VN88 VN88

Những yêu thương để lại

Lương của Bố Mẹ chỉ đủ tiêu dùng, lo cho anh chị em Tôi và gởi về Việt Nam cho anh em họ hàng. Lòng của Bố luôn hướng về Quê Hương, luôn nghĩ đến người khác. Bố bảo nhà không mua được bây giờ, mai này sẽ mua được, nếu không được thì cũng chẳng sao, chết có đem theo được đâu mà ham làm gì? Bà con họ hàng bên Nhà thì đang cơ cực, túng thiếu đủ bề, cần giúp đở, thôi để dành tiền gởi về Quê chẳng vui hơn không? Lòng của Bố là thế đó.
Những công việc Bố làm, thường là lao động nặng nhọc, vất vả và hay bị ngưng việc, thất nghiệp nữa chừng. Bố không bao giờ than, không có việc này, Bố đi tìm việc khác, việc nào người ta mướn thì Bố làm. Những ngày không đi làm thì Bố hay đóng bàn ghế, đóng kệ sách, tủ cho chúng tôi, cho nhà thờ, bạn bè. Ai cần gì, Bố cũng giúp. Bố dạy anh chị em Tôi phải sống như vậy, phải thương yêu nhau, thương yêu mọi người, nhất là những người bất hạnh, không may. Phải biết Lễ, Nghĩa, Hiếu, Trung, Ơn, Tình, và nhất là phải yêu mến Quê Hương, Dân Tộc. Bài học hay dạy dổ nào của Bố cũng có hai chữ “Yêu Thương” thật to.
Căn nhà của gia đình Tôi thật là căn nhà Hạnh Phúc. Chị Tôi đám cưới cũng trong căn nhà này, những người hỏi xin cưới Tôi cũng đến đây, Bố chỉ nhìn Tôi cười và biết là con gái út của Bố đã lớn hẳn rồi. Tôi biết, trong những chàng trai đó, Bố rất mến thương một người, nhưng Bố không nói ra, Bố để cho Tôi tự chọn và quyết định lấy. Mãi đến hôm nay, thỉnh thoảng chúng tôi gặp lại nhau, lúc nào anh ấy cũng nhắc đến Bố và tình thương Bố dành cho anh, một cách cảm động. Tình yêu của Tôi cũng bắt đầu nơi căn nhà này, nhưng không là ai trong những người đến hỏi xin. Thời tuổi trẻ ngu ngơ, dại khờ nên tình yêu của Tôi cũng thật dại khờ, ngu ngơ.

Để càng dấn thân vào đời, đời càng phai dần những sắc màu tươi. Đời sống của Tôi nhiều biến động nên Bố lúc nào cũng lo lắng cho Tôi. Mỗi sáng sớm, Bố thường ngồi bên khung cửa bàn ăn, đọc kinh thánh và cầu nguyện, Tôi hay ngồi giữa các bậc thang lầu, chung vách với Bố, lắng nghe, lời cầu nguyện cho Tôi lúc nào cũng dài hơn.
Căn nhà Hạnh Phúc của Bố vẫn vang vang tiếng cười vui của mọi người vào ra, càng vọng vào lòng Tôi sâu hơn khi về giữa đêm khuya. Những đêm trời gần sáng, anh Hai, Tôi và bạn bè “mò” về nhà, mệt nhừ sau các đêm ca hát đấu tranh, đi làm “cách mạng”…cả bọn ngồi quay quần bên nồi cháo gà, cháo vịt Bố nấu cho chúng tôi, mùi cháo thơm ngon đượm tình khiến những con mắt lờ đờ xụp mí bừng tỉnh dậy, mở to, gắp miếng thịt nào cũng trúng hết, và ăn một cách rất ngon lành. Bố thật vui khi thấy tuổi trẻ chúng tôi yêu Nước thương Nòi, không mất gốc, nên lúc nào Bố cũng đứng sau lưng chúng tôi, ủng hộ, bằng những nồi cơm, cháo, bún thật to tự tay Bố nấu và Bố luôn là ân nhân bảo trợ “chiến” nhất cho các hoạt động của chúng tôi. Bố lại càng vui hơn nữa khi Tôi mang về những giải thưởng văn chương, báo chí Tôi nhận được. Khi tập Thơ đầu tay của Tôi xuất bản, Bố cầm xem một cách thật trang trọng và nhìn Tôi cảm động. Tôi biết Bố hảnh diện lắm vì Bố thường mang khoe với bạn bè.
Tất cả những gì Tôi có được và mang vào đời, tình yêu mến Quê Hương bát ngát, tình người chứa chan, những từ ái, bao dung.. tất cả yêu thương đó là do chính Bố đã rót vào lòng Tôi, đổ vào tim Tôi. Từ khi còn bé cho đến lúc trưởng thành, bên Bố, Tôi chỉ thấy có một tấm chân tình mở ra bao la, thơm ngát tình người.

Ôi, Bố của Tôi, đỉnh đời yêu thương sáng ngời.
Sau đám hỏi của Tôi thì căn nhà Hạnh Phúc của Bố không còn..hạnh phúc nữa! Gia đình Tôi phải dời đi nơi khác vì chủ nhà cần phải bán, Bố Mẹ lại tiếc rẽ muốn mua nhưng rồi lại thôi, Bố lại bảo tiền để dành hàng tháng nên gởi về Việt Nam hơn gởi vào nhà bank! Gia đình Tôi đành phải bùi ngùi dọn ra, để lại sau lưng một nỗi buồn và biết bao nhiêu là kỉ niệm… Những tiếng cười dòn tan, tiếng nói rộn ràng, và cả tiếng khóc nữa, trong căn nhà thương yêu này, sẽ mãi vang vọng một trời, một đời, trong Tôi.
Từ ngày rời xa ngôi nhà Hạnh Phúc của Bố, anh em Tôi cũng chia tay nhau vào đời trăm ngã, để lại Bố Mẹ quạnh quẻ với hai chiếc bóng cô đơn, với nỗi buồn nhớ thương, lo lắng cho các con của mình. Anh chị em Tôi hấp tấp vào đời nên cuộc sống ai cũng không được vui, cũng ít nhiều đoạn trường, cay đắng khiến lòng Bố Mẹ héo uá đi. Mẹ thì vẫn thường hay khóc than, Bố vẫn với tấm lòng bao dung nên khi buồn nhất, Bố chỉ thở dài. Tôi lập gia đình, dời đi tiểu bang khác, bỏ lại Bố Mẹ và cái nôi tình thương êm ả đã ru Tôi ấm nồng suốt một thời thơ dại, rồi lớn dần, rồi chia xa. Tôi như con chim vừa mọc đủ lông cánh, nhìn thấy ngoài khung trời bao la kia, sao nhiều sắc màu đẹp quá nên vội vã bay đi. Chim quên những cơn mưa, giông gió, bảo bùng vẫn thường hay đổ trút xuống đời. Đôi cánh còn chưa đủ sức để bay xa, nên chim thường hay bị…gẫy cánh, nằm buồn giữa đời cô đơn, nhớ tổ xưa lại muốn bay về, nhưng không đủ sức để bay về.
Tin Bố bị Stroke đến bất ngờ khiến lòng Tôi se thắt, nhói đau. Từ ngày lập gia đình, đời thật sự không như là mơ, cuộc sống bẽ bàng buồn nhiều hơn vui nên Tôi ít khi về thăm Bố Mẹ, Tôi chỉ điện thoại hỏi thăm, nhưng thường chỉ là những lời ngắn, gượng vui, Tôi không muốn Bố biết Tôi buồn để Bố phải lo thêm cho Tôi, Bố

Mẹ cũng đã buồn rất nhiều rồi từ khi anh chị em Tôi mỗi người mỗi ngã. Bố thương Tôi lắm, nếu biết cuộc sống Tôi không vui, Bố sẽ rất đau lòng. Tôi mua vé máy bay, vội vã về thăm Bố. Nhìn Bố nằm trên giường nhà thương, tay chân không cử động được, muốn gọi tên Tôi Bố cũng không gọi thành tiếng. Nước mắt Tôi tuông rơi, Tôi ôm Bố thật chặt. Như con chim bây giờ thiết tha mong bay về tổ ấm, nhưng đường bay về đã mịt mù, rối bời giăng ngang, làm sao Tôi có thể về được bên Bố, lo cho Bố như Bố đã luôn lo cho Tôi. Tôi biết ngày tháng tương lai của Bố rất khó khăn, rất cần sự giúp đở, mà Tôi lại không thể ở bên cạnh Bố, lòng Tôi thật buồn, thật đau và đầy ân hận.
Tình thương Bố cho đi vào đời quá nhiều, nên khi Bố bệnh xuống thì nhiều bạn bè thường xuyên đến thăm, chăm sóc và giúp đở phụ lo với Mẹ.. đúng là “..con xa không bằng láng giềng gần”. Tuy không thể trở lại bình thường được nữa, nhưng Bố vẫn luôn cố gắng thật nhiều, tập tành vận dụng cơ thể yếu đuối mỗi ngày, để trông mong sớm đến một ngày Bố không còn phải nhờ ai làm gì cho Bố nữa. Mẹ bảo phải mất thời gian lâu lắm Bố mới cài được một nút áo, nhưng Bố sẽ rất giận nếu Mẹ hay ai đến cài hộ cho Bố, Bố muốn tự làm lấy, dù phải mất bao nhiêu thì giờ, cho đến khi nào được mới thôi. Ý chí kiên cường không khuất phục và đầy can đảm của Bố đã giúp Bố tập đi, tập nói lại được rất nhanh.
Và ngày Bố đứng trước sân nhà Tôi với chỉ một cây gậy khiến Tôi vừa mừng vừa tủi, nước mắt nghẹn ngào trào dâng. Đó là lần duy nhất Bố Mẹ xuống thăm Tôi, khi Tôi mới sinh đứa con đầu lòng. Chuyến Bố Mẹ con thăm nhau chứa đầy nước mắt đắng cay mà suốt đời Tôi hối hận, không quên. Bố biết cuộc sống Tôi buồn nên lòng Bố mênh mông sóng đổ. Đêm khuya, Tôi đứng lặng bên ngoài cửa phòng, nghe tiếng Bố thở những hơi thở dài não nề và lời cầu nguyện cho Tôi thì thật là xót xa. Tôi muốn bước vào phòng để nói một câu xin lỗi với Bố Mẹ, xin lỗi cho lầm lở này của Tôi. Hay đúng hơn, Tôi muốn bước vào để được Bố ôm Tôi trong lòng, vổ về ủi an, cho Tôi những lời khuyên, những lời khích lệ đầy yêu thương và bao dung, như những lần Tôi vấp ngã, sai lầm. Tôi không đủ can đảm bước vào, không đủ can đảm nhìn Bố Mẹ, nhìn Tôi, đau lòng nhìn nhau. Nên Tôi qùy xụp xuống cửa phòng, lậy Bố Mẹ để tạ lỗi, đền ơn.
Dáng Bố khập khểnh chân thấp chân cao, tay cầm cái gậy, bước chậm đi trong ánh nắng ban mai là hình ảnh mà Tôi không bao giờ quên và mỗi khi nhớ đến, nước mắt Tôi chứa chan. Đó là ngày Bố rời nhà Tôi, ra về, để lại trong lòng Tôi, trong đời Tôi một nỗi buồn đau không bao giờ xóa nhoà.

VN88

Viết một bình luận