VN88 VN88

Vểnh râu lên

Truyện ngắn vểnh râu lên do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn vểnh râu lên.

Venh rau len

Xem truyện ngắn: Vểnh râu lên
Tác giả: Nguyễn Quang Sáng

Năm tôi bỏ nhà đi bộ đội, thằng Bảy em tôi mới lên tám. Thằng bé có mái tóc tơ, da trắng trẻo, môi hồng như con gái. Bây giờ ngồi trước mặt tôi là một thằng đàn ông già trước tuổi. Già vì da mặt phong trần, vì râu và ria bồm xồm cả mặt mũi. Chỉ có đôi mắt còn sáng, còn tinh anh, lanh lợi. Chưa đến bốn mươi mà cha của bầy con mười hai đứa, lóc nhóc đầy sân đầy nhà.
– Đẻ gì mà đẻ dữ vậy, Bẩy.
– Có gì mà nhiều, anh Năm.
– Như vậy mà chưa thấy đủ sao anh, Bẩy?
Hai hàm răng nó lóe lên trong lùm râu ria.
– Nếu chưa giải phóng thì em còn đẻ nữa, anh biết tại sao không? Ơở miền Nam này, trong quân đội cộng hoà của tụi em có cái gọi là “gia cảnh”. Gia cảnh là cảnh gia đình đông con, khó khăn, thằng nào đông con như em tức là gia cảnh thì khỏi ra mặt trận, anh Năm hiểu chưa? Cho nên em phải đẻ tì tì, mỗi lần về phép là một đứa, nhờ vậy mà em được cầm máy chụp hình. Em chụp từ Thiệu cho tới thằng binh nhì, chụp đủ mặt tướng tá, đầy cả một rương.
– Hình đó đâu rồi?- Tôi hỏi.
– Đốt hết rồi.
– Sao lại đốt?- Tôi nói như thét vào mặt nó.
– Để làm gì? Người ta xét nhà, ở tù rục xương.
– Sao lại ở tù? Mày mất bao nhiêu triệu mày biết không?
– Dữ vậy sao? Anh cần à?
– Không phải tao. Đó là tư liệu quý. Ví dụ, nay mai người ta quay phim về quân đội cộng hoà, người ta rất cần để nghiên cứu, để tham khảo, đến lúc cần, bao nhiêu người ta cũng mua.
– Vậy sao? Thôi đừng tiếc nữa, anh Năm. Ba mươi năm khói lửa, anh em còn gặp nhau là quý rồi.
– Rõ ràng là nó không hề tiếc gì mấy tấm ảnh.
Nó ngước nhìn trời.
– Cũng tới giờ lai rai rồi anh Năm, anh ở lại lai rai với em.
Hai anh em gặp nhau, mừng mà sao buổi chiều ngoại ô lại ảm đạm quá. Mây đen u ám, gió lao.
Nó quay vào bếp:
– Nhà còn gì không?
Tiếng vợ nó trong bếp vọng ra:
– Còn mấy con khô sặc với dưa leo.
Nó hét:
– Thằng Nghiêm đâu?
– Dạ.
– Ra hè, hái cho ba vài nhánh sầu đâu mau lên. Khô sặc trộn với sầu đâu, cha mình thích lắm đó, anh Năm.

Hai anh em ngồi trước sân. Nó bỏ ô mai vào chai rượu trắng. Thấy tôi nhìn, nó bảo:
– Rượu ngâm ô mai vừa thơm vừa không say. Một lít mới ngà ngà…
Sau vài ly rượu, nó kể:
– Năm mười sáu, cha cho em theo nghề thợ bạc của mình. Cha làm đồ dũa, cha cho em học chạm. Khi em thành nghề, nói không phải khoe, em là thằng thợ chạm giỏi nhất xứ này. Thợ hồ, thợ sửa xe, thợ giầy, thợ nào cũng thợ nhưng thợ bạc là thợ sang nhứt. Em làm ăn khá, chưa giàu thì bị bắt lính. Không biết ngày nào chôn xác, em cưới vợ, rồi xoay qua nghề chụp hình.
– Bây giờ còn chạm được không?
– Sao không? Nhưng ai mướn mà làm.
– Nghề thợ bạc là nghề sang nhưng chỉ sang khi người ta sống yên ổn và giàu có. Trước ngày giải phóng, người ta còn tiền, còn vàng đó, nhưng lộn xộn, không ai nghĩ đến trang sức, thợ bạc đói. Bây giờ, đồ nữ trang người ta đập thành cục, giấu, thợ bạc thất nghiệp dài dài…
– Bây giờ em sinh sống sao?
– Giải phóng rồi, gia đình sum họp, phấn khởi trước cái đã, rồi tới đâu hay tới đó. Nói cho có trời, một bầy con nheo nhóc như vầy tưởng đói, không ngờ lại khá. Nhà em là một đội quân bán cà rem cây hùng mạnh nhứt xóm – Trừ bốn đứa nhỏ, còn tám đứa lớn mỗi thằng một thùng đi từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều, từ chiều tới chín mười giờ đêm. Hồi trước, mỗi ngày mỗi thằng bán hết một thùng. Bây giờ, thằng nào bán hết mức một ngày ba, bốn thùng, có bữa tới năm thùng. Anh biết tại sao không? Anh bộ đội nào cũng thích cà rem, tụi nó nói có anh ăn một ngày hai ba lần, một lần ba bốn cây. Vừa được bán vừa được ăn. Lần nào anh em bộ đội cũng bắt tụi nó ăn trước một cây cho mấy ảnh thấy, cái cây tụi nó ăn, mấy ảnh bao luôn. Tại sao anh biết không? Mấy ảnh sợ có thuốc độc nên bắt tụi nó ăn cảnh giác trước. Có thằng ăn tới kiết.
Nó ngửa mặt, một tay vuốt râu cằm, một tay xoe mép ria. Nó cười. Tôi thì buồn.
– Bây giờ thì em làm gì?
– Ngồi nhà vuốt râu! – Thằng Nghiêm, đứa con của nó ngồi trong góc nói chõ vào.
Nó trợn mắt, thằng nhỏ vụt chạy.
– Nó bảo em ngồi vuốt râu là ý nói em thất nghiệp, chẳng biết làm gì, chỉ biết vuốt râu!
– Để râu ria làm gì, bồm xồm quá, sao không cạo cho sạch sẽ.
Nó chặc lưỡi.
– Em để râu để ria cũng có nguyên cớ của nó. Năm em lên mười lăm, mười sáu em đã có ria. Có một hôm cha nói: “Mầy có bộ ria giống ông nội quá”. Nghe nói giống ông nội, em khoái. Từ chỗ khoái em cố ý để ria đi ra vô cho cha nhớ ông nội chơi. Rồi đi lính, để ria cho oai. Còn bây giờ để bồm xồm cho mấy ông cách mạng Ba mươi Tháng Tư ít nhứt cũng nể mặt thằng già, nếu không thì họ sẽ gọi mình bằng thằng.
Thằng Nghiêm lại quay vào, ngồi trong góc. Thằng Nghiêm, mặt lớn hơn tuổi mười lăm, nhưng người nhỏ như mới mười hai mười ba. Người gầy gò chỉ thấy xương với gân, da xạm như đất, chỉ có đôi mắt còn sáng tuổi học trò. Nó nhìn tôi với đôi mắt khao khát và hóng chuyện.
Bác Năm lớn hơn ba con đến tám tuổi mà trông bác trẻ ghê.

Ba nó trợn mắt, nói to:
– Bác Năm mầy là người chiến thắng, còn tao là thằng chiến bại.
Thằng Nghiêm cười:
– Nghe nói bác Năm đi bộ đội năm mười bốn hả bác Năm?
– Ưừm.
– Bác có đánh giặc không?
– Có chớ.
– Chừng bao nhiêu trận?
– Vài chục trận gì đó.
– Vài chục? Bác có sợ không?
– Vừa sợ vừa hăng.
Hai cái tay nó cung lại rung rung trước bụng:
– Vừa sợ vừa hăng như đánh lộn vậy hở bác?
– Cũng giông giống vậy.
– Bác có bị B52 không?
– Bị hoài.
– Bác có bị thương lần nào không vậy bác?
– Không.
Nó như giật mình, hơi chồm lên:
– Sao bác giỏi vậy bác?
Ba nó tợp một hớp rượu, phạt tay:
– Mầy phải bắt chước bác Năm chớ đừng bắt chước thằng cha mầy nghe chưa? Nè anh Năm, trong gia đình hay trong dòng họ, có một người để cho con cháu noi gương là quý rồi, không thể chia đều cho mọi đứa mọi thằng, thằng nào cũng ngon. Nghiêm, mầy nghe tao nói chưa!
Nhìn thằng Nghiêm, tôi chợt nhớ năm tôi mười ba, mười bốn. Khi tôi nghe chuyện giữa cha tôi và người bạn của ông, một nhà trí thức yêu nước, tôi khao khát được như ông, và ông đã thắp lên trong tôi một ngọn lửa ước mơ.

VN88

Viết một bình luận