Mùa thu năm Dần, Thanh Hội được am chủ báo tin quý thầy, sau khi hội ý, đã chấp nhận cho ni cô được thọ giới tỳ kheo ni tại Ðại giới đàn THIÊN THAI, do bổn sư ni cô là Thượng Toạ Hải Thiện tổ chức tại Tầm Vu vào ngày rằm tháng giêng năm Quý Mão. Lễ thọ giới tỳ kheo đối với người xuất gia thật quan trọng, Thanh Hội hân hoan đón nhận tin mừng và nguyện tinh tấn tu hành để không phụ lòng hoài bảo quý vị ân sư.
Từ ngày mùng 10, sư bà Diệu Nghĩa đã cẩn thận cho người đón Thanh Hội về Phổ Ðà ni viện, rồi sau đó, sư bà đích thân hướng dẫn 18 nữ đệ tử, gồm 5 phụ giới sư, 6 giới nữ tỳ kheo ni, 3 giới tử sa di ni và 4 giới tử Bồ tát tại gia, đi tham dự Ðại giới đàn.
Các phái đoàn lần lượt vân tập về Tầm Vu từ ngày 13. Ðến nơi, mỗi người đều nhận lãnh một trách vụ để tiếp ban tổ chức hoàn thành đại lễ. Quý ni lại rất bận rộn với công tác “ẩm thực” cho hàng ngàn người, nên Thanh Hội không có chút rãnh rỗi nào để hầu chuyện bổn sư hay thăm thân nhân cạnh chùa. Ngày hôm sau, chư tăng ni bắt đầu hội họp, lược duyệt chương trình, cung an chức sự, rồi đến thủ tục chất vấn luật nghi các giới tử. Buổi họp thu hẹp, nhưng cũng đã gồm trên 150 tăng ni tham dự, vì ngoài 52 giới tử, mà 12 vị là cư sĩ, lại còn “tam sư, thất chứng”, các vị tuyên luật sư, thỉnh dẫn sư, tả hữu giám đàn, và phụ giới sư nữa. Ni cô Thanh Hội thật không ngờ mình được diễm phúc tham kiến các bậc trưởng thượng đông đủ như vậy. Chỉ cần ngắm nhìn quí tôn túc hoà thượng mỉm cười, khoát tay, gật đầu thôi?, thì Thanh Hội đã cảm thấy hưởng được niềm an lạc ngập tràn.
Sáng sớm ngày rằm tháng giêng, Phật tử đã đông đủ tề tựu. Nghi lễ chánh thức bắt đầu, tuần tự từng tiết mục tiếp nối nhau trong trang nghiêm và đạo vị. Giới tử tỳ kheo ni bắt đầu theo thứ lớp được khai đạo. Ni cô Thanh Hội đội khăn che mặt làm nhiều người thắc mắc, tưởng cô bị tàn tật hay phong cùi chăng? Vì vậy, để tránh kẻ bàng quan dị nghị về ngũ quan của giới tử, khi hoà thượng giáo thọ đưa Thanh Hội trở ra làm lễ tấn đàn, thì khăn che mặt không còn nữa. Ðại chúng bỗng ngạc nhiên đến bất động, vì trước mắt họ lại xuất hiện một ni cô trẻ đẹp như thần tiên, vừa thoát tục, vừa thánh thiện, như là hiện thân của Quán Thế Âm Bồ tát diệu hiền. Thế là đại chúng ai cũng cảm mến nàng. Cảm mến lại gia tăng thành kính phục, khi họ chứng kiến phong thái an nhiên của ni cô trong khi hành lễ “Nhiên hương cúng Phật”. Nguyên các tân tỳ kheo, trước khi thọ Bồ tát giới, đã nguyện dùng chỗ cao quý nhất trên thân thể là đỉnh đầu, để đốt 3 nén hương cúng Phật. Lễ nghi nầy nhấn mạnh rằng Phật Pháp trân quí nhiệm màu, nên những người con Phật ý thức rằng mình thật là may mắn, có đại nhân duyên nên mới được gặp và thọ trì; do đó, đã noi gương chư Phật, chư Tổ để xả thân cầu pháp? thì lễ nghi đất hương đỉnh đầu cũng chỉ là một lễ kính thật khiêm tốn, nhưng cũng đủ cho hàng tại gia chiêm ngưỡng nét trang nghiêm, hùng tráng của hạnh cúng dường.
Ðại giới đàn tiếp nối với việc trao truyền Bồ tát giới, Sa di giới, sau đó đến phần thuyết pháp và bế mạc trong thành tựu và phấn khởi của mọi ngừơi.
Sáng hôm sau, các phái đoàn Phật giáo lần lượt ra về. Thanh Hội xin phép được ở lại chùa Thiên Thai vài ngày, trong khi sư bà Diệu Nghĩa hướng dẫn 17 nư đệ tử đi đường bộ hướng về Gò Công, để viếng thăm Từ An ni viện.
Phái đoàn mới khởi hành vào giờ Mão, mà giờ Thìn đã thấy người xa phu, mặt mũi bơ phờ, hộc tốc chạy về, vừa trao thơ cho Thượng Toạ Hải Thiện, vừa hổn hển giải thích:
Ðại nạn ! Ðại nạn ! Bị cướp bắt hết trơn rồi thầy ơi.
Bức thơ chỉ có mấy hàng vắn tắt:
“Lục Thiên anh hùng gởi đại sư Hải Thiện.
“Mười bốn bà vải và bốn mụ đàn bà đã bị chúng anh hùng bắt giữ.
“Ra lệnh cho đại sư phái ni cô Thanh Hội đến làm áp trại phu nhân cho chúng anh hùng, thì các tù nhân sẽ được tha toàn mạng.
“Nếu không. Giờ ngọ ngày mai là giờ trảm quyết 18 nhân mạng. Ðại sư hãy cho người đến thu nạp xác chết về cầu siêu.
“Diệu Kim thảo theo lệnh của Thiên ý Ðại Vương”
Phía dưới lại có hình vẽ tuy vụng về, nhưng cũng diễn tả được hình ảnh một ngừơi trên cây rơi xuống giữa hai con hổ.
Nguyên cách đường đi Gò Công chừng hai dặm, có một đầm sình lầy lội rộng lớn, mọc đầy dừa nước, loại lấy lá để lợp nhà. Vì quá rộng không khai thác, đầm nước lại sâu, cây dừa nước sinh trưởng khá mạnh, lá to che hết ánh sáng, nên người dân gọi là “đám lá tối trời”. Người bình thường chỉ có thể đến mé đầm, đốn mớ lá ở ngoài chớ không ai đủ can đảm lội sâu vào giữa đầm, sình mềm đến ngực, mà lại tối tăm không tìm ra phương hướng. Thế nhưng bọn cướp lục thiên: Ðại ca Thiên Ý, cùng 5 đàn em: Thiên Thân, Thiên Nhản, Thiên Nhỉ, Thiên Tỷ, Thiên Thiệt, gốc là bọn đốn lá chuyên nghiệp, rành địa thế, giỏi võ, lại luyện được lối chạy nhảy như bay trên tàu lá?, nên chúng dùng đầm lầy làm sào huyệt, xuất biến xuất hiện, quan quân bao vây hàng tháng trời cũng không tiêu diệt được. Từ đó, bọn cướp càng làm lộng. Chúng đón đường bắt khách thương nạp mãi lộ, và giết người không gớm tay nếu ai chống lại chúng. Quí ni cô nghèo không nghĩ đến chuyện bị cướp bóc, không ngờ, chúng nghe người ca tụng về nhan sắc tuyệt vời của ni cô Thanh Hội, nên mới tấn công. Mưu sự bất thành, chúng nổi cơn bắt hết cả bọn, rồi doạ giết nếu như ni cô Thanh Hội không thế mạng.
Thơ do sư tỷ Diệu Kim viết theo lệnh của bọn cướp, nhưng hình vẽ có lẽ là sáng kiến riêng, nhằm gợi lại câu chuyện tiền thân Ðức Phật. Ðức Phật bị hổ dữ rượt phải trốn trên cây. Hổ mẹ chờ mồi mãi không được, đói quá nên quên cả tình mẫu tử, định vồ cả hổ con ăn thịt. Ðức Phật không nở thấy cảnh hổ con bị giết, buông tay xuống tự tử để hai con hổ có thức ăn.
Diệu Kim dùng tranh khích lệ kẻ khác hy sinh tánh mạng để cứu mình, kể ra, thì lòng dạ có chỗ ngoắt ngoéo, nhưng Thanh Hội vốn thực thà trung hậu, nghĩ sư tỷ có hảo ý chỉ giáo mình, nên chấp tay cảm tạ và nguyện xin tuân theo. Thật ra, Thanh Hội vừa thọ giới Bồ tát. Sư cô đã nguyện ban vui cứu khổ chúng sanh. Nếu chỉ cần cứu một mạng người mà sư cô chết, sư cô cũng không từ nan. Huống hồ, sư cô có thể đổi mạng sống cho đến 18 người, trong đó lại có ân sư, thì dĩ nhiên, sư cô không có chút gì ngần ngại. Do đó, dù có ý kiến ngăn cản, việc lẽ, bọn cướp tráo trở khó lường, sư cô vẫn nhất quyết nhờ người xa phu đưa đi ngay đến chốn hang hùm.
Xe ngựa dừng lại ở bên đường, và sư cô phải đi bộ thêm cả dặm đường trên đồng khô lồi lỏm, để đến căn nhà là dùng làm điểm hẹn của bọn cướp.
Bọn cướp vừa thấy sư cô là đã mừng rỡ reo hò. Thiên Thân, Thiên Nhản vồ vập tranh dành người đẹp. Sư cô bình tỉnh, rút dao nhọn dí vào ngực, nghiêm nghị nói:
Tiểu ni đến đây là tuân theo điều kiện trao đổi người. Nếu quí vị chưa thả hết các tù nhân mà đụng chạm đến thân thể tiểu ni, thì tiểu ni quyết tâm tự sát.
Xin tuân lệnh người đẹp ? Thiên Ý cười hềnh hệch ? Bọn anh hùng nầy đâu có sai lời.
Thế là cả bọn chia nhau mở trói thả đám tù nhân. Tù nhân mừng khôn xiết, mạnh ai nấy chạy thoát thân, không người nào nhớ tới vị thầy khả kính vẫn còn đang thẩn thờ tại đó. Biết ý sư bà không nở bỏ đi, sư cô Thanh Hội năn nỉ:
Xin thầy thương con đi ngay đi. Phật tử Cây Mai rất cần thầy hướng dẫn. Thầy ngần ngừ thì cả hai cùng chết chớ chẳng ích chi.
Sư bà công phu hàm dưỡng đã cao, ngày trước từng bị đám Trương Ðại Nhơn chửi mắng mà vẫn an nhiên tự tại, nhưng lần nầy, bà như kẻ mất hồn, chầm chậm bước đi mà nước mắt đã chảy dài trên má.
Chí nguyện độ sanh, quên bản thân mình để cứu người đã tạo cho sư cô sức mạnh phi thường, bình tỉnh đối đầu với bọn cướp. Cứu người an toàn rồi, nghĩ đến phận mình trong tay bọn cướp, sư cô bất giác rụng rời. Bao nhiêu ý nghĩ đua nhau xuất hiện: “Ôi! Nếu bị chúng giết chết hay tùng xẻo thì may quá, chớ còn chúng hành hạ bằng sự dâm đảng thì làm sao ta chịu nổi. Ôi ! ta có nên tự tử không? Tự tử có phạm giới sát không? Có phạm giới vọng ngữ vì dối gạt bọn chúng không? Ôi ! có lẽ kiếp nào đó, mình đã từng hiếp đáp người, nên kiếp nầy mới lâm vào hoàn cảnh nầy”.
Chợt thấy một cánh nhạn trên trời, sư cô liền nghĩ tiếp: ” Ôi kiếp phù sinh ngắn ngủi như vết nhạn bay, vô tung tích, có đáng gì đâu? Ta đã nguyện xả thân cứu độ chúng sinh, thì thân xác này đã kể là không. Bị giết hay bị đánh đập, trong sạch hay nhơ bẩn, cũng là không. Có gì đáng phải băn khoăn hay sợ hãi !”.
Tự nhiên, sư cô thu hồi lại thu hồi lại hùng tâm, bình tỉnh quăng dao xuống đất rồi nói:
Tiểu ni xin giữ tròn lời hứa. Bây giờ thì quí vị có thể hành hạ tiểu ni thế nào cũng được. Tiểu ni không oán trách giận hờn.
Bọn Thiên Thân, Thiên Nhãn chộn rộn tay chận, nhưng thấy đại ca chúng khoát tay, nên đành dừng lại.
Ha ha ! ? Thiên Ý cười đắc chí ? Bọn ta lục thiên huynh đệ là anh em đồng sanh cộng tử, có phước cùng hưởng, có họa cùng chia. Nàng là vợ, thì cũng là vợ chung của 6 anh em ta, sẽ được sung sướng trọn đời. Thôi ! Hãy cởi bộ áo tu hành ra đi, để cùng ta vui thú. Còn cưởng lại thì đừng trách bọn ta vũ phu lỗ mãn.
Sư cô không để tâm đến lời suồng sả vô nghĩa của bọn cướp, mà điềm nhiên đem lòng tư bi vô lượng quán sát họ. Họ chỉ là những kẻ tội nghiệp đáng thương, thiếu hạt giống đạo đức nên bị dục vọng sai khiến trở thành mù quáng, lầm lạc. Lòng từ bi thúc đẩy sư cô tìm phương cảm hóa họ.
Sư cô lặng yên nhập định, quán thân mình chỉ là một cái bao chứa đựng đầy vẩy 36 món dơ dáy thối tha: máu, xương, tim, ruột, gan, phẩn, mồ hôi, nước tiểu? Rồi sư cô lại quán mình là một cái thây ma vừa chết, mặt mũi bầm xanh, thây ma lần lần sinh chương, nức nẻ chảy nước vàng lầy thúi, dòi thú đục ăn, trơ lại nhúm xương tàn.
Mây đen từ đâu kéo đến che khuất mặt trời. Trong bóng tối lập loè, bỗng mơ hồ có tiếng sư cô vọng lại:
Nầy các hành giả! Hãy quan sát cho kỹ bộ xương trắng hếu biết đi nầy, có đáng để quí vị yêu mến chăng?
Lạ lùng thay, sư cô đang đứng mĩm cười mà bọn cướp hung ác thì rung lẩy bẩy, cúi đầu quỳ lạy không ngừng, miệng thì van xin: