Nàng nói nàng không dám nhìn xa hơn với tôi. Tôi đang trong tâm trạng áy náy và nghĩ ngợi về nỗi mặc cảm vu vơ, như nỗi phiền muộn trong tâm hồn. Mai Lan và tôi ghé quán café văn nghệ thính phòng ven biển, nơi đây có nhạc nhẹ như đệm piano, nhiều khách hàng đến ca và đàn. Mai Lan đã đến nơi này vài lần và đây là lần đầu tôi ghé qua một quán nhạc như vậy. Khách có thể nhìn ra biển xa xa thật mênh mông, khung cảnh thính phòng ấm áp vừa lãng mạn, vừa có nhạc sống mà khách có thể tự mình biểu diễn ca hát hoặc lắng nghe nhạc thính phòng. Thật vậy quán mang sắc thái rất Âu châu thơ mộng như Vienna hay Paris. Mai Lan ngồi lên chiếc dương cầm và nàng thả đôi tay lã lướt, bay nhảy trên phím đàn. Nàng đàn liên tục từng đoạn trong những bài ca tôi vô cùnh thích thú: Réverie du Soir (Sweet dream, Tchaikovsky), Nocturne in E (Chopin), Lettre à Ma Mere, Fur Elise, Moonlight Sonata (Beethoven), và Claire de Lune (Claude Debussy). Mai Lan học dương cầm từ thuở nhỏ. Nàng rất mê đàn dương cầm và thích ca hát. Nàng hát hai bài hát tôi yêu cầu là Sérénade và Le Danube Bleu với tiếng đàn thật mầu nhiệm và rồi hát một ca khúc rất “Việt Nam” là bài “Cát Bụi” sau khi nàng dịch ý nghĩa cho khách tại quán, giọng ca nàng ray rứt và buồn bã như tiễn đưa các thuyền nhân đã ra đi vì biển cả hay đã tự kết liễu đời mình trong các trại tị nạn mà chúng tôi đã cùng tranh đấu cho họ.
Nhân dịp cuối năm tôi và Mai Lan về thăm gia đình, tôi trở lại Hoa Kỳ. Nàng ghé Toronto thăm con trai nàng trước khi về lại Úc. Chúng tôi đáp cùng chuyến bay về hướng bắc Mỹ châu. Tôi nói với nàng tôi rất mong là có dịp tôi sẽ sang Úc châu thăm quê hương thứ hai nơi nàng cư ngụ. Chia tay nhau tại Los Angeles, nàng đổi chuyến bay đi Toronto, tôi cuối xuống hôn môi nàng từ giả, nàng ôm ghì lấy tôi trong ánh mắt lưu luyến.
Những lúc xa nhà như các chuyến trở về Á châu làm thiện nguyện. Tôi thích thú và phấn khởi vì có tính mạo hiểm, vì sống theo ý muốn của mình, theo ý muốn tuổi trẻ thích phiêu lưu, thích thử thách khi giúp người. Nhưng mặt trái của vấn đề tôi cảm nhận sự thiếu sót tình cảm cần để ý đến Dung Nhi hơn. Dù sao chúng tôi đã sống như người yêu, như hình thức vợ chồng by common law dù là chưa chính thức cưới. Chính điểm mặc cảm then chốt này khiến tôi chùn bước trước Mai Lan. Mặc dù nhiều chuyến công tác chung chúng tôi khá gần gủi, chia chung phòng ngủ hay chia chung giường. Thật lòng mà nói với Mai Lan, tâm tư tôi nhiều lúc bồi hồi, xao xuyến, rồi lại lạc lỏng, phân vân, biểu hiện cho con tim nhiều trăn trở, đầy muộn phiền.
Tôi về đến nhà 11 giờ khuya. Đèn đường tỏa mờ khu phố vắng Simi Valley. Tôi đi rón rén vào nhà và vì căn nhà yên tĩnh quá. Tôi vào phòng ngủ tìm Dung Nhi, Dung Nhi đâu chẳng thấy. Linh tính cho sự kiện khác thường, tôi bước sang phòng chú Lâm, tôi nhẹ mở cửa, đèn ngủ toả sáng một góc giừờng, tim tôi chết điếng người mục kích Dung Nhi nằm ngủ trong vòng tay chú tôi. Thật ra điều ngang trái này có những lúc tôi đã tự đặt nghi vấn nàng đã có tình nhân, vì sau này tôi và nàng đã rất hiếm khi liên lạc với nhau, vì khi con tim tôi chao đảo tại đất Hong Kong với Mai Lan, thì tôi phải trả cho cái giá trước mắt tôi thôi. Tổi nhớ Dung Nhi thường đổ thừa cho bận rộn làm việc và vẫn lo chu toàn cơm nước cho chú Lâm như khi xưa để bớt gọi thăm tôi. Phần tôi, tôi lại viện lẽ như lời than vãn với Dung Nhi nhiều việc cần làm gấp cho đồng bào để rồi cả hai chúng tôi tự động xa nhau. Tôi thương chú Lâm vì chú là em bố tôi, chú cưu mang đời tôi nhiều lần. Khi chú khóc có nghĩa là tôi khóc. Phải chăng nếu chú vui là tôi vui ? Và khi chú hạnh phúc là tôi có hạnh phúc ? Tôi ngồi xuống bàn viết lá thơ từ biệt cho chú Lâm và Dung Nhi, tôi hiểu tình cảm của hai người mà trong căn nhà này mà tôi là kẻ dư thừa, tôi cần lánh mặt, dọn đi nơi nào thích hợp cho tương lai tôi. Tôi chúc hai người hạnh phúc. Xong tôi gọi cho Mai Lan ngày hôm sau từ khách sạn là tôi đổi ý sẽ sang Úc châu của nàng sinh sống và lập nghiệp ở đó với nàng. Nàng chia sẻ cái xui của đời tôi, nhưng cũng là ngã rẽ xoay về hướng nàng. Tôi bảo nàng đợi tôi tại Toronto vì tôi sắp xếp cho chuyến sang Úc, sau đó hai đứa cùng nhau từ Toronto bay sang Sydney. Ba ngày sắp xếp của tôi đã qua mà sao ngày lại trôi qua thật chậm chạp và quá dài, mà lòng bỗng bồn chồn vô kể. Tôi cần Mai Lan hơn bao giờ hết. Tôi muốn gặp Mai Lan ngay lúc này để nói với nàng tôi đã yêu nàng thật rồi. Tuy nhiên, tôi thấy lòng khó chịu như linh tính thêm điềm xui nào khác chăng ? Hay là nàng đã gặp lại người chồng cũ, và nàng sẽ nối lại tình xưa ? Tôi đang cô đơn trong ý nghĩ và ước mong giả thuyết của tôi không là sự thật.
Tôi sang đến nhà con trai nàng là cái apartment trong thị trấn Scarborough, gần trường đại học Toronto. Tôi gặp Bình, chồng cũ của nàng cho biết nàng và con trai bị tai nạn thảm khốc khi con trai nàng chở nàng đi thăm cô bạn Vân Trang, một tình nguyện viên rất thân với Mai Lan tại Hong Kong mà tôi biết khi sinh hoạt, làm việc chung. Tôi chết điếng người trong sự cô đơn kế tiếp. Tại sao cái thế giới xung quanh tôi thay đổi quá mau lẹ đến chóng mặt, hoa mắt tôi ? Nó đã đưa tôi đi từ thất vọng này sang thất vọng khác. Bình cho tôi hay Trí con trai của hai người bị thương nặng, nhưng còn sống, Mai Lan bị chấn thương sọ não, khi xe cứu thương đưa vào bệnh viện thì nàng qua đời. Sáng mai tôi và Bình sẽ ra sân bay để đón ba và anh Mai Lan từ Sydney sang đem xác nàng về chôn cất tại Úc. Tâm hồn tôi nặng trĩu, rã rời, niềm hy vọng trước đây lại trở thành nỗi bùi ngùi thất vọng khôn tả.
Sau ngày chôn cất Mai Lan, ba mẹ và anh em Mai Lan bảo tôi hãy ở lại Sydney với họ để bắt đầu cuộc sống mới tại vùng đất mà tôi đã thủ thỉ với Mai Lan nhiều lần là tôi muốn đến thăm nàng. Giờ đây tôi đã có mặt tại Úc châu, thì nàng lại vội vã ra đi. Mai Lan kể cho gia đình nghe về tôi, gia đình nàng tiếp đón tôi nồng hậu trong tình cảm thân thiện. Tôi đồng ý ở lại đây định cư và cám ơn họ. Mỗi tuần tôi đem bông đến thăm mộ nàng. Khung cảnh nghĩa trang Lidcome thật yên bình, thật thanh thản. Tôi chậm bước đến trước mộ nàng, trên bia đá có bức hình của nàng tươi cười trong sự tự tin và yêu đời, hình được cẩn vào bia đá. Nay vì sao Thiên Xứng tự tin ấy của tôi đã ra đi, bỏ tôi lại với một chân trời mới lạ vùng Nam Cực. Tôi đốt nén nhang cầu nguyện nàng giúp tôi sẽ thành công tại quê hương mới này như niềm tin yêu và nụ cười luôn luôn nở trên môi nàng. Tôi đọc thơ của thi sĩ Thâm Tâm mà nàng hằng ưa thích như bài “Tống Biệt Hành”:
“Đưa người ta không đưa sang sông,
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng ?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?… ”
Đoạn tay tôi sờ lên bức hình của nàng như hôm nào tôi cuối xuống hôn môi nàng khi chia tay nhau tại phi cảng Los Angeles. Trong niềm cô đơn tuyệt đối, tôi đọc bài thơ khác là bài “Dang Dở”, cũng của Thâm Tâm:
“Khi biết lòng anh như đã chết,
Mây thôi hồng, và lá cũng thôi xanh.
Màu hoa tươi cùng héo ở trên cành
Và vũ trụ thay một màu đen tối… ”
Tôi tước từng cánh hoa hồng để biểu tượng cho một đóa hoa hồng nhan bạc mệnh đã thật sự trở về với cát bụi, mà hồn tôi bỗng nhớ bài ca cũ mà nàng đã hát tại quán nhạc thính phòng Hong Kong năm nào:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi
…
Mặt trời nào soi sáng tim tôi
Để tình yêu xay mòn thành đá cuội
Xin úp mặt bùi ngùi
Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui
Cụm rừng nào lá xác xơ cây
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không hay… ”
Việt Hải, Los Angeles
*Tặng Đặng Thành Danh, Sydney, Australia.
(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)