Thằng bé kia vẫn van nài :
– Tao cho mày con cá xiêm chọi vô địch xóm nhà thờ, mày chịu không ?
Sơn vẫn không chịu Nó đòi thêm những thứ khác. Sau cùng thì chúng nó cũng ngã giá. Ngoài con cá chọi, Sơn còn được một cái diều và sáu hòn bi ve bóng loáng mới tinh. Lăng mỉm cười khi thấy thằng Sơn dặn dò thằng bé kia :
– Nhớ nhé! Cẩn thận không có làm cháy đèn của anh Lăng tao làm cho tao thì cả nhà mày bị dịch đòn gánh, ngã trôi sông với lại chết thương hàn.
Chờ thằng bé kia cầm chiếc lồng đèn đi khuất, Lăng vẫy Sơn lại gần. Chàng nhìn thằng em Vĩnh, nét nhang nhác giống chị ở cái miệng hay cười làm Lăng thấy vui vui. Lăng gãi đầu suy nghĩ một lúc, cố tìm cách làm thế nào dò la về Vĩnh. Nhưng thằng bé ngớ ngẩn quá, chỉ biết ham chơi, chẳng để ý gì. Chàng hỏi thế nào nó cũng chỉ biết quanh đi quẩn lại mỗi một câu chán phèo :
– Chị Vĩnh hay bảo bu là anh Lăng kéo giỏị
Thấm thoát đã gần tết. Pháo Hà-Châu sản xuất không kịp cho khách Sài-Gòn xuống lấy. Các xe cam-nhông hàng tuần lũ lượt kéo xuống Xóm-Mới để cất hàng. Họ xuống đây và tưởng lạc vào một thế giới của miền Bắc chưa pha trộn. Thổ âm đặc thù của các vùng Nam Ðịnh, Thái Bình vẫn còn nguyên vẹn. Bánh trôi, bánh chay, bong bóng heo đựng rượu, thịt chó quạt chả… vẫn y nguyên. Không mấy tuần mà lại không có rước; kiệu, pháo, kèn trống rợp trời. Pháo bán đầy đường, dân Xóm-Mới cần cù làm pháo bán cho toàn quốc. Bọn thợ trẻ như bọn Lăng bận trối chết. Bây giờ chàng chỉ làm cho ông Quý. Chàng làm từ tảng sáng cho đến khi mặt trời lặn. Tuy mệt nhoài, Lăng vẫn mong được mỗi ngày nhìn thấy khuôn mặt trăng rằm của Vĩnh với đôi mắt lá răm với ánh mắt đùa nghịch như trước, nhưng sao lúc này Vĩnh lạnh lùng hẳn ra. Nàng cũng ít đem cơm nước cho thợ.
Ðến bữa ăn, ai nấy tự động đi lấy phần trong bếp bà Quý. Hôm trước, Vĩnh đi chợ về, Lăng mới để ý Vĩnh bắt đầu biết vẽ mặt. Những hộp phấn con con, những lọ mầu xanh đỏ không biết Vĩnh đào đâu ra, được nàng cất kỹ trong một cái hộp cẩn xà cừ, chiều nào cũng thấy nàng ngồi mở ra và xoa lên mặt. Xoa xong, Vĩnh đội chiếc nón che nghiêng, đi ra cổng, cố tránh cho khỏi bước ngang chỗ Lăng ngồi kéo quả. Ngày nào, chàng cũng chỉ thấy dáng nàng ẩn hiện thấp thoáng trong nhà, chải đầu, trang điểm mặc những bộ cánh sặc sỡ lên người rồi vụt mất tăm. Lăng đâm buồn bã. Chàng cố kéo cho xong cối pháo, tâm hồn để đâu đâu không buồn truyện trò với bọn thằng Phan thằng Lĩnh. Lĩnh tinh ý nhất bọn thợ con trai. Nó ngừng tay kéo, hạ thấp giọng :
– Ðừng lo màỵ Cái Vĩnh diện bởi vì biết mày hay ngắm nó. Chứ nó có diện cho ai ngắm đâu mà lo ?
Nhưng lời thằng Lĩnh không có gì đáng tin tưởng. Vì mấy hôm sau, thằng Phan báo cho chàng hay là nó trông thấy một người thanh niên dáng dấp ra vẻ dân thành thị, đến cổng xóm Hà Châu đón Vĩnh lên xe Vespa phóng vù đi về hướng Sài-Gòn. Nghe xong, Lăng lặng người đi, buồn bã suốt cã một buổi chiều. Chàng định tìm Vĩnh để hỏi cho ra lẽ. Nhưng suy đi nghĩ lại, chàng lại thôi vì thấy mình chẳng có quyền gì để hỏi. Chiều ba mươi tết, xưởng pháo đã nghỉ. Lăng mang cặp bánh chưng, con gà mái dầu đến Tết nhà ông Quý. Vừa bước đến đầu cửa, đã nghe thấy tiếng quát của ông Quý :
– Ai cho mày đi với thằng ấy hở con kia ?
Có tiếng khóc nức nở của Vĩnh :
– Thầy tha cho con trót dạị.. Tại thầy bắt con lấy thằng Lăng, con đã bảo với thầy bu là con không chịu mà thầy bu không nghe nên con phải tìm người khác…
Nghe tới đây, Lăng choáng váng cả mặt mày. Chàng gắng dựa lưng vào bức tường hông chậu hoa vạn thọ. Lại có tiếng gầm của ông Quý :
– Mày quen với nó ở đâu ? Ðã làm những gì với nó ?
– Con quen anh ấy ở mục tìm bạn bốn phương trong báo Chính Luận… Con tưởng anh ấy có bằng đại học, ở Sài Gòn thì tức là con nhà tử tế… Ai ngờ đâu lại là phường khốn nạn lưu manh đểu giả…
– Bây giờ tao ăn nói với xóm giềng ra làm sao ? Ăn nói với cha Tấn ra làm sao ?
Rồi ông chuyển thành giọng ai oán như một bài ngắm mười bốn sự thương khó :
– Giơơơờời ơi ! Xin ngài cất cho con chén đắng này. Con gái ơi là con ơi ! Cái dớp xóm Hà-Châu tưởng đã hết cũng không tha nhà này. Thằng cha Cựu bên Tân-Hưng nói thế mà đúng. Xứ mình không có đất…
Ông vật người xuống chiếc cánh phản, giẫy tê tê, giọng càng thê thiết hơn :
– Thế là con hỏng rồi, con ơi ! Cơm không ăn, lại đi ăn …
Lăng chỉ nghe được đến đấy. Chàng lảo đảo bước đi, hai cái bánh chưng nằm chỏng gọng trên thềm, con gà mái dầu còn bị cột chân nhẩy ngã lăn kềnh, kêu oang oác.
(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)