VN88 VN88

Một chuyến về quê

Đi quá phố huyện một đoạn, chúng tôi rẽ vào một con đường rải đá răm nhỏ dẫn về làng. Thế mà thấm thoắt đã mấy chục năm trời, kể từ khi cha tôi đứt từng khúc ruột, quyết định dứt áo lìa quê, đưa mẹ con chúng tôi lên định cư trên một vùng núi xa lắc, hẻo lánh ở một tỉnh phía Tây Bắc, lúc bấy giờ vẫn còn bị coi là xứ “ma thiêng, nước độc”.
Cũng trên con đường này đây, năm 1953, ngày ngày mẹ con tôi, vai khoác áo tơi (thứ áo làm bằng lá kè vẫn dùng để lợp mái nhà lúc bấy giờ), lẽo đẽo gánh mía ra phố huyện để bán. Mẹ tôi đi trước, một bên gánh là những lóng mía đã tiện ngắn gọn ghẽ và đều tăm tắp, bên gánh còn lại là đứa em trai đi còn chưa vững. Tôi theo sau mẹ, kẽo kẹt trên vai là hai vác mía, được buộc liền với chiếc đòn gánh theo hình chữ A. Công việc hèn mọn vậy thôi, nhưng mẹ đã bền bỉ cóp nhặt từng xu nhỏ, độ nhật cho cả gia đình tôi sống qua những ngày vô cùng khốn khó và dở cười dở khóc đó.
Thời gian trước khi xảy ra biến cố, ông nội tôi đã già yếu. Mẹ tôi thì chuyên tâm lo việc đồng áng. Tôi và đứa em gái tên Tuyết đang đi học, ba em trai là Nhoại, Tấn và Du thì hãy còn quá nhỏ. Cha tôi, theo nghiệp của ông nội, làm nghề thầy lang. Nhà tôi lúc nào cũng đông khách. Đó là những nông dân áo quần vá đụp, nón mê, chân đất, lam lũ và luôn rụt rè, khúm núm. Cái sự rụt rè và khúm núm ấy lắm lúc khiến tôi đến phát bực. Sau này, khi đã khôn lớn, tôi mới hiểu được tại sao, đôi lúc, mình lại có thái độ như thế. Có thể diễn nôm cái lý do đã khiến tôi bực bội như thế này: Mình và những người bà con đó đều là nông dân, đều sinh ra từ mảnh đất khô cằn, thấm đẫm mồ hôi và máu này; Họ là mình, mình là họ. Vậy, cái thái độ rụt rè, thiếu tự tin đó đã vô tình hạ thấp phẩm giá của cái giới tự bao đời đã bền bỉ không ngừng tạo ra lúa gạo và biết bao hiền nhân dưỡng sáng cho đời !

Năm ấy, theo trào lưu của nông thôn mới lúc bấy giờ, gia đình tôi phải dọn đến ở trong căn nhà xiêu vẹo của gia đình ông Chinh. Tôi vẫn nhớ cái buổi chiều ảm đạm đó, thằng cu Tấn mới ba tuổi cứ khóc ời ời, nước mắt, nước mũi toá ra đầy cặp má phính lem luốc và nhất định cứ bám chặt vào cái chõng tre, không chịu ra khỏi nhà: “Nỏ [1] đi mô ! Nỏ đi mô ! … ờ … ờ … tụi bay có nhà thì về nhà bay mà ở ! …”. Tôi phải cố gỡ tay nó khỏi cái gióng tre và lặng lẽ bế đi, lòng đầy buồn tủi, thứ buồn tủi của một đứa trẻ đang ở cuối độ tuổi niên thiếu. Ông nội tôi là người cuối cùng đi ra khỏi ngõ, sau khi để lại một bãi nước đái – trước sự chứng kiến của đội công tác và các tân chủ – chính giữa sân của cái cơ ngơi khiêm tốn, được dựng nên sau bao năm bằng mồ hôi nước mắt và sự chắt bóp bền bỉ đến kinh ngạc của người dân quê khúc ruột miền trung. Trước đó, tôi có nghe mấy người già nói ở đâu đó rằng thời trẻ, ông nội tôi vốn là người ngang tàng và hào sảng. Ngang tàng thì rõ rồi, nhưng hào sảng là gì thì lúc bấy giờ tôi chưa hiểu. Trên đường dọn đến “nhà mới”, chúng tôi không gặp một ai. Qua khoảng trống của những rặng râm bụt ven đường làng, nhìn vào những căn nhà quen thuộc, tôi nhận thấy các cánh cửa đều khép lại. Qua các khe cửa khép hờ, tôi nhận ra, lấp ló, mấy khuôn mặt quen thuộc và đâu đó, vọng ra những tiếng thở dài hoặc một giọng lẩm bẩm vút nhẹ lên, hả hê: “Sướng cho lắm vô !”. Đổi lại, gia đình ông Chinh và mấy gia đình nữa lại dọn sang ở nhà tôi. Sau đó vài hôm, người ta đến bắt ông nội và đưa ông đi trong tiếng kêu gào của mấy đứa em và nước mắt của mẹ tôi.

Người ốm, người bệnh thì bao giờ chẳng có. Họ vẫn tìm đến cha tôi. Nhưng thuốc thang và đồ làm chúng tôi không được mang đi, biết lấy gì mà chữa bệnh cho họ ! Cha tôi ngồi ở đầu hè, ái ngại cầm tay một bà lão nước da vàng ệch đang lả người thở dốc vì mệt; hai giọt nước mắt ứa ra, lăn xuống gò má xạm đen của cha. Đấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cha khóc. Tôi lẳng lặng về nhà cũ, nói với ông Chinh là tôi cần phải đem các khay, lọ thuốc về để cha tôi làm thuốc cho bà lão. Ông Chinh, tròng mắt vằn đỏ vì vừa uống rượu mừng nhà mới, nhe ra hai hàng răng lởm khởm, cười khằng khặc vào mặt tôi. Kệ, tôi cứ xông bừa vào nhà, bê lấy một chồng khay thuốc. Lúc quay ra đã thấy lão cầm chiếc nạng phơi rơm đứng chắn ngang ngay cửa: “Mi muốn đưa đi thì phải đưa tiền cho tau ! Những thứ ni chừ là quả thực của tau rồi !”. Tiền thì lấy đâu ra lúc bấy giờ ! Có một cái gì đấy, nóng và nghẹn, ngầm ngập dâng lên ứ cổ. Tôi đặt phắt chồng khay xuống và vớ bừa lấy một chiếc ghế đẩu, vung lên, nhằm vào lão mà giáng xuống. Mặt tái dại, quẳng chiếc nạng xuống đất, lão chạy xon xón ra ngoài, báo với dân quân rằng tôi đang cướp nhà lão. Còn tôi, không hiểu làm sao, cứ đứng đực ra đấy, cho đến khi mấy anh dân quân mặt mũi non choẹt, lăm lăm mấy khẩu Mút-cơ-tông cùng những thứ gậy gộc chắc nịch, kéo đến trói nghiến tôi lại và đưa lên chùa nhốt chung với ông nội tôi. Hơn hai ngày sau, phần vì có nhốt tôi thì cũng không giải quyết được gì, phần do có bác Lề thuyền chài bạn của cha, không tấc đất cắm dùi, quần ống xéo ống cao ống thấp, khuềnh khoàng bước vào chùa, nói với người đội trưởng: “Cả cái tổng ni, ai chả biết hắn là đứa bặt trai [2]. Hắn chỉ về lấy thuốc để cha hắn chữa bệnh cho bây tui [3]. Thui [4]… hắn nhỏ rứa, tội tình chi mô mà nhốt như nhốt bọn Việt gian nứ [5] !”, người ta bèn thả tôi ra. Trước lúc tôi ra khỏi chỗ nhốt, ông nội ghé vào tai tôi nói: “Biểu với cha cháu lo thu xếp đưa mấy mẹ con đi một nơi thật xa mà sống !”. Ba hôm sau, buổi sớm, khi tôi và mẹ vừa gánh mía ra khỏi cổng, thì Tuyết, vừa đi đưa cơm cho ông nội cách đấy chừng mươi phút, mặt mũi tái xám, thập thõm chạy về, vừa nói vừa mếu máo, câu được câu chăng: “Ông … nội chết … rồi !”. “Tầm bậy !” – Mẹ tôi mắng, vẻ không tin. “Con … vô chỗ … nhốt người, con thấy ông … nằm, con gọi ông, ông … nỏ nói … chi, con đỡ ông ngồi … dậy … dựa vô … tường, con xúc cơm cho ông … mà … ông … nỏ … há … miệng… ờ … ờ … mẹ đền ông cho con … ờ … mẹ đền …”.

VN88

Viết một bình luận