VN88 VN88

Vẫn còn giữ được cái gốc

Chẳng dè ít lâu sau ruộng bị “sung” vào hợp tác xã, còn chúng tôi thì làm công lại cho họ. Ngang ngược một cách rất…tự nhiên! (May quá! Cha mẹ tôi đã thất lộc trước ngày “cách mạng thành công”. Mừng cho ổng bả!)
Vào hợp tác xã chưa đủ. Còn phải đi lao động (làm như đi làm ruộng mỗi ngày chưa phải là lao động!) Rồi đi họp hành, học tập đường lối chủ trương (làm như phải có những thứ đó thì lúa…mới tốt!) Rồi đi mết tinh, rồi hô khẩu hiệu, rồi khai lý lịch khai tới khai lui…Có đêm tôi nằm trăn trở, nghĩ tiếc cho cái gốc của ông bà để lại, bây giờ không còn đứng vững nữa. Cái gì không giống cái gì hết ! Lai căn tạp nhạp.
Vậy là sau một thời gian nhẫn nhục làm một “nhân khẩu“ của chế độ, tôi thấy tối ngày cứ hô “sống mãi, sống mãi, sống mãi” chắc… chết quá! Tôi đành liều mạng mang vợ con vượt biên. Nhờ ơn trên phò hộ, chúng tôi đi thoát và tấp lên đảo Pulau Bidong (Mã Lai).
Sau hơn bốn tháng “nằm” đảo, chúng tôi được chánh quyền Pháp nhận cho định cư. Đó là nhờ chút ít tiếng Pháp còn sót lại của thuở thiếu thời xa xưa. Thuở đó, mỗi ngày học trò phải chào cờ “Đại Pháp”, phải hát bài “Maréchal ! Nous voilà !”. Vào lớp phải đứng thẳng, đợi thầy nói “Asseyez-vous” rồi chấm câu với tiếng roi mây hay cây thước bảng đập lên bàn. Chừng đó, cả lớp đồng nói “Nous nous asseyons” rồi mới ngồi xuống. Ở cái thời như vậy mà sao cái “gốc” vẩn còn. Có lẽ nhờ truyền thống của ông cha và nhờ mấy quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư đã âm thầm nhen nhúm tình thương quê hương dân tộc.
Chúng tôi được “bốc” về đất liền ở thị xã Trenganu, rồi từ đó về Kuala Lampur, thủ đô Mã Lai, để làm thủ tục giấy tờ.

Hôm chuẩn bị lên xe để ra phi trường Kuala Lampur “bay” đi Paris, lòng tôi như mở hội. Ngày mai chẳng biết ra sao, nhưng chân trời mới này đã thấy rộng thênh thang. Không phải cho tôi, mà là cho hai thằng con tôi đang trong tuổi lớn ! Điều này tôi muốn chia xẻ với những người ti. nạn đang đứng chùm nhum ở lãnh sự quán Pháp đợi gọi lên xe ca, nhưng tiếc quá họ toàn là người Tàu Nam Vang và người Miên người Lào. Họ không biết tiếng Việt Nam, thành ra tôi… cụt hứng.
Chính ông phó lãnh sự gọi tên từng gia đình để trao thông hành và mời lên xe. Khi ổng gọi đến gia đình “Lơ đi”, chẳng thấy ai nhúc nhích. Ổng đưa mắt tìm trong đám đông rồi cái nhìn của ổng ngừng lại ở tôi. Ổng mỉm cười hỏi bằng tiếng Pháp:”Gia đình ông người Việt phải không?”. Tôi gật đầu “Ùy mong xiừ” mà tự hỏi làm sao ổng nhận ra cái gốc Việt Nam của mình? Ổng bèn trao tờ thông hành rồi chúc thượng lộ bình an. Lên xe ca, tôi đọc tấm giấy thấy đề :”Nom: Ledi- Prénom: Tu”. Tôi nhổm dậy định xuống xe phân trần, nhưng xe đã rồ máy và tôi cũng nghĩ lại: Cái vốn Pháp ngữ quá ít ỏi của mình không đủ để giải thích những gút mắt của cái họ cái tên Việt Nam, của dấu ê dấu sắc trong tiếng Việt Nam. Tôi đành ngồi xuống, thở dài… : Thân phận lưu vong, bỏ hết mất hết đã đành, chỉ có cái họ cái tên là mang theo được bên mình, vậy mà bây giờ nó cũng không còn nguyên vẹn hình hài và âm thanh của nó nữa ! Nghĩ đến đó, tôi bỗng nghe tủi thân đến ứa nước mắt….

Ở Pháp, tôi không “hành” nghề làm ruộng. Tôi làm thợ nhà in. Chắc tổ tiên dòng họ Lê Di, nhứt là vong hồn của cha tôi, muốn cho tôi -dù sống ở xứ người- cũng vẫn được gần với…chữ nghĩa ! Ở đây, người ta hay gọi tôi bằng cả họ lẫn tên “Ledi Tu”, bởi vì phát âm ‘Lơ đi tuy‘ theo tiếng Pháp có nghĩa là “ Mầy có nói ra không? “.Tôi không thích, nhưng phải chấp nhận, như tôi đã chấp nhận định cư ở xứ này, bởi vì điều quan trọng vẫn là tương lai của hai thằng con. Tuy nhiên, lâu lâu tôi vẫn thèm được nghe gọi “Út Tư”, cái tên có âm thanh hiền lành bình dị, cái tên sao mà gợi nhớ quê cha đất mẹ vô cùng…
Bây giờ tôi đã về hưu. Ngày ngày tôi “chăn” bầy cháu nội, dạy dỗ chúng nó từng chút để chúng nó đừng thành “Tây con”. Khi nói chuyện với cha mẹ của chúng, tôi thường ví von: ”Ba giống như cây bần cây đước đã bị cơn bão năm 1975 bứng ra khỏi đất. Trôi nổi bập bềnh theo sống gió đại dương đến khi đụng một bến bờ nào đó, cho dù đất khô đá cứng, cây bần cây đước đó vẫn cố bám rễ . Để giữ lấy cái gốc. Bởi vì những nhánh nhóc bên trên rồi sẽ đâm chồi nẩy lộc. Cái gốc đó – chắc các con còn nhớ – nó tên là Việt Nam“.

(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)

VN88

Viết một bình luận