VN88 VN88

Qua xóm cầu ngang

Ông Năm thợ mộc được mời tới xẻ đục gần tháng mới xong, lúc đó mỗi lần tôi có việc đi ngang, thế nào cậu năm Côi và ông Năm thợ mộc cũng hú vào uống nước trà. Ông thợ giỏi nghề và khéo tay, lại có tiếng là hiền đức, mát tay nên ai cũng cậy ông dựng nhà. Ông cũng lớn tuổi, biết nhiều tập tục nghi lễ cũ theo sách Văn Công Thọ Mai, nên ai có việc cũng nhờ tới ông. Tôi thích ông vì ông biết nhiều chuyện mà tôi không thấy trong sách vở hồi còn đi học. Có lần vui miệng ông Năm thợ mộc nói:
– Thầy năm biết hông, hồi mới học nghề, thầy tui dạy đóng cái “kệ” trước, mà không phải riêng tui, ai học nghề này cũng học đóng cái “kệ” trước.
– Sao vậy ông năm? sao không học đóng cái gì cho dễ mà đóng chi cái kệ cho khó trước?
– Thầy hổng biết, nghề này cưa xéo một chút, đục trật một chút, đẽo hư … cái gì cũng nói “kệ” nó, hổng phải nghề này học đóng cái “kệ” trước à?
Lần khác, Hai Phang sửa lại chái nhà, kê phần gốc tre làm kèo chái lên trên, ông Năm thợ mộc cười cười nói:
– Trồng tre trở gốc lên trời, con chị xong rồi, tính tới con em.

Hai Phang khoái chí, chả là cô em vợ Hai Phang thấy cũng có cảm tình với ông anh rể đàn hay, hát giỏi xuất thân từ lực lượng tay súng tay cày này.

Hôm dựng nhà, tôi cũng lên góp một tay, gì thì gì, mình cũng làm thợ vịn thợ phụ được mà. Trước bàn thờ, bày sẵn ba hũ sành đựng đầy gạo, muối, nước, một con heo nhỏ và một con gà cột ở chân bàn thờ; Trên bàn bày bình bông, xôi chè, bánh ngọt, và một dĩa trái cây gồm một trái mãng cầu, một trái dừa xiêm nhỏ, một trái đu đủ còn xanh và một trái xoài; Cậu năm Côi quần áo chỉnh tề thắp nhang khấn vái, cầu quỉ thần, đất đai nhân trạch, tổ tiên ông bà, xin được “cầu vừa đủ xài” và trong nhà lúc nào gạo, muối và nước lúc nào cũng đầy lu đầy hủ, cầu cho lúc nào cũng nuôi được con heo, con gà để không bỏ phí đồ ăn thừa, hột thóc rơi rớt … Mơ ước của người bình dân đơn giản như vậy đó mà lắm lúc cũng không có được.

Cúng xong, mọi người xúm vào làm theo lịnh của ông năm thợ mộc, chỉ hơn nửa buổi, sườn nhà đã dựng xong. Cơm nước, gia chủ đã dọn sẵn trên ba bàn tròn, mời mọi người dùng bữa chờ nước lớn để gác đòn vông. Chuyện này thì có lần tư Em đã nói với tôi, người ta tin rằng, gác đòn vông lúc nước lớn gần đứng là lúc sung nhất, gia chủ nhờ vào sự đầy đủ của con nước mà làm ăn khá. Việc nhìn con nước lớn để làm những việc hệ trọng này, tôi chỉ thấy ở trong Nam. Như việc rước dâu chẳng hạn; ở chợ hay ngoài Bắc, ngoài Trung, thường người ta rước dâu vào giờ tốt; trong Nam, giờ tốt là giờ nước lớn đầy. Ông bà mình cũng khéo tạo thành một thứ tin tưởng có tính thực dụng, vì thường ở trong vườn người ta rước dâu bằng ghe, rủi giờ tốt rước dâu (như kiểu ngoài Trung, ngoài Bắc) nhằm lúc nước ròng sát đáy sông (dám có lắm chớ!) thì thiệt là phiền, làm sao đưa với rước cô dâu, chú rể và họ hàng hai bên xuống ghe qua bãi bùn lún tới gối?

Đang ngồi chung bàn với Tư Em và Hai Phang, cậu Năm Côi lại khều tôi và Hai Phang nói nhỏ;
– Qua nhờ hai cháu một chuyện, tí nữa lúc thượng đòn vông, hai cháu làm sao cố cầm Bảy Lượm ở bàn nhậu, rượu thịt qua biểu sắp nhỏ lo, cứ cho chả uống thả giàn, làm sao đừng cho thằng chả leo lên mái…
– Sao vậy cậu năm ? – Tôi ngạc nhiên hỏi lại
– Thằng chả cũng là thợ mộc, biết bùa Lỗ Ban! chả lên đó đóng bậy cây đinh ếm là qua khổ suốt đời. Cũng hổng chừng, chả lên đó làm bộ trật tay quăng cây búa đóng đinh của chả trúng nhằm ngạch cửa là qua cũng tiêu, cháu không biết chớ thằng chả độc lắm, chả ghét ai thì ếm cho tiêu luôn, nên qua sợ… Cả đời qua, cả nhà qua chắt mót dành dụm mới có được như vầy, qua sợ thằng chả ganh ghét làm bậy, thà tốn rượu thịt cho thằng chả mà qua có thể yên tâm…
Chiếc đòn vông có bịt hai vuông vải đỏ hai đầu kê trang trọng giữa nhà. Ba Quang từ bờ sông chạy vào kêu lớn:
– Nước đứng rồi, ông Năm ơi!
Hai người trung niên đã lên ngồi sẵn trên mái, hai người khác đang đứng chờ cạnh cây đòn vông. Ông Năm thợ mộc thắp nắm nhang đứng cạnh gia chủ, trước cây đòn , khấn. Sau khi cắm nhang vào bát, ông quay lại nói:
– Cẩn thận nhen bây, chuyện quan trọng đừng giỡn hớt không nên.
Hai người bước tới, cùng một lúc trang trọng nâng chiếc đòn vông, bước từng bước một lên hai chiếc thang được dựng sẵn. Tiếng ông Năm thợ mộc nhắc nhở:
– Đi lên cho đều, có hai chú nào quởn, vịn giùm hai cái thang cho vững…
Hai người ngồi sẵn đón hai dầu chiếc đòn vông. đặt đúng vào vị trí hai kèo trước và sau giao nhau…
Đến chiều, căn nhà của cậu Năm Côi cũng dựng xong, chỉ còn ráp bộ cửa, ngày mai ông Năm Thợ Mộc sẽ lo. Gia chủ lại mời mọi người ăn, lần này thì nhậu thả cửa vì công việc đã hoàn tất. Tôi gần xỉn vì phải cùng Hai Phang chuốc rượu cho Bảy Lượm, nhưng cũng không kiếu về được vì cậu Năm Côi nài nỉ quá.
Tư Em cũng đủ đô, bắt đầu lè nhè nói thơ:
– Thày Năm biết “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” là gì hông?
Không đợi tôi nói, Tư Em giải thích luôn:
– Rượu gặp người tri kỷ (như thầy Năm đây) thì có trời mới biều thôi. thầy Năm hiểu hông thiên bôi thiểu là trời biểu thôi mà, phải hông thầy Năm, thầy dô cạn ly này tôi đọc thơ thầy nghe:

Rượu uống đừng say giữ tính thường
Tránh đường hoa nguyệt khỏi tai ương
Đừng ham cờ bạc còn gia sản
Giận tức mà dằn họa khỏi vương

phải hôn thầy Năm. thằng cha Bảy Lượm đó mà Lỗ Ban con mẹ gì, thầy Năm.
Tôi hoảng hồn đá chân Tư Em cản
– Thôi nghen Tư Em, rượu uống bậy được chớ lời không nói bậy được nghe Tư Em.
– Tui nói thiệt mà thầy Năm, hồi thầy chưa về đây, nhà thằng chả bị ăn trộm, chả đi khắp xóm nói chả sẽ ếm bùa, thằng lấy trộm nhà chả trong xóm chớ không đâu xa. trong vòng bảy bảy bốn chín ngày không trả sẽ sình bụng mà chết. Chả dán lá bùa trên cây gòn đầu xóm, báo hại mấy đứa chăn trâu không dám đi ngang. Của mất không thấy trả lại, nhà thằng chả bị trộm lần nữa, lần này nó lấy bộ chưn đèn trên bàn thờ, chỉ chừa lại bát nhang. Không thấy thằng nào sình bụng chết, chỉ thấy cây gòn có dán bùa không biết sao nó chết queo. Lỗ Ban gì, lỗ hang thì có.

Tôi lấy cớ Tư Em xỉn rồi, xin kiếu đưa Tư Em về… dọc đường Tư Em cứ lảm nhảm “Con người sống phải biết Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, phải hôn thầy Năm?” Tôi biết khi Tư Em nói tới đó là biết y sắp tiêu. Tư Em mạnh rượu hơn tôi nhiều, chỉ vì thiên bôi thiểu mà lần nào cũng chìm xuồng.
Hôm sau, Bảy Lượm khăn đóng áo dài đi qua lại trước nhà Tư Em chưởi:
– đ.m. mày Tư Em, tao chưởi mày như vầy là tao chưởi có văn hóa, ăn mặc đàng hoàng mà chưởi, không phải như mày không có văn hóa, ở trần quần xà lỏn nói xấu tao… Cây gòn chết là nó tới số nó chết, thằng nào ăn trộm nhà tao, không chết trước thì cũng chết sau. đ.m. mày Tư Em, có thằng nào không chết, có thằng nào chết mà bụng không sình lên…

Tư Em trong nhà, vẫn còn xỉn, nói vọng ra “Con người sống phải biết Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín”

Thế đó, đã gần cuối thế kỷ hai mươi. mà người dân trong Xóm Cầu Ngang của tôi cũng còn mang đủ gần hết những cái tốt và xấu từ thời mới tụ dân lập ấp.

(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)

VN88

Viết một bình luận