VN88 VN88

Những yêu thương để lại

Mỗi khi Bố về, Mẹ hay bắt anh chị em tôi ra đứng “xếp hàng” chờ Bố hỏi tội, ở nhà đã làm gì sai với Mẹ, với nhau? Thường thì bắt đầu từ anh Hai, anh Ba.. và có lẽ vì lâu ngày, hay vì các anh chị Tôi “tội” nhiều, kể hoài không hết nên Tôi phải chờ khá lâu mới đến phiên mình vì Tôi là út. Lúc đầu, Tôi còn đứng như các anh, chị, đợi hơi lâu, biết Bố chưa để ý đến mình, Tôi từ từ ngồi xuống vì mỏi chân, và vừa kịp khi đến phiên Tôi thì Bố đã thấy Tôi nằm lăn ra…ngủ khò từ bao giờ! (hay giả vờ ngủ?) Và dĩ nhiên, Bố đầy tình yêu thương, nên không gọi Tôi dậy. Thế là Tôi thoát được tội mình và miễn được một trận đòn.
Rồi một ngày, Bố bị thương, vết thương khá nặng nên Bố được giải ngũ về nhà. Gia đình chúng tôi lại được xum họp, vui vầy. Bố quen thân thiết với những người trong xóm rất nhanh vì Bố hay giúp đở người này người kia, và “ông trùm” của xóm cảm thương Bố lắm nên nhận Bố Mẹ làm con nuôi, đở đầu cho gia đình chúng tôi vào Đạo và đở nâng gia đình chúng tôi rất nhiều, từ vật chất đến tinh thần. Bố làm quen với nghề đánh cá, những bữa cơm dưa cà, bây giờ lại có thêm cả cá mặn và tình yêu thương của Bố nữa nên cuộc sống vui hơn, Bố và chúng tôi cười nhiều hơn, gia đình chúng tôi thật hạnh phúc.
Và hạnh phúc bình yên rất ngắn ngủi đó, chưa kịp đơm hoa kết trái xanh màu thì bất chợt tàn héo và tan biến, nhường vào là bao nỗi đắng cay, bàng hoàng, ngơ ngác khi giặc chiếm miền Nam. Nước mắt lại đầm đià khi lại phải dắt dìu nhau chạy nạn trong một thảm cảnh kinh hoàng, tan tóc. Lần này, tan tóc và đau buồn càng thảm thiết hơn vì phải rời bỏ cả một Quê Hương yêu dấu, để đi về đâu? Sống hay chết? Ai nào biết được. Bố Tôi là quân nhân, lòng Bố lại bát ngát tình Quê, nên Bố nhất định không chịu đi đâu cả, dù chỉ đi để tạm lánh nạn thôi. Nhưng Ông Tôi và các cậu bắt buộc Bố phải đi, kinh nghiệm lịch sử 1954 lại tái diễn, nên với bất cứ giá nào, người trong xóm đạo này, một lần nữa, cũng phải đi, rời bỏ Quê Hương thứ hai của mình. Ông Tôi bảo Bố Tôi thì càng phải nên đi vì Bố Tôi là quân nhân. Dù Bố không chịu, không muốn, Ông Tôi cũng bắt ép và luà cả nhà xuống tàu, đi đâu thì đi, tới đâu thì tới, sống chết ra sao, không cần tính và biết nhiều nữa, đã trể rồi!
Và con tàu chở đầy lòng đau, theo sóng biển ra khơi, xa dần Quê Hương, không hẹn ngày trở lại.
Con tàu nhỏ bé lênh đênh trên biển cả bao la, không đâu là bến bờ. Lòng người thì buồn như đêm đen u hoài. Rồi bổng chợt thấy một vùng ánh sáng rọi vào, một chiếc hạm đội thật lớn lại gần và vớt từng đợt người lên tàu. Trong cơn hổn độn, chen lấn, rối bời đó, gia đình Tôi lạc mất anh Hai. Lên tàu lớn rồi, Bố tất tả đi ngược xuôi tìm kiếm anh Hai, nhưng vẫn không thấy đâu. Tàu càng đi xa, gương mặt gầy của Bố càng thêm nếp lo âu, vừng trán đầy muộn phiền, đôi mắt buồn đau long lanh. Từng hàng hàng, lớp lớp người nằm ngồi, rủ rợi trên tàu. Những đôi mắt ngơ ngác, bàng hoàng và lạc loài giữa biển khơi chới với như đời mình một phút chút mất tất cả và không biết sẽ đi về đâu? Mưa thường đổ xuống tàu, đổ vào lòng người ủ rủ buồn. Những khi cơn mưa giông trên biển bắt đầu đổ xuống boong tàu, Bố Tôi đứng dậy, cầm một tấm mền mỏng, giang tay thật rộng để che cho hết Mẹ và chúng tôi vào, để chúng tôi bớt bị ướt, lạnh. Những giọt mưa hắt mạnh lên mặt Bố, đầm đià nước, Tôi biết trong những giọt ngắn dài nhỏ xuống môi má của Bố, có lẫn lộn nhiều giọt nước mắt, Bố khóc Quê Hương, khóc nhớ, lo cho anh Hai. Và mỗi khi lãnh cơm về, Bố luôn ngồi nhìn Mẹ cùng anh em chúng tôi ăn, ăn đến khi nào no rồi thì Bố mới ăn. Ôi, tình của Bố. Tình Thái Sơn cao vời vợi.
Tất cả mọi người trên hạm đội, được đưa vào trại tỵ nạn ở đảo Guam. Việc đầu tiên Bố làm là đi xin điã giấy và những tấm carton, Bố mang về viết tên anh Hai rồi đi dán khắp chổ trong trại để hy vọng tìm được anh. Nhờ ơn Chúa thương xót, gia đình chúng tôi tìm gặp được anh Hai một cách nhanh chóng. Bố cười và vui thêm được một chút khi gia đình lại đoàn tụ.

Trưa nắng nóng, chúng tôi không có đủ dép mang, Bố lại đi tìm giây và những tấm carton dầy, bảo chúng tôi để chân lên giấy, Bố vẽ quanh chân chúng tôi rồi đem cắt ra hình đôi dép, xỏ giây vào thành cái quai cho chúng tôi mang. Khi lãnh thức ăn về, ăn còn dư, Bố gom lại, rồi “bí mật” lặn lội vào rừng, đốt củi, hái lá, nấu cho chúng tôi một nồi đồ kho, một nồi canh rất thơm ngon. Lúc nào lảnh được quần áo, giầy dép hay đồ gì mới, thức ăn gì ngon, Bố đều để cho Mẹ và chúng tôi dùng trước, nếu còn dư lại thì Bố mới dùng. Người ta rủ bảo nhau đi nộp đơn xin vào Mỹ, Bố cũng đi hỏi thăm và Bố được biết đảo Guam rất gần với Việt Nam. Bố nghe xong thì không chịu xin đi Mỹ hay đi đâu hết, Bố muốn ở lại Guam. Bố bảo ở Guam để khi được trở về Việt Nam thì Bố về cho gần, cho mau. Đời Lưu Vong, Tỵ Nạn, ngày ấy, với Bố chỉ như là một giấc mơ ngắn ngủi thôi, đợi tình hình đất nước yên ổn rồi, thì mọi người sẽ trở về Quê Hương mình. Bố và muôn ngàn người Việt Nam tội nghiệp, đáng thương đâu có ngờ được đường trở về Quê Hương đâu phải chỉ là một giấc mơ thôi, mà thật sự là chỉ còn thấy trong mơ thôi.
Gia đình chúng tôi định cư ở Guam. Cuộc sống mới trên Xứ lạ Quê người, ngôn ngữ không biết, thật dở khóc dở cười, biết bao là nỗi đau lòng, không kể hết. Người bảo trợ gia đình Tôi là một bà Việt Nam có chồng Mỹ, sau vài tháng sống với bà, bà ta mang bỏ gia đình Tôi bơ vơ, hụt hẫn giữa chợ đời lạ quắc, tiền trợ cấp thì bà lấy hết, mãi về sau Bố Mẹ Tôi mới biết là mình có tiền đó. Nhờ một cơ quan từ thiện giúp đở, Bố Tôi được đi học làm thợ mộc và xây cất. Bố đi làm, việc làm rất cực nhọc và vất vả nhưng Bố lại vui, vì thỉnh thoảng Bố có thể mua sắm thêm cho Mẹ và anh em chúng tôi một vài bộ quần áo mới, vài món thức ăn ngon. Khi gia đình Tôi dọn về căn nhà tốt hơn, đằng sau có một khu đất hoang rất rộng. Ngày ngày, sau khi đi làm về hay đến cuối tuần, Bố ra đó đốn nhổ, cuốc cào, biến mảnh đất hoang thành một vườn cây trái xum xê bầu, bí, khổ qua, rau thơm, ớt, khoai mì, khoai lang, đu đủ, chuối.. nhiều quá ăn không hết, Bố đem cho bạn bè, người quen, còn Tôi và Chị Tôi thì đem ra chợ bán. Từ khi có nhà, thỉnh thoảng đi làm về, Bố dẫn theo con chó, con mèo Bố nhặt được ở nhà hoang nào đó, chổ Bố đến xây cất. Nhà Tôi lại có thêm vào hai con chó và nhiều con mèo! Lòng của Bố thật bao la.

Ở Guam bốn năm, gia đình Tôi dọn vào đất liền vì anh chị Tôi sắp vào đại học. Anh Hai thì đã rời gia đình đăng vào Lính, sống đời hải hồ ngày đây mai đó như Bố ngày xưa. Khi gia đình Tôi dọn vào căn nhà thân thương mà khi nãy Tôi đi ngang qua thì anh Hai Tôi trở về chung sống, nhưng anh Ba thì lại đi xa. Từ ngày sang Mỹ, hình như gia đình Tôi có rất ít ngày được sống đoàn tụ cả nhà bên nhau. Đường đời trăm lối, cứ rẽ chia anh chị em Tôi ra, nên Bố Mẹ Tôi cũng đau lòng và buồn lắm. Thỉnh thoảng thì Mẹ than trách, còn Bố thì không trách giận chúng tôi bao giờ.
Bố ít có bạn, vì tính Bố “thẳng như ruột ngựa”. Nhưng ai biết Bố, hiểu Bố thì rất mến thương Bố. Cuộc sống của Bố lúc nào cũng thật đơn sơ, giản dị và đầy tình thương, không những cho Mẹ và anh chị em Tôi, Bố còn cho mọi người chung quanh, không phân biệt ai. Gần như cuối tuần nào, nhà Tôi cũng có khách đến chơi, phần nhiều là những người tứ cố, vô thân, cô đơn, lở bước trên xứ Mỹ này mà gia đình Tôi quen trong nhà thờ, sở làm, ngoài chợ. Bố ân cần nấu ăn, đãi khách. Dù chỉ là một bữa cơm đạm bạc, nhưng mọi người ăn rất ngon, những tiếng cười nói thì vui nhộn, rộn ràng, dòn tan, vang vọng mãi trong trí nhớ Tôi. Bạn học của Tôi, mới sang Mỹ, sống bơ vơ một mình, khi không có chổ ở, Bố bảo mang bạn Tôi về ở với Tôi, trên gác. Bạn anh Hai Bố cũng nói về đây đi cháu! Bạn của Bố cũng vậy, khi bị thất nghiệp, Bố gọi đến ở chung. Nhà Tôi có một cái basement rộng, Bố sửa sang, đóng thêm phòng, và rất ít khi nào phòng dưới basement bỏ trống.
Bố Mẹ rất mến thương căn nhà này, Bố thường gọi là “ngôi nhà Hạnh Phúc”. Nhiều lần Bố Mẹ muốn mua luôn, người chủ đã chịu bán, nhưng tiền lời rất cao, suy đi nghĩ lại hoài, cuối cùng Bố Mẹ không mua, vì không đủ tiền trả mỗi tháng.

VN88

Viết một bình luận