Truyện ngắn tuổi U60 do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn tuổi U60.
Xem truyện ngắn: Tuổi U60
Tác giả: Nghiêm Lương Thành
Bước sang tuổi U60, sức khoẻ kém đi trông thấy. Trong đám bạn bè, chưa thấy ai có khả năng được “sơn son để thờ”, nhưng cũng đã phải đi đưa một vài người “ra ngoài đồng”. Vào tuổi này, mạng sống đã có vẻ bấp bênh, các loại kinh nghiệm đang ở độ vừa chín; không khẩn trương, đánh vèo một cái, đã thấy chín nẫu. Có lẽ, vì vậy, thuở trước người ta cho rằng phàm đã sống được đến tuổi 50 đều được gọi là lão, lão hạ, bậc khởi điểm của hạng lão. Mỗi khi làng có việc, ra đình không phải tay dao tay thớt, bưng mâm rót rượu, mà được ngồi chiếu trên, vuốt râu cầm quạt, tham luận việc làng, bàn chuyện thiên hạ.
Cảnh báo trạng thái bấp bênh của mạng sống trong giai đoạn này, dân gian bảo “Bốn chín chưa qua, năm ba đã tới”. Các Tử vi gia khẳng định đó là giai đoạn dồn dập những tuổi hạn tuổi sung, không cẩn thận, dễ đi gặp vua Ngô chúa Chổm. Còn theo một quan điểm Dịch học, đây là giai đoạn ứng với Quẻ Kiển: Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông, gian nan hiểm hoạ khôn lường. Về sau, khi đã được trang bị nhân sinh quan duy vật, thì bảo: Xì, bậy bạ, dị đoan một cục ! Gần đây, khoa sinh học đã trở nên già dặn hơn, lại nói: Đúng đấy ! Nhưng không dùng chữ tuổi sung tuổi hạn mà gọi đó là thời kỳ bản lề của quá trình tâm sinh lý trong con người ta. Chắc nó cũng giống như thời khắc lột da của giống rắn: Vô cùng dễ bị tổn thương, nhưng nếu qua được an toàn thì … phải biết !
Nho gia nói: Tam thập nhi lập, tứ thập bất hoặc và ngũ thập tri thiên mệnh. Đối với tôi, khúc đầu có lẽ đúng một chút. Khúc thứ hai, thấy như mình đã vuột khỏi cái nhận định ấy. Thuở còn tứ thập, tưởng là mình đã khôn lắm, cái gì cũng biết, nhưng té ra không phải. Cho đến năm 44 tuổi tôi mới được một người bạn, cùng học từ thuở phổ thông, “khai sáng” cho: “Thật thà thẳng thắn thời thua thiệt”, nhưng đến năm 47 tuổi mới ngộ ra: Triệt thanh tòng tục tất thênh thang ! Và, thực ra, cho mãi đến lúc đã vào sâu U60 mới thực sự hiểu được phân nửa cái thực lý tối giản đó. Có một nhà văn Châu âu đã nói, đại để: Một người phụ nữ trẻ, không có khuyết tật gì đặc biệt, họ muốn lấy ai làm chồng cũng được; may thay, khi nhận ra được điều ấy thì họ đã già !
Thời “bẻ sừng trâu”, thường tự tin đến ngạo đời; nói chuyện với bạn bè thì gọi cha mình là “Cụ khốt”. Bây giờ các con tôi lại cũng bắt đầu gọi tôi là Cụ khốt; đạo lý “con vịt và quả trứng” xưa nay là vậy chăng ? Vào những năm 70 của thế kỷ trước, lớp U30 chúng tôi rất thích nghe nhạc Beatle, Abba, nhạc Bán cổ điển (Semi-classic). Bấy giờ nhiều người gọi đấy là thứ nhạc xập xình của những hạng sống bế tắc, không lý tưởng, vất vưởng, gặp chăng hay chớ. Ngày nay, Bonney, Paul Moriat, Rechard Claydeman … có vẻ đang trở thành những “cụ khốt”.
Tất nhiên, Johann Sebastien Bach, Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven, Piotr Ilytch Tchaikovsky, … thì hẳn đã trở thành “Kỵ khốt”, “Tổ khốt” từ lâu rồi. Ngày ấy, hãy còn sống tập thể, tôi ở chung phòng với một đồng nghiệp cùng lứa; mỗi khi chúng tôi mở nhạc, lại nghe thấy tiếng khoá cửa lạch cạch dữ dằn từ phòng bên cạnh vọng sang. Anh bạn tôi cười, bảo: “Ông ấy (một đồng nghiệp U60) không chịu được, lại đi rồi”. Bây giờ, mỗi khi nghe thời nhạc trong nước, thấy không vào được bao nhiêu, chợt nhận ra mình đã già !
Nhưng, vốn bản chất kiên định, ý chí kiên cường, chỉ âm thầm thừa nhận cái thực tế chủ quan đắng ngắt ấy; đối với khách quan tôi vẫn ráo riết đấu tranh, ra quân quyết liệt, không chút khoan nhượng: Tóc bạc ư ? – Đi Thẩm mỹ viện: Nhuộm ! Đen như đêm ba mươi luôn ! Cánh U20 nom thấy cũng phải à lên một tiếng, xuýt xoa trầm trồ. Răng long ư ? – Đến khoa Răng-hàm-mặt: Làm răng giả ! Lợi giả hồng tươi, răng giả trắng loá và không bao giờ bị lỗi “chín sáu ba không”, có khả năng làm cho các nhà sản xuất kem đánh răng ngọc trai phải dò hỏi địa chỉ, cất công tìm đến, nài nỉ mời ký hợp đồng quảng cáo. Chân chậm ư ? – Tạo dáng thẳng lưng, tác phong thoăn thoắt như những chính khách quyết đoán, ngay thẳng, trong sáng và đầy ứ tiềm năng ! Mắt mờ ư ? – Đeo kính ! Nhìn con số ghi trên đồng giấy bạc hãy còn rõ chán. Vả lại, thanh niên bây giờ thích đeo kính trắng; mắt kính cận, kính viễn, kính không số đều trắng, chẳng thể lấy đó mà phân biệt. Vậy là xong ! Còn lại, những khoản ba lăng nhăng như vôi hoá cột sống, thận suy tuỵ kiệt, mỡ lẫn trong máu, huyết áp đỏng đảnh, loét hành tá tràng, u tuyến tiền liệt … là những bệnh sâu kín, chỉ âm thầm nhẫn nại chữa trị, tuyệt nhiên không rách chuyện mà trình ra.
Hồi còn thanh niên hồn nhiên xốc vác, làm việc xiêng năng, nói năng thẳng thắn, ghét lối quanh co, coi thường tiền nong, quý tình đồng bào, chẳng luỵ quyền thế. Đến tuổi U60, nhìn lại, tuy cũng làm được đôi ba việc có ích nho nhỏ, nhưng so với bạn bè cùng lứa và các U lớp sau, chợt nhận ra mình đã bị tụt hậu từ lúc nào: Ở nhà cấp bốn, đi họp bằng xe đạp, chỉ được giới thiệu là chuyên viên; họ mạc, bạn bè hỏi thăm sự tiến bộ thì không có chức tước gì để khai báo, nên sinh lòng xấu hổ, tâm hồn xao động, bồn chồn không yên. Nhân trong cơ quan vừa khuyết chân Trưởng phòng tài chính, bèn bảo bà xã ra quỹ tiết kiệm rút hết khoản tích luỹ chiến lược, quyết liệt tìm cửa, sắm bộ mặt “chí công”, nói lời “thông công”, dịu dàng thành khẩn trình bày nguyện vọng. Khi sự nghiệp thành tựu, đã an toạ trên ghế trưởng phòng, đi đứng được phép oai vệ, mặt mũi tương ứng ngẩng cao, đầu óc lỡ có chỗ nào máu không bơm tới được cũng chẳng ai biết bởi công việc đã có cấp dưới lo; lại thỉnh thoảng kết hợp công tư, đi xe bốn bánh biển xanh êm ái đến thăm thú họ mạc, bạn bè; dưới thì được thuộc cấp xoa tay đón ý, bằng vai thì được nhũn nhặn nể vì, trên thì năng đi lại sâu sắc với các sếp nên luôn được lãnh đạo bắt tay khen ngợi, vỗ vai thân mật trước đám đông, vinh dự không sao kể hết; chửa được nửa năm, số dư trong sổ tiết kiệm đã được … đẩy lên một tầm cao mới. Bấy giờ mới thấy cảm khái, ngoắc vội tấm bìa “Xin đừng quấy rầy !/Please do not disturb !”, khoá trái cửa phòng làm việc lại mà bật khóc, mà vật vã tự thương tự thán: Ô hô … ! Biết thế này … thì sắm lấy cái hạnh kiểm mềm mượt, làm quách chức tước từ hồi còn trẻ cho r … ô … ồi … hức, hức … ô hô … hô !