VN88 VN88

Núi vong cô

Đêm nay Toàn càng không ngủ vì ngày kia là ngày giỗ em Thơ. Từ năm coi bói về đến nay, năm nào Hà cũng làm giỗ em chu đáo. Hà thuê thợ làm hẳn một bàn thờ để thờ “mụ o” như lời bà bói:” Cô cứ tin tôi đi. Cái giống mụ o, ông chú chết non là thiêng lắm đấy. Mà cô nghĩ coi, cô Thơ không đi theo anh Toàn nhà cô thì đi theo ai. Cúng bái đàng hoàng vào, nhà cô phát lộc đấy.” Thế là, mấy năm nay, năm nào vợ chồng Toàn cũng làm giỗ Thơ. Đầu thì còn làm có tính chất nội bộ, sau cứ mở rộng thành phần, mời tất tật những người trong cơ quan hai người đến dự. Những khách mời trước đây nhằm ngày giỗ bố mẹ được chuyển sang ngày giỗ Thơ. Và đó là ngày hái lộc thực sự của Hà. Người ta tìm cách lấy lòng Toàn bằng mọi cớ. Chuyện phù hộ huyền bí nào chưa biết nhưng cái lộc nhãn tiền thì rõ rành rành. Ban đầu Toàn cảm thấy khó chịu nhưng rồi cũng phải quen dần. Trong nhà này, Hà bao giờ cũng là chủ. Chính vì vậy mà Toàn càng áy náy khi mấy năm nay bỏ mặc chị Hoàn. Toàn cảm thấy quá trớ trêu khi làm giỗ Thơ mà chị Hoàn thì không. Nói dại, cũng tại chị không chết trẻ. Chết trẻ biết đâu lại đâm hay chứ suốt chừng ấy năm chị sống bên anh Minh chỉ biết có khổ là khổ. Giờ chết lại khổ thêm. Nếu chị Hoàn cũng chết trẻ thì có lẽ Hà cũng làm giỗ chu đáo vì bà bói sẽ nói có hai mụ o đi theo phù hộ Toàn. Nhưng mà chị Hoàn thì không chết trẻ. Cả đời chị cứ thầm lặng sống khổ sống sở với người chồng thương binh một trên bốn của chị. Anh chị không con mà sự vất vả của chị với anh Minh còn hơn nuôi con nhỏ.

Nuôi con nhỏ còn mong con có ngày lớn để cậy nhờ, đằng này… Chị ít có dịp về Hà Nội mà thăm cậu Toàn ăn nên làm ra, trưởng thành bằng người. Trong những bức thư gửi Toàn, lúc nào chị cũng tỏ vẻ sung sướng, mãn nguyện thay cho cha mẹ. Bao giờ chị cũng cho rằng, Toàn làm thơm lây cả nhà. Thơm đâu không biết chứ mấy năm nay chị có được lây cái gì đâu. Chị Hoàn ơi, em thật có lỗi với chị. Em đã ít dịp để lên thăm chị mà chị thì ngại đến nhà em. Chị ngại là phải. Cái ngôi nhà em đang ở này đâu phải của em. Vào nhà em, chị cảm thấy đôi chân mình như bị thừa, không biết để vào đâu. Chị cứ khép ne, khép nép trước cái nhìn xoi mói của Hà. Giờ thì thôi chị nhé. Nhưng em cũng chưa thể làm được gì hơn cho chị. Muốn rước chị về cúng mà Hà đâu có chịu. Hà chỉ cúng mỗi mình Thơ thôi.
Cứ thế những câu chuyện, những hình ảnh Toàn gặp trong giấc ngủ chập chờn cứ trở đi trở lại không buông tha Toàn. Toàn gặp hết người này đến người khác. Nhưng bố thì Toàn ít gặp, mà có gặp cũng không thấy bố nói năng gì. Sinh thời, bản tính bố đã ít nói thì giờ đây bố không nói cũng phải. Nhưng Toàn thấy hình như bố buồn nhiều thì đúng hơn. Trước đây, mỗi khi đi học về được điểm tốt, ánh mắt bố lấp lánh niềm vui bao nhiêu thì giờ đây mắt bố buồn bấy nhiêu. Toàn hiểu rõ những nỗi buồn ấy của bố như chính Toàn hiểu được những việc làm của mình. Càng hiểu những việc làm của mình, Toàn lại càng không hiểu mình. Thật mâu thuẫn hết chỗ nói. Toàn đâu còn là Toàn của thời xưa nữa. Danh vọng, tiền tài và những ràng buộc của Hà đã làm cho Toàn bớt đi những bạn bè chí cốt. Xung quanh Toàn, bên cạnh Toàn đâu còn bạn bè mà chỉ là những hình nhân, những hình nhân biết săn đón ý Toàn, biết nở nụ cười khi Toàn vui, biết chau mày khổ sở khi Toàn buồn.

Nếu những hình nhân Toàn gặp trong giấc ngủ làm Toàn hiểu mình hơn thì những hình nhân Toàn gặp hàng ngày trong công việc làm cho Toàn cảm thấy xa lạ và khó hiểu với mình hơn. Do vậy, mỗi khi đối diện với bố dường như Toàn cảm thấy sợ. Còn đối diện với mẹ, Toàn lại như cảm thấy được vỗ về an ủi. Vẻ mặt mẹ bao giờ cũng bao dung. Trong giấc mơ Toàn luôn muốn được gặp mẹ. Gặp mẹ thì Toàn không phải làm người lớn. Trước mẹ, Toàn luôn là trẻ con. Mà trẻ con thì bao giờ cũng đúng. Chỉ có người lớn mới sai. Cái sai không đi đón chị Hoàn về dự lễ khánh thành và lễ kỳ yên mồ mả cho bố mẹ và em Thơ là cái sai của người lớn.
Sẽ không bao giờ Toàn quên năm ngoái, khi chỉ còn hai ngày nữa là giỗ Thơ. Đêm đó, Toàn cũng thức trắng như đêm nay. Trời sáng lúc nào không biết. Chờ Hà tỉnh giấc, Toàn vỗ nhẹ vai nàng, nói như van lơn:
– Này em! Sáng nay anh cho xe đi đón chị Hoàn về giỗ nhé! – Hà trề môi, mắt lườm ngang một cái:
– Có điên không đấy? Quan khách đầy nhà mà không biết xấu hổ à? Hiếu thảo, nghĩa tình quá nhỉ? Thì cứ rước về! Chả phải bộ! – Toàn giận tím mặt. Anh không ngờ Hà lại có thể quá quắt đến thế. Nhưng anh vẫn cố ra vẻ nín nhịn:
– Được! Rồi em biết thế nào là phải bộ.
Sáng hôm ấy, Toàn bảo lái xe đi công tác Bắc Cạn. Cậu lái xe không hiểu sao lại có kế hoạch đột xuất nhưng không dám hỏi vì chưa bao giờ thấy mặt Toàn có vẻ hệ trọng và nghiêm trang đến thế. Xe đến Bắc Cạn khoảng một giờ rưỡi chiều, không ăn uống gì cả, Toàn vội đến ngay nhà chị Hoàn. Chiếc cổng tre đóng im ỉm. Gọi mãi chẳng ai thưa, Toàn đành lách cửa chui vào. Ngôi nhà nhỏ, mái ngói nâu xỉn, mảnh sân rêu, tả tơi lá rụng. Quang cảnh vườn tược vắng lặng làm Toàn linh cảm một điều chẳng lành. Đúng lúc đó, một người hàng xóm, dáng điệu hớt hải chạy tới:

– Chào cậu! Cậu có phải cậu Toàn! Bác Hoàn trông cậu mãi. Bác ấy đang đưa bác Minh đi chữa bệnh dưới 108. – Toàn nghe người hàng xóm mà mặt mày xây xẩm. Sao sự thể lại có thể đến thế này? Mà sao chị Hoàn lại không tìm cách báo cho mình biết nhỉ? Toàn đáp lí nhí:
– Vâng, em là Toàn đây ạ! Mà sao bác Minh phải đi 108 hả chị?
– Ôi dào! Thật tội cho nhà bác ấy. Cứ tưởng như mọi bận sẽ qua, ai ngờ
vết thương cũ tái phát. Cầu mong Trời, Phật cho bác ấy chóng khỏi! – Người hàng xóm vừa nói vừa gạt nước mắt. Những giọt nước mắt nghĩa tình của những con người khi tắt lửa tối đèn có nhau. Toàn cảm ơn chị ta rồi vội vã ra xe. Toàn hối cậu lái:
– Ăn qua loa rồi về ngay 108. Ông anh mình đang nằm đó.
Hai anh em ăn nhanh. Xe dông thẳng một mạch về Hà Nội. Đến 108 thì đã tối. Hỏi thăm được chỗ nằm của Minh đã gần bảy rưỡi. Thấy Toàn, chị Hoàn ôm chầm lấy khóc nức nở:
– Sao bây giờ cậu mới đến. Cậu không thương anh, thương chị nữa rồi! Tưởng có anh, có em ở Hà Nội mà nhờ! Ai ngờ thế này! Toàn ơi là Toàn ơi!- Cứ thế, chị coi Toàn như đã chết, gọi tên Toàn mà khóc. Toàn chẳng biết nói gì hơn, cứ sững người chịu trận. Sau này, Toàn mới biết, Toàn đi công tác, chị gọi điện thoại đến gặp Hà. Hà biết hết mọi chuyện nhưng chưa vội nói với Toàn. Hà định để xong giỗ. Thâm tâm Hà không muốn để chị Hoàn biết nhà làm giỗ Thơ. Chẳng dè…

Lần ấy, chị Hoàn mới biết chuyện vợ chồng Toàn làm giỗ em Thơ, điều mà chị không thể nào tưởng tượng nổi khi nghĩ đến nó. Nhờ anh Minh đỡ bệnh, bữa đó chị được Toàn cho xe đón về. Đám quan khách mải lấy lòng Toàn chẳng chú ý gì đến một người đàn bà tội nghiệp, đang cố thu nhỏ mình lại. Hà lo tiếp khách, những người khách mang lộc đến nhà cô. Còn Hoàn, chị cảm thấy thật xa lạ giữa đám người sang trọng, ồn ào. Cái thân phận nghèo khổ của chị không biết dấu vào đâu, trong cái căn nhà thênh thang này. Chị lặng lẽ mở cổng ra đi. Chị đến với anh thôi. Chắc là anh mong chị lắm. Buổi trưa trời nắng gắt. Chị đi như trốn chạy. Chị muốn vẫy một chiếc xích lô… Nhưng giữa trưa nắng thế này, xích lô cũng trốn đi đâu. Mắt chị hoa lên… Phía trước, một chiếc IFA lao tới… Và rồi chị không biết gì nữa. Chị Hoàn chết, sau đó anh Minh cũng chết. Giờ thì tội cho chị đã không chết trẻ. Chết trẻ khi chưa về nhà chồng. Chết trẻ thì theo anh em trai mà phù hộ cho họ và được anh em trai cúng giỗ. Những vong cô biết thương anh em trai cả khi sống lẫn khi đã chết. Cái lý của Hà theo lời bà bói là vậy. Khi sống, chị đã không được trọng tại căn nhà này. Giờ thì chị đã chết, Toàn không thể làm gì hơn. Căn nhà này chỉ có một vong cô, vong cô ấy chết non, rất thiêng, luôn phù hộ cho vợ chồng Hà ăn nên làm ra. Ấy là Hà nói vậy.
Trên tường, tiếng con thạch sùng lại “tiếc tiếc” làm Toàn thêm mất ngủ. Anh lại tiếp tục đối thoại với các hình nhân cứ chập chờn quanh mình. Những năm tháng tuổi thơ lại đến. Toàn chợt reo to khi Thơ tìm thấy một mầm khoai trổi tim tím, xanh xanh. Tiếng reo làm Hà tỉnh giấc. Những câu hỏi “ Vì sao?” lại được đặt ra cho Toàn.

(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)

VN88

Viết một bình luận