VN88 VN88

Tình yêu trong màn đêm

Bữa cơm chiều mọi người ăn một cách lặng lẽ, mỗi người đeo đuổi một ý nghĩ riêng. Ông Thịnh nghĩ đến những người bỏ vùng kinh tế mới ra đi, họ về đâu? Ở đây thì chỉ có thể sang bên Miên thôi, mà bên ấy thì có khác gì Việt Nam, sợ còn khổ hơn nữa! Ông nghe nói Pol Pot giết cả hàng triệu người. Còn về Sài Gòn thì sống ở đâu khi nhà cửa đã bị tịch thu hết rồi. Đành rằng ông có thể bỏ tiền ra mua một căn nhà nhỏ nhưng làm sao yên ổn được. Thằng Thái chỉ vì không có hộ khẩu ở nhà vợ nó mà bị bắt, huống hồ là ở lậu cả một gia đình như thế này. Hết câu hỏi này đến câu hỏi khác quay cuồng trong đầu óc ông mà ông không trả lời được.
Bà Thịnh thì nghĩ đến thằng con đang bị nhốt ở Sài Gòn, chỉ vì miếng ăn cho gia đình mà bây giờ nó phải chịu như vậy. Bỗng dưng bà thấy miếng cháo đang nuốt trở nên đắng hơn.
Riêng đối với Huệ, cái tin bỏ trốn vùng kinh tế mới trở về Sài Gòn là tin vui cho nàng thật, vì nếu người ta về được thì nàng cũng có thể trở về. Đối với nàng, chỉ cần về Sài Gòn được là tốt rồi, còn vấn đề ở đâu thì lúc đó tính sau. Nỗi vui khi nghĩ có ngày được về sống ở Sài Gòn làm Huệ phải lên tiếng, dù thấy cả bố lẫn mẹ đều có vẻ đăm chiêu suy nghĩ về một điều gì đó.
-Để chút nữa ăn xong con đi một vòng xem nhà nào đi rồi, nhà nào còn ở lại, nghe bố?
Ông Thịnh gật đầu cho qua:
-Ừ.
Quỳnh từ nãy đến giờ ngồi ăn, thấy chẳng ai nói gì cả, nó im luôn, bây giờ mới thắc mắc hỏi Huệ:
-Đi đâu hả chị Huệ?
-Về Sài Gòn.
Quỳnh buông đũa bát ôm choàng lấy Huệ:
-Vậy hả, em thích về Sài Gòn lắm, ở đây buồn quá!
Ông Thịnh chợt nhìn con rồi nhìn vợ. Nỗi vui của Quỳnh là nỗi đau của ông. Con ông chỉ mong ước một điều hết sức nhỏ bé mà ông không làm cho nó được. Từ ngày lên đây nó không học hành gì cả, suốt ngày chạy sang nhà hàng xóm chơi vì bên ấy cũng có đứa trẻ trạc bằng tuổi nó. Thương con ông không ngăn cản, vì giữ nó ở nhà cũng không được việc gì, mà muốn con đi học lại thì chưa có trường.

Trong mấy đứa con ông mến bé Quỳnh hơn cả, chỉ vì lý do nó bé bỏng nhất nhà lại chịu thiệt thòi nhất. Khi nó còn nhỏ ông gửi nó vào học trường đầm. Gọi là trường đầm mà thực ra không có đầm dạy, chỉ có mấy bà sơ dạy theo chương trình Pháp, với hy vọng là ông sẽ cho nó sang Pháp du học khi Quỳnh đã qua bậc trung học.
Vừa mới bập bẹ được mấy câu tiếng Tây thì biến cố ba mươi tháng tư xẩy ra. Con ông trở về học chương trình Việt như mọi đứa trẻ khác, nhưng rồi nó không may mắn, cả gia đình bị đẩy lên đây và việc học vì thế bị gián đoạn.
Nhìn con mà ông không biết nói với nó thế nào. Huệ đã cho nó nỗi vui to lớn và bất ngờ quá ông không nỡ lấy lại ngay. Nhưng rồi Quỳnh quay sang bố:
-Nhà mình về Sài Gòn hả bố?
Ông nhìn con ái ngại:
-Về bây giờ thì chưa được, nhưng rồi để bố tính dần.
Bà Thịnh cũng nhìn đứa con út, bà cũng mủi lòng như chồng và cũng hiểu là chồng bà đang nói để an ủi hai đứa con.
Tuy chỉ nghe bố nói có thế nhưng đối với Quỳnh đó là hứa hẹn hết sức tốt đẹp.
Quỳnh vừa ăn vừa vẽ vời tương lai theo trí tưởng tượng của nó và tô lên đó toàn màu hồng. Huệ thấy em như vậy cũng mủi lòng:
-Tí nữa ăn cơm xong hai chị em mình đi chơi một vòng.
-Quanh đây chẳng có gì chơi đâu chị Huệ ơi!
-Mày ngu vừa thôi, ai chẳng biết quanh đây không có gì chơi, nhưng đi dạo mát cũng là đi chơi vậy. Với lại, có đi thì mình mới biết nhà nào đi, nhà nào còn ở lại.
Quỳnh không nói gì, nó nghĩ đến việc gia đình nó có về Sài Gòn hay không thôi, còn người khác có về hay không chẳng quan trọng gì đối với nó. Những người khác về mà gia đình nó còn ở lại thì có ích lợi gì cho nó đâu.
Ăn xong Quỳnh lại ra ngoài chơi, lần này nó không sang nhà hàng xóm chơi nữa, mà chơi một mình với mấy cái kẹo mẹ nó mới cho nó khi vừa ăn cơm xong.
Nó biết là nhà nó còn nhiều kẹo bánh lắm mà không biết chắc là mẹ nó để ở đâu, chỉ biết thỉnh thoảng mẹ nó lại cho nó vài cái. Hình như chỉ một mình nó được như vậy vì thấy chị Huệ chẳng có gì cả, vì vậy nó cũng không đem ra khoe ai, nhất là chị Huệ.
Cái kẹo chanh nó ngậm tan dần trong miệng, vị ngọt lẫn chua như quyện mãi vào nhau và quyện vào cái lưỡi nó, làm đê mê cả thân mình. Nó cứ ngậm cái kẹo như thế cho đến khi tan hết mới lại bóc đến cái kẹo khác.
Nó đi thơ thẩn một mình trên con đường cạnh nhà. Con đường đất ít người đi lại, cỏ mọc lan ra gần giữa đường, nhưng nó không sợ vì cũng là con đường quen thuộc.

Bước đi của nó làm động đám cỏ, và những con cào cào từ trong đám cỏ bung mình bay ra, kêu xành xạch, rồi lại đáp xuống. Đôi khi có cả nhái từ trong đám cỏ nhảy ra nữa.
Những cảnh tượng này Quỳnh không bao giờ thấy khi còn ở Sài Gòn, nên lúc đầu khi mới lên đây nó cũng thấy lạ mắt và vui vui, nhưng chỉ một lúc thôi là nó chán, nhưng cũng biết là không thể về Sài Gòn được vì không có nhà nữa.
Nó không hiểu tại sao cái nhà của bố mẹ nó ở Sài Gòn to lớn đẹp đẽ như vậy mà người ta lại đào bới rồi bắt tất cả nhà nó lên trên này ở. Nhiều lúc nó muốn hỏi, nhưng hình như mỗi lần nhắc đến chuyện ấy chỉ làm cho mẹ nó buồn thêm nên nó lại thôi.
Quỳnh đứng lại giữa đường nhìn xuống khu đất trũng ở phía dưới. Cũng vẫn cây cối và cỏ tranh mọc xen lẫn vào nhau, nhưng không có cái nhà nào ở dưới đó. Nó để ý đến chỗ cỏ tranh bị cắt làm hai và thấy một con suối chạy ngang qua đám cỏ tranh ấy.
Lần trước, vào mùa hè, nó với con Tâm đã đến đây rồi mà sao không thấy con suối ấy? Nó tự hỏi nhưng rồi đành chịu không trả lời được vì không biết tại sao. Bỗng một đám mây đỏ bay ngang và dòng suối cũng chợt đỏ lên nhưng chỉ một lúc là hết. Quỳnh muốn đi đến chỗ con suối ấy nhưng không dám vì bây giờ chỉ có một mình, khi nào có cả con Tâm nữa nó sẽ rủ con Tâm xuống.
Khi mấy cái kẹo tan hết trong miệng thì Quỳnh trở lại nhà, rồi không biết làm gì nó đứng thơ thẩn trước cửa nhìn ra. Vừa lúc đó thì Huệ từ trong nhà đi ra.
-Mày đi chơi không?
Quỳnh nhìn chị, lắc đầu:
-Em mới đi về, mỏi chân lắm rồi, em chẳng đi nữa đâu. Với lại trời sắp tối rồi, tối, em sợ ma lắm!
Huệ đứng chần chừ một lúc và rồi cũng thấy trời sắp tối thật vì đám mây đỏ ở phía tây đã chuyển sang màu đen, còn đám cỏ tranh phía trước thì màu đã sẫm lại.
Tự nhiên Huệ lại nhớ Sài Gòn, từ lúc nãy đến giờ hình ảnh Sài Gòn cứ ám ảnh nàng hoài. Sài Gòn với đường xá rộng thênh thang, với đèn điện sáng chưng giăng đầy các nẻo, với quần áo đẹp, với hàng quà ngon. Sài Gòn có nhiều thứ quá mà hình như thứ nào cũng quyến rũ cả. Vậy mà Huệ không được ở Sài Gòn. Cái hy vọng mong manh loé lên một chút ánh sáng đã tắt ngúm khi nghĩ đến căn nhà trên đường Trần Quốc Toản mà nàng không được trở về đó nữa. Căn nhà đó bây giờ họ cho ai ở hay làm gì? Huệ biết có một số căn nhà mà chủ nhân đã di tản sang Mỹ bây giờ làm trụ sở phường, hợp tác xã. Chắc nhà nàng cũng biến thành cái gì đó!
Huệ ao ước được nhìn lại căn nhà, để làm gì thì nàng không biết một cách rõ rệt, chỉ biết hình ảnh ngôi nhà đã gắn liền với cuộc đời Huệ, Quỳnh và tất cả mọi người trong gia đình nàng.
-Huệ ơi, đốt đèn lên, tối quá rồi!

Nghe tiếng mẹ, Huệ lật đật trở vào nhà, Quỳnh cũng vào theo. Trong góc tối của căn nhà, Quỳnh thấy bố đang mở radio để nghe, nhưng ông mở rất nhỏ, nên Quỳnh chẳng nghe được gì. Quỳnh lại ngồi cạnh bố cũng cố lắng nghe nhưng tiếng được tiếng mất Quỳnh chẳng hiểu gì, chán quá, cô bé lại gần giường mẹ, rồi ghé lưng nằm xuống cạnh bà.
-Con đi đâu từ nãy đến giờ?
-Con đi chơi, nhưng trời tối quá không đi chơi được nữa.
Bà Thịnh ôm đứa con gái út vào lòng. Tự nhiên bà nghĩ đến cái chết của mình, chắc ngày ấy không còn xa. Bà thấy mủi lòng khi nghĩ đến Quỳnh, khi bà chết chắc Quỳnh vẫn còn nhỏ lắm chưa thể tự lo lấy cho mình được, bà chỉ hy vọng Thái sẽ thay thế bố mẹ chăm sóc đàn em mà bây giờ nó lại bị đi tù. Bà chợt quay nhìn chồng bà đang nghe radio ở góc nhà và bỗng thương hại ông. Bà vốn ốm yếu và bây giờ còn yếu hơn vì những cơn sốt rét bất chợt kéo đến, nên từ ngày lên đây, bà đành để cho ông và Huệ lo lắng hết. Chồng bà vốn không phải làm gì nặng nhọc, bỗng phải vác cuốc làm quần quật suốt ngày dưới ánh nắng như thiêu đốt, vậy mà ông cũng làm được.
-Mẹ ơi, con muốn đi học, chả muốn ở nhà đâu, buồn quá!
Nghe Quỳnh nói, bà cúi xuống an ủi con:
-Mai mốt có trường thì con đi học chứ ở nhà làm gì, phải chờ người ta xây mới được.
-Sao người ta xây trường lâu quá vậy mẹ, mà xây ở đâu?
-Mẹ cũng chẳng biết, chỉ nghe nói có thế. Lúc nào rảnh con lấy sách cũ ra ôn bài chẳng mai mốt quên hết.
-Thỉnh thoảng con vẫn lấy ra học, nhưng học một mình chán lắm mẹ ạ!
Bỗng Quỳnh nhìn mẹ hỏi:
-Sao tự dưng mẹ lại khóc:
Bà Thịnh nói dối con:
-Mẹ có khóc đâu, chắc tại bụi vào mắt nên như vậy.
Quỳnh nằm chơi với mẹ một lúc rồi lăn ra ngủ, nhưng đêm hôm ấy bà Thịnh không sao chợp mắt được.
***

Huệ cố thu xếp công việc cho xong sớm để đi dạo một vòng kinh tế mới. Khi Huệ ra khỏi nhà thì mặt trời còn cao và ánh nắng gay gắt, nên nàng phải tìm một cái nón lá đội lên đầu.
Những ngày mới đến đây Huệ ít khi đội nón vì không quen. Hơn nữa, nàng nghĩ: “đã cùi rồi không còn sợ lở nữa!”, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, khi nhìn lại nhan sắc mình trong gương, nàng đâm sợ, và bắt đầu giữ gìn da mặt và trang điểm trở lại.
Ra khỏi nhà được một quãng, Huệ mới biết muốn đi một vòng khu kinh tế mới không phải là điều dễ dàng. Chỗ có đường đi như trước cửa nhà nàng mà có nơi cỏ tranh còn mọc bít luôn con đường, nếu không nhìn thấy đám cỏ tranh trên đường cao hơn đám cỏ tranh bên cạnh thì không thể phân biệt được đâu là đường đi. Hơn nữa, nhiều nhà không có đường đi đến. Huệ có nghe nói sẽ đắp đường chạy ngang chạy dọc như trong thành phố nhưng chờ mãi vẫn không thấy gì, chẳng biết bao giờ mới có.

Huệ đã chán nản định bỏ về, nhưng chẳng lẽ đã chuẩn bị đủ thứ mà bây giờ lại bỏ về thì uổng quá nên vẫn ráng đi. Huệ đi hết con đường trước mặt nhà nàng, qua ngôi nhà nào Huệ cũng nhìn vào xem có người ở trong đó không. Có nhà, mới nhìn vào đã biết ngay là có người vì thấy quần áo đang phơi, nhưng có khi không thể biết chắc được mà tạt vào để hỏi thì chẳng có lý do gì.
Đến cuối đường thì Huệ nhìn thấy một thanh niên từ căn nhà tranh cuối dãy đi ra, nhìn thấy Huệ chàng ta mỉm cười, chào:
-Cô Hai, vô đây uống nước nói chuyện một chút. Bữa hôm gặp cô chưa kịp chào hỏi thì cô đi mất tiêu, hôm nay mới có dịp gặp lại. Về đây chắc cô Hai buồn, tôi cũng buồn, mình làm bạn cho vui.
Đề nghị làm bạn với nhau của anh thanh niên làm Huệ chới với. Mà sao chàng thanh niên này biết mình buồn? Huệ cười cười:
-Thôi đi “cha”, tính dụ dỗ tôi hay sao đây?
Chàng thanh niên than:
-Trời đất! ai mà dụ dỗ được cô, cô ở Sài Gòn về đây chứ bộ ở trên rừng xuống hay sao mà tính chuyện dụ dỗ được. Có điều tôi nghĩ mình cùng hoàn cảnh làm bạn với nhau cho đỡ buồn. Nói thật với cô, tính tôi không thích khách sáo nên nhập đề trực khởi vậy đó. Đừng hiểu lầm nhau mà tội nghiệp!
-Nhà anh ở đây hả?
-Nhà ở Sài Gòn mà bị tống lên đây ở, buồn chết được! Hình như gia đình tôi với gia đình cô đi cùng một chuyến mà!
-Sao hôm đó tôi không thấy anh?
-Nhiều xe lắm chứ phải một cái sao?
Huệ nhìn vào trong nhà:
-Bộ có một mình anh ở nhà sao?

VN88

Viết một bình luận