Dung không nói gì ngoài một tiếng thở dài. Long mệt mỏi quay về chỗ cũ, cố ngồi thu mình, nhường một chỗ nằm, trấn an:
“Em cố ngủ một giấc… Đợi biệt kích rút xa chút nữa, tôi sẽ mở lối ra”.
“Nằm xuống đi… Anh cần lấy sức… Cũng không chật lắm đâu…”.
Thật ra cả hai đều không tin mình sẽ thoát. Anh nằm xuống. Hai người như quắp vào nhau. Họ nằm im như thế không biết bao lâu. Long nghe nhịp đập bất thường của hai trái tim gần kề, vừa đau đớn vừa cháy bỏng. Bỗng cô gái trở mình, sờ soạng tìm bàn tay anh, áp chặt bàn tay anh lên ngực mình phập phồng, thì thào đứt quãng:
“Anh… người phụ nữ của anh đây… yêu em đi…”.
Ba ngày đêm sau đó một đơn vị bộ đội tình cờ phát hiện, cứu sống hai người trong tình trạng hôn mê. Phải một tuần nhập viện Long mới được các bác sĩ cho phép trở lại đơn vị. Anh vui mừng biết tin Dung còn sống, đang điều trị tại bệnh xá đặc khu bên tả ngạn sông Sêrêpôk. Còn yếu, Long vẫn cắt rừng, vượt sông tìm “người phụ nữ của mình”.
Cô y tá tên Hạnh vui vẻ dẫn đường. Long bồi hồi bước đến cạnh giường bệnh với gói quà và nhánh hoa rừng trên tay. Linh tính giúp cô gái đang ngủ thiêm thiếp mở choàng mắt nhìn anh.
“Dung!”.
Môi cô gái run run:
“Anh gọi?”.
“Phải, anh đây mà, Long đây!”.
Cô gái bối rối liếc mắt sang y tá đứng cạnh:
“Chị Hạnh… Chắc có sự nhầm lẫn…”.
Rồi cô khép mắt, tiếp tục giấc ngủ, như muốn cắt đứt câu chuyện không liên quan. Hạnh cũng bối rối không kém. Cô đủ nhạy cảm để nhận ra điều gì bất thường vừa xảy ra:
“Xin lỗi…”.
Long ngơ ngác, khẽ lắc đầu, rồi quầy quả bỏ đi. Y tá Hạnh chạy theo anh. Nhưng đến cửa phòng cô ngoảnh lại và vô tình bắt gặp Dung đang kín đáo nhìn theo bóng Long mất hút. Giọt nước mắt lăn chầm chậm trên má nhợt nhạt thay cho mọi ngôn từ. Ra đến cổng bệnh xá, Hạnh nhác trông thấy Long vừa gặp một người quen đang đi vào và câu chuyện của họ lọt vào đôi tai thích hóng hớt của cô.
“Long!”.
“Anh Văn! Lâu quá mới gặp. Thủ trưởng thăm ai đấy?”.
“Vợ sắp cưới. Bậy quá, mình chưa báo tin cho các cậu… Còn cậu?”.
“Em thăm một người quen nhưng… xuất viện rồi”.
Văn nheo mắt:
“Nam hay nữ?”.
“Nữ. Nhưng…”.
Văn cười to, vỗ vai chàng sinh viên mà anh từng được phân công tiếp nhận bên bờ Sêrêpôk cách đây ba năm.
“Thôi, mình vào”.
“Hẹn gặp lại”.
“Chắc rồi. Thế nào mình cũng tạt qua đơn vị mời các cậu dự đám cưới!”.
Văn mạnh mẽ đi vào. Dáng anh vẫn to cao, nhanh nhẹn như ngày nào. Bỗng Long gọi với:
“Chị ấy tên gì thế?”.
“Dung!”.
Y tá Hạnh giật thót, hai tay bất giác ôm lấy ngực. Một cảm giác mạnh dâng trào trong cô, vừa hồi hộp vừa sung sướng như nhặt được của rơi. Nhưng cô đỏ mặt trước cảm xúc ấy khi trông thấy vẻ mặt thảm hại của Long. Cô muốn chạy đến nói cho anh biết về giọt nước mắt của Dung. Nhưng rồi không dám.
Phải 25 năm sau, khi bác sĩ Hạnh nhận một bệnh nhân nhồi máu cơ tim từ Vườn Quốc gia Yorkdon chuyển viện ra Hà Nội là kỹ sư Long, thì câu chuyện về giọt nước mắt thầm lặng kia mới được “xuất bản”. Qua Hạnh ông Long biết Văn đã hy sinh ở chiến trường Campuchia và hơn thế, còn cho ông địa chỉ của Dung…
Ông Long xin phép cô gái thắp một nén nhang lên bàn thờ Văn:
“Ba của cháu từng là thủ trưởng của chú trong chiến tranh”.
Ý nghĩ mình có một đứa con với Dung bên bờ Sêrêpôk mà ông nặng lòng nuôi dưỡng trong suốt 25 năm qua chợt thanh thản lạ thường. Hình như ông vừa nói “ba của cháu” thì phải… Ông Long bảo:
“Thế là chú mãn nguyện rồi… Chú đi đây, không chờ mẹ cháu được…”.
Ông Long tiếc nuối ngay khi vừa ra khỏi căn hộ ấm áp. Tiếc nuối gì thì không rõ. Nhưng ông lại thầm mong không gặp Dung trên hẻm phố yên tĩnh. Ông cũng không quay về bệnh viện mà gọi taxi ra thẳng bến xe liên tỉnh lấy vé trở về với dòng sông Sêrêpôk. Xe lăn bánh, ông mỉm cười với ý nghĩ: Cô Hạnh lắm chuyện sẽ thất vọng vì không hóng hớt thêm được chuyện gì từ trái tim yếu ớt của ông, từ giọt nước mắt thầm lặng của Dung.
(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)