Truyện ngắn đi xăm mình do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn đi xăm mình.
Xem truyện ngắn: Đi xăm mình
Tác giả: Tanizaki Jun’ichiro
Uyên Minh dịch
Chuyện xảy ra hồi thiên hạ còn giữ được cái đức “Ngu” đáng quí, thuở mọi người không biết kèn cựa để tranh sống như bây giờ. Cuộc đời lúc đó thật nhàn tản, khuôn mặt của các công tử và các cậu ấm còn chưa vương lấy một đám mây tư lự, tiếng cười của những nàng hầu trong phủ đệ và đám gái buôn hương tưởng như không biết dứt, cái nghề uốn ba tấc lưỡi của mấy chú hầu trà và kép diễu hãy còn được trọng vọng. Bản tuồng hát và tiểu thuyết kiếm hiệp có phụ bản bằng tranh đương thời như Nữ Sadakyuro, Nữ Jiraiya hay Nữ Narukami đều cho thấy người đẹp là kẻ mạnh, người không nhan sắc là kẻ yếu. Không ai là không ra sức làm đẹp, thậm chí họ đã xâm những bức họa lên cả cái thân thể trời cho. Vào thời đó, trên da thịt người ta là cả một cuộc khiêu vũ của một tập hợp mầu sắc và đường nét hoặc đậm đà hoặc rực rỡ.
Khách lui tới những xóm ăn chơi chỉ chịu lên kiệu của những tên phu có hình xâm đẹp. Gái thanh lâu ở Yoshihara hay Tatsumi mê mẩn mấy anh có bức họa nổi thật khéo trên người. Đừng nói chi đến bọn máu mê hay lính chữa lửa, từ thương nhân đến hàng vũ sĩ, ai ai cũng thích xâm mình. Đôi khi, trong các kỳ họp của hội xâm mình ở Ryogoku, những người dự hội vẫn lấy tay vỗ lên chỗ xâm của bạn, khi thì trầm trồ về một chỗ chạm trổ đắc ý, khi thì phê bình vài điểm thiếu sót.
Dạo đó có một thợ xâm mình có hoa tay tên gọi Seikichi. Tài của y không thua gì những bậc sư trong nghề kể cả Charibun ở Asakusa, Yatsuhei miệt Matsushimacho hay Konkonjiro. Dưới đường kim Seikichi, da thịt của hàng chục người thoắt đã trải ra như bức gấm. Trong khi Darumakin có tiếng về lối xâm mình kiểu trang trí, Karakusa Conta được đời xem là tay kỳ tài về lối xâm son thì Seikichi nổi danh vì những mẫu hình kỳ quái và những đường xâm kiều diễm của y.
Seikichi trước kia có chuộng họa phái Toyokuni Kunisada và đã sinh sống bằng nghề vẽ tranh Ukiyoe (2), nên ngày nay tuy rơi xuống hàng thợ xâm mình, y vẫn giữ được cái lương tâm và cái nhậy cảm của người họa sĩ. Y không bao giờ chịu đặt cây kim xâm lên một làn da, một thân hình không có sức thu hút y, nhiều lúc, khách tuy đã được y thuận xâm cho, ngoài việc vâng theo một mẫu họa và một món tiền lễ nào đó tùy hứng y, còn phải chịu sự đau đớn của đầu mũi kim xâm, một sự đau đớn kéo dài đến một, hai tháng.
Trong lòng người thợ xâm hình trẻ tuổi này, từ lâu chôn giấu một khoái cảm và một khát vọng không ai biết. Khi đường kim của y gây ra những vết phồng trên da và làm ứa những giọt máu đỏ tươi, hầu hết những khách hàng, đàn ông chăng nữa đều rên rỉ vì không chịu nổi sự đau đớn. Hễ khách càng rên rỉ bao nhiêu độ khoái cảm khó tả của y lại tăng lên bấy nhiêu. Seikichi đặc biệt thích xâm hình kiểu trang trí và xâm son vì đó là những lối xâm gây đau đớn nhiều nhất. Khách, sau khi đã chịu mỗi ngày trung bình năm, sáu trăm mũi kim, còn phải tắm nước nóng cho màu ăn nước, đều ngã quị hôn mê trước mắt Seikichi một hồi lâu vẫn không lê mình đi được nửa bước. Ngay trước cảnh tượng thảm thương như vậy mắt của y vẫn ném những tia nhìn lạnh lùng.
“- Cha chả, coi bộ đau đó chớ hả ?” Y vừa hỏi vừa cười thích thú. Gặp mấy người khách yếâu chịu đau, tréo miệng nghiến răng, rên hừ hừ như sắp chết, y bảo :
“-Anh người vùng Edo (3) dân gan góc mà. Rán nhịn đừng có rên. Đường kim của Seikichi này đau số một đó ! ” Nói xong, y nhìn nét mặt đầm đìa nước mắt của người khách, tiếp tục xâm bất kể . Còn gặp người can đảm, rán sức chịu đựng không nhíu cả lông mày, thì y dặn:
” – Hưừm ! Anh tướng vậy mà cũng chịu đựng giỏi. Nhưng coi, bắt đầu từ giờ mới thấm đau, tài thánh cũng không chịu nổi đấy”.
Rồi y cười, nhe hàm răng trắng bóc.
Khát vọng bình sinh của y là tìm cho được một người con gái cả làn da thật óng mượt để đem hết tâm hồn và tài hoa của mình mà xâm một bức. Một người con gái như vậy đòi hỏi rất nhiều điều kiện về tư chất cũng như về dung mạo. Nếu nàng ta chỉ có một khuôn mặt đẹp hay một làn da mượt mà thì vẫn chưa thỏa mãn những đòi hỏi của y. Seikichi đi dò la trong những xóm vui các cô gái có tiếng đẹp nức Edo, nhưng vẫn không hề tìm nổi một ai như ý mong đợi. Ba năm đằng đẵng nuôi trong lòng hình ảnh người-chưa-bao-giờ-gặp đó một cách hoài công, y vẫn kiên trì không từ bỏ ước mơ của mình.
Đúng vào một chiều mùa hạ của năm thứ tư tìm kiếm, lúc đi qua tiệm ăn Hirasei trong khu phố Fukagawa, Seikichi bất chợt để ý thấy một bàn chân đàn bà trắng nuột để trần buông thõng sau bức mành mành của chiếc kiệu đợi ngoài sân. Dưới cặp mắt tinh tế của Seikichi, một bàn chân người vẫn có năng lực diễn tả như một khuôn mặt. Và bàn chân người con gái hôm ấy đối với y là một chất ngọc quí vì nó đẹp từ hàng thứ ngón chân xếp đều đặn, từ mầu sắc của mấy chiếc móng chẳng thua gì vỏ ốc hồng nhạt mà người ta bắt được trên bờ biển của những hòn đảo trong tranh, từ gót chân đầy đặn, từ làn da gan chân mầu mỡ như được gội mát bằng thứ nước trong đổ ra từ kẽ đá. Bàn chân này phải no tròn bằng huyết tươi của lũ đàn ông, là bàn chân dẫm lên trên bao xác tình si. Người đàn bà có bàn chân này là kẻ xưa nay Seikichi chờ đợi. Đó là người đàn bà nổi bật nhất trong đám đàn bà. Y cố nén nhịp tim hồi hộp đuổi theo chiếc kiệu để cố thấy mặt nàng, nhưng được vài khu phố thì mất dấu.
Tấm lòng khát khao của người thợ xâm mình biến thành một thứ tình yêu mãnh liệt. Năm đó rồi tàn, và một buổi sáng khi mùa xuân thứ năm đã già nửa, trong lúc Seikichi – miệng nhay một cây tăm, ngắm mấy chậu vạn niên thanh đặt bên hàng hiên bằng những lóng trúc già trong sân ngôi nhà trọ ở phố Kaga trong khu Fukugawa thì cánh cửa gỗ sau sân chợt động như có ai tới thăm. Qua hàng dậu thấp, y thấy một cô gái lạ mặt.
Đó là cô gái đưa tin của một nàng ca kỹ ở xóm Tatsumi chỗ quen biết với Seikichi.
“- Cô em sai đưa cái áo Haori này đến cho thầy, kính nhờ thầy vẽ giùm cho mẫu hình nền trong của áo…”
Nói xong, nàng tháo cái tay nải vàng nghệ, lấy ra chiếc áo Haori đàn bà bọc trong tấm giấy có họa hình kép hát Iwai Tokaju, và một phong thư. Nội dung bức thư ngoài khẩn khoản chuyện cái áo, nàng ta còn bảo cô nhỏ đưa thư này nay mai cũng trở thành đàn em của mình, bắt đầu nghiệp cầm ca ở các trà đình kinh đô, xin vì mình mà tìm cách nâng đỡ cô em đó.
” – Ta thiệt chịu không nhớ mặt cô, có phải cô mới đến đằng Tatsumi dạo sau này không ?”
Vừa hỏi, Seikichi vừa chăm chắm nhìn cô gái. Cô ta mới mười sáu mười bẩy là cùng mà đã có cái vẻ đĩnh đạc già dặn thật lạ lùng của một kẻ đã sống lâu năm trong làng hương phấn, một tay bóp nát bao nhiêu trái tim đàn ông. Dáng dấp của nàng như được chung đúc từ vô số giấc mộng của bao đời trai thanh gái lịch đã đi qua từ hàng chục năm nay trong cái kinh thành tụ tập tất cả tiền tài và tội lỗi của nước này.
” – Hồi tháng sáu năm ngoái, có phải cô em đã lên kiệu ở trước tiệm Hirasei không ? ” Seikichi bảo cô gái ngồi xuống bên hiên và hỏi để có thể ngắm kỹ càng đôi chân trần của cô đặt trên đôi guốc gỗ quai rơm.
” – Thưa vâng, dạo ấy thầy em hãy còn sinh tiền nên đôi lúc em cũng có dịp đến đằng đó…”
Nàng cười chúm chím vì câu hỏi kỳ quái, vừa đáp.
” – Ta đợi cô em năm nay nữa là tròn năm năm trời. Mới biết mặt cô hôm nay lần đầu nhưng ta nhớ đã từng trông thấy bàn chân cô rồi. Ta có một vật này muốn cho cô em xem. Cô vào bên trong chơi chút đã.”
Vừa lúc cô gái định cáo từ ra về, y nắm tay nàng mời lưu lại và dẫn lên phòng khách, một căn gác nhìn xuống con sông lớn. Y lấy ra hai cuộn tranh, trải bức thứ nhất trước mặt cô gái.
Đó là bức tranh vẽ Đát Kỷ, nàng cung phi sủng ái của vua Trụ. Bức tranh diễn tả được hết vẻ yêu kiều và tàn bạo, vẻ yêu kiều của bà phi tình tứ mà thân hình quá mảnh mai như không chịu nổi sức nặng của chiếc mão miện dát đầy lưu ly, san hô, để mặc vạt áo lụa phất phơ trên bậc thang lên điện, tay nghiêng một chén rượu lớn, ẻo lả tựa vào lan can nhìn người đàn ông đang đợi hành hình; vẻ tàn bạo qua hình ảnh người đàn ông tay chân đều bị cột chặt bằng xích sắt vào trụ đồng, mắt nhắm nghiền, đầu lả về phía bà phi, trong tư thế đợi giây phút cuối của cuộc đời.