VN88 VN88

Một chuyến về quê

Cái chết của người ông kính yêu, đối với tâm hồn đứa trẻ nít mới lớn của tôi, như một nhát dao, chém ngang thân cây tre. Tại sao con người ta lại có thể đối xử với nhau ác độc đến thế ? Vì cái gì chứ ?! … Lúc đau đớn quá thì oán trách như vậy, chứ thực ra cũng có nhiều người quý trọng ông tôi lắm. Cơm của nhà mang đến cho ông, hồi mới bị nhốt, thức ăn ngoài rau ra mẹ tôi còn cố làm thêm cho riêng ông một chút cá tép hoặc một chút con ruốc kho mặn với khế. Nhưng những ngày sau đó, chỉ mang có cơm và rau thôi, bởi lần nào sau khi ăn xong, ông cũng lén bỏ cá hoặc những loại thức ăn mặn vào liễn để đưa về nhà. Cha nói thì thào với mẹ: “Rứa ra đêm đêm vẫn có người lén đưa thức ăn cho ông, nỏ biết ông có ăn chút mô không, hay lại trút hết về nhà cho con cháu !”. “Nước mắt răng chừ chả chảy xuôi !”. Mẹ thở dài và lặng lẽ thắp một nén nhang lên chiếc bàn thờ làm tạm rồi cứ lầm rầm khấn vái mãi.
Mẹ tôi lấy ra từ cái ruột tượng cũ cáu bẩn, lúc nào bà cũng vấn quanh người, những đồng tiền lẻ tích cóp được, cũng cáu bẩn nhem nhuốc như vật đựng chúng, vừa đủ mua cho ông tôi một cỗ quan tài mỏng mảnh bằng thứ gỗ không biết có nên gọi là gỗ tạp không. Nhiều năm sau này, khi mẹ đã đi theo ông nội, cha tôi đóng một chiếc tráp nhỏ, để cái ruột tượng ấy vào, đặt lên bàn thờ bà và nói với các con: “Đấy là cái đức của mẹ các con. Các con nên nhìn vào đấy mà gắng chăm chỉ học hành, lao động; tiêu pha đúng mực, thương yêu đùm bọc lấy nhau và … nếu giúp được người ngoài thì càng tốt !”.
Cha mẹ tôi làm ma cho ông nội tôi. Một đám tang không kèn trống, cỗ bàn. Nhìn dòng người lặng lẽ đưa ông nội tôi ra đồng, ngoài những người làng – không hiểu tại sao, thời gian ấy không sang nhà tôi chơi nữa, thậm chí có gặp người nhà tôi ở ngoài đường cũng tìm cách lánh mặt – tôi nhận ra còn có cả người ở xã khác, huyện khác và cả những người đã được ông tôi chữa bệnh ở tít đâu, xa lắm. Cũng từ dòng người đang thực hiện cái nghĩa tận của mình ấy, tôi còn nghe được có ai đó đang thì thào với người đi bên cạnh: “Hồi kháng chiến, nhà ông cố nuôi nhiều bộ đội lắm đó. Người mô mà rộng rãi rứa !”. Hơn ba năm sau, sau khi thay nhà cho ông nội, cha gọi anh em chúng tôi lại và bảo: “Các con chuẩn bị gói ghém đồ đạc, chỉ những đồ dùng thật cần thiết, hai ngày nữa nhà mình sẽ dời đi quê mới !”. Các em tôi bắt tay vào việc ngay. Thằng Tấn, thằng Du cứ nằng nặc đòi đem đi cả chiếc chõng tre. Mẹ thì không nói gì, chỉ thở dài nhìn chúng tôi, lòng đầy thương cảm. Còn tôi lại nghĩ: Thì ra cha vẫn nhớ lời ông nội ! Tuy vậy, trong lòng, tôi vẫn thấy bứt rứt, nao nao, không thông. Tôi đánh liều hỏi cha: “Mần răng lại phải lìa quê mà đi hở cha ?!”. Cha buồn rầu trả lời: “Phải xa quê cha tất tổ, xa mồ mả các cố, cha mẹ cũng đau lòng lắm con ạ, nhưng còn cuộc đời về sau của các con … Nếu không, đến khi trăm tuổi, cha còn mặt mũi mô mà gặp ông nội các con nữa ?!”

Chiều muộn, bố con tôi đã đến bến đò. Chỉ còn hơn hai cây số nữa là về đến quê. May quá, đò vừa tới bến. Đợi cho khách lên bờ hết, bố con tôi hỳ hục đưa xe máy xuống đò. Không quen việc nên cứ hỳ hà hỳ hục như đánh vật, tý nữa thì rơi cả xe lẫn người xuống sông.
– Nầy, mấy chú ! – ông lão lái đò gọi giật mấy thanh niên đang cắm cúi đi ngược lên đê – xuống đây giúp ông ni một tay hề [6], cấy [7] xe nặng quá.
Mấy cậu trai nghe tiếng ông lão gọi, liền vui vẻ quay xuống giúp. Loáng một cái, chiếc xe đã nằm gọn an toàn trong khoang đò.
– Lần sau đi đường phải có ý – ông lão vui vẻ nói với mấy cậu trai – thấy người gặp khó thì giúp người ta. Nhớ hề ?!
– Dạ, chúng con nhớ !

Bọn trẻ vui vẻ đáp lại và chào ông lão. Tôi quay sang thằng con: “Con cũng nhớ chứ ?”. “Vâng !” nó cười với ông lão và đáp. Đò đã đủ khách và bắt đầu chậm chạp rời bến. Một cô gái đứng lên, bước lần về phía ông lão: “Cố để con”. “ừ !” Ông lão trao tay chèo cho cô gái và tìm một chỗ để ngồi. Ông tháo bầu rượu đeo bên hông, làm một tợp nhẹ, chép miệng một cái, rồi cao hứng cất lên một câu Đò đưa:
“Nước lên lắp xắp bờ biền[8]
Người ta sang cả, em cắm thuyền đợi ai ?”
“Cố vẫn yêu đời hề ?” – Một nông dân trạc tuổi tôi trêu vui ông lão. “Ăn thua chi, hồi xưa bây tui [9] còn “Hát cho đổ quán xiêu đình, cho long lanh nước cho rung rinh trời” nữa ấy chớ ! … Bây dừ chẳng thấy hát nữa, nghĩ cũng thấy thương tụi trẻ”. Ông lão lại làm một tợp rượu nữa rồi cất tiếng cười khà khà. Nhìn mái tóc cụ già bạc như mây, phất phơ trong làn gió nồm nam; khuôn mặt sáng hồng, hiền vui, nhẹ nhõm; hàm răng đều đặn, chắc khoẻ và đôi mắt lanh lợi, hóm hỉnh, tôi bỗng giật mình: Phải chăng đây là tất cả ý nghĩa của cuộc đời mà con người ta cứ vật vã, loay hoay, làm cho nó trở nên rối mù, tẻ nhạt và đôi khi có lẫn cả máu !
Chỉ còn vài chục mét nữa là tới bờ. Tôi nhìn xuống dòng nước, ngay chỗ này đây, vào cái đận tôi đi bán mía với mẹ … thằng cu Tấn cứ khóc, đòi đi theo bằng được. Hôm ấy hàng bán hết sớm, mẹ còn đi mua gạo, anh em tôi về trước. Lúc ngồi trên thuyền, nó nhoài người ra nghịch nước và bị ngã xuống sông. Đôi tay bé tý của nó đập loạn xạ, tuyệt vọng … cái đầu của nó bắt đầu giã gạo. Lúc bấy giờ, tôi cuống quá, chân tay mồm miệng cứng đờ. Mấy bà hét lên, kêu cứu mấy người đang đi phía trên đê. Tôi nghe tiếng ai đấy, từ đám người đó vọng xuống: “Con nhà địa chủ, cứu mần chi !”. Thế rồi, ơn Phật, cùng lúc ấy, tôi nghe ùm một cái, từ một chiếc thuyền đánh cá đang tiến lại phía chiếc đò ngang, một người đàn ông để nguyên áo sống lao xuống sông. Loáng một cái, tôi đã trông thấy người ấy nổi lên, một tay túm lấy tóc thằng Tấn, tay kia khoát nước, bơi thẳng vào bờ. Người ấy chính là bác Lề thuyền chài, là cha thằng cu Sạch và con Thơm, bạn thuở nhỏ của tôi. Người ấy chính là mục đích chuyến đi này của bố con tôi.
ò í e … ò í … Tiếng chuông điện thoại di động kéo tôi ra khỏi dòng hồi tưởng buồn bã. Ai trong số những người dân quê trên thuyền đang dùng thứ đồ xa xỉ này vậy ? Ông lão thò tay vào túi, lấy ra cái vật vừa phát ra cái âm thanh xa xỉ ấy. Tôi bật cười vì chợt nhớ rằng, bây giờ, Đức Di lặc còn được người đời mời cả rượu Heinessy nữa là, nhưng có điều chẳng ai chịu mở nắp khi cúng cả. “Cha về chừ, lỡ còn khách thì mần răng ? Thui, tối ni làm muộn một chút cũng được, hề. Việc đó có quan trọng chi mà bay cứ hối [10] !”. Đấy là toàn bộ thông tin của ông lão gửi sang đầu máy bên kia.
Đò vào bến. Tôi hỏi tiền đò hết bao nhiêu, ông lão bảo: “Tuỳ ông !” rồi chỉ tay vào cái hộp gỗ nhỏ để ở đầu mũi đò. Tôi quay lại, thấy mọi người bỏ vào cái “hòm phiếu” ông lão vừa chỉ ấy kẻ một ngàn, người năm trăm, cũng có người bỏ hai tờ hai ngàn. Lại có người không bỏ gì mà cứ thế đi thẳng lên đê. Tôi thấy lạ, nhưng cũng bỏ vào mười ngàn (theo giá chung ở mọi nơi) và chào ông lão.

Đường từ bến lên người ta làm chéo vát so với chiều con đê nên cũng thoai thoải, không dốc lắm. Bố dắt, con đẩy cũng nhẹ nhàng. Chợt tôi nhận ra chiếc xe lăn nhanh hẳn lên, khiến tôi phải rảo bước mới kịp.
– Đẩy mạnh thế làm gì cho mệt, con ! – Không quay lại, tôi nhắc thằng bé.
– Chỗ ni dốc lắm, nỏ lên được mô, để tôi giúp thì mới được – Một giọng người già vang lên phía sau lưng tôi.
Tôi quay lại, cũng vừa lúc xe đã lên mặt đê.
– Cảm ơn cố ! – Tôi quay lại cảm ơn con người tốt bụng vừa giúp bố con tôi.
– Ơn huệ chi … – Người đó đưa tay lên gãi gãi đầu, nở một nụ cười méo xệch, phô ra hàm răng lởm khởm vàng khè – ông cho tui mười ngàn tiền công.
Đưa tay lên gãi gãi đầu, cái cười méo xệch, hàm răng lởm khởm, giọng lè nhè và mùi rượu nồng nặc … Tất cả những cái đó khiến tôi ngờ ngợ, như đã gặp ở đâu, lâu lắm rồi. Tôi trân trân nhìn ông già gầy guộc, đôi tròng mắt láo liên trong hai hốc mắt trũng sâu, môi dưới ướt dượt, trề ra như chỉ chực chảy xuống như sáp ong gặp lửa. Tôi biết, đây cũng là một kiểu làm tiền đã có ở nhiều nơi, nhưng nhìn ông già khô héo, lưng còng xuống trong bộ áo quần tiều tuỵ, hôi hám, tôi vẫn thấy có cái gì đấy thương cảm và móc ví biếu ông ấy hai chục.
– Này, bác đi đường ơi, cho ông nứ một ngàn thôi – Cô gái bán nước chè xanh ở một cái quán dưới gốc đa ven đường chạy ra nói với tôi và quay sang ông già – Ông Chinh ! Răng mà ông quá đáng rứa … bác nứ là khách qua đường. Ông muốn bêu xấu dân cả xã ni à ?!
– Này cô ! – Tôi túm lấy tay cô gái, đưa mắt nhìn ông già đang cầm tờ hai mươi ngàn vừa đi lảng ra xa vừa ngoảnh lại như sợ tôi đổi ý – Có phải đây là ông Chinh có hai người con là anh Khoái và chị Nhàn không ?
– Đúng rồi ! Rứa … ra bác cũng là người vùng ni ?
– Vâng, gia đình chúng tôi đi Yên Bái khai hoang cũng lâu rồi. Bây giờ về thăm quê, thấy đâu cũng lạ.
– Vậy mời bác đồng hương vô quán nghỉ uống bát nước chè xanh đã, rồi cần biết cái chi, cháu nhủ [11].
– Cô à, hoàn cảnh nhà ông Chinh bây giờ thế nào ? – Tôi hỏi trong khi cô gái đang lúi húi rót nước.
– Cũng chả ra răng ! … Hồi chưa chia ruộng khoán, còn dựa dẫm vô hợp tác được. Từ chập có khoán mười đến chừ, cả nhà vẫn chứng mô tật nứ, siêng ăn nhác làm, nên không đủ ăn. Chú Khoái nhủ ông Chinh bán nhà, bán ruộng, ra phố huyện mua một vuông đất nhỏ, mở quán ăn, kêu bằng chi hề …. Quán Quê hương. Chậc … hàng quán kiểu đó làm chi có nhiều khách ! Rứa rồi túng bấn vẫn hoàn túng bấn. Vợ chồng chú Khoái cũng nỏ ngó ngàng chi tới cha, cứ để cho ông rứa đó. Nghĩ cũng thấy tội. Hồi đầu năm, ăn quen bén mùi, cháu nghe nói vợ chồng chú nứ lại bán tiếp một đứa con nhỏ mới hơn một tuổi cho một người Tây, lấy được mô hơn hai chục triệu. Vung vinh được mấy tháng, đánh đề thua hết rồi. Ông Chinh buồn quá, chừ thì thành ra nát rượu, thân tàn ma dại ra rứa đó.
– Thế cô có biết ông cố Lề không. Hồi tôi còn nhỏ, cố làm nghề thuyền chài, không có nhà cửa, sống luôn trên thuyền ?
– Bác có họ với cố nứ à ?
– Không. Nhưng cố là ân nhân của gia đình tôi. Rổ khoai lang cố đưa cho mẹ tôi, ở đúng dưới cái gốc đa này đây, giữa lúc cả nhà tôi đang bị đói, đã cứu gia đình tôi qua được cái đận khốn khó ngày ấy.
– Hồi năm ất Dậu hở bác ?
– Không … à … ừ, phải đấy – Tôi lúng túng trả lời – Cô cho tôi hỏi thăm đường đến nhà cố được không ?
– Cố nứ … – cô gái nhìn xuống phía sông và chợt im bặt … rồi quay lại phía tôi, cười tinh quái – Cháu vẽ đường ra giấy cho bác, dễ tìm lắm. Mà tối nay là lễ mừng thọ cố tám mươi tuổi, bác gặp may rồi đó !
Rồi, như thể người đã lâu không được nói, cô hào hứng kể liền một hơi: Cố Lề ni là tức cười lắm. Các bác con của cố nứ đều khá giả mà lại tốt tính lắm. Các cháu của cố đứa mô cũng ngoan. Có hai đứa đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, đem lại hãnh diện cho cả xã nhà mình đó. Nhà cố có thiếu tiền tiêu mô. Các bác nứ cũng có bắt cố phải làm lụng chi mô. Nhưng tính cố vẫn rứa: Nỏ làm nỏ chịu được. Này bác ơi – cô gái hạ giọng, thì thào đến tức cười – Cố kiếm được rặt có tiền lẻ thôi, rứa mà tích cóp ra răng đủ tiền xây được nhà mẫu giáo cho xã mình đó, sạch và đẹp lắm. Chính quyền xã lấy tên của cố đặt cho cái nhà trẻ, nhưng cố không ưng, đòi vạc mấy chữ tên cố trên nóc đi. Ông chủ tịch xã biểu: Thì cũng phải có một cái tên mà gọi chớ. Cố biểu: Thì cứ gọi là nhà trẻ Kim Ngọc ! Ông chủ tịch nghe vậy thì nhìn cố, tủm tỉm cười. Còn từ độ nứ, chả ai đắp lại mấy cái chữ đã vạc đi đó, nhưng cả xã, chẳng ai biểu ai, cứ kêu cái nhà trẻ đó là nhà trẻ Cố Lề.
Tôi cất cẩn thận tờ giấy vẽ đường cô gái bán nước đưa cho vào túi ngực. Nhưng ngày hôm ấy sao lại có lắm cái trục trặc thế. Đi được non cây số thì bánh xe xì hơi. May mà chỉ phải dắt bộ có một đoạn. Hiệu chữa xe tư nhân cấp xã có lẽ ít vốn, lượng phụ tùng thay thế dự trữ không nhiều và đến lượt tôi thì không còn xăm mới để thay cho cái xăm cũ vừa bị vò nát vì dắt bộ nữa. Nhờ sự nhiệt tình, khẩn trương của người đồng hương trẻ tuổi mặt mũi lấm lem dầu máy, đến hơn bảy giờ tối, gần một chục vết thủng đã được bịt lại chỉn chu. “Hai ngàn bác ạ” – cậu bảo tôi khi tôi trả tiền. “Sao lại thế ! Gần mười lỗ thủng to nhỏ, nhất định là cậu tính nhầm rồi !”. “Bác cũng kể như là người gặp nạn. Lấy rứa cho bác đỡ ngại, chứ tui không lấy tiền của người bị nạn !” – Cậu thanh niên nói rất dứt khoát và xem thái độ thì rõ là không gì có thể lay chuyển nổi. Tôi ngẩn người: “Cậu thật phúc đức quá !”. “Phúc chi mô, tui chỉ mần theo cố Lề thui. Mà mần rứa cũng thấy sướng trong người lắm đó. Nỏ tin, khi nào bác cứ mần thử coi, thật đó !”. Cậu toét miệng cười, một nụ cười vừa trong vừa mát và có nhiều khuynh hướng hỷ xả.

VN88

Viết một bình luận