Một ngày trước khi tôi lên máy bay xuất cảnh, bố mẹ con bé dẫn nó tới thăm vợ chồng tôi. Phải gọi là cô hay gọi là chị chứ không là con bé ngày nào nữa. Chị đã là người đàn bà từng trải dạn dầy. Ông Mặt Trận nói:
“Cháu nó từ nước ngoài dẫn chồng về thăm quê hương, tôi đưa cháu tới chào ông bà.”
Họ còn cho chúng tôi quà ngoại là sâm Đài loan uống cho bổ. Tôi nhìn cô gái chợt nhớ tới những ngày bắt nó đấm bóp rồi mới cho coi TV. Lại còn không cho ngồi trên ghế mà phải ngồi dưới nền gạch bông với lũ trẻ lối xóm. Nay thì chị ấy đã khác xưa. Trong câu chuyện chị ấy kể chồng chị không phải là anh thương gia Đài loan ở Chợ lớn mà là bố của anh ấy, anh sang Việt Nam tìm người cưới về làm vợ cho bố anh ở bên đảo. Nay mọi chuyện yên vui, bố anh ấy tức chồng chị dẫn chị về thăm Việt Nam một phen. Họ còn khoe tôi những tấm hình vợ chồng chị chụp khi đi du lịch trên núi Dương Minh San nơi có lăng Tôn Trung Sơn và giang san triều đình của Ông Bà Tưởng Giới Thạch, hình đôi vợ chồng chụp ở Lâm khẩu, ở Nhật Nguyệt đầm, ở cầu 7 góc, ở Cao hùng. Toàn hình mầu đẹp đẽ sặc sỡ. Chị còn cho biết ông chồng chị trước năm 1975 đã từng là sĩ quan cấp cao của Đài bắc, chuyên về lý thuyết “Chủ nghĩa Tam dân” và “Lục đại chiến”, sang Saigòn làm cố vấn “Chính Trị Tác Chiến” cho quân đội Cộng hòa, nay còn giữ được Bằng Tưởng Lục của Tổng cục chiến tranh chính trị do ông Trung tướng Tổng cục trưởng ký tên và đóng dấu, có chụp hình chụp ảnh lưu niệm đàng hoàng. Chồng chị biết nhiều về đường phố Saigòn và các nơi khác ở Miền nam. Chị nói tuy ông ấy nay hơi lớn tuổi nhưng nhờ các toa thuốc của các vị hoàng đế Tầu đại bổ nên ông vẫn cường tráng lắm. Tôi cũng mừng cho chị ấy xuất cảnh lấy được chồng đàng hoàng chứ không phải đi làm đĩ hay nô lệ “sếch” như nhiều người lo ngại. Ở bên Tầu, chị tha hồ mà coi phim bộ, ngồi trên ghế bành da mà coi phim mệt nghỉ, đâu có khổ như ở bên tạ Biết đâu mai này thời cơ nó đến, ông nhà đi làm đại sứ ở Việt Nam, chị sẽ là bà đại sứ hay còn gọi là phu nhân đại sứ, vinh thân phì gia.
Chuyến bay vào giữa đêm, tối đó tôi chào chồng tôi để sửa soạn ra sân bay thì ông ấy dở chứng. Tôi điệu nghệ mời ông lần chót nhưng ông lại không chịu. Ông quì xuống ôm chặt lấy chân tôi khóc rưng rức, ông khóc thảm thiết như người ta khóc vợ chết vậy, khiến tôi cũng mủi lòng nước mắt dàn dụa. Tôi hỏi ông tại sao, ông chỉ lắc đầu không nói và lại càng khóc to hơn, ông vẫn quì phục ôm chân tôi mà hôn túi bụi từ trên xuống dưới từ dưới lên trên. Ông hôn cuồng nhiệt như muốn ăn tươi nuốt sống con mồi. Ơ hay cái ông này, từ trước tới nay có bao giờ. Tây như thế này đâu, bây giờ sắp chia tay hai người hai ngả, đường đời vạn nẻo, thì ông lại sinh tật đổi mới! Phải chi hồi nào tới giờ ông cứ bình thường như thiên hạ, đừng bày đặt “cách mạng cách miếc”, ai sao tôi vậy, ai làm kiểu nào tôi làm theo, sống kịp với trào lưu thì có gì phải đổi mới nới cũ.
Tôi quýnh quáng vì thời gian cấp bách, còn nhiều thủ tục xuất cảnh trước khi lên phi cơ, văn phòng dịch vụ đã dặn dò không được trễ. Tôi dìu ông đến chiếc ghế bành da của ông nhưng ông không ngồi lên mà vẫn cứ phủ phục dưới đất. Ôi, tại sao đàn ông họ lại cứ thích quì dưới chân đàn bà mà hôn mà khóc nhỉ Tôi bối rối không biết giải quyết ra sao, tôi cũng khóc hu hụ Ông không lên ghế bành làm tướng tư lệnh Mỹ thì tôi phải tụt xuống đất với ông, tôi cũng quì sụp với ông. Hai đứa quì dưới đất ôm nhau khóc lóc thảm thiết. Người lái xe của văn phòng dịch vụ đến đón tôi, thấy vợ chồng quì dưới đất ôm nhau khóc thì tỏ vẻ ái ngại. Anh ta nói:
“Sửa soạn đi kẻo trễ chuyến bay, còn phải tính đến khoản lỡ dở dọc đường nữa bà chủ ạ.”
Tôi quệt nước mắt:
“Xin cho chúng tôi năm phút nữa được chứ ạ.”
Anh ta xách túi hành lý nhỏ của tôi ra xe. Con gái tôi nó dặn dò là hãy ra đi tay không. Sang bên đó nó sẽ lo cho đủ hết, kể cả quần áo và các thứ đồ dùng lặt vặt. Nó nói hãy để lại tất cả. Kỵ nhất là đừng có mang theo tranh sơn mài, cho không ai lấy, mà để lại thì garare nhà nó đã chật. Phải rút kinh nghiệm năm 1975 bà con miền Bắc vào thăm bà con miền Nam mang theo chiếu và bát sành ăn cơm vì nghe báo đài nhà nước nói trong ấy nghèo “không có bát mà ăn, không có chiếu mà nằm!” Bột sắn cũng đừng mang theo, quan thuế Mỹ lại tưởng lầm bạch phiến báo động tùm lum rắc rối sự đời. Tiền bạc còn thì để lại cho bố. Khoản này tôi không nghe lời nó, tiền đô la của tôi, tôi mang đi hết. Tiền bạc thì có nặng nề gì mà ngại, chịu khó một tí sang bên đó còn có chút đỉnh dằn túi mà thuê xe xích lô đi tìm người tình.
Tự nhiên tôi hết khóc và ông chồng tôi cũng nín luôn. Cả hai đều đứng dậy. Tôi bước đến bên ông, ôm ông hôn nhẹ nhàng như tôi vẫn thấy trong phim truyện của Mỹ.
Chồng tôi đứng bất động. Khi tôi bước ra cửa, ông nói nhanh:
“Em nhớ thỉnh thoảng gửi tiền về cho tôi! ”
Trên đường lên phi trường, người lái xe hỏi tôi:
“Sao bác trai không đi cùng mà ở lại”
Tôi nói:
“Ông ấy còn bận việc nhà nước, còn yêu chủ nghĩa xã hội, còn nhiệm vụ đảng, không nỡ rời bỏ quê hương.”
Anh ta nói:
“Tôi làm nghề chuyên đưa người qua sông, tôi không qua sông được, nhưng vẫn mong ai qua được thì qua, qua được người nào đỡ người đó. Chúc bà thượng lộ bình an.”
Thảo Trường
Trích trong “Mây Trôi” sắp xuất bản
(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)