Truyện ngắn thôi xót xa chuyện tình chúng mình do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn thôi xót xa chuyện tình chúng mình.
Xem truyện ngắn: Thôi xót xa chuyện tình chúng mình
Tác giả: Phạm Lệ An
Thời tiết năm nay thật lạ, giữa mùa xuân mà trời mưa lê thê không dứt từ hơn một tuần lễ nay. Mỗi sáng thức giấc không nhìn thấy ánh mặt trời, tôi cảm thấy như thiếu thốn một chút gì đó để bắt đầu một ngày mới. Bầu trời xám ngắt, những chiếc lá non xanh mơn mởn trên cây như cũng rũ xuống vì buồn bã. Lòng tôi chùng thấp, không hiểu tại sao mỗi lần nhìn trời mưa tôi đều cảm thấy buồn, có lẽ vì con người tôi vốn lãng mạn. Đọc một câu truyện hoặc một bài thơ hay cũng khiến tâm hồn tôi rung động, nhìn mưa rơi hay những hạt tuyết lất phất bay ngoài trời cũng khiến tôi ngơ ngẩn cả người. Và những lúc thơ thẩn ấy, dù không có lý do, tôi vẫn cảm thấy buồn. Có lẽ cái buồn của tôi cũng giống như cái buồn đã được thi sĩ Xuân Diệu diễn tả trong câu thơ “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”.
Bây giờ là tháng Năm, lẽ ra phải có những ngày nắng ấm, cho cây lá đâm chồi, cho những bãi cỏ non xanh tươi tốt trở lại sau một mùa đông dài lạnh giá. Vậy mà… tôi thở dài, có lẽ trái đất đang ở trong một thời kỳ thay đổi lớn như những nhà khí tượng học đã cảnh báo. Và sự xáo trộn này mỗi ngày sẽ một nghiêm trọng hơn nếu con người không ngừng phá hoại môi sinh. Hôm nay là thứ Bẩy mà trời lại mưa như thế này, cũng may không có việc gì quan trọng để phải đi ra ngoài.
Tôi ngồi xuống bàn viết, mở computer lướt vào mấy trang web của những tờ báo Việt ngữ. Dạo sau này tôi thường hay vào đọc những trang báo này, chỉ cần một buổi là tôi có thể biết rõ tin tức khắp nơi trên thế giới. Thời đại “hi-tech” có khác, đúng là chỉ cần… bấm nút là sẽ có tất cả.
Thông thường, sau khi đọc những tin tức quan trọng, tôi hay đọc những mục nhắn tin hoặc tìm người. Có lẽ chỉ vì tò mò chứ thật sự thì tôi chẳng chờ đợi ai mà mong muốn họ tìm mình. Một mẫu nhắn tin ngắn gọn trên một trang báo làm tôi chú ý. Tôi chăm chú đọc đi đọc lại: “Muốn tìm các bạn cùng khóa X trường võ bị Đà Lạt. Nếu có bạn nào đọc được nhắn tin này, xin hãy liên lạc với Hồ Đình Khiêm qua địa chỉ email [email protected]. Rất mong tin các bạn để cùng ôn lại kỷ niệm của những ngày xưa thân ái…”.
Tim tôi chợt nhói buốt, mẫu nhắn tin và cái tên kia làm lòng tôi như dậy sóng. Và nó cũng khiến tôi hồi tưởng lại những con sóng tàn nhẫn của dòng đời, đã xô đẩy tôi vào vòng nghiệt ngã, đau thương cách đây hơn ba mươi năm…
Câu chuyện bắt đầu vào mùa xuân năm 73, khi tôi đang là một nữ sinh lớp mười hai của một trường trung học tại Đà Lạt. Vào dịp Tết Nguyên Đán, trường chúng tôi tổ chức Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ để góp phần an ủi và ủy lạo những anh quân nhân đang phải chiến đấu xa nhà, mang trọng trách giữ gìn an ninh cho mọi người đón Tết. Như các nữ sinh khác, tôi trổ tài nữ công để thêu một chiếc khăn tay thật đẹp. Và với danh nghĩa một em gái hậu phương, tôi cũng viết thêm một bức thư để tỏ lòng biết ơn các anh chiến sĩ ngoài mặt trận. Lúc gửi thư và quà đi, tôi nói đùa với mấy nhỏ bạn, anh nào may mắn lắm mới lấy được quà của tao đó. Chúng nó phá ra cười. Phải rồi, lười như mày mà chịu khó thêu hết cành hoa trên cái khăn thì dù cho xấu cũng thật là… quí hóa.
Rồi Tết đến, nhờ các anh, mà miền Nam đã được hưởng một cái Tết yên lành. Sau Tết, chuyện tặng quà cũng đi vào quên lãng. Cho dù có không muốn quên cũng không được vì năm nay là năm thi, chúng tôi phải lo dùi mài kinh sử nếu không muốn cuối năm thi rớt. Khoảng giữa tháng Ba, tôi ngạc nhiên xiết bao, khi có một ngày bà giám thị khó tánh nhất của trường gọi tôi lên văn phòng để nhận thư. Và tôi càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy trên phong bì với cái tên người gửi mà tôi không hề quen biết. Lẽ ra tôi định nói với bà giám thị là tôi không quen biết người gửi lá thư này, và không nhận thư. Nhưng phần vì tò mò, phần vì đã lỡ bị bà giám thị giảng moral một buổi thật là oan uổng cho nên tôi… đổ lì, im lặng nhận lá thư, trong bụng nhủ thầm sẽ… xài xể lại cái người gửi thư vô duyên kia một trận cho đỡ tức.