Buổi trưa, mẹ dọn cơm lên, âu yếm nói với tôi:
– Con gọi hai em xuống ăn cơm, cho các em còn đi học.
Tôi quay phắt đi, mắt tối lại, cho các em đi học hay để mẹ có thêm thời gian cho nhân tình của mẹ? Trưa nay tôi quyết đi theo bắt quả tang. Tôi sẽ làm ầm ĩ lên. Việc gì tôi phải giữ gìn? Mẹ đã không biết nghĩ.
Nhưng tôi không khám phá thêm được gì, ngoài việc mẹ có thêm nhiều tiền hơn. Mẹ lấy tiền ở đâu ra, khi lương cha giờ đây chỉ đủ trang trải cho những nhu cầu bình thường nhất? Đôi khi, lén nhìn vào lỗ khoá, tôi thấy mẹ đem tiền ra đếm, lẩm nhẩm vào mủm mỉm cười. Tôi càng căm ghét mẹ vì những lúc ấy trông mẹ tươi tắn và rạng rỡ quá! Hừ! Cái tuổi hồi xuân làm đổ đốn một người đàn bà.
Cứ buổi trưa, tôi lại theo mẹ một quãng, nhưng cứ đến góc ngoặt của chợ mẹ lại biến mất, tôi mất dấu. Trăm lần như một. Nỗi căm ghét trong tôi ứ tràn thêm và nỗi đau dai dẳng nằm sâu trong lòng, cồm cộm như một viên sỏi thận.
Tôi chăm chút cho cha hơn mỗi khi cha ở nhà. Tôi thương cho người đàn ông đau khổ và bất hạnh trong cha. Mẹ là kẻ trí trá. Mẹ bảo với tôi đàn ông khốn nạn và hèn hạ, rồi lấy cớ đó ruồng rẫy cha để thậm thụt với một kẻ cũng là đàn ông.
Mẹ buồn hẳn khi thấy tôi không còn quấn quít mẹ như xưa nữa. Tôi nói cộc lốc, trả lời mẹ nhát gừng, nhưng rồi mẹ quá bận bịu với người đàn ông ấy, tôi cay đắng nghĩ, để mà chú ý đến tôi.
Một hôm mẹ bảo mẹ sẽ cho tôi một số vốn khi đi lấy chồng. Ngạt thở vì uất, tôi lao sầm sầm lên cầu thang, sập mạnh cửa phòng. Tôi cần gì xây dựng một gia đình bằng đống đổ nát của một gia đình đang thối rữa và băng hoại từng ngày bởi một người mẹ như thế?
Tôi lao vào nhà cô Thạnh không cần gõ cửa. Tôi sẽ nhờ cô dẫn đến nơi ấy. Tự trọng mà làm gì? Sĩ diện mà làm gì? Cô Thạnh đã biết. Mẹ sẽ để rơi mặt nạ của mẹ. Tôi chấp nhận tất cả, còn hơn cứ để nỗi đau mãi âm ỉ thế này.
Cửa bật mở. Cô Thạnh đang ngồi trên đùi cha tôi. Mặt hai người xám ngoét. Một cơn gió lạnh thốc tới. Tôi nôn tung toé xuống sàn. Khi loạng choạng đi ra, tôi nghe hàng xóm thì thào: Lâu rồi! Cả hai năm trời ấy chứ!
Tôi ngửa mặt đi trên đường. Trên những lầu cao người ta phơi quần áo. Chợt nhớ lời cô Thạnh, đàn ông chỉ là quần áo. Cha ơi! Với cô ấy, cha là loại quần áo gì hở cha?
Buổi trưa, ăn cơm xong, tôi ra đường trước mẹ. Suốt bữa cơm cha không dám nhìn tôi, rất lâu rồi cha mới ăn trưa ở nhà. Chẳng ai ngạc nhiên. Tôi thấy mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình giờ đây sao mà lỏng lẻo quá.
Tôi chờ mẹ ở góc ngoặt. Chẳng còn gì để mất, tôi sẽ ngả ván bài trước mặt hai người. Tôi và các em tôi cần cuộc sống trong sạch, chứ không phải bầu trời ô nhiễm cha mẹ đang đầu độc chúng tôi.
Mẹ kia, tất tả lắm, hay là sợ sệt? Rồi chẳng cần phải giấu diếm lâu nữa đâu, mẹ ạ!
Mẹ ngoặt vào góc chợ, vào một ngõ nhỏ. Ra thế! Hèn nào tôi không biết. Mẹ bấm chuông, rồi nhìn quanh. Có một người đàn ông ra mở cửa. Mẹ vào nhà. Cửa đóng lại ngay.
Tôi cuống quýt, làm sao bắt quả tang được họ bây giờ? Nếu tôi gõ cửa họ sẽ đề phòng và thế là xong, mọi cố gắng đâm uổng phí! Tôi sốt ruột. Chỉ sốt ruột! Nỗi đau đã chai lì.
Mười lăm phút sau, có một bà già ra mở cửa, chắc là người giúp việc chuẩn bị đi chợ. Tôi lao đến, đẩy giạt bà già sang một bên, xông thẳng vào cánh cửa vọng ra tiếng cười của mẹ.
Cửa tung ra. Trên sàn nhà vương vãi quần áo.
Tôi ngước lên. Mẹ đang ngồi bình thản giữa bốn, năm người phụ nữ khác, khâu cúc cho những bộ quần áo người ta đã may xong.
(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)