Truyện ngắn một ván cờ xuân do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn một ván cờ xuân.
Xem truyện ngắn: Một ván cờ xuân
Tác giả: Phạm Minh Hoàng
Chung kết đấu cờ đón xuân làng Sở đang bước vào tàn cục.
Tết này đúng vào đợt gió mùa Đông Bắc tăng cường, trời lạnh tái tê. Từng đợt gió quạt qua sân đình, thổi lá cờ đại treo cao giữa sân bay phần phật, cuốn đám lá vàng khô rụng ào ào chạy về phía hồ bán nguyệt. Người người háo hức kéo đến xem trận chung kết “Cờ người” mỗi lúc một thêm đông. Ai nấy như đang rung lên theo nhịp tiếng trống cái đang dồn dập, thúc giục, lại như mời như gọi. Dù co ro trong những chiếc áo to sụ kềnh càng, đầu chụp kín trong khăn hoặc mũ nhưng mắt mọi người lại chăm chắm nhìn vào bàn cờ, khe khẽ bàn nhau thế này, thế khác…
Đấu thủ Lê Tiến Hưng thấy mặt mình ngột nóng, trán lấm tấm như có mồ hôi vì nước cờ quá bí. Đối thủ bên kia là ông Hảo thì lại bình tĩnh ung dung, cứ nhẩn nha nhấc chiếc điếu cày lúc nào cũng kè kè bên hông, thong thả xoè diêm và rít sòng sọc rồi há mồm phả từng cục khói cuộn lên không trung, vừa như khiêu khích, vừa như chắc thắng.
Thực ra thì Hưng không sợ thế cờ mà ông Hảo đang giăng bẫy chờ anh- cái thế cờ mà mọi người đang mải mê hồi hộp theo dõi- trong ván cờ cuối cùng sau ba ngày đấu loại để phân định nhất nhì, để nhận cái giải quán quân của làng trị giá hơn trăm nghìn bạc này. Anh bí là bí cách giải quyết một nỗi éo le đang canh cánh trong lòng.
Đã thế số người đứng quanh nhòm ngó, xem xét, bàn luận cũng chia ra hai phe rõ rệt, sự bình luận hoặc thầm thì mách nước nghe ra có vẻ thiên lệch bên này bên kia tuy ai cũng cố làm ra vẻ khách quan, công bằng.
Mà đúng là thế thật! Thua cờ là sự lép vế cho cả một dòng họ chứ đâu phải chuyện đùa.
Theo các cụ kể lại, Thành Hoàng làng trước đây là một thủ lĩnh trong ba mươi sáu sứ quân, qui thuận Vạn Thắng Vương, trở thành vị tướng tài ba đánh Đông dẹp Bắc. Khi tử trận, được phong “Nhất dẳng Linh thần”, thờ phụng tại bản quán, chính là làng Sở này. Truyền rằng Thành Hoàng đặc biệt yêu thích môn Cờ tướng, trong trướng trận bao giờ cũng bày sẵn bàn cờ chờ đấu thủ. Tướng cầm quân đảm trách tiên phong công kích đối phương phải là tướng quán quân trong trận đấu cờ nội bộ đầu năm.
Chính vì thế mà trai gái làng Sở ai cũng biết đánh cờ. Hàng trăm năm nay vào ngày Tết, ngày hội, dù đủ thứ trò vè nhưng đấu Cờ tướng thì không thể thiếu. Trước đây, quân cờ là các nam thanh nữ tú vào vai. Bây giờ, kinh phí ít, các cụ đã tiết giảm, quân cờ bằng gỗ như những tấm thẻ bài ngất ngưởng trên các que tre cắm vào bàn vạch vôi và có đục sẵn lỗ trên sân… Không biết tự bao giờ đã thành tục lệ: Mỗi dòng họ được cử ra hai đấu thủ để chọi với nhau. Đấu thủ chiếm giải quán quân làng mang lại vinh quang cho dòng họ, cả họ phải làm cái lễ mâm xôi con gà để tạ Thành Hoàng, và đâu có hội cờ thì đấu thủ chiến thắng ấy được lý dịch trong làng cử đi đấu với thiên hạ. Đã có nhiều cụ cờ cao nổi tiếng một vùng còn lưu truyền tên tuổi đến tận ngày nay. Bởi vậy ngoài sự giải trí, đấu cờ ngày Tết ở cái làng này còn là sự giành giật trí tài hơn kém, còn là danh dự đồng tộc, còn là tướng soái chủ công của vị Thánh làng, oai oai lẫm lẫm cùng vế ngang vai với các loại chức sắc trong làng. Chả thế mà hồi Pháp thuộc có cụ thắng cờ, về nhà mổ lợn khao cả họ.
Hôm nay đã là Mùng ba Tết, ngày cuối cùng của hội cờ. Làng có 6 họ thì đấu thủ 4 họ Ngô, Lý, Trần, Phạm đã bị loại khỏi giải nhất nhì. Còn lại cặp sừng sỏ cao cờ của hai họ Lê – Nguyễn quyết chiến để giành giật cái giải trị giá suýt soát nửa tạ thóc này! Quyết không thể nhường nhau giải nhất, mặc dù giải nhì cũng trị giá những bẩy chục nghìn đồng.
Oái oăm thay, Hưng lại là một thanh niên vừa tốt nghiệp Đại học, mặt còn non choẹt còn đối thủ lại là ông Hảo ngang tuổi bố Hưng đã từng dọc ngang trên chiến trường đánh Mỹ và cũng đã “vác chuông đi đấm làng ngoài” có tiếng tăm trong làng cờ tướng. Trước lúc gắp thăm ai đi trước, đi sau, ông Hảo đã giương mắt nhìn Hưng và cười cười đe nẹt:
– Anh học giỏi nhất làng nhưng xem các nước đi của anh chưa phải là giỏi cờ. Cố gắng giữ cái giải nhì cho họ Lê là được rồi.
Có tiếng anh choai choai nào bên ngoài, nói chõ:
-Thế nếu bố thua thì họ Nguyễn phải gán cái Hoa con gái bố cho nó nhá! Hưng cố gắng lên chiến thắng bố Hảo đi, giành giải nhất để bố hết phét lác!
Tất cả cười ran khoái trá. Nhưng tiếng người khác lại át đi:
-Thắng làm sao được bố Hảo ? Năm ngoái bố ấy chả giật liền mấy giải của các làng bên đó à ? Bố già mà thua thằng chưa vợ thì có…
Vậy mà, một già một trẻ đấu trí nhau đã sắp hết giờ rồi vẫn chưa phân thắng bại. Bàn cờ xơ xác quân binh, mỗi bên còn lẻ tẻ vài quân đang lừa nhau từng miếng…phần thắng mỗi lúc một nghiêng về ông già hiếu thắng luôn luôn nghĩ “ cái bọn trẻ người non dạ, cờ quạt ra cái thá gì, có thắng chẳng qua cũng ăn may chó ngáp phải ruồi!”
Trên bàn cờ con “cầm trịch” đặt tại hiên đình, những quân cờ cũng được sao lục nguyên si như ngoài bàn chính. Chỉ có số ít người xúm quanh chỗ ấy, để làm” thầy dùi “ một cách tự do, họ thả cửa phán đoán những nước đi rồi chê bên này kém, phê bên kia khờ, đáng nhẽ phải thế này, phải thế kia… Ông nào cũng làm như mình là Đế Thiên, Đế Thích giáng trần, nước đi của mình mới là chuẩn, là đúng. Họ cãi nhau, văng tục và kháy nhau:
– Giỏi thế sao không vào đấu thử!
Hai người “ Cầm trịch “ ngồi đối diện nhau ở bàn cờ con này cũng đang nóng tai đỏ mặt trước những lời bàn. Một là ông Nghệ- bác trưởng họ của Hưng, người kia là ông Hếch em họ ông Hảo. Cả hai người đều mâm mẩm giải nhất sẽ thuộc người họ mình “ Đợi đấy, rồi sẽ biết tay nhau “
Chả thế mà lúc nghỉ trưa nay để chiều vào trung kết, ông Hếch đã nói với ông Hảo:
– Mấy năm nay ông chưa thua ai ở cái làng này. Năm nay lại có thằng trẻ ranh tranh giải với ông, liệu liệu đừng để mang tiếng cho cả họ.
Ông Hảo cười toá lên:
– Chú đứng có lo. Bọn thanh niên chỉ “chộp” là nhanh, tôi lừa cho mấy nước là “ bó giáo quy hàng” ngay ấy mà…
Còn ông Nghệ đến tận nhà Hưng nghiêm mặt mà nói:
– Mày phải thắng cái lão Hảo ấy cho tao, năm nay quyết không để cái giải nhất cho họ Nguyễn nữa!
– Ông ấy cao cờ có tiếng vùng này, nhỡ cháu không thắng nổi ông ấy thì sao?
– Thì sao ? Thì sao ?… Thì mày đừng ở cái họ này nữa. Tao đã mất bao nhiêu công đi tìm mượn sách cờ thế cho mày nghiên cứu, lại huy động mấy đứa làm mọi việc cho mày luyện cờ. Thắng gần hết làng rồi chỉ còn cái lão già kỳ cựu bảo thủ này mà không hạ nổi, thì nhục cho họ này lắm con ạ. Tao chọn mày ít tuổi để hạ lão là có chủ ý của tao..