VN88 VN88

Một chuyến về quê

Trong nhà đèn nến sáng choang. Mọi người, chắc là toàn con cháu, đang ăn uống vui vẻ. Bố con tôi dắt xe vào sân. “Cẩn thận nhỡ có chó !” – Tôi quay lại, nhắc thằng con. “Nỏ có chó mô, lâu rồi nhà không nuôi chó ! Lỡ đường hả ? Vô đây nghỉ uống rượu, mai đi tiếp !” – Tôi ngoảnh lại, một cụ già nhanh nhẹn bước ra – “Ô ! Cố đò … Nhà cố đây à ? – Tôi chột dạ, đồ là mình đã vào nhầm nhà – Con đang đi tìm nhà cố Lề !”. “Há ! Tôi đây, còn ông là … ?”. Tôi quýnh lên, quên phắt, buông tay khỏi cái xe máy chưa dựng chân chống và chạy tới túm lấy tay cố.
– Bác ơi, con là thằng Mẫn, con ông lang Mẫn đây !
– Há … – Ông nắm lấy hai cánh tay tôi, ngửa mặt ra phía sau nhìn cho rõ, mắt rơm rớm – Mi đó hở Mẫn ? Ông bà cố chừ ở mô, có được mạnh giỏi không ? Có bị cực không ?
Tôi kể tóm tắt tình hình gia đình tôi.
– Ừ, rứa thì tốt rồi. Chỉ tiếc cho bà cố mất sớm, đến lúc con cháu phương trưởng, tốt đẹp thì không được trông thấy. Thôi, hắn cũng là cái số con ạ ! – Rồi ông quay sang thằng con tôi ngó trân trân – Con nhà mi đó Mẫn ?
– Con chào cố ạ ! – Thằng bé, không biết học ở đâu, khoanh hai tay trước ngực, cúi đầu chào cố.
– Mặt mũi sáng sủa lắm, gắng rồi thành người hữu dụng con ạ !
Mọi người trong nhà lúc đó mới chạy ồ ra. Bằng thứ trực giác trẻ con vẫn còn xót lại chút ít, tôi nhận ra – không, phải nói là “đánh hơi” – ngay anh cu Sạch và cô Thơm. Trông gương mặt hồ hởi và nụ cười sáng rỡ của họ, tôi nhận ra trong đó có cả cái hồn của cố Lề và biết chắc rằng mọi điều đang ngày càng tốt đẹp. Chúng tôi cười nói ồn ào, kéo nhau vào nhà, tiếp tục cuộc vui.
Khi các bà các cô bắt đầu thu dọn mâm bát, ông Sạch nháy mắt ra hiệu cho tôi cùng với ông đi đến bên Cố:
– Cha ơi, mời cha vô thay áo để con cháu chúc mừng.
– Tau đã biểu là không cần phải lãng phí rứa mà bây không nghe ! – Ông cố phật ý ra mặt. Còn ông Sạch thì kín đáo nhìn tôi cầu viện.
– Bác ơi, hôm nay là ngày vui lớn của con cháu. Bác chiều con cháu đi, bác ! – Tôi nài nỉ.

Chừng như nể tôi đi xa, lâu ngày mới về, Cố cười và miễn cưỡng đi vào buồng. Thoáng một cái, đám thanh niên đã thu dọn và kê bàn ghế xong xuôi. Cố ra khỏi buồng trong bộ lễ phục áo dài khăn sếp may bằng lụa điều, ông Sạch và bà Thơm theo sau. Cố dừng lại ở giữa nhà. Một thằng bé chạy tới túm lấy tay cố, rồi nhảy cẫng lên: “Hoan hô Cố nội bữa ni đẹp quá !”. Rồi nó kéo cố về phía chiếc ghế đặt sát bức tường gian giữa, phía sau cái bàn uống nước phủ vải đỏ, kê ngang trước cái ghế: “Con mời cố nội ngồi đây !”. Thằng con tôi nhìn cảnh tượng, thấy thích quá, nó ghé vào tai tôi: “Bố ơi, nhà mình cũng làm mừng thọ ông nội đi !”. “ừ, phải đấy, chắc chắn nhà mình sẽ đông và vui lắm !”
– Trật tự ! trật tự nào ! – ông Sạch đứng giữa nhà, dang hai tay. Mọi người lúc bấy giờ đã đứng quây phía trước cố, dáng chừng định nói đôi lời.
– Thôi, thôi … không phải phát biểu chi hết, nhạt lắm – Cả nhà chợt nhất loạt im lặng – Hôm nay thật là vui, cảm ơn ông Trời xui khiến, ông Mẫn, con cố Lang Mẫn bạn ta, cũng về vui với nhà ta.
Nhân dịp cơ hội đang thuận lợi, tôi tiến lên phía cố, hai tay kính cẩn nâng chiếc túi mà cha tôi gửi gắm biết bao tình cảm, ý tứ vào đó:
– Cha cháu gửi biếu bác chút quà, xin bác nhận lấy. Đây là tấm lòng biết ơn của cả gia đình cháu.
Cố tiến lên một bước, cũng lấy hai tay kính cẩn mà đỡ lấy. Trước bao nhiêu cặp mắt tò mò của cả nhà, cố lần mở miệng túi, lấy ra chiếc hộp, ngắm nghía và mở ra. Cố nhìn vào lòng hộp, thoáng giật mình rồi nhìn tôi.
– Ta thực chưa xứng với món quà này … – cố lặng đi một lúc – nhưng vì cha của con đã yêu mến ta mà khó nhọc công phu tạo ra báu vật này … – Đến đây, cố xoay người về hướng Bắc, cúi đầu thi lễ – tôi xin lạm nhận tấm tình của cố nhân !
Bồi hồi hồi lâu, cố chậm rãi quay lại phía con cháu: “Ta cũng có vài câu, đã chuẩn bị từ lâu, nay muốn đọc cho các con các cháu cùng nghe và cố gắng đừng bao giờ quên”. Nói rồi, cố cất giọng, từ từ đọc:
Giữ đạo cương thường con kính bố
Sáng trong đạo đức cháu chiều ông.
Đất Trời vần vụ đâu dâu bể ?
Làm người cốt trọn một chữ Nhân ! [12]

Không khí lắng xuống, không ai nói câu nào cho đến lúc thằng bé ban nãy hồn nhiên phá vỡ sự im lặng:
– Cố ơi, cháu nỏ hiểu chi hết.
– Rồi dần dần cháu sẽ hiểu – Cố cười hiền lành, đưa tay xoa đầu thằng chắt nhỏ trong trẻo như chú chim sâu.
Ông Sạch ra hiệu cho thằng bé quay lại. Vẫy bà vợ và vợ chồng cô Thơm lại đứng bên, rồi cả bốn người vòng tay trước ngực, cúi đầu kính cẩn:
– Chúng con kính chúc cha vui khoẻ, sống lâu với con cháu !
Tiếp theo sau là hàng cháu. Cảnh tượng thật ấm áp và cảm động. Cố Lề ngồi ở chiếc ghế dành riêng cho mình, nhìn đàn con cháu chắt đông đúc mỉm cười hài lòng. Sau khi hàng con và cháu dâng quà mừng là đến lượt các chắt. Sắp trẻ thơ chưa biết phép tắc, cứ thế giành nhau lên trước, đặt vào lòng cố đủ các món quà “lẩm cẩm”.
Có tiếng ồn ngoài cổng. Chẳng đợi ai ra mở, hai cánh cổng gỗ đã bật tung ra và theo đó, một đàn con nít cùng bà con hàng xóm ùa vào. Tôi nhận ra, trong đám người đó có cả cô bán nước và cậu thợ sửa xe. Cô bán nước chào tôi, vẫn nụ cười tinh quái ban chiều. A … – tôi chợt hiểu ra – cảm ơn cô gái nghịch ngợm ! Anh thợ ảnh có vẻ vất vả tợn. Có lẽ anh không muốn bỏ sót những hình ảnh mà không bao giờ còn lặp lại lần thứ hai nữa. Thôi thì đủ các thứ quà: quê có, tỉnh có. Bên cạnh những gói quà của bà con hàng xóm như ta thường thấy, còn có cả những thứ “lẩm cẩm” của bọn nhỏ nhà trẻ, giống y như quà của các chắt của cố: Quả ổi, quả na, mấy chiếc kẹo, mấy quả chuối, cái bánh cu đơ …

Cố Lề ngồi đó, ngập trong quà biếu đủ loại, đủ cỡ, đủ màu sắc … và nở một nụ cười, nụ cười làm sáng bừng cả gian giữa, chỉ thấy ở những người hạnh phúc mà may chăng, chỉ có âm nhạc mới có cơ ghi lại được.
Không khí đầm ấm, thân tình. Kẻ cười người nói râm ran. Người lớn kể với nhau những chuyện về cố và luôn nhắc đám thiếu niên phải nhớ lấy như những bài học. Lũ trẻ nhỏ chạy nhảy, tung tăng nô dỡn và thỉnh thoảng có đứa cao hứng hét tướng lên: Cố Lề muôn năm !
– Răng mà cố cười lâu rứa hề ?! – Một người đàn ông trạc tuổi tôi, mà mọi người giới thiệu với tôi là bác sỹ, níu tay tôi, nhìn cố, lo ngại hỏi, tựa như hỏi chính mình.
Không đợi ai trả lời, ông bước đến chỗ cố ngồi: “Cố ơi !”. Không trả lời. “Cố ơi !”. Vẫn không trả lời. Ông hốt hoảng cầm tay cố bắt mạch. Lát sau, mặt tái nhợt, ông quay ra, thì thào: “Cố thăng rồi !”. Những người đứng bên cố chợt im bặt, bàng hoàng. Những người khác chưa hề biết gì, vẫn cười nói râm ran. Lũ trẻ vẫn mải nô đùa cười hát. Tôi nắm tay cố: Đôi tay vẫn mềm và ấm. Tôi nhìn cố: Cố vẫn cười … đúng là vẫn cười ! Nụ cười vẫn tiếp tục toả sáng, thứ ánh sáng có màu hồng nhẹ, có lẽ cũng giống như vầng sáng toả ra từ xứ Tây Trúc huyền thoại xa xôi !

Tháng 01 năm 2005

Chú thich:

[1] Không

[2] Giỏi trai

[3] Bọn tôi

[4] Thôi

[5] ấy

[6] nhỉ

[7] cái

[8] Bãi bên sông

[9] bọn tôi

[10] Giục

[11] Bảo

[12] Thời ấy ở vùng Diễn Châu – Nghệ An, có mấy câu thơ lưu truyền trong dân chúng:
Lỗi đạo cương thường con tố bố
Vùi sâu đạo đức cháu khiền ông …

(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)

VN88

Viết một bình luận