VN88 VN88

Và như thế sầu ơi

Cho những đêm hoang vu anh nhìn mọi vật “nhà ngói cũng như nhà tranh”, trắng đen đừng phân minh và vàng thau thì cứ lẫn lộn như đã từng.
Bạn bè anh cũng có lắm đứa bỏ chỗ tối mà ra đi. Làm con hoang, thừa nhận hoặc vô thừa nhận thì cũng đứng dưới mẫu số chung cả. Ở tứ tán năm châu bốn bể đều là nhà, chỉ thiếu điều hiểm hóc ngang ngược: Bốn phương vô sản đều là anh em. Bố khỉ! Chúng nó đâu có biết câu ấy. Tất cả đều rặt một phường tư bản. Anh cầu trời cho chúng nó mãi được vậy. Chúng có gửi qùa về cho anh, có đứa tội nghiệp phân trần, viện cớ xứ người mênh mông nên việc anh nhờ dọ hỏi chẳng có kết quả. Không một ai biết đích xác Sầu đang ở đâu. Chỉ đưa tin là Sầu vượt biển cùng ghe với ông bác sĩ dạy môn cơ thể học ngày nào. Ông ấy có người em ruột cũng là bác sĩ nhưng chuyên về sản khoa và mấy thứ bệnh lăng nhăng của đàn bà. Còn trẻ tuổi, nhưng tài cao. Và hình như ba của Sầu cũng đã đi tới quyết định chọn mặt gửi vàng. Hình như. Khi nói thế có nghĩa là còn hồ nghi, chưa ăn chắc? Nhưng hình như anh luôn tin vào những thứ hoang đường. Ở quê nhà anh quen sống thở với tất cả những huyễn mộng mất rồi. Người ta từng lên kế hoạch “biến sỏi đá thành cơm”. Phải thành khẩn tin đến chuyện một chú bộ đội bắn rớt pháo đài bay B-52 bằng một vũ khí thô lậu. Xăng có thể cạn lốp có thể mòn, nhưng số máy số sườn vẫn không hề thay đổi! Anh phải tin vào những thứ chân lý cắc cớ ấy, như tin là Sầu đang êm ấm chung chăn gối cùng ai kia. Hắn sẽ chẳng mang chứng bệnh gia truyền để làm khổ tới lỗ mũi Sầu bằng thứ mùi kỳ cục mà ông anh hắn lỡ mang. Anh nhắm mắt lại. Vợ một bác sĩ tốt nghiệp tận phương trời văn minh và xa lạ, Sầu có đầy đủ quyền thế và cương vị để quên anh. Quên phần đất luôn ấp ủ bóng tối và tụt hậu. Anh tự hứa, nên làm một cuộc “cách mạng bản thân”. Khai tử cái tên Sầu trong trí nhớ. Anh phải cố quên mọi chuyện, chỉ dây dưa lần cuối bằng cách viết một truyện ngắn… Có tên hoàng tử ngủ vùi trong rừng, giấc ngủ ngàn năm vì sẽ chẳng có thực sự hình bóng một cô công chúa nào xuất hiện để đánh thức.

4.
Khi một người bác sĩ nói: Quý vị nên đem anh ấy về nhà và xin hãy chìu chuộng làm vui lòng anh ấy đủ điều, thì ta phải hiểu đó là lời chia buồn sớm sủa nhất dành cho một người đang nằm đếm từng cây số vùn vụt trôi trên con đường dẫn tới miền cực lạc. Đó là lời thú nhận văn hoa khi mà thuốc thang đã đầu hàng trước ông thần chết. Rằng tôi không đủ nhẫn tâm để nói huỵch toẹt với qúy vị tới cái thô nhám sần sùi của sự thật: Ối dà, thằng chả này cao số thì cũng thọ thêm được ba bữa nữa. Ba ngày phù du, qúy vị hiểu không?
Anh nằm trên giường suy nghĩ đủ điều. Cuộc đời đã xáo trộn từ lâu nên anh lạc lõng không còn ai thân thích kề cận mình. Và bây giờ, những ông bác sĩ cũng đã nhặt đi hết những râu ria trong ngôn ngữ, cau có lột truồng mọi thứ, trần trụi. Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét. Anh có cảm tình với sự sòng phẳng ấy vô cùng và anh dọn lòng thanh thản đón đợi một bản thông cáo cuối đời người. Anh không có gì bận lòng. Một người mà suốt một thời sống thu mình như anh thì khi chết đi nào khác chi một con ốc nhỏ. Anh chẳng làm nên việc gì ghê gớm cả để rồi ân hận cho công trình ấy phải chịu dở dang, không xây đắp trọn vẹn đến chung cuộc. Anh chỉ hơi buồn lòng, duy nhất một điều: Đó là bác sĩ quanh đây không có đủ sự “sáng suốt” để nhìn thấu con người anh mà định bệnh. Xì xào, ngờ vực, lắc đầu. Rồi lại tiếp tục thử nghiệm, bằng một phương thức khác. Anh tựa một con vi trùng khổng lồ, nguy hiểm lạ thường đồng thời cũng ẩn dấu ở bên trong đủ đầy sự lôi cuốn. Anh nhớ những ngày êm đẹp cũ, để rồi so sánh anh là một người mẫu trần truồng và tất cả những bác sĩ đều là sinh viên mỹ thuật đang luân phiên nheo mắt ngó vào người anh, đo đạc, dựng sườn, tạo hình khối và vung tay phát thảo lên giấy những nét vụng về ban đầu.
Anh đem tất cả gia tài của anh theo, khi nhập viện. Đó là mười hai cái truyện ngắn anh viết trong nông nỗi một thời còn giữ lại được. Một kẻ mà sẵn lòng nhìn mặt bóng đen cái ông thần cầm lưỡi hái thì nó đâu có quan hoài tới mấy ông thần cầm buá cầm liềm lẻ tẻ. Trong tập bản thảo đó có biết bao câu đồi trụy, phản động? Bao nhiêu lời bêu rếu bôi xấu chế độ ưu việt? Anh không đếm xuể và anh chẳng gợn lòng, bởi giản dị một điều nó thảy là sự trung thực mà khi viết nên anh hồn nhiên chẳng biết hư cấu là gì cả. Và những mối tình được nhắc nhở trong đó? Anh cười buồn, ít ra thì gã lao công bệnh viện một hôm cuốn xác anh đi hỏa thiêu, gã sẽ được trả công bằng thứ món ăn tinh thần lãng mạn lạ lùng mà tuổi trẻ hiện tại của gã chưa từng nếm qua, nghe kể, đọc thấy. Giời ạ! Đừng quát tháo: Coi chừng âm mưu thâm độc của Mỹ Ngụy để lại.

Anh được chuyển phòng hoài. Da anh xanh mướt hay vàng khè? Má hóp hay mắt trũng sâu? Anh choáng váng khi nhìn ra vuông trời xanh thẳm có nắng chen đầy lên khung cửa. Anh chảy nước mắt vì nắng chói hay bởi một cánh chim sẻ vừa lượn cánh ngang qua. Tự do và sự quản thúc. Hai điều đen trắng này đã vì nó mà xẩy tới biết bao nhiêu cuộc cách mạng đổ máu? Anh nói với một ông bác sĩ mà anh thấy ông ấy là người có bộ mặt sáng sủa nhất đám.
– Bác sĩ can thiệp cho tôi được đi dạo bên ngoài một buổi có được không?
– Tôi không đủ thẩm quyền làm theo lời yêu cầu của anh, bởi tôi là một bác sĩ ngụy.
Chữ ngụy ẩn chứa sự thú nhận buông xuôi đầy tội nghiệp mà lâu rồi nó vẫn còn là dấu ấn chưa phai. Nó là vết thương nặng nề nhất. Là người tình thề nguyền với ta đủ điều rồi có khi dửng dưng bỏ ta đi, gieo lại sự chấn động rạn vỡ mà có sống lại kiếp sau ta vẫn còn nhói đau. Ông bác sĩ nói nhỏ:
– Tôi có thể giúp anh những chuyện khác, nếu anh muốn. Giấy viết, hoặc bồi dưỡng thêm chút thức ăn chẳng hạn. Hoặc một hai điếu thuốc nếu anh buồn miệng muốn hút chùng vụng…
Anh cảm động đến ngạt thở. Tình người. Nó làm anh sững sốt. Anh nói:
– Tôi tin là bác sĩ cố ý khi nói tới chữ ngụy. Bác sĩ có quyền hãnh diện về chữ đó, bởi những gì dính dáng tới ngụy đều khác thường, ngay cả trong lãnh vực y khoa.
– Anh nói vậy thôi. Tôi tiếc là không đem sự hiểu biết của tôi để giúp anh. Một phần vì nhà thương thiếu thốn quá nhiều máy móc dụng cụ… Trước đây anh là nhà văn hả?
– Dạ không. Tước hiệu đó cao cả quá. Tôi là một con số không. Bác sĩ gọi tôi là Như không, cho dễ nhớ.
– Anh còn trẻ. Tôi chắc rằng anh sẽ khỏi bệnh… Đời sống, người ta chỉ hơn nhau cách xử sự và chính nghị lực của mỗi người.
– Nghị lực? Bác sĩ có biết là con người, một đôi khi họ mong được chết lắm không?
– Thì tôi đã nói rồi. Cái chết cũng là một trong những phương cách để biểu hiện thái độ của mình đối với cuộc đời. Hơn thua là tùy vào mỗi cách chết. Một hai hôm nữa, bệnh viện mình sẽ tiếp đón một phái đoàn bác sĩ ở nước ngoài về tham quan, giúp đỡ. Có lẽ trường hợp bệnh lý của anh cũng là vấn đề để họ quan tâm tới.

VN88

Viết một bình luận