VN88 VN88

Kẻ xa nhà

Truyện ngắn kẻ xa nhà do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn kẻ xa nhà.

Ke xa nha

Xem truyện ngắn: Kẻ xa nhà

Tác giả: Phan Thị Vàng Anh

B uổi sáng, lúc đánh răng, bọt còn bám vòng quanh mép, Hương hỏi Tuyền: “Cái thời kỳ đẹp đẽ ấy đâu mất rồi?”.
Hương chở Tuyền đi làm. Trên đường Giảng Võ, những cây dâu da xoan đội hoa trắng ngà. Dưới bóng những cây cơm nguội, chợ người Giảng Võ nằm, ngồi trễ nải, lơ mơ ngủ ngày. Nắng tháng năm mới tám giờ đã gay gắt. Hương nói giờ này chắc anh ấy còn ngủ trong chăn, anh ấy nóng mấy cũng ngủ trong chăn, tao biết, với máy nhắn tin khóa lại yên lành… Tuyền đến nơi làm việc sớm hơn lệ thường, lòng đinh ninh từ hôm nay mình phải thành một người khác.
ở cơ quan mới chỉ có chị lao công lúi húi dùng miếng bọt biển ngày thường vẫn lau bàn để rửa cốc. Cốc thủy tinh hoa xanh, đỏ va nhau leng keng trong chậu lõng bõng xà phòng. Chị lấy tay che miếng bọt biển khi Tuyền đi qua. Tuyền hỏi sáng nay chị đến đây lúc mấy giờ, chị bẽn lẽn: “Bảy giờ”. Quả thật cái hành động đến sớm từ lúc bảy giờ để có thể lấy bọt biển lau bàn rửa cốc thì đành phải lén lút thôi. Đi ngang điện thoại, Tuyền định gọi về khách sạn, dặn nếu có ai gọi đến thì chuyển giùm đến số này, số này…, lại thôi, lại tự khuyến khích, nào, cứng rắn lên, anh ấy cần thì anh ấy sẽ tìm ra; biết đâu đến mười hai giờ trưa anh ấy lại chán ăn cơm một mình, anh ấy sẽ tự biết cách gọi đến đây, cô thư ký sẽ véo von gọi Tuyền: “Điện thoại chị Tuyền”, rồi: “alô. Ai đấy…”. Tích tắc chỉ một giây để đoán là ai, hy vọng là ai, cái giây hồi hộp ấy cũng như giai đoạn úp mở của tình yêu, ngắn ngủi và giật gân…
Tuyền ngập ngừng đứng bên bàn điện thoại, nghe tiếng máy xe Honda nổ lạch tạch nghẹn ngào vài tiếng rồi lại tắt, rồi tiếng đạp máy nhẫn nại, dưới sân. Tuyền ra ngoài lan can, nhìn xuống thấy cái lưng Hương mướt mồ hôi trong nắng hè gay gắt. Tuyền chạy vòng xuống, nhảy mỗi bước hai bậc cầu thang, trong đầu bói nhanh nếu cuối cùng không lẻ bậc nào thì trưa nay anh ấy gọi… Không lẻ bậc nào nhưng Hương nhăn nhó, tay túm cái váy dúm dó như một đống giẻ hoa. Tuyền đạp máy thử vài cái rồi cố giữ vẻ bình thản, công tâm, bảo: “Hay mày nhắn tin cho anh ấy đến đem xe đi sửa?”. Hương ngồi lên xe, buông váy, vừa cương quyết đạp máy vừa nói: “Thôi! Bây giờ có còn như ngày trước đâu mà nhờ!”. Cái xe nghe đến đấy chắc cũng biết nước cùng, chợt nổ máy giòn giã một cách bất ngờ. Hương cười hớn hở: “Được rồi! Thấy chưa”. Rồi chạy xe thẳng ra cổng, bộ điệu có vẻ còn rất hồi hộp không biết cái xe có còn giở chứng nữa không. Tuyền lại lên nhà trên. Cốc tách đã rửa xong, úp bóng lộn trên khay. Tí nữa mọi người sẽ uống trà.

Tóm tắt, thời kỳ đẹp đẽ mà Hương nói ấy kéo dài được hơn hai tháng và chấm dứt cách đây một tuần.
Khi ấy, Hà Nội cũng chưa nóng như bây giờ, hầu như mỗi buổi trưa ba anh em đều đi bộ dọc con phố nhỏ đầy những quán cơm bình dân với những ông chủ mặc may ô, tay cầm sổ, tay cầm bút, vừa hỏi vừa ghi ngoay ngoáy không nhìn mặt khách: “Anh dùng gì?”. Hương ngày nào cũng phải có canh cua và nhộng rang. Anh bữa nào cũng một chai bia và Tuyền thì chỉ ước giờ ăn trưa kéo dài ra mãi. Rồi cả ba đi uống nước để lê la câu giờ cho đến khi Tuyền đi làm. Hương thêm, chưa đủ, thời kỳ đẹp đẽ ấy chúng mình còn hay đi chùa, không nhớ à, những ngôi chùa với rơm rạ phơi quanh, mái đỏ, gỗ mới với mấy anh thợ của đội trùng tu vừa bào bào đục đục, vừa liếc gái, miệng hát ngân nga sai bét nhạc… Rồi chúng mình ngồi quanh chị bán kẹo lạc, ăn dưa chuột, anh ấy thì uống nước chè…
Tuyền người Hà Nội mà cũng như không phải Hà Nội. Tuyền đã sống ở Sài Gòn hai mươi năm. Con trai Sài Gòn hiền lành, đến nhà còn khoanh tay chào ba mẹ Tuyền như trẻ con tiểu học. Anh Hà Nội chính gốc, là kết tinh của hoa sữa, của hồ sen lá lật, của phố cổ quấn quít. Anh “tinh vi”. Anh không khoanh tay chào ba Tuyền khi ông ra bắc họp. Anh ngồi đánh cờ ung dung nhưng kín đáo nhường ba Tuyền phần thắng, mà không phải thắng dễ dàng, ở đây thắng hả hê, vỗ đùi hú vía.
… Hương nói, tiếc nhỉ, nếu mày kể cho tao nghe hết thì chuyện này đã không hỏng thế rồi. Hương khụt khịt mũi, tiếc thật, vì tao biết tính anh ấy lắm. Anh ấy hay, thế nên tao mới muốn tác hợp mọi người. Mà, Hương hỏi, nói thật đi, mày đã làm gì anh ấy? Tuyền cười, bảo, chịu, chắc tại tao không còn tinh tế như con gái Hà Nội nữa, tao không biết giấu tình cảm, khi nào tao muốn gặp, tao nhắn tin… Hương cắt ngang: “Thế là đủ hỏng rồi! Sao mày lại rủ trước? Anh ấy thế mà cổ điển lắm, tao biết mà!”. Rồi Hương nói như mẹ dạy con: “Phải dền dứ cơ… à, hóa ra là tại anh ấy sợ đấy!”.
Phải dền dứ vì nếu không thì anh ấy sợ. Tự nhiên Hương làm Tuyền so sánh lố bịch một người đàn ông với một

bông hoa mỏng manh trắng muốt. Tuyền thấy cũng hơi nực cười nhưng cũng nghĩ là từ hôm nay mình nên trở thành một người khác. Tuyền phải thành Hương.
ở chỗ làm, chín giờ, chị Khánh mới vào, chị nói bâng quơ: “Đường với xá, hở tí là tắc xe!” rồi chị bỏ lên bàn bịch mận; gói muối ớt buộc không chặt theo đó rơi ra vung vãi. Xong, chị vịn vai thân mật anh Quang và Tuyền: “Mọi người uống gì để tôi rót luôn thể nào?”. Anh Quang, hai chân gác lên bàn, miệng rít thuốc khét mù, mắt nhìn vào màn hình Tuyền đang đánh, trả lời: “Trà chanh, như mọi ngày!”. Tuyền định cản mọi người bằng câu chuyện về miếng bọt biển rửa cốc, lại thôi, nhớ ra một trong những thói quen mình phải thay đổi là thói nhiều chuyện.
Chị Khánh bưng trà ra. Lúc này Tuyền mới nhìn, quầng mắt chị thâm thâm thiếu ngủ và buồn nữa. Chị xòe tay ra với anh Quang: “Cho điếu thuốc”, anh Quang vứt bao thuốc và bao diêm sang chỗ chị, mắt vẫn nhìn theo những hàng chữ Tuyền đánh, chân vẫn gác lên bàn. Chị Khánh châm phải đến bốn que diêm mới đốt được điếu thuốc, ngay khi chị thở ra bụm khói đầu tiên, anh Quang tủm tỉm cười, vỗ vai chị: “Bồ bỏ phải không?”. Chị Khánh không trả lời, thả thêm bụm khói nữa làm mù mịt cả một vùng. Không khí tự nhiên sượng sùng hẳn, Tuyền thấy khó chịu nên nhón một quả mận, tiện tay khoắng vào cái bao xốp cho nó tạo ra tiếng động, không khí nhờ thế loãng ra một chút.

Chị Khánh gạt tàn thuốc vào trong lòng bàn tay. Tay chị trắng và mũm mĩm như những bàn tay quảng cáo cho tiệm kim hoàn. Hết điếu thuốc, chị vừa nghịch tàn thuốc, mặt lại bần thần như muốn nói gì đó. Anh Quang thấy thế nhưng lờ đi, anh dí hẳn một ngón tay vào màn hình, bảo Tuyền: “Em đánh thừa hai chữ phải!”. Chị Khánh lại bỏ tàn thuốc vào trong lòng bàn tay trắng mà nghịch. Nước mắt chị chảy xuống ròng ròng. Anh Quang rút một điếu thuốc ra châm, quẹt một phát là diêm cháy bừng bừng. Anh cười dễ thương: “Không việc gì phải thế, không việc gì phải thế. Ngày xưa có lần tao còn định tự tử cơ, bây giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười”. Chị Khánh ngước mặt mỉm cười, mắt chị ngơ ngẩn và mũi chị đỏ ửng. Anh Quang ra lệnh: “Nghỉ vài phút đi”. Rồi anh vươn tay khoác vai chị Khánh: “Trưa nay ba đứa mình đi nhậu đi!”. Chị Khánh gật đầu, như một pha cận cảnh, nước mắt lại rơi ào ạt xuống đống tàn thuốc trong lòng bàn tay.
Trưa đó, cả ba đi nhậu. Đậu phụ luộc, dồi trường, bia tươi. Trong quán, giấy ăn xanh và hồng vứt bừa bãi đầy sàn. Khi đã ngà ngà, chở chị Khánh ngang đường Cổ Ngư rợp bằng lăng và nóng như lò lửa, Tuyền an ủi chị, chuyện yêu đương chắc là có trời sắp sẵn. Như một kịch bản chúng ta đang viết đây với mọi việc đã phân cảnh. Hôm qua chị vui bên người yêu là một cảnh nhé. Hôm nay chị khóc vì người yêu cũng là một cảnh. Tất cả đều đã lên lịch, mình chỉ diễn lại, buồn, vui quá mà làm gì. Rồi Tuyền chợt nghĩ, nếu theo kịch bản đó trưa nay anh ăn cơm với ai?

VN88

Viết một bình luận