VN88 VN88

Trở về nơi mù sương

Trong email trả lời tôi viết về một chuyến viễn du xuống Nam Mỹ trên một du thuyền và gửi cho Vành Khuyên tấm hình tôi đang ngắm hoàng hôn trên biển. Tôi đứng quay lưng về phía ống kính, gió thổi mái tóc bồng, cô đơn và lãng mạn như một người lang bạt giang hồ. Lẽ dĩ nhiên là Vành Khuyên không biết thêm gì về tôi, nhưng có lẽ tấm hình đã gợi cho Vành Khuyên những ước mơ thầm kín, những chân trời xa, và một chút cảm tình lãng mạn của tuổi thanh xuân.
– Viễn Xứ, bạn ‘ăn gian’ nhé. Ai lại gửi cho bạn bè hình ‘cái lưng’ mình bao giờ. Thấy bạn đi đến nhưng chân trời xa lạ, ngắm nhìn trời đất bao la mà Vành-Khuyên thèm. Ước gì VK cũng đưọc đi như bạn, được đứng bên bạn, cho bạn không còn cô đơn.
Tôi bắt đầu thấy sợ. Có lẽ là tôi đã đi quá trớn. Tôi không bao giờ có ý-định phiêu lưu tình cảm với một người chưa biết mặt. Tôi biết rất rõ là nhưng cuộc tình như vậy không bao giờ đưa đến hạnh phúc lâu dài. Vả lại hoàn cảnh và lương tâm tôi đâu cho phép tôi làm những chuyện như thế. Sau nhiều đêm suy nghĩ tôi viết cho Vành-Khuyên một lá thư dài.
“Vành Khuyên thân mến,
Tôi sẽ hết sức thành thật với Vành Khuyên trong lá thư này. Quả tình thì tôi chưa bao giờ nói dối, nhưng từ lúc khởi đầu cho tình bạn của chúng ta tôi đã không nói hết về mình để có thể đưa đến hiểu lầm.
Tôi không sinh năm 1973 như Vành Khuyên tưởng. Khi chọn VienXu_73 làm địa chỉ email tôi chỉ muốn ghi lại một móc thời gian khi tôi xa Việt Nam sang du học tại Hoa-Kỳ, đó là năm tôi trở thành người viễn xứ, miệt mài trên xứ lạ nhưng lúc nào cũng tơ tưởng đến quê nhà.
Năm ngoái tôi có trở về VN, lần đầu tiên sau nhiều năm xa cách. Tôi đã đi thăm lại ‘đường xưa lối cũ’, và tôi đã bồi hồi. Tôi đã gặp lớp người mới lớn sinh sau chiến tranh điêu tàn, và tôi xúc động. Tôi muốn trả cho đất nước nơi tôi sinh ra một chút ân tình, góp một bàn tay cho tuổi trẻ VN, nên tôi đã quyết định sẽ trở về dạy học tại một trường đại học kỹ-thuật của một người bạn.
Vành-Khuyên đã biết vì sao tôi tìm bạn trong giới sinh viên. Tôi cần tìm hiểu tuổi trẻ bên nhà vì trong ít lâu sắp tới tôi sẽ miệt mài với công việc mới, và nếu tôi không hiểu đuợc đối tượng của mình thì không bao giờ tôi có thể thành công, dù chỉ là công việc nhỏ nhoi, hướng dẫn kỹ thuật trong lãnh vực hạn hẹp của mình.
Vành Khuyên đã cho tôi cơ hội, và trong lúc tiếp xúc, dù chỉ qua thư tín, tôi đã có lúc quên đi tuổi tác của mình. Tôi đã thực sự hoà mình vào những sinh hoạt của đám bạn trẻ trung bên đó, dù chỉ qua tâm tư. Tôi đã sống bằng ảo giác, tưởng như mình còn đang ở trong tuổi thanh xuân.
Thực ra thì tôi đã ở vào tuổi xế chiều. Tôi có một gia-đinh êm ấm, các con tôi đã lớn khôn và đã đi xa. Tôi xin Vành-Khuyên tha lỗi vì thực ra tôi không bao giờ có ý định dối trá. Tôi sống tới tấm lòng vị tha, và sống bằng triết lý ‘yêu người để yêu mình’. Tấm hình đính kèm thư nầy Trinh, vợ tôi, chụp cho tôi trong vườn sau nhà vào tháng trước. Vành Khuyên xem, tóc tôi đã có nhiều sợi thay màu. Xin coi tôi là người bạn vong niên ở xa, và nếu Vành-Khuyên muốn, xin gọi tôi bằng chú, chú Duy với một tấm chân tình.
Vài tháng nữa là đến ngày tôi trở về V.N. Nếu Vành Khuyên cho phép và vẫn còn coi tôi là bạn thì tôi xin được gặp mặt. Lúc nào tôi cũng tha thiết với Vành-Khuyên và đám bạn-trẻ. Còn nếu không tiện, vì bất cứ lý do gì, tôi cũng xin gửi một lời cám ơn vì quả tình các bạn đã cho tôi những giây phút tưởng như không bao giờ tìm lại được của một thời đã qua.

Thành thật,
Viễn Xứ: Trần Quang Duy”

Hơn một tuần tôi vẫn không thấy Vành-Khuyên trên mạng hoặc email trả lời. Tôi nghĩ thầm là kết thúc như vậy cũng hay. Tôi không có gì hổ thẹn với lương tâm, dù có đôi chút luống tiếc, như đánh mất một cái gì mình vẫn nâng niu.
Ðêm đó tôi làm việc khuya, gần muốn log-off thì Vành Khuyên bắt liên lạc lại. Vẫn những lời chào tôi đã thân quen “Hi Viễn Xứ”.
Tôi trả lời “Vành-Khuyên, Vành Khuyên …” và ngần ngại không biết bây giờ mình phải đối thoại với Vành-Khuyên sao cho đúng mức. Tuy nhiên những dòng chữ trao đổi với người bạn từ bên kia đại dưong sau đó lại rất bình thường:
– Nhận được email chưa?
– Chưa. Gửi bao giờ?
– Mới gửi 5 phút trước đây.
Tôi bật cười, cố gắng đánh máy dòng chữ thật nhanh:
– Chưa tới đâu… Có gì quan trọng không?
– Không, à có. Ðọc rồi trả lời nhé. VK đi đây.
– Ði đâu?
– Ăn bánh xèo với Thu. Hích hích … Good night & bye.
Tôi vào Outlook, tìm và thấy message của [email protected] vừa tới:

“Chú Duy,
Tụi cháu họp bàn và ‘xét đơn’ của chú rồi. Thu nói chú ‘vô tội’, Thúy khen hình chú ‘trông còn ngon lành’, Liễu thấy chú đạo mao, nhưng mà có vẻ … hơi cù-lần. Riêng VK thấy vườn sau nhà chú đẹp quá, có cả tượng Phật nên VK chắc là chú … tu cũng sắp thành chánh quả! Chú thấy đó, tụi cháu đã chấp nhận chú làm người bạn vong niên thân mến bên kia bờ đại dương.
Thành thật mà nói thì VK có hơi ngỡ ngàng khi đọc thư chú. VK cảm thấy như mất mát một chút gì mong manh nhưng đồng thời cũng thấy nhẹ người vì ‘hình như chưa có gì phải xót xa’.
Có lẽ giống như chú, VK cũng đã để cho trí tưởng tượng của mình bay qua đại đương, đến với những hình ảnh mơ hồ nhưng lôi cuốn. Mà tuổi trẻ nào không vậy, chú nhỉ. Chú cháu mình đều ‘vô tội’ như nhau.
Bao giờ chú về tới Sài-Gòn, nhớ liên lạc với Vành Khuyên. Nhà cháu khó tìm lắm nên chú sẽ phải hẹn VK ở một nơi nào cho bọn cháu dễ tìm.

Vành-Khuyên

T.B. Cháu định gọi chú bằng ‘Sư Tổ’, nhưng con Thúy nó bác. Nó nói gọi bằng ‘Ðại Sư Ca’ cũng còn được nữa là. Chú có đọc ‘Tiếu Ngạo Giang Hồ’ không?”

Tôi trả lời vắn tắt “Cám ơn Vành Khuyên. Sẽ tìm gặp khi chú về đến Sài-Gòn”, và thở nhẹ một hơi dài, nghĩ thầm “Con chim vành khuyên vẫn hót bình thường. Chắc không có gì quan trọng nữa. Bây giờ mình cần một giấc ngủ bình yên.”

* * *
Sài Gòn trời nắng chói chang. Tôi email cho Vành Khuyên và hẹn gặp nhau ở Brodard vào lúc 3 giờ chiều thứ Bảy sắp tới. Khách sạn Palace nơi tôi cư ngụ cũng gần đó nhưng tôi không dám hẹn Vành Khuyên tới nơi này, sợ bất tiện, nhất là chúng tôi chưa gặp nhau bao giờ.
Tôi đến Brodard vài phút trước giờ hẹn, chọn một bàn gần cửa kính để Vành Khuyên dễ nhìn. Vành Khuyên đã có hình của tôi, và tôi đã cho biết là tôi sẽ mặc áo màu xanh biển, nên chắc là không khó nhận ra . Quả tình tôi cũng có một chút nôn nao. Tôi chưa biết mặt Vành Khuyên, rất mong gặp được một người dễ thuơng để làm bạn trong những ngày mới trở lại quê nhà.
Khi tôi bắt đầu thấy sốt ruột, nhìn đồng hồ xem giờ, thì một thanh niên còn trẻ tiến lại bàn tôi, cúi đầu chào, và xin phép ngồi xuống cùng bàn. Tôi hơi ngạc nhiên vì bàn trống còn nhiều nhưng cũng lịch sự, chìa bàn tay ra dấu mời ngồi. Anh ta mỉm cưới, tự giới thiệu:
– Chú Duy, cháu là Vành Khuyên.
Tôi gần như cứng người trên ghế:
– Vành Khuyên? Tôi cứ tưởng …
– Cháu biết, chú nghĩ Vành Khuyên là con gái. Chắc chú thất vọng lắm?
Tôi vội vàng cải chính:
– Không, không … Ngạc nhiên thì có, nhưng thất vọng thì không. Trong mấy dòng tìm bạn tôi có nói rõ là ‘trai hoặc gái, miễn là dễ thương’, và Vành Khuyên không bao giờ khẳng định mình là con gái khi liên lạc với tôi. Tôi chỉ cảm nhận vậy thôi. Hân hạnh được biết Vành Khuyên.
Tôi chìa bàn tay, bắt tay người bạn mới. Anh ta xiết chặt bàn tay tôi:
– Tên cháu là Hữu.
– Cám ơn Hữu đã tới. Cuối cùng chúng ta đã gặp nhau. Hữu uống gì nào.”

Hữu gọi một chai Coca, và chúng tôi bắt đầu chuyện trò một cách cởi mở. Tôi nói một chút về tôi, về những dự tính tương lai ở quê nhà, như những gì tôi đã viết cho ‘Vành Khuyên’. Hữu lặng lẽ ngồi nghe, thỉnh thoảng hỏi thêm vài điều, và hầu như không nói gì về mình. Khi đã thấy khá thân tình tôi hỏi Hữu:
– Còn cháu thì sao? Cuối năm nay ra truờng rồi. Đã có gia đình hoặc ‘có một nơi nào’ chưa?
Hữu mỉm cười:
– Cháu còn trẻ quá, với lại cháu muốn đi du-học nên không muốn vương mắc lúc nầy. Chia tay sẽ khổ lắm.
Tôi đồng ý:
– Cũng phải. Ba mươi tuổi chú mới lập gia đình. Tuy nhiên thanh niên ở vào tuổi cháu mà không có tình yêu thì cũng hơi hiếm.
Hữu lại cười:
– Có chứ chú, nhưng chỉ nhẹ nhàng gần như là bạn mà thôi.
Tôi nghĩ thầm:
– Thằng bé ngoan.
Hữu uống cạn ly nước, nhìn tôi đắn đo:
– Cháu muốn mời chú về nhà cho biết. Không rõ chú có rảnh không.
– Rảnh chứ. Chiều thứ Bảy mà. Cám ơn cháu nhiều.
– Chú ngồi sau xe Honda cho cháu chở nhé?
Tôi thú thật:
– Hơi sợ, lâu lắm rồi chú không ngồi xe gắn máy, nhưng Hữu chạy chầm chậm thì chú sẽ không hốt hoảng đâu.

VN88

Viết một bình luận