Trong số những người theo đuổi tôi, có Lâm là người bền bỉ nhất. Từ khi quen tôi tại nhà một người bạn cách đây gần mười năm, Lâm không hề nản chí dù đã nhiều lần bị tôi lạnh lùng từ chối. Thật ra Lâm không tệ, mà ngược lại Lâm lại là một người đàn ông được rất nhiều phụ nữ để ý. Với tướng tá cao ráo, tuy không đẹp trai lắm nhưng nói chuyện rất có duyên và lại có địa vị trong xã hội. Vậy mà không hiểu tại sao Lâm lại không chọn một trong những người đàn bà đang vây quanh chàng, mà lại chỉ một lòng chờ đợi tôi. Có lẽ Lâm là loại người thích chinh phục, càng khó khăn Lâm càng kiên trì muốn chiếm hữu cho bằng được.
Riêng tôi, sau hơn ba mươi năm tôi vẫn không quên được Khiêm và mối tình đầu. Đôi lúc tôi nghĩ có lẽ nguyên nhân khiến tôi không thể quên Khiêm chỉ là tự ái vì bị chàng bỏ rơi chứ không còn là tình yêu nữa. Sự theo đuổi bền bỉ và kiên trì, cộng thêm tính tình tế nhị và dịu dàng của Lâm khiến lòng tôi nhiều khi cũng cảm thấy xao xuyến.
Minh bây giờ đã lớn, nó học xong đại học, đã ra trường đi làm mấy năm nay và cũng sắp lấy vợ. Nỗi lo lắng cho con không còn, nhiều khi tôi chạnh nghĩ đến tuổi già của mình cô đơn vò võ, ra vào một mình cũng muốn nhận lời lấy Lâm cho có nơi nương tựa lúc về chiều. Nhưng khi nghĩ đến Khiêm tôi lại đổi ý, tôi không thể yên lòng làm vợ Lâm khi mà cái thắc mắc trong tôi chưa được giải tỏa. Tại sao khi xưa Khiêm lại rời khỏi tôi không một lời giải thích nào cả? Tôi không tin là Khiêm chỉ gạt chứ không hề yêu tôi. Và bao nhiêu năm nay tôi vẫn muốn biết rõ bố tôi đã nói gì với chàng, để chàng đi đến quyết định phải lặng lẽ xa tôi như thế. Sự thật này chỉ có hai người có thể nói với tôi. Bố tôi thì dù cho bao nhiêu lần tôi gạn hỏi, ông vẫn một mực trả lời là họ chỉ bàn về lý lẽ của tình yêu chứ không có gì khác. Như vậy có lẽ chỉ có Khiêm mới có thể cho tôi câu trả lời thỏa đáng. Một ý tưởng thoáng qua trong đầu, tôi sẽ hỏi thẳng Khiêm. Đã bao nhiêu năm qua rồi, chắc Khiêm cũng chẳng giấu giếm làm gì.
Nghĩ là làm, tôi ghi lại cái địa chỉ email của Khiêm rồi viết thư cho chàng. Dĩ nhiên vì tự ái tôi không thể nào dùng thân phận thật của mình để viết thư cho Khiêm. Tôi suy nghĩ một chút rồi quyết định dùng tên của Thanh để viết thư cho chàng. Thanh bây giờ cũng đang định cư ở Canada, cách nơi tôi sống không xa lắm. Và ngay chiều hôm đó tôi đã viết xong lá thư cho Khiêm. Trong thư tôi hỏi thăm cuộc sống hiện tại của chàng, nói một ít về gia đình của Thanh và nhắc đến tôi. Vì giận Khiêm nên tôi quyết định “khai tử” mình. Đoạn thư đó dù tôi đã cố gắng đứng ở vị trí của Thanh để viết, vậy mà nó vẫn mang một chút gì như trách móc, giận hờn:
“… anh còn nhớ Hạnh chứ? Dù cho vô tình cách mấy đi nữa Thanh nghĩ là anh cũng không thể quên cô em gái hậu phương của anh ngày nào đâu nhỉ? Nhưng điều mà chắc chắn anh không thể nào ngờ được là Hạnh đã mất rồi anh ạ. Sau khi theo chồng sang sống ở nước ngoài một thời gian thì hai người ly dị, Hạnh sống một mình nuôi con. Cách đây ba năm Hạnh mất vì bệnh ung thư, và điều khiến Hạnh không thanh thản lúc ra đi là cái thắc mắc trong lòng chưa được giải đáp thỏa đáng. Hạnh đã tâm sự với Thanh rất nhiều trong những ngày cuối đời, hai đứa đã cố gắng phân tích nhưng vẫn không thể hiểu được lý do tại sao anh xa Hạnh không một lời giải thích? Thật ra, trong phòng sách hôm ấy, bố Hạnh đã nói gì với anh?…”
Tôi gửi lá thư đi rồi hồi hộp chờ Khiêm hồi âm, và tôi đã không phải chờ đợi lâu. Chỉ hai ngày sau tôi đã nhận được của Khiêm một lá thư khá dài. Lá thư đã giải tỏa mọi thắc mắc cho tôi. Theo như Khiêm kể trong thư thì chàng sang Mỹ đã được mười năm, lập gia đình cách đây năm năm và hiện sống ở Houston với vợ và hai đứa con bốn tuổi và hai tuổi. Chàng viết:
“… thật ra hôm đó bố Hạnh chỉ hỏi tôi rằng, tôi có nghĩ là mình đủ sức đem lại hạnh phúc cho Hạnh không? Câu hỏi thật đơn giản nhưng tôi lại không đủ tự tin để trả lời. Tôi biết gia đình Hạnh rất giàu, từ nhỏ nàng đã quen sống trong nhung lụa. Phần tôi lúc đó mới ra trường Võ Bị chưa được bao lâu, đời lính rày đây mai đó, sống hôm nay nhưng không biết ngày mai sẽ ra sao. Yêu Hạnh thì thú thật tôi rất yêu, có thể nói tôi yêu nàng còn hơn yêu chính bản thân mình. Tôi không hiểu tại sao, tuy thời gian quen biết Hạnh không lâu lắm nhưng tình cảm tôi dành cho nàng lại vô cùng sâu đậm. Cho đến bây giờ đã trải qua hơn nửa đời người, mối tình với Hạnh vẫn là mối tình mà tôi trân quí nhất. Bởi vậy khi nghe bố Hạnh hỏi như thế, tôi mới nhận ra rằng nếu mình cứ một mực bắt Hạnh chờ đợi để lấy mình rồi cuộc sống của Hạnh sẽ ra sao? Nàng không thể theo tôi sống đời vợ lính khổ cực, mà bỏ nàng ở lại thành phố một mình cô đơn thì càng tội cho nàng hơn. Vả lại, lương sĩ quan tuy nhiều hơn lính thật, nhưng để tiếp tục duy trì cuộc sống nhung lụa, có người hầu hạ đưa đón như trước nay nàng vẫn sống thì e rằng tôi không đủ sức. Vì vậy câu hỏi của bố Hạnh như một thau nước lạnh tạt vào mặt, làm tôi thức tỉnh. Sau khi về nhà tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng tôi quyết định chọn biện pháp lẳng lặng xa Hạnh, để nàng ghét và quên tôi đi mà yên tâm lấy chồng. Người chồng mà cha mẹ đã chọn cho nàng, người mà tôi biết có thừa khả năng để đem đến cho Hạnh một cuộc sống giàu sang, phú quí. Tuy nhiên, điều mà tôi không bao giờ ngờ, là chỉ hơn nửa năm sau khi tôi quyết định xa Hạnh thì miền Nam bị mất vào tay cộng sản. Nếu tôi biết trước cuộc diện sẽ biến chuyển như vậy thì không đời nào tôi chọn giải pháp xa nàng.
Sau năm 75, tôi bị đi “cải tạo” hết tám năm. Lúc được thả ra tôi đã năm lần bảy lượt tìm cách vượt biên, vì tôi biết nếu còn ở lại tiếp tục sống với cộng sản thì sớm muộn gì tôi cũng sẽ bi đưa đi “cải tạo” nữa. Bởi tính tôi khi gặp chuyện bất bình thì hay nói thẳng mà dưới chế độ xã hội chủ nghĩa thì lại có quá nhiều điều bất công.
Cuối cùng rồi tôi cũng đến được Mã Lai, và được nhận định cư ở Mỹ. Lúc qua Mỹ tôi đã khá lớn tuổi, lại không có nghề nghiệp chuyên môn nên rất khó tìm việc. Có một lúc tôi đâm ra chán nản cùng cực, cũng may là tôi gặp được Trang (người vợ tôi bây giờ). Trang đã lo lắng, chăm sóc cho tôi và khuyến khích tôi đi học nghề. Khi tôi lấy được cái bằng thợ điện là lúc tôi kết hôn với Trang. Có thể nói, tôi lấy Trang vì nghĩa chứ không hẳn vì tình. Nhưng bây giờ, sau khi có với nhau hai đứa con, tôi cảm thấy hình như mình đã nắm giữ được trong tay cái gọi là hạnh phúc. Không biết tình cảm của tôi dành cho Trang bây giờ có phải là tình yêu hay không, nhưng thật sự tôi cảm thấy khá đầy đủ trong đời sống gia đình, bên cạnh Trang cùng hai đứa con. Quả thật tôi không dám mơ ước và mong mỏi được nhiều hơn thế nữa.
Khi đi “cải tạo” về tôi có trở lại Đà Lạt hỏi thăm tin tức của Hạnh, và biết được rằng nàng đã cùng gia đình chồng rời Việt Nam trước ngày 30/4, còn nàng định cư ở nước nào thì người ta cũng không biết. Tôi cũng có tìm đến nhà bố mẹ của Hạnh nhưng họ đã dọn đi cho nên tôi không biết được chút tin tức nào của nàng. Trong thâm tâm, lúc nào tôi cũng thầm cầu nguyện cho Hạnh bình an và hạnh phúc.
Lá thư của Thanh đã làm tôi thật sự choáng váng. Không ngờ Hạnh chẳng những không tìm thấy hạnh phúc gia đình mà lại còn vắn số như vậy. Tôi đã đọc đi đọc lại lá thư bao nhiêu lần rồi mà vẫn không thể nào tin đó là sự thật. Nỗi hối hận day dứt tôi từ hai ngày nay. Tôi tự hỏi mình nếu ngày đó đừng quyết định lặng lẽ xa Hạnh để nàng phải tức tưởi đi lấy chồng thì ngày nay mọi chuyện có sẽ khác đi không? Dĩ nhiên là chẳng ai có khả năng trả lời cho tôi câu hỏi này hầu có thể giải toả bớt nỗi niềm bức rức trong tôi.
Việc duy nhất mà tôi nghĩ là tôi có thể làm bây giờ là mong Thanh hãy cho phép tôi đến viếng Hạnh ở nơi an nghỉ cuối cùng của nàng. Tôi mong là trước mộ Hạnh tôi có thể gửi tới nàng lời tạ tội của tôi. Và mong Hạnh hiểu cho rằng ngày xưa tôi làm như vậy cũng vì quá yêu nàng…”
Lá thư dài của Khiêm đã khiến tôi nghẹn ngào xúc động. Từng dòng nước mắt rơi xuống như cuốn trôi đi tất cả những uất ức từ bao nhiêu năm qua đè nặng trong lòng. Nỗi giận hờn cũng theo đó trôi đi. Và khi tôi ngừng khóc thì tình yêu dành cho Khiêm ngày nào cũng lặng lẽ trở về. Tôi biết mình chẳng hề hết yêu Khiêm như mình đã tưởng. Bây giờ khi biết rằng ngày xưa Khiêm quyết định xa tôi là vì nghĩ dến tương lai của tôi, lại càng khiến tình yêu trong tôi trào dâng mãnh liệt.
Nhưng dù có yêu Khiêm như thế nào đi nữa, tôi biết rằng rồi kết quả cũng chẳng đi đến đâu. Chàng đã có gia đình, và lại đang sống thật êm ấm trong hạnh phúc bên cạnh vợ con. Nếu ngày xưa Khiêm vì tương lai và hạnh phúc của tôi mà hy sinh tình yêu của chàng, thì bây giờ tại sao tôi không thể vì hạnh phúc của chàng mà hy sinh đi cái tình yêu vô vọng của mình?
Qua lá thư của Thanh do tôi viết, Khiêm đã tin rằng tôi không còn hiện diện trên đời này nữa. Chàng có đau buồn và ray rứt thật, nhưng rồi tất cả sẽ qua đi. Hãy để Khiêm tin rằng tôi đã chết, như vậy có lẽ dễ xử hơn cho chàng. Còn hơn để cho Khiêm biết sự thật, chàng sẽ không tránh khỏi đau khổ khi biết tôi đã vì quyết định của chàng mà sống cô đơn hơn nửa đời người.
Nếu Khiêm vì tôi mà bỏ bê gia đình thì lại càng khiến cho nhiều nguời đau khổ hơn nữa. Thà là một mình tôi đau khổ. Tôi nghĩ đến hai đứa con của chàng. Chúng vẫn còn rất nhỏ, quá nhỏ để chứng kiến sự đổ vỡ gia đình. Hơn ai hết, tôi hiểu rõ nỗi khổ của những đứa con trưởng thành trong sự thiếu thốn tình thương của nguời cha. Liệu tôi có nỡ lòng cướp đi người cha của hai đứa trẻ thơ vô tội hay không? Và liệu tôi sẽ tìm được hạnh phúc hay không khi Khiêm sống bên tôi nhưng luôn ray rức vì không làm tròn bổn phận của mình? Bao nhiêu năm qua tôi đã quen sống một mình. Trong những ngày tháng tới, cho dẫu có phải tiếp tục sống một mình thì cuộc sống của tôi cũng chẳng bị ảnh hưởng gì nhiều. Huống hồ bây giờ tôi đã biết lý do khiến Khiêm phải lặng lẽ rời xa tôi. Tâm trạng tôi đã không còn bức rức nữa thì tinh thần của tôi phải nhẹ nhàng hơn ngày xưa nhiều lắm. Cuộc sống của tôi chắc chắn phải tốt đẹp hơn mới phải.
Nghĩ được như vậy tôi thấy thật yên ổn trong lòng. Có lẽ càng sống nhiều tôi càng nhận chân được cái ý nghĩa thật sự của tình yêu. Tình yêu chân chính là trao ra chứ không phải là nhận lại. Khi yêu ai với một tình yêu đúng nghĩa của nó, người ta sẽ cảm thấy hạnh phúc với hạnh phúc của người mình yêu và đau khổ khi người mình yêu đau khổ.
Ngày còn trẻ, tôi vẫn thường cười chế giễu khi nghe những câu thơ hay lời nhạc như vậy. Tôi nghĩ rằng những người thi sĩ hay nhạc sĩ họ đã không thực tế khi cố tình thi vị hóa hoặc lý tưởng hoá tình yêu. Nhưng bây giờ, sau khi đã sống qua hơn nửa đời người, tôi mới chợt nhận ra cái triết lý sâu sắc về tình yêu đó chẳng sai chút nào. Trong khi Khiêm đã nhận thức được điều này từ hơn ba mươi năm trước.
Vấn đề còn lại bây giờ là phải trả lời làm sao với Khiêm về việc chàng đòi đi thăm mộ của Hạnh? Nói thật không được mà nói dối cũng không xong. Lấy đâu ra mộ của tôi cho chàng viếng khi mà tôi còn sống sờ sờ như thế này? Có lẽ phải tìm Thanh nhờ nó giúp tôi tìm cách giải quyết, Thanh luôn luôn có những cách giải quyết vấn đề rất hợp lý và thỏa đáng.