VN88 VN88

Tình yêu muộn

Thế là Sinh đã hiểu. Ba con người kia họ cho rằng Sinh trở về đây sẽ chiếm một phần của nả ở cái nhà này. Họ không thể chấp nhận một kẻ chẳng đóng góp được đồng hào nào, bây giờ tự nhiên lại có phần, có suất ở đây! Những điều này chắc lũ trẻ đã được mẹ nó giảng giải thật kỹ, cho nên chúng mới ngại ngần ông Sinh đến thế!
Một cảm giác uất nghẹn dồn ứ lên cổ Sinh. Bao nhiêu năm ngang dọc chiến trường ông đã mong ngày trở lại nơi này. Vậy mà bây giờ nơi được gọi là “hậu phương”, là “tổ ấm” của ông lại là như thế. Ngày hôm sau ông lặng lẽ khoác ba lô đi nhận nhiệm vụ chỉ huy trung đoàn chúng tôi.
– Ngày ấy tớ biết ở trung đoàn có nhiều người không ưa tớ. – Thêm một tợp bia đưa đà, ông Sinh kể tiếp – Họ cho rằng tớ hách dịch ra oai, rồi là quân phiệt, rồi là…
Nhưng mà kinh nghiệm bao nhiêu năm chiến đấu vùng giáp ranh tớ hiểu. Cái kiểu địa bàn ấy, lực lượng ấy, sơ sểnh một tý là mất quân, mất trận địa ngay. Giao ban nhắc nhở, đôn đốc rồi quán triệt mãi rồi mà lính tráng vẫn cứ nhơn nhơn, cho rằng tớ nói dọa. Nước cùng tớ mới phải ra tay chấn chỉnh lại kỷ luật các đơn vị. Thà mang tiếng này nọ nhưng giữ được quân, giữ được an toàn trận địa, còn hơn để lính mình ngu ngơ rồi chết oan, lại mất cả đất đứng chân thì toi cả nút.
Nghe ông Sinh nói đến đây, tôi nghĩ lại cái ngày ấy thấy quả là đúng thật. Khi ông Sinh chuyển đi rồi, các đơn vị lơi lỏng quản lý bộ đội, lính ta tùy tiện tạt ngang tạt ngửa đi chơi, rồi đi tìm thực phẩm cải thiện… liền bị thám báo vồ, bị bắn tỉa, bị vớng mìn của địch… Lúc ấy quân tướng mới ngã ngửa ra hò hét nhau xiết chặt kỷ luật. Cũng may mà chiến sự dịu đi rồi ngưng hẳn, chứ không thì…!
Từ ngày lên trung đoàn tôi, ông Sinh không về thăm vợ con nữa. Nghĩ tới họ ông chỉ thấy buồn chán chứ chẳng có chút gì gọi là nhớ cả. Có lần ông dồn tiền lương mua cân đường, xấp vải, nhờ anh em đi công tác qua Hà Nội mang về cho con. Vợ Sinh bảo:
– Anh Sinh gửi các chú mang về đây cái gì thì các chú cứ kê cả ra giấy rồi để đó. Bao giờ về thì anh ấy lấy dùng, chứ mẹ con tôi không dùng những thứ ấy!
Chuyện vợ con quả là một thứ dằn vặt ông Sinh ghê gớm. Nó làm ông quá mệt mỏi. May mà có trung đoàn bộ binh với những nhiệm vụ chiến đấu liên miên cuốn hầu hết thời gian và tâm trí nếu không thì chả biết ông sẽ thành người như thế nào nữa.
Đơn vị thì thế, vợ con thì thế! Lúc ấy tớ cảm thấy chán nản và cô đơn ghê lắm. Có lẽ tại số kiếp tớ không may mới gặp phải người đàn bà bạc bẽo lại hợm người, hợm của. Chứ sau chiến tranh trở về với chiếc ba lô, mấy tấm huân huy chương đâu chỉ có riêng mình tớ đâu?
– Ông Sinh đưa mắt nhìn chiếc khung ảnh có treo mấy chiếc huân chương, giọng trầm hẳn xuống. Dừng một lúc như để nhớ lại, ông kể tiếp:

– Thế rồi tớ gặp Khanh. Cô ấy thật trong sáng và dễ mến! Lúc đầu tớ cũng chỉ coi cô ấy như một đứa em vì cô ta trẻ quá… Nhưng sau này càng tiếp xúc mình càng thấy Khanh sâu sắc và chín chắn hơn mình tưởng nhiều. Những đau buồn bất hạnh của tớ được cô ấy cảm thông, chia sẻ, động viên giúp tớ vượt lên mà sống và công tác. Dần dà trong lòng tớ nảy ra một thứ tình cảm thật là lạ lẫm đối với Khanh. Nó vừa âm thầm rỉ rả lại vừa si mê cháy bỏng, khiến nhiều lúc tớ như muốn lật tung mọi thứ ràng buộc trên đời để đến với cô ấy.
Đã có lần thấy cuộc sống của cô giáo trẻ vùng cao này kham khổ quá. Sinh san sẻ tiền lương đưa cho Khanh nhưng cô ta kiên quyết chối từ cùng với lời cảnh cáo khiến Sinh giật mình hoảng sợ:
– Nếu như anh còn những ý định tương tự thì có nghĩa là vĩnh viễn anh em mình chẳng còn gì để nói với nhau nữa!
Tình yêu đối với Sinh khi ấy cũng thật là oan nghiệt. Da diết và chân thành đấy nhưng cũng đầy những bế tắc vô vọng bởi những thực tại trớ trêu trong cuộc đời. Con tim Sinh như điên cuồng giục giã ông thổ lộ tình yêu với Khanh, nhưng lý trí lại mách bảo rằng có thể Sinh sẽ mất mọi thứ tình cảm của cô nếu như tình yêu ấy không được Khanh chấp nhận. Con tim cuối cùng đã thắng! Một lần, dường như không kìm được lòng mình nữa, Sinh đã liều lĩnh nắm lấy tay Khanh mà thổn thức thổ lộ tình yêu cháy bỏng của mình ông hổn hển một hơi dài, khi dừng lại Sinh cảm tưởng như mình đang chơi vơi rơi vào một khoảng không đen đặc. Ông nhắm mắt lại chờ đợi một hành động gì đó của Khanh, đại loại như một lời khinh bỉ chẳng hạn, và sẵn sàng sụp xuống để cầu xin nơi Khanh một chút tình cảm dù chỉ nhỏ nhoi, thậm chí chỉ một chút lòng thương hại khốn khổ. Nhưng không ngờ Khanh đã nhẹ nhàng đặt bàn tay lên ngực ông, vừa như để truyền vào tim ông cái hơi ấm rạo rực, vừa như để giới hạn khoảng cách giữa hai người ở một tầm không gian cố định. Khanh nhìn thẳng vào mắt Sinh và nói với ông rất dịu dàng:

– Em cũng nghĩ rằng người đàn bà đó không xứng đáng với anh, nhưng hai đứa trẻ kia thì hoàn toàn có quyền đòi anh làm cha chúng. Em chưa thể nói gì về chuyện tình cảm giữa em và anh khi anh chưa tròn trách nhiệm với lũ trẻ.
Câu nói của Khanh đã đưa ông Sinh quay trở về với thực tại, và ông hiểu rằng đó là một thực tại ông không có quyền lựa chọn hay trốn tránh. Kết hợp một lần công tác, ông Sinh qua nhà đưa đơn ly hôn và yêu cầu vợ ký chấp thuận. Ông đặt điều kiện sẵn sàng nuôi cả hai đứa con, không cần bất cứ một sự cung cấp hay chia chác nào từ phía vợ.
– Anh quả là một tay hảo hán đấy!
– Vợ Sinh nhìn Sinh khinh khỉnh và bảo ông ta
– Anh chưa bao giờ nuôi và cũng không bao giờ được quyền nuôi dạy chúng. Còn tài sản của anh ấy à? Tôi đã kê đầy đủ và xếp cả ở gác xép kia. Anh liệu mà khuân đi cho! Còn anh tính chuyện bỏ tôi mà đi với con giáo viên trẻ ranh kia thì đừng có hòng nhá. Tôi đã biết hết rồi!
Sinh không nói gì thêm được nữa, cầm tờ đơn ly dị chạy tuột ra đường, gọi xích lô đi đến tòa án. Một tay cán bộ vừa lim dim mắt nhổ râu, vừa nghe ông Sinh trình bày.

Nghe xong, anh ta hất hàm:
– Ông cứ để đơn đấy và về đi. Chúng tôi sẽ có giấy gọi ông sau. Việc này không dễ đâu!
Với tiền tài và các mối quan hệ rộng rãi sẵn có, chỉ một cú điện thoại, vợ Sinh đã làm cho tờ đơn của Sinh xuống tận đáy của sự lãng quên. Hơn thế nữa, cô ta còn chạy chọt để điều đẩy bằng được Sinh đi thật xa, hòng cắt đứt mối tình si mê của một ngời lính chiến chinh trận mạc, nhưng lại ngô nghê vụng dại với những toan tính đời thường.
Sau khi chuyển khỏi trung đoàn tôi, Sinh và Khanh chỉ còn liên lạc được với nhau bằng những bức thư có hành trình dài hằng tháng. Đơn vị mới nơi ông Sinh về nhận nhiệm vụ lại gần nhà hơn. Nhớ tới câu nói của Khanh, ông thường tranh thủ ngày nghỉ, ghé về thăm hai đứa trẻ, hòng mong tình cảm cha con sẽ ngày một gần gũi.
Một lần vô tình mở hai cuốn sổ học tập của hai đứa ra xem, ông Sinh chợt phát hiện ngày sinh tháng đẻ của chúng không đúng như ông vẫn nghĩ. Sợ có sự lầm lẫn, ông lục tìm những bức ảnh cũ có ghi ngày cưới và ngày ông về thăm nhà. Tính đi tính lại ông sinh vẫn thấy ngày tháng năm sinh ghi trong sổ học tập của con lớn sớm hơn bốn tháng, còn con bé thì muộn hơn gần ba tháng. Linh tính mách bảo ông có điều gì khuất tất ở đây. Lập tức Sinh đi tới trường học của hai đứa, mượn hai cuốn học bạ cùng giấy khai sinh gốc của chúng để xem lại. Tất cả đúng như vậy! Ông lại lộn về ủy ban phường nhờ xem lại sổ hộ tịch. Tất cả vẫn không có gì sai khác!Trở lại đơn vị, sau một tuần thu xếp công việc, ông xin nghỉ phép mười ngày về nhà. Một buổi sáng, đợi cho hai đứa trẻ đi học hết cô vợ còn đang ngắm vuốt trước gương Sinh ngồi xuống ghế gằn giọng bảo vợ:
– Cô ngồi xuống đây cho tôi hỏi!

Vợ Sinh không quay lại. Chỉ đến khi hoàn tất các công đoạn uốn éo cuối cùng, cô ta mới ngồi xuống đối diện với ông và hất hàm hỏi một cách trịch thượng:
– Anh lại định sinh sự gì đấy?
– Cô hãy nói cho tôi biết, tại sao ngày tháng năm sinh của hai đứa trẻ nhà này lại không đúng? – Không rào đón, ông Sinh độp hỏi ngay. Đang vênh mặt nhìn ra cửa sổ, vợ Sinh chợt biến sắc mặt, quay phắt lại, mắt giương tròn, miệng lắp bắp:
– Anh… anh nói không đúng là… là thế nào?
Tại sao con lớn lại khai sinh trước bốn tháng, còn con bé lại khai sinh muộn ba tháng?
– Ơi dào ơi! – Vợ Sinh thợt môi thật dài – Tởng gì chứ cái giấy khai sinh ấy thì tin thế nào được. Người ta viết nhầm, rồi tôi cũng có thể nhớ nhầm, thiếu gì lý do. Tôi đây còn khai sinh muộn hẳn một năm kia!
– Cô đừng có lấp liếm! Tôi yêu cầu cô hãy nói thật đi! Chúng có phải là con của tôi không?
– á à… à! – Vợ Sinh lu loa tướng lên – Bao nhiêu năm nay nuôi con cái, anh chưa bỏ ra một chinh, một hào nhá! Chưa phải bế ẵm một lần nhá! Chưa phải giặt một cái tã cái lót nào nhá! Bây giờ chúng lớn khôn bằng ấy, anh chỉ có việc ngồi đấy cho chúng nó gọi bằng bố mà anh cũng kiếm cớ để thoái thác thì anh là loại người gì đây?
– Cô đừng có mồm loa mép giải làm gì. Ông Sinh nói nhẹ nhàng nhưng quả quyết
– Tôi không tin có sự nhầm lẫn ở đây. Nếu cô không nói thật thì ngay bây giờ tôi sẽ làm cho ra nhẽ. Khoa học bây giờ giải quyết việc này không khó khăn gì lắm.

VN88

Viết một bình luận