VN88 VN88

Đất nước của người mù

Tai họa tiếp-tục giáng xuống những người dân thưa-thớt, hiếm-hoi của cái thung-lũng trơ-trọi đã bị bỏ quên ấy. Những người già lòa mắt phải sờ-soạng, những đứa bé chỉ nhìn thấy lờ-mờ, còn những đứa sinh ở đây thì hoàn toàn mù tịt. Nhưng đời sống lại rất dễ-dàng trong cái lòng chảo bốn bề tuyết vây, tuyệt-tích với thế-giới bên ngoài : cỏ cây không chông gai, không sâu trùng, dã thú không có mà chỉ có những con đà-mã hiền-lành họ đã lôi kéo được đi theo lòng sông cạn trong những hẻm núi. Mục-lực của họ cứ yếu dần nên họ không để ý đến sự mất mát này. Họ hướng dẫn những đứa trẻ mù lòa di chuyểân khắp nơi trong thung-lũng kỳ đến khi chúng thuộc lòng đường đi lối lại, thành thử khi họ mù hẳn thì dòng giống họ vẫn tồn tại. Họ còn tìm ra cách giữ cho lửa khỏi tắt trong những cái lò bằng đá. Lúc đầu họ chỉ là một cộng đồng mù chữ hơi có liên-quan đến văn-minh Y-pha-nho, pha trộn với một ít ảnh-hưởng của nghệ-thuật và triết-học đã thất truyền của xứ Pérou thời thượng cổ. Đời này qua đời khác, họ đã quên đi rất nhiều điều mà cũng đã phát-minh ra nhiều thứ. Những truyền-thuyết, tập tục của cái thế-giới bao la, nguồn gốc của họ, trở nên mơ-hồ, đượm mầu sắc hoang-đường, thần-thoại. Trừ cặp mắt kém ra thì họ là những con người khỏe mạnh, có năng lực. Thế rồi tình cờ và do huyết thống lưu truyền họ bỗng sinh ra được một người kiệt xuất, có thể đứng ra lên tiếng thu phục họ. Sau đó họ còn sinh thêm được một người thứ hai nữa cũng để lại nhiều ảnh-hưởng sâu đậm. Từ đó, cái tiểu xã-hội của họ trở nên đông đúc hơn và cũng hiểu biết hơn. Họ có thể họp nhau để xử lý những vấn-đề xã-hội hay kinh-tế. Đời này qua đời khác, đời này kế tiếp đời khác, cho đến đời thứ mười lăm kể từ ông tổ mang nén bạc ra đi tìm thánh dược và không bao giờ trở lại. Thế rồi bất ngờ lại có một người từ thế-giới bên ngoài lọt vào được cái thung-lũng tuyệt-tích ấy. Sau đây là chuyện của người này.

Hắn là một sơn nhân ở gần Quito, một người đã từng ra khơi, đi đó đi đây, nhiều lịch-duyệt, một người đọc sách theo kiểu riêng của mình, một người đã tinh quái lại gan dạ. Lúc bấy giờ có một toán người Anh đến Ecuador để leo núi đã thuê hắn thế chân cho một trong ba người hướng-đạo Thụy-sĩ bị ốm. Hắn đã từng leo khá nhiều núi rồi mới thử đến ngọn Paracostopelt trong rặng núi Andes, và lần ấy hắn bị mất tích luôn. Tai nạn này được kể đi kể lại hàng chục lần , nhưng chỉ có chuyện của Pointer thuật là hay nhất. Pointer tả tường-tận những nỗi vất-vả khi cả đoàn phải leo lên con dốc hầu như dựng đứng đến chân một cái vách đá cuối cùng và lớn nhất. Họ đã chật-vật dựng lều trú ẩn ban đêm trên một thạch-bàn giữa vùng tuyết ngập. Pointer có biệt tài kể chuyện khiến mọi người hồi-hộp theo dõi từ khi đoàn thám- hiểm phát-giác sự thất-tung của Nunez ra sao. Họ réo gọi hắn vang ầm lên nhưng không thấy trả lời, họ lại hô hoán thêm và huýt còi, thế rồi suốt nửa đêm ấy không ai chợp mắt được nữa.
Khi trời tảng sáng họ nhìn thấy dấu vết Nunez ngã lăn xuống in hằn trên mặt tuyết. Dường như hắn không kịp kêu lên một tiếng nào. Hắn trượt chân ở mé đông, lăn tuột xuống một khu hoang-sơn. Tít bên dưới, hắn rơi trúng một cái dốc sâu tuyết đóng, tiếp tục lăn-lông-lốc xuống cùng với đám tuyết lở. Vết lăn thẳng đến bờ một cái vực thẳm, sau đó mọi dấu tích đều bị khuất lấp. Xa lắc xa lơ bên dưới, họ lờ-mờ thấy những ngọn cây vươn lên từ một cái thung-lũng nhỏ hẹp bốn bề vách đá . Đấy là cái xứ đã tuyệt-tích của những người mù. Nhưng lúc bấy giờ chưa ai rõ đấy là xứ người mù và họ cũng không phân-biệt được nó với những sơn cốc nhỏ hẹp khác. Nản lòng trước tai nạn bất ngờ này, cả đoàn bỏ cuộc ngay từ trưa hôm ấy. Sau đó, vì chiến-tranh, Pointer phải nhập ngũ trước khi có dịp leo thử một lần nữa. Và cho tới nay, đỉnh Paracostopelt vẫn ngạo-nghễ vươn lên, chưa có ai đặt chân tới được. Cái lều của Pointer trở nên xiêu vẹo, giữa vùng tuyết phủ không kẻ vãng lai.

Nhưng người rơi xuống vực còn sống sót.
Lăn hết cái dốc đầu khoảng ba trăm thước, cuốn theo cả đám tuyết mù, hắn lọt vào một cái dốc tuyết bám khác lại còn dựng ngược hơn cái trên, cơ hồ mất hết tri-giác nhưng may không gẫy một cái xương nào. Sau đó hắn rơi trên những triền dốc thoai-thoải hơn và cuối cùng dừng lại nằm im, vùi sâu trong đống tuyết xốp trắng đã cuốn theo khi hắn lăn xuống và đã cứu hắn. Nunez tỉnh dậy, mơ-màng tưởng mình đang nằm trên giường, nhưng linh-tính của người dân miền sơn cước khiến hắn hiểu ngay hiện tình, liền cựa quậy, lóp-ngóp chui dần ra khỏi đống tuyết và nhìn thấy những ngôi sao nhấp-nháy trên trời. Hắn nằm sóng sượt một lúc, tự hỏi mình đang ở đâu, chuyện gì đã xẩy ra cho mình. Hắn sờ nắn tứ chi, khám phá ra cái áo choàng đã lộn ngược lên trên đầu, khuy đứt gần hết. Con dao găm trong túi rơi lúc nào không biết. Cái mũ buộc chặt dưới cầm cũng mất nốt. Hắn nhớ mang máng lúc ấy đang đi nhặt đá để dựng lều. Cả cái rìu cũng mất tăm mất tích.
Nunez đoán mình đã trượt chân rơi xuống vực và ngửng đầu nhìn lại cái dốc ghê-rợn hắn vừa lăn xuống. Dưới ánh trăng mới mọc, lạnh-lẽo và nhợt-nhạt, cái dốc trông càng rùng-rợn, sâu hun-hút. Trong một lúc, Nunez nằm yên nhìn trừng-trừng lên cái vách đá sừng-sững bên trên, càng lúc càng thấy nó cao ngất-ngưởng, vươn ra khỏi bóng tối đang lùi dần. Vẻ đẹp kỳ-bí, ma quái thu hút Nunez một lúc rồi bỗng hắn bò lăn ra mà cười nức-nở.
Một lúc lâu sau, Nunez nhận thấy mình nằm kề ngay chân cái dốc tuyết đọng. Bên dưới, trăng soi tỏ một cái dốc khác có vẻ dễ đi, Nunez thấy những mảng đen-đen của các bụi cây rậm, mọc chen giữa mấy tảng đá. Hắn gượng đứng dậy, tứ chi ê ẩm, lần mò từng bước khó-khăn từ đống tuyết xốp xuống tới bụi cây rậm rồi lăn kềnh ra thì đúng hơn là nằm, bên một tảng đá lớn, móc túi trong lấy chai nước ra tu ừng-ực rồi thiếp đi ngay.

VN88

Viết một bình luận