VN88 VN88

Về với mẹ yêu

Nàng im lặng. Con tàu vẫn ì ạch luồn vào khoảng tăm tối điều hiu. Nàng đập cành cây xuống sàn tàu rồi tiếp tục chuyển giọng theo điệu than hát bộ :

“ Em ra đi mần ri đây … ư … ư … Thân gái ứ … ư dặm trường … Gió mưa ư … ư mà đất khách ứ … ư ai thương cho nỗi … sầu …”

Tiếng “sầu” chìm xuống, tiếng cây que đánh nhịp dứt đoạn, rã rời, tôi tưởng như cô gái trước mặt không ca mà đang não nề tâm sự thân phận mình. Tóc nàng rũ xuống, cây que bỏ trơ trên sàn, tay nàng ôm lấy cổ. Im lặng. Có lẽ Bạch đang khóc, cô nữ sinh trước mặt đang buồn. Tôi chìm mất trong mênh mông thổn thức. Tôi miên man nghĩ đến những đêm hát bộ trong làng, mẹ tôi sụt sịt khóc khi cô đào chuyển giọng ai oán khúc biệt ly sầu; khi nàng Chiêu Quân phải từ giã Hán Võ Đế : “ Bi thảm ơi là bi thảm … ơ. ơ .. ơ … dứt đoạn.. aa… a can tràng. Gió lay hiu hắt ớ ơ … lệ tràn chứa ứ ư … chan.” Mẹ tôi đã khóc thật tình trong niềm đau đớn của cô đào hát, trong hình ảnh dứt đoạn của một tình yêu dang dở. Tôi muốn mình nhỏ lại ôm sát nách mẹ và Bạch là cô đào hát đóng vai Chiêu Quân để được nghe tiếng sụt sịt của mẹ già. Tôi không còn nghĩ đến Bạch là cô gái ăn bận lố lăng, quần jin bó chặc đôi đùi lẳn, khuôn mặt trát phấn thừa thải, đôi môi son toe toét, cử chỉ và lời nói sỗ sàng – vì méo mó nghề nghiệp. Tôi chối bỏ tất cả những sự thật đó. Tôi bước vào thế giới hoang vắng, hắt hiu của giọng ca nàng. Nàng ngồi bó gối trên sàn tàu, tóc xoắn rũ xuống khuôn mặt bánh mật. Con tàu vẫn đong đưa xình xịch dò dẫm trong đêm đen.

Đến ga Tháp Chàm, tôi đang tần ngần nhìn dãy đèn néon xanh quanh nhà ga rộng vắng người thì Lan đến nhờ tôi khuân hộ giỏ rau cải và hoa ly xuống tàu. Tôi nhờ nàng cầm tờ báo xuân, rồi mang tất cả ra xe ngựa ngoài sân ga cho nàng, Lan lặng lẽ ngồi trên xe chờ bác xà ích tìm thêm khách về Phan Rang. Tàu chuyển khách tại ga này , chờ tàu Sai –gon ra đi tiếp .

Tôi hỏi nàng tờ báo? – Tôi để lại trên toa, nàng trả lời. Tôi vội quay lại tìm không thấy đâu cả. Tôi ra gặp Lan.

– Cô nhớ cô bỏ đâu không? Tôi tìm trên toa không thấy.
– Tôi bỏ trên ấy.
– Tôi đã tìm khắp cả. Tất cả tiền bạc và vé xe tôi kẹp trong tờ báo ấy cả.
– Thế à.

Bác xà ích sắp sửa ra roi. Tôi gạn hỏi :

– Cô nhớ xem thử vứt nơi đâu?

Chiếc xe lọc cọc lăn bánh, nàng lơ đãng trả lời :

– Chắc chỗ nào đó trên tàu, thôi chào ông.

Nụ cười kiểu cách, bàn tay ve vẫy thông lệ, nàng chẳng thấy mình trách nhiệm gì với sự bối rối của tôi. Bàn tay ấy, nụ cười ấy, làm tôi liên tưởng đến chiếc đuôi ngựa vung vẫy trước khi phi nước kiệu. Tôi quay lại tàu tìm kiếm nhưng vô ích. Một vé tàu mấy trăm bạc lẻ đã đi đong, trong túi chỉ còn hơn trăm bạc lẻ, tôi lững thững lại quán nước tìm cách bán đồng hồ để mua vé về Quảng Ngãi. Ga Tháp Chàm vắng tanh, trong quán lưa thưa độ mười người khách chờ tàu. Tôi nhớ đến ga này những ngày bình yên, nhất là vào quãng cuối năm, khách tấp nập chờ tàu từ trong ra. Cũng quán này, món bánh bao về khuya nổi tiếng lắm, chủ quán chuyên cho thuê ghế bố, nhưng bây giờ quán vắng , ông ta ngồi chẻ lạt gói bánh chưng ở gần quầy.

– Kìa, anh Hai, chời ơi, anh đi đâu nãy giờ? – Em ngồi đây một mình buồn thấy mồ. Em bao anh một ly cà phê đá. Ngồi đây đi, anh Hai.

Lại là cô Bạch lùn, nàng ngồi nơi bàn chỗ gốc cây dừa xiêm. Chiếc hoa ly còn để dưới đất gần hai búp su, bó hoa nhựa để trên bàn, Bạch nhanh nhảu như đây là quán của mình. Cô gái với lời ca oán than không còn nữa, nàng trỗi dậy hẳn dưới ánh đèn. Trong bóng tối và nỗi buồn làm nàng như con cá mắc cạn, và dưới ánh đèn con cá ấy đang uốn lượn trong hồ nước. Tôi ngồi bên nàng nhìn mái tóc quăn rủ xuống, khuôn mặt phấn son dưới ánh đèn néon xanh có màu nhờn nhợt tái.

– Sao anh ngó bộ buồn vậy. Cô bạn gái của anh đâu rồi?
– Cô bạn nào?
– Cô đẹp đẹp ngồi nói chuyện với anh Hai trên tàu đó.
– Á, không phải bạn tôi. Cô ấy đi rồi.
– Ngó bộ anh Hai nhớ rồi.

Nàng cuời tự nhiên và lấy chiếc gương tròn nhỏ xíu ra soi mặt chải tóc.

– Cô coi hộ tôi cái xắc xệp này chút nghe, tôi lại gặp ông chủ quán có chút việc.
– Chi vậy anh Hai?
– Bán chiếc đồng hồ này.
– Ủa, sao vậy? Ngó bộ điên à. – Nàng trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên.
– Vé xe với tiền bỏ trong tờ báo gởi cho cô gái trên tàu, cô ấy đánh mất cả.
– Rầu chưa. – Bạch nhìn tôi ái ngại.

Lão chủ quán kỳ kèo mãi, cuối cùng chịu mua chiếc đồng hồ với giá rẻ mạt. Tôi tính tiền mua vé về Quảng Ngãi vẫn còn thiếu. Tôi trở lại bàn uống tiếp ly cá phê đá.

– Được bao nhiêu anh hai?
– Hai trăm.
– Rầu chưa, đủ mua vé không?
– Thiếu hơn trăm. Tôi đang nghĩ cách bán hai sơmi trong xắc.

Nàng nhìn tôi không nói. Tôi lặng lẽ đốt thuốc lá ngó lung ra ga. Hàng rào xi măng đúc, hoa tigôn bò quấn chung quanh, mấy chiếc lá khô cong queo riễu xuống như mấy giọt nến. Vài thằng bé bán mía róc đang xúm nhau chơi trò ném đá, các viên đá bắn vào đường sắt tóe lửa xanh, rít lên khô khan.

– Anh Hai nè, em nói anh đừng phiền. Bây giờ em cho anh Hai vay, hồi nào trở lại Đà Lạt trả cũng được. Đường đời, rủi ro, giúp đỡ nhau chút đỉnh có sao đâu anh Hai. Thôi, anh hai giữ hai sơmi lại bận Tết, bán chi nó rầu quá.
– Tôi không muốn làm phiền cô, cô để tôi tự liệu lấy.
– Anh không nhận em rầu lắm đó.

Nàng lồng tay vào trong ngực mình lấy ra một chiếc khăn tay màu trắng gói tiền. Tôi nhìn xấp bạc độ hơn hai nghìn, gói cẩn thận trong khăn sực mùi nước hoa.

– Anh Hai cầm hai trăm đi mua vé đi.

Nàng vỗ vào vai tôi và đẩy đi. Hành vi vừa thân mật vừa sỗ sàng làm tôi cảm động lạ. Cầm tờ giấy bạc trong tay, tôi nghĩ đến Bạch – lùn, đến tờ bạc của một khách chơi nào đó. Trong cái lạnh hoang đêm vắng, gió như luồng theo đường xe hỏa phả vào mặt tôi. Một cái gì mơ hồ thảm đạm len lấn vào tâm tư, tôi nhìn lên tháp canh trên đồi đất mà ước mình có đôi cánh.

Tôi mua vé xong trở lại thấy nàng đang ngồi nhai thịt bò khô ngon lành. Nàng nhoẻn miệng cười. Bây giờ tôi mới để ý đến chiếc răng vàng gần bên răng khểnh.

– Ăn bò khô đi anh Hai, em nói anh đừng có rầu nữa, hồi nào trả cũng được mà. Thời bây giờ tiền bạc mà chi anh hai, sống cho qua ngày đoạn tháng thôi mà anh!

Sau câu bình phẩm về cuộc đời, nàng nhướn đôi mắt to nhìn lung qua hàng rào tre bên kia quán; ngọn đèn leo lắt của mấy túp lều tranh dưới dãy cây xanh đang thoi thóp thở. Người khách ngồi trên ghế bố vươn vai ngáp lớn, ông quay mặt vào hỏi ông quán :

– Anh nè, tàu sao chừ chưa ra?
– Ôi, hơi đâu mà chờ, cứ ngủ thẳng cẳng đi. Tàu đi như bà già đi chợ , hơi đâu mà chờ.
– Tàu độ rày đông hành khách không anh?
– Đếm trên đầu ngón tay, hạng nhất hạng nhì còn có người đi, chứ hạng ba thì trống không.
– Sao vậy anh?
– Trước đầu máy ba wagon trống để rủi có mìn thì đầu máy không hư; sau đầu máy hai wagon yểm trợ, tiếp nữa là hạng ba. Còn hạng nhì và hạng nhất tít đàng sau khỏi lo súng lo mìn. Đi hạng ba thì dễ chết hơn chút.
– Trời ơi! – Bạch la ông ổng. Thiệt hay giỡn vậy bác? Tụi tôi đi hạng ba đây này.
– Hơi đâu mà lo, sống chết có số mà cô. Cái số chết ở hạng nào cũng chết. Nhớ điều là rủi khi gặp mìn nổ nên nằm yên trên tàu, chạy lăn xăn hai bên bắn nhau mình chết oan vô ích. Mấy chuyến tàu trước hành khách chết như vậy là thường. Tôi làm ăn ở đây nghe nhiều chuyện thảm lắm bà con ơi, có người nghe mìn nổ sợ quá té đái trong quần rồi bất tỉnh vậy mà sống; còn mấy người khôn khéo chạy lăn xăn chết tiệt. Thời chiến mà bà con, sống chết như heo, như chó có khó khăn gì đâu.
– Chời ơi! Biết thế này đi xe hơi cho rồi.
– Cái số chết độn thổ cũng chết cô ơi. Chiến tranh chỉ khổ cho thằng dân nghèo như bọn mình thôi, đi lính cũng thằng nghèo, chết cũng bọn nghèo, bọn nhà giàu có thế thần nó sống phây phây ra đó; nó tìm mọi cách trốn lính, có đi lính cũng đi lính cậu. Bọn nhà nghèo ở nhà quê thì một cổ hai tròng, chết bom chết đạn, trốn ra thành phố thì chết đói, đi máy bay thì không có tiền, đi xe đò. đi xe lửa thì như đánh số với trời.

Ông hành khách nằm trên ghế bố nói một thôi dài, vòng tay sau ót ông nhìn lên trời hút thuốc lá. Ông chủ quán lặng lẽ tướt mấy sợi lạt cuối cùng. Gió thốc mấy cành lá dừa, biển cả sóng gầm vẳng đến trong luồng gió lạnh. Súng nổ ì ầm đầu mạn bắc, tôi thấy mình như hốc đá cố thu mình, sóng bể càng táp mạnh.

– Bác về đâu đấy bác? – Tôi hỏi ông khách nằm trên ghế bố.
– Tôi về Tuy Hòa.
– Bác đi hạng ba hả bác! – Bạch lo lắng.
– Không, tôi đi hạng nhì cô ạ, hạng ba nằm sát bên mấy ổ súng đại liên ai mà dám đi.

Cặp mắt nàng ngơ ngác dại hẳn đi. Nàng nhìn tôi lắc đầu chầm chậm, đôi mắt như lạc loài vào thề giới khủng khiếp nào. Môi dưới bĩu ra tôi tưởng như nàng đang khóc. Khuôn mặt dày dặn, lẳng lơ giờ đây như mất hết, nơi nàng chỉ còn vẻ bé dại của người con gái.

– Anh Hai à, hay em đổi vé hạnh nhì đi.
– Tùy cô. Nếu cô muốn tôi đi đổi dùm cho.

Nàng lo lắng, tay mân mê bó hoa nhựa.

– Còn anh Hai, thôi em đưa thêm tiền cho anh hai đổi luôn cho cả anh hai nữa nghe.
– Không, tôi đi hạng ba.
– Sao vậy, đi hạng nhì đi anh Hai. Hạng ba gần mấy ổ súng sợ lắm.
– Tôi thích đi hạng ba.

VN88

Viết một bình luận