Năm 1995, đến tuổi sáu mươi bảy, Mười Biện về hưu, cấp đại tá.
Mười Biện mời tôi đến nhà ăn cơm chiều. Nhà Mười Biện nằm trong một con hẻm đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, một biệt thự nho nhỏ có một cây xoài, một cây vú sữa, che mát mảnh sân trước nhà. Hai đứa đã già rồi, vẫn mày tao không khách sáo.
Mười Biện nói:
– Chiều nay vợ tao mời mày một bữa ăn đặc biệt, nhà hàng khách sạn ở Sài Gòn không một nơi nào có.
– Món gì mà đặc biệt dữ vậy?
– Cá rô nhưng không phải kho tộ, món đó bây giờ lên trời đâu cũng có. Cá rô này là cá rô kho bầu.
Nghe nói mà giật mình, cá rô kho bầu tôi được ăn lúc còn ở làng đã hơn năm mươi năm. Ngồi vào bàn ăn tôi hỏi:
– Đứa con đồng chí đâu?
– Nó đi vắng, cũng lận đận như tao. An ninh kinh tế, đã lên cấp tá, đi suốt, nhưng bữa nay nghe nói mày đến, chắc nó tránh. Biết sao không, gặp mày là nó nhớ nó bắt tao phải gọi là đồng chí, nó mắc cỡ. Dù lớn mấy cũng là con cháu. Nó đi vắng, tụi mình thoải mái.
Trước khi vào bữa ăn, tôi nói:
– Vừa rồi tao có nghe mày phát biểu một câu nổi tiếng chẳng biết có phải như vậy hay là người ta bịa đặt cho vui?
– Câu gì mà nổi tiếng?
Tôi kể, tôi nghe trong cuộc họp của cấp ủy có một câu hỏi đặt ra, nếu thành phố ta có bạo loạn hoặc có một lực lượng phản động nào đó đánh vào thành phố thì ta bảo vệ cơ quan nào trước nhất. Một giả thiết đặt ra làm đầu óc mọi người căng thẳng. Thành viên hội nghị lần lượt phát biểu với lý lẽ riêng. Người thứ nhất bảo, nơi bảo vệ trước nhất là cơ quan Thành ủy, vì đây là Trung tâm lãnh đạo của Đảng. Người thứ hai thì bảo vệ trụ sở Uủy ban vì đây là trụ sở của Trung tâm chánh quyền. Người thứ ba thì phải bảo vệ Đài truyền thanh truyền hình, vì đây là cái loa, là hình ảnh của chế độ. Người thứ tư thì bảo vệ ngân hàng vì muốn làm gì cũng phải có tiền. Đến người thứ năm, Mười Biện, Đại tá Công an với sắc phục của ông, ai cũng chú ý, ông Đại tá Công an Mười Biện đứng lên trịnh trọng:
Với tôi nơi cần bảo vệ đầu tiên – nói đến đây ông dừng lại cho mọi người chú ý- nơi bảo vệ đầu tiên là nhà máy bia!
Tôi kể xong, Mười Biện, cô giáo Hạnh, đứa con dâu và cả hai đứa cháu nội đều cười rộ lên, tôi hỏi:
– Ông có phát biểu như vậy không?
Mười Biện tắt tiếng cười:
– Hội nghị chuyên đề về an ninh lần nào cũng căng đầu, mình phát biểu giải trí. Sau khi phát biểu, một đồng chí trong cấp ủy bảo: “Thấy mặt ông ngầu quá, tôi tưởng ông không biết đùa”.
Bữa ăn không thịnh soạn nhưng trang trọng và ngon miệng. Bàn phủ vải trắng dọn giữa phòng khách. Vào bàn chỉ có hai người đàn ông, Mười Biện và tôi, cô giáo Hạnh, con dâu và hai đứa cháu nội thì ngồi bàn dưới trong một góc vừa ăn, vừa kể chuyện. Món cá rô kho bầu là món vừa là canh vừa là kho không lạt không mặn, nước kho có thể chan cơm như nước canh, bầu thấm vào cá, thịt cá vừa làm mồi nhậu vừa là món ăn cơm.
Mười Biện chỉ con cá rô to bằng bốn ngón tay được sớt ra đĩa, hỏi:
– Xứ Long Xuyên mày gọi con cá này là con cá rô gì?
– Cá rô ăn đũa nằm!
– Sao ăn đũa nằm, không phải là ăn đũa đứng?
Tôi giải thích bằng cách cầm đôi đũa dài theo tay, lạn hết cái lưng cá. Xong tôi cầm đôi đũa đứng:
– Cá rô li ti thì đũa đứng mới dẻ được.
Mười Biện bành miệng cười:
– Giỏi ! Còn một câu nữa, cá rô này mày nghe mùi gì?
– Thịt cá rất thơm nhưng chưa đoán được mùi gì – Tôi xoay qua cô giáo Hạnh – Chị có để khoai sọ trong nồi không?
Mười Biện đưa tay vỗ tay xuống bàn vẻ thích thú:
– Cái mũi của mày vẫn còn thính, nhưng ai lại đi kho cá với khoai sọ. Đó là mùi củ co. Có biết củ co không?
– Không biết củ co thì còn gì là dân Nam Bộ. Tao còn nhớ, tháng mươì là tháng mùa củ co – Bắc Mỹ Thuận, Bắc Cần Thơ con nít vẫn còn bán. Củ tròn tròn bằng đầu ngón tay ngón chân cái sần sùi đen như bùn, nướng hoặc luộc ăn bùi bùi béo béo nhân nhẩn thơm thơm. Ăn vui miệng!
Mười Biện thích chí:
– Nhà văn tả vậy là đúng. Ăn thêm một miếng nữa đi, nghiệm xem có phải mùi củ co không?
Tôi vừa ăn vừa ngẫm, sành lắm mới nhận ra mùi củ co thật đặc biệt này. Phải là con cá rô mùa khô. Trên đồng không còn nước, con cá rô phải chui xuống tận bùn. Từ dưới đáy bùn là đất của củ co. Con cá rô long lóc trong bùn như được ướp bằng củ co và như được tẩm bằng củ co vì nó phải ăn củ co để sống. Muốn bắt nó, tay phải thọc sâu xuống bùn, vừa lặt củ co vừa bắt cá.
Tôi quay sang vợ Mười Biện:
– Chị làm sao biết được con cá nào là con cá có mùi củ co mà chọn?
Cô giáo Hạnh ngồi bên kia góc nhà nói với sang:
– Cũng là tình cờ, sáng tôi đi chợ sớm, thấy thằng cháu mười hai mười ba đội một rổ cá, chân cẳng còn lấm bùn, tôi hỏi: “Cá này cháu câu hay giăng lưới?” Nó bảo: “Cháu mò dười sình” “Cháu có hái củ co không” “Củ co nhiều lắm nhưng cháu để ăn”. Nghe vậy tôi không trả giá, thằng cháu nói bao nhiêu tôi mua bấy nhiêu, mua hết. Về, tôi khoe với ổng, ổng liền điện thoại cho anh.
Sau vài ly rượu, Mười Biện hào hứng hẳn lên, nhìn nó tôi đoán biết theo thói quen, nó bắt đầu triết lý, và đúng như vậy, Mười Biện nói:
Ăn con cá rô đồng mùi củ co chiều nay tôi bỗng nghĩ đến chuyện đời. Có lẽ cái ý nghĩ này bốc lên từ men rượu Xuân Thạnh. Mình muốn so sánh nhưng thấy khập khiễng đến độ không chấp nhận được, cho nên có lẽ Liên nghĩ là đúng nhất, Liên nghĩ tới cái đời của tụi mình, con cá rô đồng nó chui nó lách tận dưới bùn sâu, nhờ có củ co nó mới trở thành con cá ngon cá quý, còn tao với mày dù chìm hay nổi nếu mình cũng như con cá rô đồng này, mình sống sâu trong lòng của xã hội thì mình…, phần kết luận xin dành cho nhà văn.
Hai đứa tôi, gặp nhau chuyện nọ xọ chuyện kia, đủ thứ chuyện đời.
Rượu Xuân Thạnh một lít, chỉ còn có hai ly cuối cùng. Bất ngờ tôi hỏi:
– Về hưu mày tính làm gì?
Mười Biện không trả lời mà bước ra khỏi bàn, vào phòng trong khệ nệ bưng ra cái giá vẽ, được vợ giúp cho một tay. Nhìn bức tranh, nói không quá đáng, tôi giật mình. Bức tranh cách đây 45 năm, Mười Biện vẽ bằng bút chì trên trang giấy học trò.
Bây giờ bức tranh được phóng to lên, được vẽ bằng sơn dầu. Mặt trăng mờ trong tranh là mặt trăng qua lớp sương rừng U Minh. Trong tôi bỗng bừng lên bao kỷ niệm, bao hình ảnh chiến trường xưa. Những người lính, lưng đeo nóp, vai vác súng, xuồng hành quân nối dài theo kênh rạch… hình ảnh những người lính vượt đồng lầy với chân trần.
Tôi đứng lặng trước bức tranh.
Mười Biện quay lại nhìn tôi.
– Hội hoạ với tao như mối tình đầu. Tao trở lại với mối tình đầu này, vợ tao không ghen, phải không cưng?
Cô giáo Hạnh đứng bên chồng:
– Đêm nào ảnh cũng vẽ anh à.
Mười Biện được đà:
– Còn một bức nữa, bức ảnh của vợ tao ngày cưới!
Cô giáo Hạnh ôm hai vai chồng, hai mái tóc bạc kề nhau, giọng âu yếm:
– Ông xỉn rồi, đừng khoe nữa.
Mười Biện càng hào hứng:
– Mày có biết không, tao đang học. Ai dạy tao? Họa sĩ Đức Quỳnh. Chắc là mày nói ổng biết tao giúp ổng, biết tao góp một tiếng nói cho ổng đem tranh đi triển lãm nước ngoài. Thấy tao mê thích hội họa, ổng hứa dạy tao một tuần vài tiếng không lấy tiền, vải và màu ổng cũng cho tao đó. Tuổi già cũng có niềm an ủi.
Mười Biện rời giá vẽ trở lại bàn, tướng đi nghênh ngang, miệng cười cười, cầm ly rượu, sảng khoái:
– Hoạ sĩ Đức Quỳnh hỏi tao: “anh muốn vẽ lại bức tranh xưa phải không?”. Tao cười, đúng là vẽ lại, nhưng nói cho đúng hơn là “Về lại bức tranh xưa”. Họa sĩ Đức Quỳnh vỗ vai tao: “Anh vừa là họa sĩ vừa là nhà văn”. Tao đáp: “Không, mình có thằng bạn nhà văn rồi. Mình là một cán bộ công an già, một họa sĩ trẻ”.
Hai cái ly nâng lên. “Cốp”. Hai thằng bạn cùng ngửa mặt: Cạn!
(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)