau cho những tham vọng của mấy thằng bụng bự lạ hoắc bên kia trái đất; mày còn khó chịu gì nữa?
Nhưng có lẽ tôi là một giảng viên kém, nên bài tẩy não ấy không mấy kết quả. Ngọc và Hùng vẫn giữ thái độ lạnh nhạt với tôi. Còn tôi thì mỗi ngày lại tìm thấy một điều đáng yêu ở Ngọc. Cô am hiểu sâu sắc về âm nhạc và văn học, tính tình mạnh mẽ, có bản lĩnh.
Bà mẹ Ngọc là một diễn viên cải lương có tiếng, ảnh hưởng tốt đến Ngọc. Bà rất tâm đầu ý hợp với ông chú nhạc sĩ của tôi. Nhưng bà và ông chú tôi không có con chung. Những ngày ấy đời sống khó khăn lắm. Chú tôi đã phô tô những bản nhạc tiền chiến và đem những sách lý thuyết âm nhạc, tiểu thuyết cũ để bà vợ trộn lẫn với các loại sách bói toán tướng số, truyện võ hiệp… bán ở vỉa hè. Ngọc giúp má bán hàng, thỉnh thoảng tham dự nhạc hội thanh niên với những bài hát mới. Hùng suốt ngày ra quán gặp bạn cùng cảnh ngộ uống rượu. Tôi đem tiền lương và tiêu chuẩn thực phẩm của mình về phụ thêm với gia đình chú.
Nhưng Ngọc đã coi tôi như một kẻ xâm lược. Một lần tôi đang nằm đọc truyện chưởng, cô bước vào phòng với vẻ lễ phép cường điệu như chọc tức tôi:
– Thưa ông sĩ quan giải phóng. Dượng con mời ông xuống dùng bữa trưa.
– Tốt lắm! Cô em hãy đem thức ăn lên đây và đứng bên hầu rượu. Nhanh lên, đừng để ta nổi giận!
Ngọc chạy xuống gác. Lát sau tôi nghe thấy dưới nhà tiếng cười rộ của chú tôi và má của Ngọc. Rồi quan hệ giữa chúng tôi cũng được cải thiện. Một sớm chủ nhật, tôi về nhà ông chú sau vài tuần đi biểu diễn xa. Ngọc đón tôi vui vẻ khác thường:
– Em mong anh Hai về để cảm ơn đấy.
– Chuyện chi kỳ vậy, út? – Tôi bắt chước giọng Sài Gòn – Khi không lại cảm ơn! Út không đặt bẫy qua đấy chứ?
– Lại còn ra vẻ coi như không có gì. Mà anh đừng nhại giọng Nam Bộ. Tụi con gái chúng em lại thích nghe giọng Bắc Kỳ.
– Được, thì nói giọng Bắc. Nhưng Ngọc cảm ơn anh vì cái gì?
– Vì tập nhạc chép tay rất đẹp anh tặng em. Có nhiều bài em thích lắm.
Tôi gõ trán:
– Có điều gì lầm lẫn chăng. Đúng là anh có bỏ quên tập nhạc ở đâu đó.
– Bỏ quên trong ngăn kéo bàn viết của em? Quên đã viết những câu bên lề bài ca “Khúc hát giang hồ” rằng Anh sẽ suốt đời đem theo những vết môi hôn và những giọt nước mắt nhiệt thành của em!
Ngọc cảm động nói.
– Thôi được rồi. Anh xin chịu tội, nếu như chuyện đó làm em bực mình.
Ngọc im lặng. Tôi chờ câu nói: “Không! Em không bực mình, mà ngược lại…”. Nhưng Ngọc không nói câu đó và không nói gì hết. Cô chậm chạp bước lên gác.
Chiều hôm ấy, Ngọc nhờ tôi giúp thể hiện bài hát đã gây xúc động cho cô trong cái đêm ấn tượng nhất đời ca sĩ của tôi.