Mẹ ra đi nhẹ nhàng thanh thản, Mẹ ra đi mà không hề nhìn thấy đứa con trai duy nhất của Mẹ. Sáng hôm sau, như thường lệ Khanh dậy sớm nấu nước nóng cho Mẹ rửa mặt, nấu cháo cho Mẹ ăn… nhưng Mẹ đã vĩnh viễn không bao giờ thức dậy nữa. Khanh đã khóc thét như đứa trẻ lên ba mất Mẹ và ngất đi không biết gì.
Những người hàng xóm tốt bụng đã lo việc tang lễ và chôn cất Mẹ. Bao nhiêu cú sốc đã xảy ra với Khanh trong một thời gian ngắn. Đã 2 ngày Khanh không thể vào bệnh viện chăm sóc cho chồng mà trăm sự nhờ bác Tư hàng xóm. Khanh dặn Bác ấy đừng cho Hùng biết chuyện, chỉ nói với Hùng rằng Khanh bị cảm nên không vào bệnh viện được. Khanh nói dối vì sợ Hùng không thể chịu đựng nổi nỗi đau mất Mẹ, sợ Hùng đã quá kiệt sức vì phải chống chọi với nỗi đau thể xác và cả nổi mất mát tinh thần…
Hùng nằm bệnh viện hơn 6 tháng, nhưng kết quả vẫn không khả quan, Anh bị chấn thương cột sống, nằm bất động một chỗ không thể di chuyển được. Mỗi khi thấy Hùng nhăn mặt chống chọi với cơn đau thể xác, tim Khanh lại nhói đau và ứa nước mắt. Khanh hiểu rằng nỗi đau thể xác của Hùng vẫn không đáng sợ bằng nỗi đau tinh thần, vì vậy Khanh chỉ dám khóc thầm, trước mặt Hùng Khanh vẫn tươi cười không bao giờ dám khóc. Hùng đã biết chuyện Mẹ mất, thật ra hai ngày Khanh không vào bệnh viện Anh đã đoán biết chuyện gì đã xảy ra. Ngay đêm Mẹ mất, Hùng trằn trọc không thể nào chợp mắt và cảm thấy bồn chồn khó tả, Anh không biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng linh tính báo cho Anh biết có chuyện chẳng lành. Biết Khanh cố tình giấu.
Thương vợ và hiểu rằng Khanh không muốn Anh đau khổ, nên Hùng cũng không gạn hỏi Khanh.
Hùng về nhà nằm liệt trên giường, mỗi khi trở mình cũng phải có Khanh giúp. Tất cả mọi việc từ vệ sinh cá nhân, ăn uống, tắm rửa đều phải nhờ đến Khanh, Hùng không thể ngồi dậy được vì cột sống của Anh đã bị chấn thương nặng. Mỗi khi trời trở gió Hùng lại đau nhức toàn thân không thể ngủ được phải nhờ đến thuốc giảm đau… Nhưng tất cả nổi đau về thể xác Anh đều cắn răng chịu đựng được… Chỉ khi Khanh đi làm, con đi học, nằm ở nhà một mình, đối diện với chính mình mới là lúc nỗi đau tinh thần dày vò Anh khủng khiếp nhất. Từ một người đàn ông khỏe mạnh là chỗ dựa, là trụ cột của gia đình, Anh đã trở thành người tàn phế, thành kẻ ăm bám vợ con. Có lúc Hùng nghĩ thà Anh chết đi sau tai nạn đó có thể cuộc đời của Khanh sẽ đỡ vất vả hơn. Khanh có thể sẽ làm lại cuộc đời và không phải vừa làm lụng vất vả kiếm ăn, vừa phải chăm sóc, phục vụ cho một người chồng tàn phế như anh suốt đời. Hùng đã nghĩ đến cái chềt, để tự giải thoát cho mình và giải thoát cho cả Khanh. Nhưng Hùng nghĩ đến Duy, đến thằng con trai duy nhất của Hùng… nghĩ đến Tình Yêu và sự hy sinh của Khanh dành cho Anh, nghĩ tới vong linh của Mẹ…
Khanh vẫn tần tảo sớm hôm làm lụng nặng nhọc để kiếm miếng ăn và lo thuốc thang cho Hùng. Không bao giờ Khanh than vãn một lời. Trước mặt Hùng, Khanh luôn tỏ ra vui vẻ và tự tin : ngọt ngào, trìu mến như một người Mẹ thương con, dịu dàng yêu thương như một người vợ yêu chồng, chu đáo như một người chị lo cho em và tận tâm như một người thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân. Khanh muốn làm mọi điều miễn sao Hùng vui, muốn làm tất cả để bù đắp nỗi đau về thể xác và tinh thần mà Hùng đã và đang phải gánh chịu, muốn được chia sẻ nổi đau với Hùng và bằng tình yêu Khanh muốn hy sinh cả sinh mạng của mình để Hùng có thể tồn tại, có thể vui sống những ngày còn lại với vợ con.
Hùng yêu Khanh nhưng nỗi mặc cảm ăn bám vợ, nỗi mặc cảm là người tàn phế, vô dụng… ngày càng ám ảnh Anh và Hùng luôn cảm thấy mình là gánh nặng cho Khanh, cảm thấy Hùng là kẻ đã hại cuộc đời Khanh. Không biết từ lúc nào Hùng đã thay đổi tính tình, thường hay cáu gắt và to tiếng, nặng lời với vợ. Bao nhiêu khó nhọc, cực khổ Khanh đều có thể vượt qua, nhưng cứ mỗi lần bị Hùng quát mắng, nặng lời lòng Khanh lại đau tái tê và nước mắt chỉ chực tuôn trào. Vẫn biết Hùng đã và đang phải đấu tranh với nỗi đau tinh thần, nỗi đau mất mát một phần thân thể, nỗi mặc cảm, tự ái của một người đàn ông sống phận tầm gởi ăm bám vợ… Nhưng những lần thấy Hùng tự dằn vặt mình và dằn vặt Khanh như vậy, lòng Khanh lại đau tái tê.
Thế rồi thời gian khủng hoảng cũng trôi qua Hùng đã hiểu và thán phục Tình Yêu vĩ đại, nghị lực phi thường của Khanh. Hùng vẫn nằm liệt giường như thế nhưng những cơn đau về thể xác cũng dần nguôi ngoai, Hùng đã không cần dùng đến thuốc giảm đau nữa. Và cả nỗi đau tinh thần cũng lành lặn dần theo thời gian. Khi Khanh đi làm Hùng đọc sách, làm thơ, viết truyện ngắn và đã có nhiều tác phẩm được đăng. Hùng vẫn là người tàn phế nhưng ít nhất tâm hồn Anh vẫn tha thiết sống và sống có ích. Mọi người lại khen mỗi khi đi ngang qua ngôi nhà nhỏ thấp thoáng ánh đèn và tiếng cười hạnh phúc của gia đình Khanh.
Năm 1999 nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã tìm đến vùng đất khô cằn này đầu tư và Chị Khanh đã trở thành một cán bộ quản lý giỏi của một công ty sản xuất các sản phẩm ron, phốt cao su xuất khẩu. Và tôi là một công nhân làm việc ở bộ phận của Chị Khanh. Tôi thường xuyên tới nhà Chị, giúp Chị những công việc nhỏ nhặt, cùng làm thơ, phân tích thơ và góp ý cho các truyện ngắn của Anh Hùng, là cô giáo dạy cho bé Duy học,… Không biết tự lúc nào tôi đã trở thành một thành viên nhỏ trong gia đình ấm cúng và tràn ngập hạnh phúc đó.
Mùng 8 tháng 3 năm đó, công ty phát động phong trào báo tường chủ đề ca ngợi những tấm gương tốt của người phụ nữ. Truyện ngắn “YÊU CHỒNG” của tôi đã được chọn đăng và tôi nhanh chóng trở thành người “nổi tiếng” ở công tỵ Ngoài phần thưởng, Bà Tổng Giám Đốc công ty (gọi là Bà theo thói quen chứ thật ra Bà ấy còn rất trẻ) mời tôi lên phòng và hỏi thăm về truyện ngắn “Yêu chồng”. Khi được biết đó chính là câu chuyện thật viết về cuộc đời của Chị Khanh, Bà ta đã xúc động rơi nước mắt và muốn đến thăm gia đình Chị Khanh.
Tôi vẫn còn nhớ đó là một trưa hè nắng nóng ngày Chủ nhật. Tôi ngồi trong căn nhà trọ và thấy bóng Bà Tổng Giám Đốc đang hỏi thăm nhà Chị Khanh, không kịp thay quần áo cho chỉnh tề, tôi vội chạy ra nắm lấy tay Bà và tình nguyện làm người dẫn đường.
Chị Khanh có lẽ đang bán hàng ngoài chợ, Anh Hùng đang nằm ngủ trưa, mồ hôi nhễ nhại bởi cái nắng trưa hè hắt xuống từ mái tôn thấp lè tè. Tôi tìm mãi mới thấy một cái ghế đẩu duy nhất mà chị Khanh thường ngồi đút cơm cho anh Hùng. Anh Hùng thức giấc và ngạc nhiên vì đã lâu nhà không có khách. Tôi vội lấy một tấm áo đắp ngang người Anh khi thấy Anh đỏ mặt vì mắc cỡ. Tôi cáo lỗi và chạy vụt ra chợ gọi chị Khanh về, bỏ mặc Anh Hùng ở nhà một mình tiếp Bà Tổng Giám Đốc.
Sau lần viếng thăm đó, Bà Tổng Giám Đốc giàu tình cảm và lòng thương người đã gởi tặng Chị Khanh một số tiền lớn để sửa sang lại nhà cửa. Anh Hùng cũng đỡ khổ vì cái nóng hắt từ mái tôn những trưa hè. Bé Duy đã có phòng riêng và bàn học. Tôi cảm thấy vui vì truyện ngắn ” Yêu Chồng” của tôi đã thực sự có ích, ít nhất là cho gia đình Chị Khanh. Nhờ truyện ngắn của tôi mà mơ ước có một ngôi nhà khang trang – mơ ước mà có thể suốt cả cuộc đời Chị Khanh cũng không thực hiện nổi, đã bỗng chốc trở thành hiện thực.
Cái Tết năm đó cũng là cái Tết đầu tiên tôi xa nhà và đón giao thừa trong không khí tràn ngập niềm vui với gia đình chị Khanh. Chị Khanh có lẽ là người hạnh phúc hơn cả, chị thắp nén hương và lầm rầm khấn vái trước bàn thờ Mẹ Chồng, có lẽ Chị muốn chia sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc với Mẹ…
(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)