Truyện ngắn và như thế sầu ơi do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn và như thế sầu ơi.
Xem truyện ngắn: Và như thế sầu ơi
Tác giả: Hồ Đình Nghiêm
Hình như cả dãy phố, chỉ có căn nhà ấy quét vôi màu hồng.
Trong tất cả những màu, hồng và đỏ là màu mà anh không bao giờ có cảm tình. Anh đi qua và về, một ngày có khi bốn năm bận trên con đường đó, vậy mà anh nào ngờ bên trong tường vôi chói lọi màu anh ghét lại là giang sơn riêng tư bí mật một cõi của Sầu.
Mỗi người trong chúng ta, không ai cấm cản chuyện một kẻ có tới những hai ba tên gọi khác nhau. Anh khai sinh cho Hồng cái tên mà anh chắc là Hồng không thích. Đành vậy. Cũng như lúc nhỏ anh tên Cu. Bây giờ nhiều người vẫn quen miệng gọi thế. Ê, Cu, Cu… Anh chẳng ưa tên gọi kỳ cục như vậy, nhưng tuyệt đối anh không thấy có gì trở ngại để phải phật lòng. Cu là một động vật dễ thương, xét cho cùng. Dù cu vừa ra ràng hay cu đã đủ lông đủ cánh. Và Sầu, trời ơi, nghe cũng da diết lắm. Sầu ơi, anh xin chào em. Bonjour Tristesse…
Anh không biết tuổi Sầu. Án chừng nhỏ thua anh bảy tám tuổi. Sầu học Đồng Khánh. Áo dài trắng, nón bài thơ và một vạt lưng đen tuyền màu tóc. Căn cước và “dấu vết dị hình” của Sầu anh chỉ biết có ngần ấy. Anh chẳng thể đạp xe đeo theo Sầu, bởi lẽ biết chọn lời gì thích hợp để nói? Anh ghét chữ tán gái vô hạn và anh luôn tin phút đầu xảy tới cho một đôi tình nhân phải là khoảnh khắc đẹp, đáng nhớ. Người này và người kia đều cảm thấy thế, gây ấn tượng tốt… Điều mà mấy vị quân sư ưa bàn luận: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Hôm nay anh cúp cua giờ cơ thể học có ông thầy chuyên mổ xác chết bên nhà thương qua dạy. Một người mà sinh hoạt lúc nào cũng kề cận bên những thây ma thì hẳn Sầu cũng mường tượng ra đôi phần. Ông ăn nói vô duyên tẻ nhạt và người ngợm thì chẳng khi nào ngó cho tươm tất, kể cả việc khi đi dạy thì ta nên tươm tất chút đỉnh, đại khái ta cũng có vét-tông cà-vạt như ai. Ông chịu khó nuôi trên thân thể một hương mùi quái lạ mà chẳng một ai có thể phân chất, tìm ra căn nguyên. Tết Mậu thân, anh đã từng ngửi mùi xác chết thối rữa ngập ngụa Thành nội. Mùi tử thi không giống mùi nồng nàn có trên thân thề vị giáo sư dạy môn học nản ơi là nản kia. Anh dong tay xin đi tiểu, lòn lách khỏi nhà ông cai, chạy băng qua đám tượng của ban điêu khắc đứng xiêu lạc đủ mọi dáng vẻ. Anh nhảy tường và lang thang bát phố. Anh vẫn hay có những cơn hứng bất tử như thế. Đi không chủ đích. Đi cho hết một buổi chiều. Đi với một đầu óc trống trơn, một cái túi quần nhẹ tiền sạch bạc. Ngang qua căn nhà quét vôi hồng, ma đưa lối qủi dẫn đường, cái đầu anh quay nghiêng như bị một lực hút vô tình. Đôi ta cùng nhìn thấy nhau, chỉ trong một sát na. Anh bước vào khung cửa hẹp. Tất cả đều hoang vu, như đôi ta là chứng nhân duy nhất còn sót lại sau cơn hồng thủy. Hoàng hôn đổ về trên con phố chưa sáng đèn. Chập choạng. Vị khuất mặt nào đã cho anh lòng can đảm? Một đứa đứng trên đôi chân run với một trái tim đập hoảng loạn sẽ chẳng bao giờ lập nên kỳ tích. Nó sẽ ngậm miệng hến và sau đó, cúi đầu bước đi trong muôn vàn tủi hồ. Anh khác, anh vào được vùng cấm địa, chẳng có bóng hậu vệ nào cả, anh vờn bóng và có tiếng còi, rất hoang đường, thổi lanh lãnh từ tâm anh, tuyên bố anh là kẻ thắng cuộc.
2.
Hình như anh quen Sầu đã gần một năm
Anh có đọc ở đâu đó, như thể trích đoạn từ tuồng cải lương, đại loại: Khi yêu em anh tính từng tháng ngày. Anh hiểu tâm trạng cái ông viết nên câu ấy, nhưng anh thì không. Anh ghét tính toán, kể lể, so bì, cộng trừ nhân chia. Nói anh là đứa lỡ mắc bệnh đãng trí cũng được. Bởi thú thật, giờ này anh đã quên những gì đôi ta chuyện trò trong cái buổi chiều “định mệnh” kia. Chưa cổ xưa nhưng đã là quá vãng. Một năm, có thể vậy. Hai mùa mưa nắng đến và đi qua thành phố của chúng ta. Bước chân nó khi nản nề khi reo vui, khi ào ạt khi đằm thắm và hầu như nó chẳng để lại dấu tích gì lạ lẫm. Căn nhà Sầu vẫn mới màu vôi hồng, nhốt kín nhân dáng mà anh hồ nghi là hình bóng ấy tuồng như mỗi lúc một bí mật hành tung hơn. Nó khiến anh ốm o gầy mòn, buộc đứa khờ dại là anh chuyên cần ngồi viết những lá thư dài, tựa hồ đó là phương cách cuối cùng nhằm làm nguôi ngoai những nỗi buồn không lối thoát. Anh đi học, đứng trước người mẫu khỏa thân, đứng trước giá vẽ, anh từ chối làm bài, điền thế bằng cách vẽ chân dung Sầu theo trí nhớ. Anh cuộn tròn tờ giấy croquis, bức tranh màu nước và tan học, căn nhà vôi hồng là địa chỉ để dừng chân. Sầu không có mặt ở đấy cho anh nhờ. Một người đàn ông đón anh với tia nhìn khắc nghiệt nhất mà lần đầu anh trông thấy.
– Tôi là Ba của Hồng. Cậu là ai?
Mở miệng là đã nghe gay cấn, không khí chừng như nặng nề. Ông đặt tờ nhật báo Sóng Thần đang xem xuống bề mặt tủ kính. Anh tránh nhìn sự lãnh đạm có nhiều trên gương mặt không mấy giống Sầu. Những hàng chữ in lớn về các mặt trận bỏ ngõ trên cao nguyên, ngoài hướng bắc của thành phố đập vào mắt làm anh thêm nản lòng. Và anh xử sự như một đứa trẻ đang phạm nhiều lỗi lầm.
– Thưa bác, bạn của Hồng nhờ chuyển tới Hồng món quà này.
Ông đón lấy đứa con tinh thần của anh để thiếu đường bóp méo chân dung Sầu bằng những ngón tay của một thương gia quen đếm giấy bạc. Không xua đuổi, nhưng hiện ra ở đó là sự khước từ cái lân la nán ở của ai kia. Anh chào đấng phụ huynh cau có đầy quyền thế nọ để vô cớ giận lòng đi lang thang giết thêm một chiều hanh nắng quái. Thơ thẩn dọc theo bờ sông Hương, thất thần lên Thương-bạc, lạc hồn qua Phú-văn-lâu, đi mãi miết. Một vài chuyến xe đò lấm lem bụi đường chở đầy nhóc người vật từ Quảng-trị bắt đầu ló dạng di tản vào thành phố. Anh không nghe tiếng súng nổ. Chắc là trong hàng quân ngũ của miền Nam dung thân rất nhiều những binh sĩ trước khi cầm súng họ đã sống qua thứ cảm giác mà anh đang hứng lấy giờ này. Anh ghét chữ thất tình vô hạn. Nhưng Sầu ơi, có một điều khó chối cãi: Anh luôn là tên hàng binh trước mỗi trận tuyến!
3.
Anh nghe những đứa bạn mới quen kể chuyện xảy ra ở bên Trung-quốc: “Một ký giả phương Tây băng qua đường ở một ngã tư đang bật đèn xanh. Kết quả, ông bị mấy trăm chiếc xe đạp Phượng-hoàng cán ngang người. Nằm trong nhà thương, vị bác sĩ chuyên châm cứu đã giải thích cho nạn nhân tội nghiệp đầy lạc hậu mà luôn vỗ ngực thậm xưng văn minh: Bận sau đi đường nhớ nhìn kỹ đèn báo hiệu. Màu xanh buộc phải ngừng lại, màu vàng là chuẩn bị tinh thần để đợi đèn màu đỏ chói sáng để thẳng tiến xông lên. Đỏ là màu của cách mạng, là màu của một sự đạp đổ mà không có gì đủ sức ngăn chận để chùn bước. Vì sao trước ngọn đèn hồ hỡi phấn khởi đó, người bên xứ ông lại phải thúc thủ dừng chân đứng đợi?”
Anh cười trong yên lặng. Có thể đó là một trong triệu triệu chuyện tiếu lâm thời đại. Và anh chợt hiểu, khi người ta sống trong hoàn cảnh bị trấn lột tới mức cùng cực bi thảm nhất thì đó cũng là lúc mà đầu óc con người “phát huy sáng kiến” ra những mẫu chuyện vui phong phú cả lượng lẫn phẩm. Điều này ngược ngạo ở chỗ là nó khác trường hợp khi ta đọc một cuốn truyện tình đầy xúc động thì y như rằng tác giả đó đã phải sống qua những giây phút đau đớn nhất mà mức chịu đựng của trái tim đã tới hồi kiệt quệ. Trái tim anh, anh nghĩ nó còn đập nhát gừng kể từ ngày Sầu bỏ đi. Những truyện anh viết, chẳng còn ai đón đọc nữa cả và bất quá nó chỉ làm riêng anh đối mặt với nỗi xúc động mà Sầu là tác giả từ ngàn dặm dài. Sầu đi, lặng lẽ, bất ngờ. Sầu không tin tưởng ở anh để phút cuối nhắn lại một lời, dù đành đoạn và quyết liệt nhất: Vĩnh biệt! Anh đi ngang căn nhà màu hồng đã bị nhà nước dán giấy niêm phong để dừng chân trước cái màu “cách mạng” đã úa tàn. Tựa một cánh hoa đứng trong bình cắm với sự quên lãng triền miên của chủ nhân. Không ánh sáng, khô khốc nước và quắt queo chết đứng rũ liệt. Anh thấy buồn lòng. Niềm hờn tủi nhú lên, như đứa con vô gia cư bất lực đứng trước căn nhà của người sinh tiền trong gia tộc để lại cho mình bỗng một sớm một chiều bị kẻ khác tới chiếm đoạt. Và anh tin, phương trời kia Sầu có khi cũng sẽ quắt quay nhớ về chốn cũ, rồi mường tượng ra đủ điều với một số vốn kỷ niệm phiêu dạt theo chân bước. Cả hai, chúng ta đều hưởng chung sự mất mác. Anh giữ một nửa, nửa kia trao về Sầu. Sầu chẳng còn quê hương. Anh có được nó để ngày đêm mong ước tới vùng đất tự do mà Sầu đang đặt chân hít thở. Anh tự hỏi, chẳng rõ trong chúng ta ai may mắn hơn ai? Đầu óc lú lấp không giải thích được sự hơn thua. Thôi thì mình chung lưng làm một quả đất nhỏ. Anh giao cho Sầu phía có ánh sáng mặt trời, phần trăng soi về đêm thì xin nhường cho kẻ ở lại. Bởi giờ này, bóng tối sẽ rất cần thiết cho anh.