Lăng làm thợ pháo được bốn năm nay. Cứ tháng tháng, chàng lại sang nhà ông Quý, hộ ông ít việc. Tiền công ông trả Lăng cũng hậu hơn các cánh thợ khác. Nhưng mục đích chính của chàng là để được trông thấy bóng Vĩnh trong sân. Chàng lâng lâng nhìn Vĩnh tha thướt mang cơm với nước chè nụ cho đám thợ; con mắt đen nhánh có đuôi kia với hàm răng trắng hay nhoẻn cười với mọi người trong xưởng; chứ không chỉ với Lăng. Lăng cũng chẳng bao giờ nghĩ Vĩnh để ý gì đến mình. Vì trong giọng nói cái nhìn của nàng con gái xinh nhà ông Quý, chàng chưa hề đọc được một điều gì thầm kín, như trao gửi chút ý nghĩ riêng tư; hay một lời xa xôi mang niềm hứa hẹn. Vĩnh cứ nhởn nhơ qua lại giữa đám thợ con trai, đối đáp dòn tan với những lời chọc ghẹo, và chẳng hề tỏ vẻ thẹn thò hay cuống quít với một ai. Bọn thợ con trai cũng chỉ biết nàng còn đang kén chọn, và anh thợ khéo nhất của mười hai xứ đạo Xóm-Mới là Lăng chắc sẽ là người mà gia đình ông Quý để mắt đến đầu tiên khi Vĩnh chọn chồng, chứ chẳng tới lượt họ. Nhưng họ cũng không lấy làm ghen tị. Vì Lăng cũng là người được bạn bè yêu mến bởi là thợ cả, tốt bụng, chuyên dậy nghề cho các anh em mới tập. Họ thường hay bảo nhau :
– Kháu như con bé Vĩnh thì nơi này chỉ có thằng Lăng là xứng. Còn sểnh đi đâu được nữa… Chúng nó lấy nhau xong là ông Quý cho ngay cái xưởng pháo. Tao mà nói sai thì tao sa đáy hỏa ngục. Không khéo mai đây bọn mình đâm ra làm công cho vợ chồng chúng nó chứ chẳng đùa !
Và mọi người cứ tin chắc là việc Lăng làm rể nhà ông Quý chỉ là vấn đề thời gian.
Cắt mấy lát giềng tươi bỏ vào đĩa muối ớt, ông Quý khề khà cầm cái chai mầu xanh đậm rót vào bốn cái chén quân một thứ nước mầu nâu trong vắt :
– Rượu lễ của cha Tịnh mang về từ Nha Trang đấy. Ngài cho tôi với ông quản Hói mỗi người một chai, bảo là uống cho khoẻ. Rượu này nhẹ lắm, mà lại đã được ban phúc lành rồi, nên anh em nào có thanh sạch thì mới nên uống. Còn như vướng mắc thì tôi có mấy chai xá-xị, chứ chẳng nên uống rượu cha Tịnh vào mà phải tội trọng.
Bốn đứa con trai nhìn nhau giây lát. Thằng Phan ghé tai Lăng nói thầm thì :
– Mày có uống thì uống, còn ba thằng tao không sạch sẽ mấy, mới viếng An-Nhơn tuần trước, chưa xưng tội xưng lỗi gì cả. Chúng tao “nhẩm” xá-xị.
Lăng đằng hắng một cái rồi trịnh trọng :
– Mấy đứa này hôm nay kiêng rượu. Chỉ có hai bác cháu mình thôi.
Bữa tiệc diễn ra thật vui vẻ. Ông Quý ngà ngà say, cắn một miếng giềng, ực một hớp linh tửu, khề khà kể mãi những chuyện ngoài Bắc, chuyện đấu tố, chuyện chạy loạn, chuyện lên tàu há mồm di cư vào Nam. Ðám trẻ vâng dạ luôn miệng, hai đĩa đùi cầy tơ và nồi rựa mận cạn dần. Lăng ngây ngất nhìn theo dáng tha thướt của Vĩnh đi lên đi xuống lấy thêm cơm thêm thức ăn, mỗi lần nhìn cái miệng chúm chím của nàng, Lăng thấy một niềm rạo rực khôn tả. Ông Quý ngắm nghía Lăng, thấy thằng thanh niên trước mặt cũng mang nhiều nét giống ông thời còn trẻ : cũng chất phác, thật thà, hay lam hay làm và đạo đức. Ông âu yếm nhìn con gái, và tin rằng may ra cái dớp của xóm Hà Châu khu Hoàng-Mai chắc cũng phải kiềng mặt gia đình nhà ông.
– Kìa, ăn nữa đi cậu Lăng !
Tiếng dục dã của ông Quý làm Lăng giật mình. Chàng quay lại, bắt gặp đôi mắt ông như soi rõ tâm can giản dị của chàng. Lăng lảng chuyện :
– Gớm ! Ðám ngòi của bác ai se khéo quá ? Không to không bé cứ đều như máy ấy. Cháu có cắt đến tối cũng không biết mệt.
Ông Quý cười tươi :
– Thì chỉ có con bé Vĩnh chứ còn ai vào đâỵ Cái gì chứ cái se ngòi nhà tôi không có thuê ai bao giờ. Công đoạn quan trọng bậc nhất mà lỵ! Mẹ nó truyền lại đấỵ
Rồi ông hạ giọng xuống xa gần :
– Vợ chồng cùng giỏi một nghề là muôn đời no ấm. Như tôi với bà ấy, các cậu xem, tay trắng từ ngày vào Nam, mà bây giờ có nên cơ nghiệp. Cậu Lăng giỏi nhất thợ pháo ở đây, kiếm lấy đứa nào kha khá, con nhà đạo đức, làm ăn cùng nghề là sau này sung sướng lấy thân…
Lăng như có trống làng tưng bừng trong bụng. Câu nói của ông Quý rõ ràng mở cho chàng một lối bước vào gia đình của ông. Chàng run run khẽ đáp :
– Cháu cũng chỉ mong thế…
Ba thằng bạn của Lăng nhìn nhau rồi nhìn xuống bếp, nơi Vĩnh đang thập thò, mỉm cười như thầm bảo nhau :
– Tao đã đoán mà. Con nhà Lăng sắp “ve” được con bé Vĩnh nhà ông Quý.
Tối đến, Lăng về nhà lòng phơi phới hân hoan. Chàng lên giường trải chiếu mắc màn đi ngủ, lòng nghĩ đến vẻ yêu kiều của Vĩnh. Khuôn mặt trái soan và đôi mắt lá dăm của nàng như vẫn còn cười chúm chím với Lăng. Chàng tưởng tượng ra một cái xưởng pháo con con ở gần bờ sông dưới bóng dừa nước xanh lá, có Vĩnh tươi tắn ngồi se những bó ngòi dài thậm thượt, và chàng ngồi kéo quả, lũ trẻ con đứa chạy loăng quăng, đứa oe oe đòi bú. Ôi! Còn thứ hạnh phúc nào hơn. Lăng thiếp đi trong giấc mộng, nụ cười vẫn còn đọng trên môị
Từ hôm ấy, Lăng càng chăm sang bên Hà-Châu giúp ông Quý cắt ngòi, se quả. Hầu như chẳng ngày nào không có mặt Lăng bên sân pháo nhà ông Quý. Tình yêu trong Lăng ngày thêm nồng nàn, mối tình đầu đời của chàng thanh niên vừa lớn. Lăng hay nói hay cười hơn trước, cái sân vườn tu-ma rợp mát là chỗ chàng tận hưởng những ngày vuị Hình như Vĩnh có nghe loáng thoáng câu chuyện giữa ông bà Quý về Lăng, nên bây giờ nàng không còn tự nhiên mỗi khi gặp Lăng nữa. Chắc Vĩnh cũng mến mình, Lăng tự nhủ. Ðôi lúc nghỉ tay, chàng kéo mảnh khăn lau mồ hôi dựa lưng vào gốc tu-ma, khoan khoái hồi hộp hình dung ra một ban đêm nào đó, dưới gốc cây hoa đại ở chân đền đức mẹ, chàng sẽ hẹn Vĩnh ra để cầu nguyện. Hương thơm hoa đại ngọt ngào tỏa lan khắp phíạ Bầu trời đen thẫm lấm tấm đầy sao Vĩnh sẽ bảo :
– Lăng cầu trước đi.
Chàng sẽ quỳ xuống chân tượng đức mẹ trắng tinh tay cầm bó hoa huệ, miệng lẩm nhẩm :
– Lạy thánh mẫu đồng trinh rất nhân từ xưa nay chớ từng nghe có kẻ nào chạy đến cùng mẹ xin bầu chúa cứu giúp mà đức mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời. Xin người cho con được lấy Vĩnh.
Vĩnh sẽ đỏ hồng đôi má :
– Tưởng Lăng đọc kinh. Hóa ra chỉ nói hiêu nói vượn.
Chàng được thể say sưa tấn công tới tấp :
– Vĩnh… Vĩnh có biết là tôi thương Vĩnh từ lâu rồi không ? Từ ngày chúng mình còn học lớp nhất trường công. Hôm nào tan trường tôi cũng đi theo sau Vĩnh cho đến cổng ngõ Hà Châu…
Chàng còn muốn nói nữa nhưng Vĩnh sẽ ngăn lại :
– Ðừng nói nữạ Vĩnh biết lòng Lăng rồi.
Và chàng lại mỉm cười một mình khi tưởng tượng ra chuyện thần tiên ấy.
Rảnh rỗi phút nào, chàng chỉ chơi với thằng Sơn em trai của Vĩnh. Thằng bé thích Lăng lắm. Vì không những Lăng khéo kể chuyện đời xưa như Tây Du Ký hay Phong Thần, chàng còn giỏi làm đồ chơi cho trẻ con. Từ làm lồng đèn Trung Thu cả đèn xếp lẫn đèn kéo quân, cho đến đẽo quay, làm diều Lăng đều thành thạo. Chiếc đèn kéo quân tết Trung Thu năm ấy của thằng Sơn sáng rực nến treo dưới cành cây tu-ma giữa sân, các hình voi, ngựa, tầu bay, tầu bo,ø lính tráng… chầm chậm quay mãi làm lũ trẻ con trong xóm bâu quanh ngắm nghía thèm rỏ rãị Một đứa gạ thằng Sơn :
– Mày xin anh Lăng làm hộ tao một cái nhá! Hay cho tao mượn chơi cái đèn của mày một ngày thôi rồi tao trả ngay
Thằng Sơn trề môi :
– Nói dễ nghe nhỉ !