VN88 VN88

Mơ ước và hạnh phúc

More chào An, rồi đem giỏ đánh Golf của ông ta ra xe nơi bãi đậu phía xa, dáng dấp rất là thể thao, gọn gàng, có lẽ một phần nhờ những năm dài trong quân ngũ. An suy nghĩ về chuyện tái ngộ người quen cũ thật là bất ngờ. Nếu không nhờ hai chữ sâm trên tay của More, hai người khó có thể nhận ra nhau sau nhiều năm xa cách. More thì hói đầu, gần hết mái tóc nâu đẹp ngày xưa. An cũng khác ngày trước nhiều, tóc đã điểm bạc và rụng bớt, lại thêm cặp kính trắng, và đứng tuổi làm An lên cân, không nhỏ nhắn như hồi còn thư sinh mới ra trường.

An thu dọn mấy dụng cụ thể thao của mình, đem để sau thùng xe. Anh điện thoại về nhà, cho biết gặp bạn cũ, và không dùng cơm tại nhà tối nay. Rồi anh rửa tay, lau mặt, đến phòng ăn của Khách Sạn Del Coronado gọi nước uống, chuẩn bị cho bữa cơm chiều, mừng tái ngộ với người bạn Mỹ quen biết tự ngày xưa bên nước nhà. Cả một chuỗi kỷ niệm của những năm tháng xa xôi ngày trước hiện ra như một cuốn phim được chiếu lại trong ký ức của An.

Hồi năm 1963, mới ra trường làm y sĩ quân đội, An theo đơn vị tác chiến đến đóng quân tại Ngang Dừa, rồi tại Kiên Long thuộc đồng bằng Hậu Giang. Ðây là hai quận lỵ được thành lập vào những năm thời Tổng Thống Diệm, qua chương trình Ấp Chiến Lược của ông Cố Vấn Nhu.

Tại đơn vị đầu tiên này, An có quen với hai cố vấn người Mỹ. Một người là Ðại Úy William More, mọi người khi thân mật gọi là Bill, người kia là Trung Sĩ Richard Johnson, tên thân mật là Dick. Anh này chuyên lo về liên lạc truyền tin với các lực lượng Hoa Kỳ, xin máy bay tản thương, tiếp liệu hoặc yểm trợ hỏa lực. Những tháng đầu, An giữ ý, chỉ giao thiệp lịch sự xã giao với hai người ngoại quốc này, sợ bị người chung quanh hiểu lầm, mang tiếng thân Mỹ. Họ vài lần xin thuốc đau bụng của An khi đi hành quân, dùng phải thực phẩm kém tinh khiết. An lâu lâu cũng nói chuyện với họ, để có dịp thực tập chút vốn liếng Anh ngữ hồi bấy giờ còn rất hạn hẹp của anh.

Thế rồi một hôm có một biến cố xảy ra. Từ đó An thấy quý mến người bạn Mỹ tên William More này và trở nên bạn khá thân.

Hôm đó, Tiểu Ðoàn Hai của Trung Ðoàn đụng một trận nặng và thắng lợi, bắt sống được một Tiểu Ðoàn Trưởng của đối phương, cấp bậc Thượng Úy. Hắn được dẫn bắt về bộ chỉ huy Trung Ðoàn, chờ trực thăng sẽ đem về Phòng Nhì Sư Ðoàn. Trung Úy Hậu, trưởng ban tình báo của đơn vị An, đã biết nhiều về lý lịch của người tù binh này. Hắn có mật danh là Anh Tư, hay là Tư Bụng. Hắn ta thấp lùn, chỉ cao độ một thước năm mươi lăm phân, mập và có cái bụng lớn. Theo tin tức tình báo thì dù khi hành quân hay lúc ẩn náu, chiều tối nào hắn cũng uống hai chai bia 33. C ó lẽ vì vậy bụng hắn lớn và cho hắn cái hỗn danh như trên. Hắn ta tuổi độ ba mươi, tin tức cho biết hắn là một người chỉ huy giỏi, trốn tránh khéo léo, chỉ khi nào tính toán thấy chắc thắng mới chịu chơi đụng độ với bên này. Có lẽ xui xẻo, vì bị lộ tin tức, đơn vị hắn lần này bị vây hãm nên thất trận.

Một chiếc trực thăng từ Bạc Liêu tới, mục đích chính là để dẫn giải người tù binh này về Sư Ðoàn để khai thác tin tức. Vị Trung Tá Chỉ Huy Trưởng của đơn vị mời An tháp tùng về Bạc Liêu. Ông ta cần gặp vị Tư Lệnh và cũng nhân dịp về thăm vợ con. An cũng đi vì muốn gặp lại vài người bạn đồng nghiệp, nhất là bác sĩ Cầu, vị y-sĩ tiền nhiệm của An.
Trực thăng khởi hành, rồi từ từ lên tới cao độ tr ên hai ngàn bộ. Ở cao độ này, giảm thiểu nhiều được nguy hiểm có súng bên địch từ các làng mạc phía dưới bắn lên. Hai người xạ thủ Mỹ, giữ hai cây súng đại liên, ngồi ghế mỗi bên thân máy bay. An và vị Chỉ Huy Trưởng được nhường hai chổ ngồi còn lại. Ðại Úy More, Trung Úy Hậu, Trung Sĩ Johnson ngồi tạm trên sàn máy bay. Vì hay phải tản thương hoặc chuyển quân, các trực thăng đã được tháo gỡ nhiều ghế ngồi cho rộng chỗ. Tư Bụng cũng được cho ngồi trên sàn của thân trực thăng. Hai chân hắn bị cột bằng dây lòi tói, có để một khoảng dây ngắn giữa hai cổ chân, đủ dể di chuyển với những bước nhỏ nhưng không thể trốn chạy được. Hai tay hắn bị còng bằng sắt, để ra phía trước. Hắn ngồi với vẻ mặt lạnh lùng.
Ðã bay an toàn được trên hai mươi phút. Mọi người đang ngồi yên chờ đợi, mong chóng tới tỉnh lỵ nhỏ bé Bạc Liêu, gần kề Cà Mâu. Thình lình với một tiếng hét lớn, Tư Bụng nhỏm lên, dùng hai tay có còng sắt, choàng nhanh qua cổ Ðại Úy More kẹp chặt rồi tung người ra khỏi khoảng trống gần bên, nơi sườn trực thăng, cửa lúc đó không đóng vì có đặt súng. Chuyện xảy ra quá bất ngờ. More do phản ứng, cổ bị đeo cứng nhưng hai tay vẫn tự do, nắm chặt vào hai cánh tay của Tư Bụng, thân hình ngắn lùn của hắn đong đưa lơ lửng cạnh thân máy bay. Johnson và Trung Úy Hậu cũng nhanh nhẹn, mỗi người một tay thì nắm víu vào những chân ghế chỗ An và vị chỉ huy ngồi, tay còn lại thì nắm giữ mỗi người mỗi bên chân của More cho anh ta khỏi bị lôi kéo ra ngoài không trung, nếu rơi xuống chắc chắn sẽ chết nát thây cùng với Tư Bụng. An thấy chân ghé mình rung chuyển vì sức nặng, trì kéo của cả mấy người đeo vào. Rất may là chân ghế làm bằng kim loại nhẹ nhưng vững chắc, được gắn chặt chẽ và kỹ lưỡng bằng nhiều đanh ốc xuống sàn trực thăng. More một nửa lưng bị ưỡn ngược nơi cạnh sàn máy bay, mông và hai chân còn ở trong thân tàu và được níu kéo nắm giử. An và vị chỉ huy, nhờ có đeo giây an toàn, cũng phụ nắm lấy vai của Hậu và Johnson, tiếp sức chịu đựng. Người xạ thủ gần More hét lên bằng tiếng Mỹ với More:
– Buông thằng này ra, chúng tôi mới kéo anh vô được!

Nhưng More vẫn nắm chặt hai tay Tư Bụng. More không buông rơi người tù binh, và cổ anh đang bị choàng chặt bởi chiếc còng sắt giữa hai cổ tay của Tư Bụng. Cuối cùng nhờ sự tiếp sức rất mạnh mẽ của người xạ thủ phía bên đối diện, Trung Úy Hậu và Johnson kéo được More và luôn cả Tư Bụng vào trong thân máy bay.

Cổ của More phía trước bị trầy sát nặng, rướm máu vì cọ sát của chiếc còng sắt. Mặt More còn bị dồn máu, anh thở nhanh dồn dập. Nhưng anh ta là ngườì chiến sĩ chuyên nghiệp, tỏ ra vẫn bình tĩnh sau khi thoát chết. Hậu như muốn bị sái cả một cánh tay, anh ta tát cho Tư Bụng một cái vào má khá mạnh, lấy thêm một chiếc còng nữa có sẵn ở ngang lưng, một khoen của còng mới này đem móc vào chiếc còng của Tư Bụng, bên khoen kia móc khóa vào một chân ghế chỗ An đang ngồi. An tự nhiên bây giờ giáp mặt với Tư Bụng, diện đối diện, và đây là lần đầu tiên anh phải tiếp cận vơi một người thuộc phía bên kia, gần gũi đến thế. An nhìn Tư Bụng hỏi:
– Tại sao anh làm vậy?
Tư Bụng đáp ngay:
– Tôi muốn phải giết được một tên Mỹ dù có chết.
More tay vừa xoa nắn cái cổ còn đau, vừa hỏi An người tù binh nói gì. An dịch lại câu Tư Bụng vừa nói. More không giận, nói với An bằng tiếng Mỹ:
– Hắn cũng là một chiến sĩ thật sự.

VN88

Viết một bình luận