Khi chị Thanh đi lấy chồng, tôi vẫn còn là một đứa trẻ. Mấy năm trôi qua, bấy giờ, chị hồn nhiên, nói cười luôn miệng, còn tôi buồn bã, cau có như một bà già. Có lần, tôi rủ chị đi chơi, thực ra là bắt chị rời bỏ đống công việc bề bộn mấy ngày. Lên thành phố, tôi dắt chị đi khắp mọi chỗ, nhìn nụ cười sung sướng của chị, vừa thương hại, vừa bất mãn. Cho tới lúc trước đó, chị chưa bao giờ đi đâu cách xa nhà quá ba mươi km.
Một buổi trưa, tôi đang vội, bỗng khựng lại vì bắt gặp âm thanh trong trẻo lạ thường của tiếng sáo trúc. Đó là một người đàn ông trung niên, khuôn mặt đờ đẫn, ngồi tựa vào bức tường cũ kỹ, xám xanh rêu phong. Cây sáo bé tí xíu, màu trắng ngà. Uyển chuyển trong đôi tay thô kệch đang khéo léo rung những nốt cao vút. Âm thanh mỏng mảnh, ngọt ngào một cách ma quái. Bỗng ông ta từ từ đứng lên, bước ra đường, xoay những vòng tròn nhẹ nhàng, yểu điệu. Hồi lâu, lại trèo phắt lên bờ thành cheo leo, nhún nhảy, đi lại, cây sáo vẫn gắn trên môi, réo rắt, nhặt khoan. Tôi đờ người vì sợ hãi và kinh ngạc.
Có hôm, không ngủ được, tôi ngồi bên bàn đến gần sáng, bỗng dưới đường vang lên tiếng sáo đơn độc, lẻ loi đến phát sợ. Tôi rùng mình nhớ lại ngày còn bé, những đêm mạo hiểm trốn trong bụi cây, nghe trộm thằng An thổi sáo. Chị Thanh đi hội Tiên La, tôi chỉ dặn một điều, nhờ mua giùm cây sáo. Nhưng đấy là thứ đồ chơi rẻ tiền và không bền mà người ta bán cho trẻ con, tôi đau đớn hiểu ngay ra điều đó.
Tôi và chị Thanh không giấu nhau điều gì bao giờ. Tất cả, từ đồ đạc, tiền nong, đến những ý nghĩ cũng gần như trở thành của chung. Nhiều đêm hè, hai chị em nằm trên sân thượng ngắm những chùm tinh tú của dải Ngân Hà và mơ ước, những điều ước rất bé nhỏ. Bóng tối êm ái cuộn lấy hai chị em, không gian sực nức mùi ngọc lan đêm vào thu. Bất ngờ, yên tĩnh bị loãng ra, xao động bởi tiếng u u kỳ lạ. Tôi ngạc nhiên:
– Gì vậy chị?
– Sáo diều! Diều của thằng An đấy. Nó mới làm xong, to lắm, bằng cánh cửa đại.
Tôi lắng nghe, thấy ngồ ngộ cái tiếng gió hút lúc bổng lúc trầm ấy. Thằng An có biệt tài thả diều và làm diều sáo. Diều của nó bao giờ cũng đẹp nhất, lên cao nhất và lâu rơi nhất. Bọn trẻ đam mãi không được, nó chỉ cần động tay vào, diều lên cao vút. Buổi chiều, thả xong, nó buộc dây vào cọc, ngồi xuống cỏ, ngẩng nhìn bầu trời xanh ngăn ngắt đang chìm vào bóng tối, thở dài một cái. Chẳng ai hiểu vì sao nó thở dài nhưng nhìn mặt nó lúc đó lành như cục đất.
Những đêm không trăng, người ta bảo tiếng sáo trúc vọng về từ nghĩa địa là của nó. Tôi liều lĩnh lần theo âm thanh mơ hồ, nửa hư nửa thực ấy, quả thật, thấy thằng An ngồi bất động trên nấm mồ cỏ mọc um tùm. Run rẩy nép trong bóng tối dày đặc đằng sau bụi cúc rậm rạp, tôi chỉ thấy đôi tay đen sì cử động uyển chuyển, nhẹ nhàng và những âm thanh réo rắt ma quái.
– Kỳ lạ thật – Tôi lẩm bẩm.
– Cái gì chứ? – Chị Thanh hỏi.
Tôi không trả lời. Trên đời có nhiều điều để kết luận như thế. Tôi có một bí mật mà suốt tuổi thiếu nữ không một lần đủ can đảm hé lộ cho chị. Tôi biết, hai ngôi sao lớn nhất ở chân trời phía tây không ngừng dịch chuyển lại gần nhau. “Đến một ngày, tôi nghĩ, chúng sẽ đứng cạnh nhau. Và khi đó, trong cuộc đời sẽ có một thay đổi…”. Đến tận bây giờ, vẫn chưa lần nào tận mắt thấy hai ngôi sao ấy đứng cạnh nhau. Cũng không rõ sự say mê khám phá bị cuốn mất bởi cuộc sống bận rộn hay tại ở thành phố chẳng mấy khi nhìn thấy những ngôi sao.
Lý đã đi lấy chồng. Năm ấy, cô mới mười bảy tuổi. Tôi không đến chúc mừng cô, chỉ biết bố cô mất trước lúc rước dâu vài tiếng đồng hồ. Hôm ấy, tôi ngơ ngẩn suốt cả ngày, chẳng làm được việc gì. Buổi tối, tôi và chị Thanh đi bộ dọc đường phố nhỏ của thị trấn. Trong cái quán nước giữa ngã ba, một ông già gày gò, tiều tuỵ ngồi trầm tư, khắc khổ trong ánh đèn leo lét. Đột nhiên, ông cất tiếng cười cái giọng đùng đục, khàn khàn làm tôi giật mình.
– Bố thằng An đấy – Chị Thanh bảo – Thỉnh thoảng ông ấy vẫn vậy.
– Tại sao thế? Tôi thì thầm.
– Ông ấy bị nhiễm chất độc da cam từ thời xưa.
Hôm con đầu lòng của Lý tròn một tuổi, tôi biết nhưng không tài nào bảo được mình đến thăm Lý. Tôi sợ một điều gì, mơ hồ nhưng có thực, thực hơn cả tình bạn ngày thơ dại. Chị Thanh vẫn nhắc Lý bảo tôi khi đi chợ dưới đó, nhìn thấy nhưng không gọi.
– …Vẫn còn nhớ ngày sinh của chị cơ à? – Chị Thanh cười ngại ngần.
– Sao lại không? – Tôi tròn mắt nhìn chị nhận thấy bộ dạng chểnh mảng trong bộ quần áo ở nhà giản dị.
– Chị chẳng định làm gì đâu…
Tôi cúi xuống, lặng thinh, không muốn nhìn vào hai gò má hồng hào con gái đã kịp nhô cao, nhợt nhạt, trắng xanh.
Tôi ra đi sau hôm cơn bão vừa tan. Bánh xe lăn qua không để lại chút dấu vết trên con đường phía sau. Dẫu thế, bụi rồi cũng phủ lên tất cả.
Trời vẫn mưa dầm dề. Căn phòng của tôi ẩm ướt như không hề có mái. Nước ào ào hắt qua cửa trước, cửa sau. Lộp độp rơi xuống ở năm bảy chỗ dột. Tôi ngồi co ro, nhìn nước tràn trề, không hiểu phải làm gì, bất giác nhớ cồn cào ngôi nhà ấm áp của mình. Tiếng chị tôi như còn văng vẳng:
– Thị trấn bây giờ càng ngày càng to, người ta xây nhà vùn vụt. Nhưng đã có mấy nhà phải bán hết gia sản để mua một mảnh đất hẹp hơn, có nhà còn không đủ ăn nữa…
Tôi đứng dậy, lấy khăn chặn dòng nước, vắt ra ngoài, chợt nghĩ đó là một công việc thật vô nghĩa.
(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)