VN88 VN88

Những yêu dấu khi xưa

Chiếc xe ngừng lại trước cửa ngôi nhà hẹp, dài và cũ kỹ. Giàn hoa lý năm xưa không còn nữa! Thúy dơ tay bấm chuông, một cô gái khoảng ngoài hai mươi tuổi đẩy cánh cửa sắt màu xanh lá cây đậm ra và hỏi:
– Bà tìm ai ạ?
– Tôi muốn gặp ông Toàn. Ông ấy có còn ở đây không hả cô?
Cô gái đưa mắt nhìn Thúy nói:
– Mời bà ngồi chờ một chút, cháu ra quán, mời bố cháu về ngay.
Thúy còn đang mải ngắm bức ảnh của một người đàn bà trẻ và đẹp bày trên ban thờ thì Toàn và cô gái trở về. Toàn đứng trước mặt Thúy với đôi mắt mệt mỏi, dáng dấp già nua, tiều tụy. Mái tóc của Toàn đã bạc trắng, hình như không còn một sợi nào đen. Có lẽ Toàn cũng đang chiêm ngưỡng cái dung nhan tàn tạ của Thúy với làn da nhăn nheo như một đôi dép da cũ và nụ cười héo hắt trên môi nàng. Thúy thầm nghĩ: “Nếu chúng mình có nhau từ ngày xưa, chắc chúng mình không phải ngỡ ngàng vì sự thay đổi của nhau qua năm tháng. Giá chúng mình có nhau từ ngày xưa, cô gái kia đã là con của mình rồi, và giàn hoa thiên lý chắc vẫn còn thơm ngát trước nhà mỗi độ nở hoạ”.
Toàn kinh ngạc reo lên:
– Thúy! Em về bao giờ thế? Làm sao em biết anh ở đây?

Thúy đáp:
– Em chỉ muốn ghé thăm ngôi nhà xưa và giàn thiên lý, không ngờ lại được gặp anh.
Toàn giới thiệu Thúy và con gái:
– Đây là bác Thúy, bạn của bố từ hồi còn bé và đây là Thủy, con gái duy nhất của anh.
Toàn mời Thúy vào ngồi và bảo Thủy pha trà. Cái dáng mảnh mai của Thủy khuất sau tấm mành trúc có hình hai cô gái mặc áo dài, tay cầm nón lá. Toàn ngồi đối diện với Thúy, nhìn nàng với ánh mắt trìu mến, khe khẽ thở dài:
– Anh tưởng sẽ chẳng bao giờ được gặp lại em.
Thúy liếc nhìn bức ảnh người đàn bà trẻ đẹp trên ban thờ. Toàn giải thích:
– Trầm là mẹ cháu Thủy. Trầm mất hồi cháu mới ba tuổi vì bị bom, lúc đó tụi anh ở Bạch Mai. Sau khi các cụ mất, anh mới dọn về đây.
Thủy mang hai tách trà nóng, đặt trên bàn:
– Mời bác và bố xơi nước ạ!

Tiếng nói của Thủy trong và nhẹ, khuôn mặt giống như hệt khuôn mặt của mẹ nàng. Đôi mắt của Thủy đen láy, mơ màng với hai hàng mi dài và rậm khiến Thúy nhớ tới đôi mắt của Toàn năm xưa. Thúy đưa tách trà nóng lên môi, nhấp một ngụm nhỏ. Lâu lắm Thúy mới lại được uống trà ướp hoa sói. Hương trà tỏa ra nhẹ nhàng. Qua làn khói ấm, Thúy như thấy mình đang nắm tay Toàn đi trên lối vào chùa Cầu Bây giữa hai hàng hoa sói thơm lừng.
Thúy nói với Thủy:
– Cháu giống mẹ cháu quá! Lại giống cả bố nữa.
Thủy nhoẻn miệng cười, đáp:
– Thưa bác, những bạn cũ của mẹ cháu cũng nói thế. Các bác ấy bảo, gặp cháu ở ngoài đường, không cần ai giới thiệu, cũng biết cháu là con mẹ cháu.
Thủy đi chợ mua thức ăn. Toàn và Thúy ở nhà nói chuyện xưa tích cũ. Bốn mươi năm đã qua đi, hai người có biết bao nhiêu chuyện để nói cho nhau nghe. Toàn vắn tắt cho Thúy biết về quãng đời gian truân của chàng:
– Em có giận anh không? Thực ra hồi đó, anh đau khổ lắm! Anh bị giằng co giữa tình yêu em và khát vọng của một người trẻ muốn làm một cái gì cho quê hương. Cuối cùng, anh đành chọn xa em. Sau ngày em cưới, anh vào Khu Tư để chính thức nhập cuộc chiến. Anh được kết nạp vào đảng nhờ những thành tích anh đạt được khi còn ở Hà Nội. Anh hăng say, mù quáng. Những việc làm đê tiện, tàn nhẫn nhất của anh hồi đó vẫn làm cho anh hãnh diện vì anh cho rằng mình đang phục vụ cho một lý tưởng cao đẹp.

Những gian truân của anh trong chiến tranh chắc em đã biết rồi, anh không cần nói nữa. Nhưng cái đau đớn nhất của anh là anh đã nhận ra rằng mình bị lừa quá sớm. Điều này kéo theo những nỗi khổ đau, dằn vặt cả về tinh thần lẫn vật chất mà anh phải gánh chịu. Một lần anh sắp bị xử bắn vì tội phản động thì Trầm liều lĩnh che chở và giúp anh vượt ngục. Cũng may, Trầm vừa là cán bộ cao cấp vừa có gốc lớn nên họ chỉ thuyên chuyển Trầm đi nơi khác để tránh tiếng của dư luận. Tụi anh lấy nhau được năm năm thì Trầm bị chết trong một trận ném bom của Mỹ ở Bạch Mai.
Giọng kể của Toàn đều đều, bình thản. Thúy không tìm thấy một sự xúc động nào trên khuôn mặt già nua ấy. Có lẽ, thời gian và những biến động của đất nước đã làm cho tâm hồn Toàn trở nên chai đá.
Toàn cầm tách trà lên uống một ngụm rồi nói:
– Từ nãy, anh vô duyên, cứ nói về mình mà quên hỏi về cuộc đời của em.
– Cuộc đời của em ư? Chẳng có gì đáng nói. Lấy chồng, đẻ con, sống như cỏ cây gỗ đá. Khi chồng chết trận, sống như gỗ đá, cỏ cây. Hôm nay bỗng vui vì được gặp lại anh. Chỉ tiếc là giàn hoa thiên lý năm xưa không còn nữa.
Toàn hứa hẹn:
– Lần sau em về, thế nào cũng có giàn hoa thiên lý. Chỉ sợ lần này về, em thất vọng không bao giờ trở lại nữa thôi.

Thúy thoáng buồn:
– Liệu chúng mình còn đủ thời giờ để trồng giàn hoa thiên lý không anh?
Vừa lúc đó, Thủy đi chợ về. Thúy đề nghị:
– Bây giờ thì anh và em phụ với Thủy làm cơm, em đói lắm rồi.
Toàn hỏi Thúy:
– Con có mua rau muống và cà bát dầm tương để thết bác Thúy không đấy?
Quay qua Thúy, Toàn giải thích:
– Anh nghe người ta đồn là Việt kiều ở Mỹ về, chỉ thích ăn rau muống và cà thôi, phải không em?
Toàn Thúy và Thủy cùng đi vào bếp. Cái bếp chật chội với một cái lu sành đựng nước dự trữ, hai cái bếp dầu hôi kê trên một cái bàn ọp ẹp bên cạnh một cái chạn cũ kỹ. Toàn châm bếp, đặt nước luộc gà. Thủy vo gạo thổi cơm. Thúy ngồi xuống một cái ghế gỗ nhỏ, thấp gần sát mặt đất, nhặt rau muống. Thủy có vẻ bối rối về cảnh nghèo nàn của cha con nàng. Toàn thản nhiên, chuyện trò dí dỏm.
Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu khiến Thúy mỉm cười vu vợ Thúy chợt nghĩ tới ngày nàng sẽ trở lại Mỹ. Có lẽ, Thúy sẽ không còn đi tìm quá khứ mộng mơ của bốn mươi năm về trước. Thúy sẽ không còn thấy Toàn với đôi mắt mơ màng nắm tay nàng đi trên lối vào chùa Cầu Bây ngào ngạt hương hoa sói hoặc cùng nhau ngồi phía sau đền Ngọc Sơn ngắm mặt nước lăn tăn gợn sóng…
Có lẽ, hình ảnh Toàn già nua, tiều tụy với đôi mắt mệt mỏi, mái tóc bạc phơ, vẻ buồn vương vấn của Thủy, căn bếp chật chội cũng như bó rau muống có ngọn nhỏ xanh non sẽ theo Thúy trong suốt những tháng năm còn lại của nàng nơi xứ lạ quê người.

(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)

VN88

Viết một bình luận