VN88 VN88

Đi về hưu

Truyện ngắn đi về hưu do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn đi về hưu.

Di ve huu

Xem truyện ngắn: Đi về hưu
Tác giả: Huỳnh

Chạng vạng tối, mưa như trút nước. Mưa phủ kín mọi cảnh vật đang ngự trị trong khu vườn. Gió ngoài sông từng luồng thổi lồng lộng vào nhà ông Hai. Chúng lấn cả hạt mưa tạt sang một bên, hắt rào rào vào mái hiên. Căn nhà rộng thênh thang nằm cạnh bờ sông, nơi chôn nhau cắt rốn của hai người đàn ông đứng tuổi, họ đã sống với nhau hơn một năm trời nay.

Dưới mái nhà dột nát, nước mưa ướt tứ tung, hai người đàn ông lọ mọ chống chọi với cơn mưa. Họ thay phiên nhau hứng nước và bưng nước mưa ra cửa đổ. Ông Út trông trẻ trung hơn ông Hai. Vậy mà cam chịu cái ướt cái lạnh, ông Út lại thua xa, ông run lập cập. Đến độ, tay ông cứ buông rơi chiếc thau xuống nền nhà. Cầm chiếc thau nhôm, tay ông Út chỉ đụng tí xíu trên vành để tránh cái lạnh. Ông Hai không nói gì cả. Chuyện mưa rơi, chuyện nhà dột cột xiêu, ông đã quen từ nhỏ.

Tạnh mưa, hai người đàn ông ngồi đối diện nhau. Mâm cơm độc nhất một tô canh rau vườn nấu với cá rô đồng. Họ ngồi ăn ngon lành, bởi làn khói bốc lên nghi ngút. Ông Hai và ông Út vừa ăn vừa chuyện trò. Những câu chuyện họ nói thường là cũ rích, những chuyện đã xếp xó vào quá khứ. Vậy mà, ngày nào cũng vậy, họ lên mâm cơm là bắt đầu nói, nói như chưa từng được nói, nói để trút cạn nỗi ray rứt trong lòng. Người huyên thuyên nhất bao giờ cũng là ông Út. Bởi vì với ông Út, đây là dịp để ôn lại những gì đã trôi vào quá khứ. Tội nghiệp ông Hai phải cưu mang em mình trong lúc thất thế. Đã vậy, ông còn bị tra tấn những trận nói ồ ạt của ông Út. Những lần anh em ngồi lại với nhau, ông Hai luôn an ủi cậu em út:

– Chú sống trong sung sướng mấy chục năm trời. Bây giờ, chú về lại xứ sở này phải chịu cảnh thiếu thốn trăm bề, thật tội nghiệp.

Ông Út cười cười:

– Không! Tôi đã từng sinh ra và lớn lên trong căn nhà dột nát này.

Ông Hai ngồi lặng im. Đôi mắt buồn hướng xa xăm ra bờ sông. Ngoài trời, mưa lại rơi lất phất. Tiếng mưa rơi lớt phớt, mỏng manh. Ông Út có cảm giác như tiếng người chuyện trò thều thào bên cạnh. Từ khi về đây sinh sống, ông Út mới có dịp cảm nhận lại trời đêm ở thôn quê, một vùng trời mà tuổi thơ ông từng đi qua. Nó êm đềm. Nó mênh mông sông nước. Bây giờ với ông Út, nó vẫn ấm áp hơn nhiều so với chốn thành thị. Cảnh vật buồn tẻ. Ông Út vẫn tìm được niềm vui. Ông rất thích thú. Ngày nào cũng như ngày nấy, cỏ ngoài vườn mọc lên kịp để ông nhổ. Những thảm cỏ non mới trụ hình phơi phới. Ông Út nhổ đứt đầu đứt ngọn chúng hết. Ông Hai cằn nhằn. Ông Út chuyển sang bón phân và tưới nước cho khu vườn tạp, một khu vườn cằn cỗi hết chỗ chê. Bởi vì, tuổi đời nó cao gấp đôi tuổi ông Út. Đã vậy, mấy mươi năm trôi qua, khu vườn này lại không được trồng trọt. Với ông Hai là cả một vấn đề, tiền bạc đâu để sang liếp, đào mương, ươm giống… Ông Út đã hiểu điều đó. Thế nhưng, ông Út cũng đành bó tay trước áp lực của gia đình riêng. Bởi vì ông cứ mãi đi tìm thế lực, chạy theo đồng tiền. Đến lúc này, ông về lại với cội nguồn thì mọi chuyện đã muộn màng. Ông Út thấy mình còn may mắn, anh Hai của ông đã không xa mảnh đất này để ông còn có nơi trú ẩn.

Ngày nào cũng vậy, tờ mờ sáng ông Út lại ra vườn. Ông lao động rất cực nhọc so với trước đây. Thế mà, những tháng ngày vinh quang vừa đánh mất, ông vẫn không quên. Nhớ đến mái ấm gia đình, ông càng xót xa. Không hiểu sao, ông Út lại luôn loại bỏ những thứ đó ngoài trí nhớ. Ông không muốn nghe ai nhắc về gia thế, sự nghiệp của mình. Nói đúng hơn, ông không cho phép mình nghe những thứ đó.

Năm mươi lăm tuổi, ông Út làm phó tổng giám đốc một công ty đang ăn nên làm ra. Vậy mà, ông phải xin nghỉ hưu. Mặc dù, ông Út vẫn đủ sức khỏe làm việc. Cho nên, bạn bè nhìn ông thắc mắc. Họ dần xa lánh ông. Ông Út không một lời giải thích. Ông chỉ thấy mình quá mệt mỏi. Những chuyện đó đối với ông là tào lao. Ông thấy khó mà tìm được “chỗ đứng” trong các cuộc họp, mạnh ai nấy tranh luận sôi nổi, những vấn đề họ đưa ra toàn là quyền lợi của nhau. Người này móc nối với người kia. Cơ quan chia “thành bè thành phái” lúc nào chẳng ai hay. Những vấn đề đối với ông chẳng có tích sự gì cả. Ngược lại đối với một số người khác, nó lại cấp bách trong việc tranh giành quyền lợi cho công ty và bản thân. Trong mọi vấn đề của công ty, ông Út thường đưa ra chủ trương, đường lối, chính sách, kế hoạch… Trong khi đó, người phán xét cuối cùng lại là tổng giám đốc. Ngày một ít, ông Út thấy mình đã bị “sụi càn sụi que”, ông không thua gì một hình nộm ra vào công ty. Ông cố tìm ra sáng kiến mới. Mọi người trong công ty bảo lạc hậu, không theo kịp thời đại. Vì những lần như vậy, tổng giám đốc trẻ vừa đi tu nghiệp nước ngoài về, lập tức bác bỏ ngay.

Vì vậy, ông Út rút lui. Bạn bè bảo ông dại dột. Ông Út lại thấy mình sáng suốt. Bởi vì, ông đã kịp thời nhận ra chính mình là vật cản trở trong cái xu hướng mới của công ty. Sự ra đi của ông Út đồng nghiệp khoái chí nhiều hơn luyến tiếc. Ông Út không thấy buồn. Ông cho mình là người sống lỗi thời. Cho nên, ông Út chỉ còn cách tìm nơi cùng thời với mình để sống. Ông Út thấy dân gian nói đúng. Người ta làm quan chỉ có một thời, còn làm dân đến cả một đời. Ông thấy từ giã chiếc ghế công chức, trở về chốn dân dã lại là một điều hay.

Ông Út muốn về quây quần với gia đình. Vì với ông lúc này, mái ấm gia đình là tất cả. Ông Út ao ước một cuộc sống bình dị cùng vợ con ở tuổi xế chiều, nhưng ông lại hoang mang đủ điều. Ông Út lo lắng nhất là cái nhìn của mọi thành viên trong gia đình. Ông Út ngồi nghiền ngẫm, liệu vợ con có xem ông là người thừa thãi không? Bây giờ, đối với ông người trong gia đình lại là một vấn đề rắc rối. Ông Út thấy mình chống chọi với người ngoài còn dễ dàng hơn người trong gia đình.

Ông Út lấy vợ đã ba mươi năm. Hai mươi năm đầu, ông chỉ là nhân viên văn phòng. Cho nên, mọi khoản chi tiêu trong gia đình phải phụ thuộc vào quầy hàng xén của người vợ. Cũng từ những khoản chi tiêu linh tinh đó, ông Út bị xếp vào thành phần lao động phụ. Vợ ông thừa thắng xông lên. Mọi quyền hành trong gia đình, bà đều quyết định. Cũng tại ông Út một phần, thời buổi người ta tranh nhau từng chén cơm manh áo. Ông lại thích sống thanh liêm. Trong khi đó, vợ con ông lại hay so tính thiệt hơn mà xã hội buộc họ phải tuân theo. Chính vì vậy, ông Út thường xuyên mâu thuẫn với gia đình. Như một nếp sống quen thuộc, mọi thành viên trong gia đình đều nhìn ông Út bằng ánh mắt dửng dưng.

Đêm này trằn trọc mãi sang đêm kia, cuối cùng, ông Út mới dám thổ lộ chuyện nghỉ hưu với vợ. Bà vợ nhìn ông sừng sộ, chép chép miệng:

– Ông chưa đủ tuổi. Ông nghỉ ở nhà làm gì?

Ông Út không trả lời được câu hỏi của vợ. Ông không biết giải thích bằng cách nào để vợ con hiểu mình. Từ trước đến giờ là vậy, ông Út không thể nào đem chuyện ngoài đường ngoài sá về nói với vợ. Vì mỗi lần nói chưa đâu vào đâu, bà vợ ông đã nạt dọc nạt ngang. Bà cho ông là khôn nhà dại chợ. Ông Út lại không cần để ý đến những nhận xét ấy của vợ. Bởi vì, ông thấy mình ra xã hội còn giải quyết được bao nhiêu việc. Trong khi sống ở trong nhà, ông nói chẳng ai nghe.

Ngày hôm sau, thằng con trai ông Út hay tin cha đã nghĩ hưu. Nó cứ đi tới đi lui nhìn ông chăm bằm. Miệng lầm bầm:

– Mấy năm nữa mới đủ tuổi hưu, ba tội gì phải nghỉ sớm?

Ông Út phân trần:

– Ba mãi bất đồng ý kiến với đồng nghiệp, khó mà làm việc có hiệu quả.

Nó trừng mắt nhìn ông Út, sửng vửng:

– Con hết chịu nổi rồi. Thời buổi này, con không ngờ lại có người như ba. Ba nói đi, sống khuôn mẫu để được gì?

Dứt lời, nó chỉ tay ra đường. Ông Út đưa mắt nhìn sang bên kia đường. Tòa nhà xanh thẩm, cao sừng sững hiện ra trước mắt ông. Ông Út bất ngờ. Ông không biết tòa nhà đó xuất hiện ở phố này từ bao giờ. Ông Út thấy mình quá tệ. Hàng xóm láng giềng xảy ra chuyện gì, ông bao giờ cũng là người nhận tin sau cùng. Bỗng dưng thằng con trai ông hậm hực, miệng càu nhàu:

– Ông đó chỉ mới trưởng phòng thôi. Ba thấy nhà cửa người ta chưa?

Ông Út ngồi chết lặng. Một lần nữa, với con cái, ông không tìm được một lời giải thích. Ông thấy mình là kẻ bất tài bất lực. Ngay cả thằng con trai ông nó cũng bất mãn cha. Ông Út ngán ngẩm, ngồi trong căn nhà xập xệ, ông Út dáo dác nhìn sang bên đường. Tòa nhà lộng lẫy ấy vẫn đứng bất động trước mắt ông.

Nghỉ hưu chưa được nửa tháng, ông Út đã có ý định về quê sinh sống. Với ông, môi trường này không phải là của mình, vì ngày nào cũng vậy, sáng mở mắt ra, tối nhắm mắt lại cũng chỉ có bấy nhiêu thôi. Một ngày kết thúc xung quanh ông chỉ toàn là danh lợi, thế lực, đồng tiền. Cho nên, đôi khi người ta sinh ra lắm chuyện phi nhân bất nghĩa.

Ý nghĩ về quê sinh sống cứ luôn thúc giục ông Út, một phần do người quay lưng, một phần nhàn rỗi không có việc gì làm. Với ông Út, nỗi đau lớn nhất là thân thích ruột rà, mọi thành viên trong gia đình đã đẩy ông đến con đường cùng quẫn. Cho nên, ông Út mang nặng ý nghĩ về quê cũng phải. Bởi vì với ông Út, trở về quê là trở về với đức tính cổ hữu của dân tộc, nhân nghĩa của họ hàng chòm xóm.

Ông Út lại đem ý định này nói với vợ con trong một buổi cơm chiều. Cả nhà lặng thinh. Họ không khuyên ông nên và cũng không bảo đừng. Chính vì vậy, ông Út phải tự quyết định và thu xếp cho chuyến đi. Một lần nữa ông Út lại thấy mình càng rút lui sớm càng tốt.

Ông Út và ông Hai là hai người còn sống sót lại sau chiến tranh. Người chị gái và người anh trai đã mất tích lúc ông Út còn nhỏ. Tính đi tính lại, ông Hai khổ hơn ông Út nhiều. Người yêu đã bị trúng đạn chết đang lúc đi làm đồng về. Từ đó về sau, ông Hai chỉ sống thui thủi một mình. Trong khi đó, ông Út lên thành phố lập nghiệp và lấy vợ. Những năm sau này, ông Hai thỉnh thoảng lên thăm gia đình em mình, cũng chỉ vì chuyện thất mùa, lũ lụt. Mỗi lần gặp nhau hai anh em mừng lắm. Thế nhưng, mọi người trong gia đình ông Út ai cũng tỏ thái độ ngán ngẩm khi có ông Hai xuất hiện. Ông Hai đã nhận ra. Ông rất ái ngại mỗi khi đến thăm em. Dần dà về sau, những lần lên thăm em, ông Hai rất hạn chế.

VN88

Viết một bình luận