VN88 VN88

Thỏi vàng ba con chín

Truyện ngắn thỏi vàng ba con chín do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn thỏi vàng ba con chín.

Thoi vang ba con chin

Xem truyện ngắn: Thỏi vàng ba con chín
Tác giả: Quý Thể

Bây giờ nghe Trâm kết luận: “Trên đời này thứ dễ bán nhất là vàng với đô-la, thứ khó bán nhất là thơ!”, anh thấy đây đúng là chân lý tàn nhẫn. Anh than: “Chao ôi! Ta đầu thai nhầm vào thế kỷ thực dụng rồi!!!”.
Đang gây lộn với vợ, Thức ôm chăn gối xuống nằm ở nhà ngang. Nằm mãi không ngủ được Thức hút thêm mấy điếu thuốc mong nhờ khói thuốc xua đuổi muỗi đói và xua tan những bực dọc. Thức nghĩ đi nghĩ lại càng thấy tức cái câu vợ nói lúc Thức quay người lại tính ôm Trâm làm lành:
– Ông tưởng tập thơ của ông là vàng ba con chín, đem tới đâu thiên hạ cũng giành mua hay sao?
Nghĩ một lúc Trâm lại bồi thêm:
– Đi suốt ngày lết bộ rã chân tới đâu người ta cũng lắc đầu.
– Thế gởi nhờ họ bán, cho họ lấy hoa hồng.
– Không nơi nào cho gởi. Họ còn nói: “Để thêm bụi bậm, ngày nào cũng quét, mệt, cho cũng chẳng ai thèm lấy!”.
Dầu sự việc có thật như thế song vợ anh cũng chẳng nên lặp lại. Thức nghĩ vợ mình đã sỉ nhục mình như thế thì quá sức thậm tệ, làm sao nằm chung một giường với con người này? Thà xuống nhà ngang cho ba con muỗi nó đốt còn sướng hơn.

Thực là một kinh nghiệm nhớ đời. Phải sau ba năm, đầu óc Thức mới lấy lại được quân bình. Lúc này quay lại nhìn quá khứ, thời mới in tập “Phù du”, Thức còn giật mình.
Để riêng, không cần nói tới cái khổ của việc làm thơ, một thứ lao động không nặng mà lại nặng vô cùng, lao động khổ sai! Chỉ cần nói về các vấn đề râu ria chung quanh nó đủ thấy ghê hồn. Thơ của Thức làm từ trước tới nay không biết bao nhiêu bài, chắc nhiều, rất nhiều, làm đâu bỏ đấy, ai có sổ sách theo dõi bao giờ? Bây giờ chỉ có việc chọn ra năm mươi bài hay nhất in vào tập “Phù du” cũng đã là một công việc đầy sự đau đớn và đôi khi lại phải có những quyết định mà theo anh là vô cùng tàn nhẫn. Có những bài thơ Thức phải đắn đo suy nghĩ rất lâu, chọn rồi không, không rồi chọn đến hơn mười lần.
Thời gian này vợ Thức ít khi bén mảng tới chỗ chồng làm thơ. Chỗ này trông chẳng khác gì buồng bà đẻ, ánh sáng âm u, không khí ẩm mốc, giấy tờ cái dưới đất, cái trên giường, cái trên bàn, móc vào đinh, phơi trên dây la liệt chẳng khác nào tã lót cho em bé. Thời gian này chị Trâm cũng xem như chồng đang ở “cữ” được nghỉ sinh, không bắt anh làm bất cứ việc gì. Thức chỉ rời khỏi nơi làm việc để xuống nhà ăn. Sự cô độc, sự say thơ làm cho bộ mặt chàng hóa ra đần độn âm u, râu ria trông phát khiếp. Trâm chỉ có một thắc mắc nhưng chẳng khi nào dám hỏi là: Thơ là gì ? Ba cái câu vớ vẩn ấy, làm sao ông say mê đến thế?

Cuối cùng Thức cũng có trong tay một tập bản thảo. Tập này đã có bìa, đóng lại cẩn thận, có lời giới thiệu của một cây bút tên tuổi thuộc hạng nhà thơ trung ương. Kế đến theo cái tiến trình bắt buộc của thủ tục là xin giấy phép xuất bản. Ban đầu Thức nghĩ một cách hết sức đơn giản: Thơ mình hay, hay bắt chước thiên hạ gọi bằng cái từ thậm chí vô duyên là “thơ có chất lượng”, không phạm chính trị, không động thời thế thì việc xin cái giấy phép chẳng khó khăn, không xin chứ xin là được, người ta chờ chực để ký tên đóng dấu cho tập thơ để đời. Tất cả những suy nghĩ này đều đúng nhưng chưa đủ. Thơ không có chân vậy cần phải có động lực đẩy nó đi, dù chỉ đi vài mét từ bàn giấy ông này qua “buya-rô” bà kia, vậy không thể cứ ngồi một chỗ mà đợi được. Thế là Trâm phải mở hầu bao cho những chuyến đi “chạy giấy phép”. Lúc đầu Thức tưởng cũng chỉ một chuyến là được, thực tế tới chuyến thứ tư mới cầm tấm giấy phép trong tay.
Bây giờ là khâu quyết định: In! Trâm nghe chồng lặp lại cái câu của vị nào đó ở nhà xuất bản nào đó nói mà rụng rời: “Thời buổi này cụ Nguyễn Du có tái thế muốn in thơ cũng phải bỏ tiền ra!” Trâm hỏi:
– Chừng hai triệu được không?
– Không!
– Bao nhiêu?
– Ít nhất cũng năm, sáu triệu. Giấy tốt, bìa láng, phụ bản mầu… Bà biết một xăng-ti-mét vuông in mầu tốn bao nhiêu không?
Trâm hỏi:
– Có lấy vốn được không?
– Dư sức!
– Có lời chứ?
– Dĩ nhiên!

Tội nghiệp, Trâm tin. Chị bán đồ đạc, đi vay mượn, đi xin bên gia đình mình, cuối cùng cũng có được món tiền đó. Và cuối cùng tập “Phù du” be bé, xinh xinh đã nằm trong tay Thức.
Bây giờ lại phải đối phó với những vấn đề mới tạm gọi là “hậu xuất bản”. Thơ đã chào đời phải cho nó tung cánh đi khắp bốn phương. Trước tiên là việc giới thiệu cho bàn dân thiên hạ biết mình làm thơ, mà thơ rất hay cho thiên hạ ngán chơi! Việc làm này cũng phải hao công tốn của. Năn nỉ mãi Nhà văn hóa thành phố mới tổ chức, cho một đêm giới thiệu thơ. Thức lại phải đi cầu cứu người bình, người ngâm, người thổi sáo, người đàn tranh. Khách yêu thơ đến dự, chẳng lẽ để ngồi suông ? Vậy phải có thêm màn chiêu đãi. Không đủ tiền mua bia cho đám đực rựa thì ít nhất cũng vài chai rượu dỏm. Không đủ tiền mua Coca Cola phục vụ nữ nhi, giá chót cũng được cốc nước chanh. Than ôi, quanh đi quẩn lại khách yêu thơ ở cái xứ này cũng chỉ có mặt thơ tầm tầm bậc trung cũ mèm.
Có người bàn: “Giới thiệu thơ như thế chẳng ép-phê (hiệu quả) phải có những cây bút tên tuổi giới thiệu…”. Thế là Thức phải gởi hàng chục tập thơ kính tặng nhà thơ, nhà bình luận để: “Xin cho vài lời”. Cũng có người viết và cũng có nơi đăng một vài lời khen chiếu lệ. Tới giờ phút này tập “Phù du” vẫn còn nằm trong bóng tối của sự vô tâm, lạnh nhạt, lãng quên và bụi bặm thời gian.

Lại có người góp ý: Khen chưa chắc đã có người chịu mua về đọc. Có người vốn ác tâm, thử nhờ người ta chê, may ra…”. Thức về nhà hỏi vợ xin tiền mời người đi nhậu nhờ hắn viết bài phê, phê phán thật cay độc vào. Chửi thật mạnh vào. Trâm nghĩ ngợi một lúc rồi nói: “Từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa thấy ai đem tiền đi thuê người ta chửi mình như ông. Tại sao ông không lấy tên khác viết bài phê phán mình cho đỡ tốn tiền? Hơn ai hết, ông là cha đẻ, hiểu tập thơ ai bằng ông?”
Thức cho rằng vợ mình khôn nhưng quyết không làm theo. Ai đời tự mình chửi mình bao giờ?
Thời kỳ trăng mật với nàng thơ không kéo dài. Đến đây có nàng kinh tế chen vào. Nàng kinh tế làm nảy sinh cuộc gây gổ giữa hai vợ chồng. Số là Thức không dám đem đứa con tinh thần đi rao bán, anh nhờ Trâm. Trâm đội nón hồ hởi đem một chồng năm quyển “Phù du” mong gỡ gạc chút tiền đã bỏ ra, nào ngờ đi suốt buổi, trở về vẫn còn nguyên, không bán được quyển nào. Trâm tức quá mới thốt ra cái câu đầy khiêu khích: “Ông cứ tưởng thơ ông là vàng ba con chín!” Thức là nhà thơ, xưa nay anh ta chẳng quan tâm đến vàng ba con chín giá cả lên xuống từng ngày. Gần đây đài truyền hình VTV3 buổi chiều có bản tin về giá cả ngoại tệ và vàng. Bây giờ nghe Trâm kết luận: “Trên đời này thứ dễ bán nhất là vàng với đô-la, thứ khó bán nhất là thơ!”, anh thấy đây đúng là chân lý tàn nhẫn. Anh than: “Chao ôi! Ta đầu thai nhầm vào thế kỷ thực dụng rồi!!!”.

Dạo gần đây tôi không gặp vợ chồng Thức, Trâm. Tôi không rõ họ giải quyết ra làm sao hậu quả “thảm khốc” do tập thơ “Phù du” để lại. Một buổi chiều nằm trên võng, xem chương trình VTV3 đến mục “Vàng ba con chín”, tôi lại thấy ngậm ngùi cảm thương cho hai người ngây thơ này. Lúc đầu tôi trách anh Thức, sau tôi lại trách thơ. Người ta yêu thơ đến thế, thơ nỡ lòng nào hành hạ người ta ? Ai chứ tôi thì đừng có hòng làm khổ được. Tôi dám thách thức với nàng thơ. Xưa nay tôi vẫn tự hào mình tỉnh táo bản lĩnh và tin mình đã được miễn dịch vĩnh viễn với bệnh làm thơ. Tôi muốn đùa với nàng thơ một chuyến xem ai thắng ai? Tôi làm cuộc thí nghiệm mạo hiểm: Tôi làm thơ!
Trời ơi! Tôi không ngờ mình làm được thơ, và làm thơ đến thế này. Rồi thì ma đưa lối, quỷ dẫn đường tôi nhất quyết phải in cho được một tập thơ! Tối lại nằm bên vợ tôi thủ thỉ:
– Em yêu.
– Chi?
– Cho anh…
– Cho anh cái gì? Đồ khỉ… Hôm nay em bị…
– Không, không phải vụ đó. Cho anh mượn một cây…
– Cây gì?
– Cây vàng “ba con chín” đó.
– Để làm gì?
– In thơ!!!

(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)

VN88

Viết một bình luận