VN88 VN88

Tình yêu muộn

Tôi còn ngỡ ngàng cha kịp nói gì thì ông đã thu xếp ngay:
– Cậu ngồi đây, tớ chạy đi kiếm chút gì về lai rai cho vui. Lâu quá chưa gặp nhau rồi…
– ấy chết, xin phép anh, em đang có việc, chỉ ngồi uống nước một lát rồi phải đi ngay!
– Tiếc quá nhỉ? – Ông Sinh ngẩn người một thoáng rồi bảo tôi – Thôi được! Tớ chẳng dám giữ, nhưng vội gì cũng phải ngồi với nhau một lúc, hỏi han nhau vài câu đã chứ!
Nói xong ông mở ngay tủ lạnh lôi ra hai chai bia, bật nút rồi rót ra hai chiếc cốc lớn:
– Nào, “cạch” với tớ một cái! Tớ kém khoản này lắm, nhưng hôm nay vui, trăm phần trăm nhá!
Ông Sinh nói thật lòng. Trớc đây tôi chưa thấy ông uống bia hay rượu bao giờ, kể cả khi tiếp khách. Bây giờ ông dám “ực” một hơi hết cốc bia to thế kia quả là chuyện lạ. Vừa đặt cốc xuống mặt bàn, hơi bia đã bốc khiến cặp mắt ông trở nên long lanh, vệt da nơi cổ nhanh chóng chuyển mầu ửng đỏ. Bốc một vốc lạc rang bỏ vào cái đĩa đưa mời tôi rồi ông Sinh hỏi:
– Thế cậu không biết tớ bị kỷ luật thật à?
– Dạ, em có nghe phong thanh nhưng chẳng rõ thực hư như thế nào.
– Có lẽ chẳng ai biết được đâu! Trừ tớ với cái thằng bị tớ nện cho một trận ấy.
– Thế là anh bị kỷ luật oan à? – Tôi tròn mắt.
– Oan gì mà oan! Một sĩ quan như tớ đi đánh người mà chưa phải ra tòa là còn được chiếu cố đấy!
– Chắc là thằng kia phải thế nào thì anh mới nện chứ?
Đang có sẵn hơi bia lại thấy ông Sinh ra chiều cởi mở, tôi mạnh dạn thỏa trí tò mò.
– Câu chuyện của tớ nó lê thê lắm, mà cậu thì đang vội. Để lần khác tớ kể cậu nghe nhá?
– Dạ… em có thể…
Tôi bối rối bởi lời từ chối vừa nãy giờ đây đã trở thành vật cản cho ý định tò mò của tôi.
– Cậu bỏ bễ công việc rồi “ăn đòn” thì chẳng bõ đâu!
Ông Sinh chân thành cảnh báo tôi, nhưng cái ý nghĩ háo hức muốn biết sự thật một vụ việc đã có quá nhiều lời đồn đại khiến tôi mạnh dạn gạ gẫm:
– Dạ! Em có thể thu xếp công việc lui lại đến mai.
– Rồi cảm thấy lý do đưa ra chưa đủ sức thuyết phục, tôi thêm:
– Với lại sếp của em không hắc như anh đâu!
– Hà… hà… Như thế là cậu vẫn còn quan tâm đến chuyện của bọn tớ, đúng không? Thôi được! “Cạch” cái đã…Sau một phút đắn đo rồi ông Sinh cũng thỏa hiệp với tôi ông quay vào nhà bấm điện thoại “a lô” đi đâu đó một lúc, khi quay ra ông vỗ vai tôi và bảo:
– Mình vào trong này ngồi cho mát. Tớ vừa gọi quán thịt chó bên kia đưa sang vài món để bọn mình ngồi nhâm nhi cho thoải mái!

Chúng tôi ngồi khoanh chân đối ẩm giữa nhà. Một cỗ thịt chó đủ món được dọn đến. Những cốc bia vàng óng cứ vơi dần. Không ngờ chúng tôi lại có thể uống nhiều đến thế. Ngỡ cả hai rồi sẽ say mèm, vậy mà câu chuyện ông Sinh kể ngày càng rành rẽ, còn tôi càng uống, càng nghe lại như tỉnh ra mới là lạ chứ!
Nhiều người vẫn nói ông Sinh là dạng lính con nhà nòi. Cha ông là liệt sĩ thời Vệ quốc. Chín tuổi ông Sinh đã vào học trường thiếu sinh quân rồi vào thẳng trường sĩ quan quân đội. Vốn thông minh, học giỏi, hai mươi mốt tuổi Sinh đã trở thành một sĩ quan đầy năng lực. Dáng người thanh thoát khỏe mạnh, gương mặt đẹp trai, lúc ấy Sinh là mẫu người lý tưởng; ông được nhiều cô gái ngưỡng mộ. Có một tiểu thư con một “ông cốp” theo cha đến đơn vị đã để ý và làm quen với Sinh. Ngay hôm sau, một cuộc sống hoàn toàn mới đã ùa tới và cuốn lấy Sinh. Những hẹn hò quá da diết, những lời nói quá ngọt ngào đã khiến chàng sĩ quan trẻ từng quen nếp sống nhà binh từ bé không còn kịp sửng sốt. Nàng tiểu thư kia không hẳn là một cô gái đẹp, nhưng cô ta khá diêm dúa và sắc sảo. Bằng sự sắp đặt tháo vát của cô ta, chỉ sau hai tháng làm quen, cô và Sinh đã trở thành vợ chồng chính thức.
Thực ra cho đến bây giờ Sinh cũng không hiểu tình cảm của mình lúc ấy nh thế nào. Những chăn gối, những đụng chạm da thịt lạ lẫm, những nét sinh hoạt mới mẻ và hối hả… đã không để cho Sinh kịp ngẫm ngợi sâu xa. Ngay cả khi theo vợ đi đăng ký kết hôn mới biết mình kém vợ bốn tuổi, Sinh cũng không hề gợn lòng dẫu chỉ là tí chút!
Một tuần sau khi cưới, Sinh nhận nhiệm vụ lên đường vào chiến trường phía Nam. Là một người chỉ huy xông xáo, có khả năng phán đoán và xử lý các tình huống tác chiến nhanh nhạy, đơn vị của Sinh liên tiếp lập công. Sinh trở thành một sĩ quan được anh em nể phục cấp trên khen ngợi và đề bạt khá nhanh cả về cấp bậc lẫn chức vụ chỉ huy.
Sau bốn năm chiến đấu, Sinh được tranh thủ ghé thăm nhà để nhìn mặt đứa con gái đầu lòng mà vợ Sinh đã báo cho biết qua những lá thư thời chiến hết sức chậm trễ. Cũng sau lần ấy, Sinh được vợ báo cho biết ông có thêm một cô con gái nữa. Đứa con ấy Sinh được nhìn mặt lần đầu khi nó đã bước sang tuổi thứ chín. Đó là khi ông được điều chuyển ra nhận nhiệm vụ chỉ huy trung đoàn chúng tôi.
– Biết là hòa bình rồi, cuộc sống sẽ có nhiều thay đổi nhưng tớ không ngờ sự đổi thay lại ghê gớm đến thế! – Ông Sinh kể tiếp câu chuyện sau một lần “cạch cốc” với tôi.

Lần ấy Sinh về nhà, vợ Sinh đã là chủ nhiệm một cửa hàng thương nghiệp quốc doanh ở nội thành Hà Nội. Tiền bạc dư dả, quyền hành lồng lộng, xét ra vợ Sinh chẳng còn thiếu gì ngoài một người chồng hiện diện trong căn nhà uy nghi ở ngoài mặt phố. Về được hôm trước, hôm sau vợ Sinh đưa ra một chiếc nhẫn vàng bảo với ông:
– ở nhà mẹ con tôi khắc tự làm lụng mà nuôi nhau. Bao nhiêu phụ cấp của anh người ta gửi về tôi đều giữ lại cả. Biết anh sắp ra, tôi dồn lại mua cho anh cái nhẫn này làm kỷ niệm. Cũng may tôi mua sớm chứ để đến bây giờ khéo chỉ ăn vài bát phở là hết!Sinh tần ngần cầm cái nhẫn vợ đưa mà nghe trong lòng chua chát quá! Mười mấy năm lăn lộn với máu lửa được vợ mình quy ra có bằng này thôi! Như chợt nhớ ra một đều gì đó quan trọng lắm, Sinh buột mồm “a” lên rồi nhấc vội cái bàn tay núc ních của vợ, tìm cách đeo chiếc nhẫn vào một trong những ngón tay đó. Nhưng rồi Sinh lại buông cái bàn tay kia ra, mặt ông xìu xuống bởi ông đã nhận ra mọi ngón tay của vợ đều lóng lánh những chiếc nhẫn to cộ đủ kiểu. Hờn tủi và xót xa đến tột độ nhưng rồi Sinh cũng gắng nén lại, vớt vát thêm một lần nữa:
Tôi là thằng lính, vàng vọt mà làm gì? Cô cầm lấy làm cho tôi bữa cơm gặp gỡ với làng xóm.
– Đây có phải là quê nhà anh đâu mà bày vẽ? ở đây chả ai biết anh là ai cả. Còn nếu anh muốn giao lưu gặp gỡ thì thiếu gì chỗ. Nhưng vàng chỉ có ngần ấy thôi thì chẳng đủ để vào cửa đâu!Vợ Sinh giảng giải cho Sinh rằng cần phải lui tới gặp gỡ chỗ này chỗ kia, cạy cục nhờ vả tìm cách mà chuyển về Thủ đô. Chạy vạy, đút lót tốn kém một chút, nhng vừa khỏi khổ, vừa có nhiều lợi lộc “màu mè”. Sinh nghe vợ nói thế thì há hốc mồm, trợn tròn mắt nhìn cô ta như nhìn một sinh vật lạ. Vô tình Sinh đưa cái nhẫn vàng vào miệng nhấm thử, nghe thấy cảm giác lành lạnh tanh tanh nơi chân răng, ông vội nhăn mặt chạy ra cửa sổ phía sau nhổ một bãi cả nước bọt lẫn cái nhẫn vàng xuống rãnh nước thải đang sùng sục chảy.
– Hừ… – Vợ Sinh cười nhạt rồi rít qua kẽ răng – Anh đúng là cái loại dở người!
Từ hôm ấy Sinh như một người sống nhờ trong căn nhà xa lạ. Vợ con Sinh đi khỏi nhà từ sáng tới tối, không hề hỏi han ông một câu. Kể cả lũ trẻ, chúng hết sức gượng gạo khi tiếp xúc với ông và gọi ông bằng bố. Sinh đã thử cố làm thay đổi không khí trong nhà, nhưng hình như tất cả đã được sắp đặt cố định, mọi trật tự đều không chừa chỗ cho ông. Sinh dằn vặt tự hỏi không hiểu vì sao lại ra như thế. Một buổi tối khi thấy vợ trang điểm son phấn xong, chuẩn bị dắt xe đi, ông liền túm lấy tay vợ, gằn giọng:
– Cô đi đâu? Tôi hỏi cô, tôi đã làm gì không phải mà cô cùng với lũ trẻ coi tôi như người dưng vậy?
Cô ta quay lại nhìn Sinh một cách khinh khỉnh rồi trả lời rành rọt:
– Đúng là anh không làm gì cả nên anh cũng chẳng có gì và chẳng là cái gì ở nhà này cả!
– Tôi vẫn là chồng cô và là bố của lũ trẻ! – Ông tức tối gầm lên.
– Cái đó chỉ có anh và luật pháp công nhận chứ tôi và các con tôi thì không! – Cô ta vênh mặt đáp lại.

VN88

Viết một bình luận