Truyện ngắn tình yêu muộn do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn tình yêu muộn.
Xem truyện ngắn: Tình yêu muộn
Tác giả: Quang Khánh
Lau xong khuôn mặt đẫm mồ hôi, nhìn thấy người chủ quán đang lúi húi sau tủ hàng, tôi liền cất tiếng gọi:
– Cho cốc nước chanh ông chủ ơi!
– Vâng! Có ngay đây ạ!
Nghe tôi gọi, người đàn ông vội vã quay ra, trên miệng đon đả một nụ cười tiếp thị. Vừa nhìn thấy ông ta tôi chợt sững người khi nhận ra một khuôn mặt hết sức quen thuộc. Bộ nhớ của tôi lập tức được đánh động, và chỉ một giây sau tôi đã bật kêu lên:
– Thủ trưởng… Thủ trưởng Sinh!
Ông chủ quán cũng ngớ người khi thấy tôi gọi ông như vậy. Trên miệng vẫn thường trực nụ cười đón khách, nhưng khuôn mặt ông thì ngẩn ra, còn cặp mắt đầy vẻ thảng thốt, ngạc nhiên. Lâu hơn tôi một chút nhưng rồi ông ta cũng à ra:
– A! Cậu là Quang? Quang tuyên huấn phải không?
Thế là chúng tôi đã nhận ra nhau. Mặc dù vẫn còn vô vàn những thắc mắc trong đầu nhưng chúng tôi cũng cứ túm lấy nhau mà lắc. Sau một hồi, tôi chợt nhớ ra rằng quê nhà ông Sinh ở một nơi nào đó tít tận miền xuôi chứ đâu phải cái xóm phố heo hút này. Dè dặt và thận trọng, tôi ngập ngừng hỏi:
– Nhà Thủ trưởng ở đây ạ?
– ừ, nhà tớ đấy! Nhà lão Sinh bán quán chứ thủ trưởng thủ phó gì! Hà… hà… Tớ bị kỷ luật cách chức về vườn lâu rồi, cậu không biết sao?
Chuyện ông Sinh bị kỷ luật tôi có được nghe phong thanh. Một dạo, cánh trợ lý trung đoàn kháo nhau um lên rằng ông Sinh cậy thế chỉ huy quân đội, hành hung cán bộ Nhà nước, bị kỷ luật nặng lắm. Những tay trước đây vẫn thường hậm hực với ông Sinh thì hể hả: “Thế mới đáng đời lão ta! Hách cho lắm vào!”.
Ông Sinh trước đây là trung đoàn trưởng trung đoàn tôi. Ngày ấy tôi vừa mới nhập ngũ. Sau huấn luyện, vốn sẵn có tí “máu me” văn nghệ nên tôi được điều về giúp việc cho ban tuyên huấn. Mặc dù chưa được tiếp xúc với trung đoàn trưởng lần nào, nhưng những giai thoại về ông thì tôi được cánh lính cũ kể cho nghe khá nhiều. Cứ theo những giai thoại ấy thì ông Sinh là một vị chỉ huy quân sự giỏi, nhưng “hắc lắm” và có cái tính mê gái.
Chuyện chỉ huy chiến đấu giỏi hay không thì phải là những tay có thâm niên trận mạc mới biết được, chứ một lính mới tò te như tôi nghe kể đâu biết đó thôi. Riêng cái khoản “hắc sì dầu” với cái tính mê gái thì có thể thấy rõ! Những ngày ấy ông Sinh thường ngồi trên một chiếc xe tải GAZ 66, cùng một tổ vệ binh đi kiểm tra khắp địa bàn đóng quân. Những tay lính vi phạm kỷ luật ông bắt được lập tức ăn bạt tai rồi tống lên xe đa về sở chỉ huy đào hào, vác đá và nhận những hình phạt khá khắc nghiệt. Những sĩ quan cấp dưới cũng kiềng ông một phép. Khổ nhất là mấy vị chủ nhiệm già, quen tính lề xề lệt xệt, buổi giao ban nào cũng bị ông Sinh quạt cho tơi bời! Trong số ấy có những vị tỏ ra hậm hực ghê lắm. Chả gì thì tuổi đời, tuổi quân họ cũng hơn ông ta nhiều. Hậm hực nhưng không làm gì được, họ tìm cách nói xấu ông. Một trong những cái cớ để họ có thể xoáy vào mà đá ông là cái chuyện quan hệ trai gái!
Đường đường chính chính ông Sinh đã có vợ với hai đứa con gái lớn tướng sống ở Thủ đô hẳn hoi, cuộc sống khá giả chứ không đến nỗi nào. Vậy mà ông còn thì thụt đi lại với một cô giáo trẻ kém ông gần hai chục tuổi. Người ta kháo nhau rồi bàn tán, rồi thêm đủ thứ dấm ớt vào xung quanh mối quan hệ của hai người. Những lời đồn đại ấy cứ như ngọn gió, càng thổi đi xa càng phềnh phàng, càng lắt léo, đến mức rồi chỉ huy cấp trên cũng phải để ý đến!
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với ông Sinh là lần ông dẫn cô gái kia đến yêu cầu tôi dạy cô ta một bài hát mà tôi đã thuộc. Tôi len lét nhận lời, trong lòng vẫn cảm thấy có cái gì đó sường sượng. Cô gái kia tên Khanh. Đó là một người con gái khá xinh đẹp, da trắng, mắt đen, tóc dài. Dáng hình của cô ta có thể làm đắm đuối bất cứ một chàng trai trẻ nào, chứ chả nói gì đến ông Sinh. “Ngữ này không mê mẩn vì tiền tài danh vọng thì cũng lợi dụng để kiếm chác chứ yêu đương gì!”. Tôi thầm nghĩ về cô nàng như thế. Sau lần ấy, ông Sinh còn dẫn Khanh đến vài bận nữa, nhờ tôi giúp cho những việc đại loại tương tự. Lần nào cũng suôn sẻ cả. Có lẽ nhờ thế nên ông Sinh gần gũi, dễ dãi và tin tưởng tôi hơn. Có lần ông còn nhờ tôi chuyển cả gói quà với một lá thư cho cô nàng kia. Còn đối với Khanh, tôi đương nhiên trở thành một người quen, thậm chí còn là một người bạn nữa!
Đùng một cái ông Sinh nhận quyết định điều đi chỉ huy một đơn vị khác cách xa trung đoàn tôi đến mấy trăm cây số. Ngày ấy giao thông liên lạc còn khó khăn lắm. Đơn vị mới nơi ông Sinh về nhận nhiệm vụ lại gần ngay Hà Nội. Cái mối tình thì thụt giữa ông Sinh với Khanh chẳng còn cơ mà tiếp diễn. Mọi người đều cho rằng mối quan hệ trớ trêu kia đã hoàn toàn chấm dứt từ ngày ấy. Lại còn có người nói rằng đó chính là ý đồ của cấp trên nhằm tránh cho ông Sinh khỏi sa vào con đường mê muội. Tôi cũng cho rằng sự đời có thế mới là phải nhẽ!
Từ ngày ông Sinh đi khỏi trung đoàn, tôi không gặp lại ông lần nào nữa. Tính ra đã mười bảy năm lẻ mấy tháng rồi. Mười bảy năm với đủ lo toan bận rộn, loay hoay với cuộc mu sinh khiến chúng tôi chẳng còn tâm trí nào mà nghĩ về nhau nữa. Bây giờ gặp lại tôi thấy ông Sinh cũng chẳng khác xa nhiều lắm. Cái dáng vẫn thế, nhanh nhẹn và thanh thoát. Mái tóc vẫn thế: thưa thớt nhưng xoăn tít và đen nhánh. Giá như còn ở trong quân đội, có thể ông Sinh đã trở thành một ông tướng quyền uy rồi. Vụ kỷ luật tai tiếng kia đã khiến cuộc đời ông rẽ ngoặt, để hôm nay tôi gặp lại một ông Sinh bán quán! Tôi cứ nghĩ chuyện ấy sẽ làm ông đau đớn lắm, nên dù tò mò mấy cũng chẳng dám hỏi. Vậy mà ông lại hề hà nhắc lại vụ kỷ luật kia cứ như nói về chuyện của kẻ khác vậy!